Quyết định 292/QĐ-BYT 2024 hướng dẫn về việc chẩn đoán, điều trị bệnh tay chân miệng như thế nào?
Ngày 6/2/2024, Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Quyết định 292/QĐ-BYT 2024 về hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh Tay chân miệng thay thế Quyết định 1003/QĐ-BYT 2012 về hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh tay chân miệng.
Thời gian và phạm vi áp dụng Quyết định 292/QĐ-BYT 2024 như thế nào?
Quyết định 292/QĐ-BYT 2024 có hiệu lực kể từ ngày 06/02/2024.
Theo Điều 2 Quyết định 292/QĐ-BYT 2024, hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh tay chân miệng được áp dụng tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong cả nước.
Quyết định 292/QĐ-BYT về hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh Tay chân miệng áp dụng từ ngày 6/2/2024? (Hình từ Internet)
Người chịu trách nhiệm thi hành Quyết định 292/QĐ-BYT 2024 là ai?
Theo Điều 4 Quyết định 292/QĐ-BYT 2024 về hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh Tay chân miệng quy định về đơn vị chịu trách nhiệm thi hành bao gồm:
- Chánh Văn phòng Bộ, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Cục trưởng của các Vụ/Cục thuộc Bộ Y tế;
- Giám đốc các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực thuộc Bộ Y tế;
- Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Thủ trưởng Y tế các Bộ, ngành;
- Thủ trưởng các đơn vị có liên quan.
Chẩn đoán lâm sàng, cận lâm sàng bệnh tay chân miệng như thế nào?
Căn cứ tại Mục 1, Mục 2 Chương II Hướng dẫn ban hành kèm theo Quyết định 292/QĐ-BYT 2024, việc chẩn đoán lâm sàng, cận lâm sàng bệnh tay chân miệng được thực hiện như sau:
Chẩn đoán lâm sàng:
(1) Triệu chứng lâm sàng:
- Giai đoạn ủ bệnh: 3-7 ngày.
- Giai đoạn khởi phát: từ 1 - 2 ngày với các triệu chứng như sốt nhẹ, mệt mỏi, đau họng, biếng ăn, tiêu chảy vài lần trong ngày.
- Giai đoạn toàn phát: có thể kéo dài 3 -10 ngày với các triệu chứng điển hình của bệnh:
+ Loét miệng: vết loét đỏ hay phỏng nước đường kính 2 - 3mm ở niêm mạc miệng, lợi, lưỡi, gây đau miệng, bỏ ăn, bỏ bú, tăng tiết nước bọt.
+ Sang (tổn) thương đa dạng hồng ban hoặc bóng nước ở lòng bàn tay, khuỷu tay, lòng bàn chân, gối, mông, cùi trỏ; tồn tại trong thời gian ngắn (dưới 7 ngày) sau đó có thể để lại vết thâm, rất hiếm khi loét hay bội nhiễm.
+ Sốt nhẹ.
+ Ăn, bú kém.
+ Biến chứng thần kinh, tim mạch, hô hấp thường xuất hiện sớm từ ngày 2 đến ngày 5, có thể đến ngày 7 của bệnh.
+ Giật mình chới với là dấu hiệu quan trọng báo hiệu biến chứng thần kinh. Trẻ sốt cao hoặc nôn nhiều dễ có nguy cơ biến chứng.
- Giai đoạn lui bệnh: thường từ 3 - 5 ngày sau giai đoạn toàn phát, trẻ hồi phục hoàn toàn nếu không có biến chứng.
(2) Các thể lâm sàng:
- Thể tối cấp: bệnh diễn tiến rất nhanh có các biến chứng nặng như suy tuần hoàn, suy hô hấp, hôn mê dẫn đến tử vong trong vòng 24 - 48 giờ.
- Thể cấp tính với bốn giai đoạn điển hình như trên.
- Thể không điển hình: dấu hiệu phát ban không rõ ràng hoặc chỉ có loét miệng hoặc chỉ có triệu chứng thần kinh, tim mạch, hô hấp mà không phát ban và loét miệng.
Chẩn đoán cận lâm sàng:
(1) Các xét nghiệm cơ bản:
- Công thức máu: Bạch cầu thường trong giới hạn bình thường. Bạch cầu tăng > 16 G/L; đường huyết tăng > 160 mg% (8,9 mmol/L) hay tiểu cầu tăng > 400 G/L thường liên quan đến biến chứng.
- Protein C phản ứng (CRP) (nếu có điều kiện) trong giới hạn bình thường (< 10 mg/L).
- Đường huyết, điện giải đồ, X-quang phổi đối với các trường hợp có biến chứng từ độ 2b.
(2) Các xét nghiệm theo dõi, phát hiện biến chứng:
- Khí máu khi có suy hô hấp.
- Troponin I, siêu âm tim khi có nhịp tim nhanh ≥ 150 lần/phút, nghi ngờ viêm cơ tim hoặc sốc.
- Dịch não tủy:
+ Chỉ định chọc dò tủy sống khi nghi ngờ có các dấu hiệu tổn thương thần kinh.
+ Xét nghiệm Protein bình thường hoặc tăng, số lượng tế bào trong giới hạn bình thường hoặc tăng, có thể là bạch cầu đơn nhân hay bạch cầu đa nhân ưu thế.
(3) Xét nghiệm phát hiện vi rút (nếu có điều kiện) từ độ 2b trở lên hoặc cần chẩn đoán phân biệt:
- Lấy bệnh phần hầu họng, phỏng nước, trực tràng, dịch não tủy để thực hiện xét nghiệm RT-PCR hoặc phân lập vi rút chẩn đoán xác định nguyên nhân.
- Test nhanh kháng thể IgM EV71: từ ngày thứ 4 trở đi đối với trường hợp bệnh TCM từ độ 3 trở lên kèm bệnh cảnh lâm sàng không điển hình và không có điều kiện làm PCR.
(4) Chụp cộng hưởng từ não: thực hiện khi có điều kiện cho các trường hợp nghi ngờ có biến chứng tổn thương thần kinh.
Biện pháp phòng bệnh tay chân miệng ra sao?
Tại Chương IV Hướng dẫn ban hành kèm theo Quyết định 292/QĐ-BYT 2024 hướng dẫn phòng bệnh tay chân miệng như sau:
(1) Nguyên tắc phòng bệnh:
- Trên thế giới hiện nay đã có vắc xin phòng bệnh.
- Áp dụng các biện pháp phòng ngừa chuẩn và phòng ngừa đối với bệnh lây qua đường tiêu hoá, đặc biệt chú ý tiếp xúc trực tiếp với nguồn lây.
(2) Phòng bệnh tại các cơ sở y tế:
- Cách ly theo nhóm bệnh.
- Nhân viên y tế: mang khẩu trang, rửa, sát khuẩn tay trước và sau khi chăm sóc.
- Khử khuẩn bề mặt, giường bệnh, buồng bệnh bằng Cloramin B 2%. Lưu ý khử khuẩn các ghế ngồi của bệnh nhân và thân nhân tại khu khám bệnh.
- Xử lý chất thải, quần áo, khăn trải giường của bệnh nhân và dụng cụ chăm sóc sử dụng lại theo quy trình phòng bệnh lây qua đường tiêu hoá.
(3) Phòng bệnh ở cộng đồng:
- Vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng (đặc biệt sau khi thay quần áo, tã, sau khi tiếp xúc với phân, nước bọt).
- Rửa sạch đồ chơi, vật dụng, sàn nhà.
- Lau sàn nhà bằng dung dịch khử khuẩn Cloramin B 2% hoặc các dung dịch khử khuẩn khác.
- Hạn chế tiếp xúc trẻ bệnh tại nhà.
- Không đến nhà trẻ, trường học, nơi các trẻ chơi tập trung trong 7 - 10 ngày đầu của bệnh.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Kiểm tra chứng từ đối với chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa nhập khẩu được thực hiện thế nào?
- Có được tự chế bình xịt hơi cay mini tự vệ vào ban đêm không? Trang bị bình xịt hơi cay bên người có bị phạt không?
- Kết thúc xây dựng Khu kinh tế quốc phòng là gì? Kết thúc xây dựng Khu kinh tế quốc phòng trong trường hợp nào?
- Người thực hiện vận chuyển bình xịt hơi cay có số lượng lớn qua biên giới có bị phạt tù hay không?
- Phần mềm Họp không giấy của Kiểm toán nhà nước được xây dựng nhằm mục đích gì? Được quản lý tập trung ở đâu?