Quy trình giải quyết tố cáo đối với tổ chức đảng trực thuộc Trung ương và đảng viên là cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý mới nhất 2024?
Quy trình giải quyết tố cáo đối với tổ chức đảng trực thuộc Trung ương và đảng viên là cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý mới nhất 2024?
Căn cứ Quy trình giải quyết tố cáo đối với tổ chức đảng trực thuộc Trung ương và đảng viên là cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý kèm theo Quyết định 164-QĐ/TW năm 2024 quy định Bước chuẩn bị, Bước tiến hành, Bước kết thúc như sau:
- Bước 1: Bước chuẩn bị
(1) Thành lập đoàn giải quyết tố cáo và xây dựng kế hoạch giải quyết tố cáo:
- Uỷ ban Kiểm tra Trung ương (hoặc cơ quan tham mưu, giúp việc Bộ Chính trị, Ban Bí thư được Thường trực Ban Bí thư giao) làm việc với người tố cáo để xác định rõ danh tính, địa chỉ người tố cáo; tổ chức đảng, đảng viên bị tố cáo và nội dung tố cáo; tham mưu thành lập đoàn giải quyết tố cáo (sau đây gọi là đoàn kiểm tra) và kế hoạch giải quyết tố cáo.
- Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành quyết định thành lập đoàn và kế hoạch giải quyết tố cáo, căn cứ tính chất, nội dung tố cáo để quyết định trưởng đoàn, thành phần, số lượng thành viên đoàn kiểm tra cho phù hợp.
Kế hoạch giải quyết tố cáo phải xác định rõ mục đích, yêu cầu, nội dung, đối tượng, mốc thời gian, phương pháp, thời gian tiến hành... Thời hạn giải quyết tố cáo không quá 180 ngày kể từ ngày ban hành quyết định thành lập đoàn kiểm tra, trường hợp cần thiết có thể quyết định gia hạn thời gian giải quyết nhưng không quá 60 ngày.
(2) Đoàn kiểm tra nghiên cứu đơn tố cáo, xây dựng đề cương yêu cầu tổ chức đảng, đảng viên bị tố cáo báo cáo giải trình; dự kiến lịch làm việc của đoàn kiểm tra, nội quy hoạt động, phân công nhiệm vụ từng thành viên đoàn kiểm tra; chuẩn bị các văn bản, tài liệu có liên quan.
(3) Văn phòng Trung ương Đảng bảo đảm kinh phí và các điều kiện cần thiết phục vụ đoàn kiểm tra thực hiện nhiệm vụ.
- Bước 2: Bước tiến hành
(1) Đoàn kiểm tra hoặc đại diện đoàn kiểm tra triển khai quyết định, kế hoạch giải quyết tố cáo, thống nhất lịch làm việc với tổ chức đảng, đảng viên bị tố cáo và đại diện tổ chức đảng quản lý đảng viên; yêu cầu tổ chức đảng, đảng viên bị tố cáo chuẩn bị báo cáo theo đề cương, cung cấp hồ sơ, tài liệu; chỉ đạo tổ chức, cá nhân có liên quan phối hợp thực hiện.
(2) Tổ chức đảng, đảng viên bị tố cáo chuẩn bị báo cáo giải trình bằng văn bản và hồ sơ; tài liệu có liên quan gửi Bộ Chính trị, Ban Bí thư (qua đoàn kiểm tra).
(3) Đoàn kiểm tra thẩm tra, xác minh:
- Đoàn kiểm tra nghiên cứu báo cáo, hồ sơ, tài liệu và chứng cứ nhận được; tiến hành thẩm tra, xác minh, làm việc với người tố cáo, các tổ chức, cá nhân có liên quan đến nội dung tố cáo và tổ chức đảng, đảng viên bị tố cáo.
Trong quá trình thẩm tra, xác minh, đoàn kiểm tra gặp và làm việc trực tiếp với người tố cáo (nếu cần) để xác định lại, giải trình, bổ sung và làm rõ thêm về nội dung tố cáo;
Hướng dẫn người tố cáo thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình; thực hiện các biện pháp bảo vệ người tố cáo theo quy định.
Khi cần điều chỉnh, bổ sung về nội dung, thời gian giải quyết, yêu cầu cần đánh giá, thẩm định, giám định chuyên môn, kỹ thuật của các cơ quan chức năng để làm căn cứ kết luận nội dung tố cáo thì đoàn kiểm tra báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, quyết định.
- Đoàn kiểm tra xây dựng dự thảo báo cáo kết quả giải quyết tố cáo.
Trường hợp vi phạm đã rõ, đến mức phải kỷ luật và tổ chức đảng, đảng viên bị tố cáo tự giác kiểm điểm và nhận hình thức kỷ luật tương xứng với hành vi vi phạm thì trưởng đoàn kiểm tra báo cáo Thường trực Ban Bí thư cho kết hợp thực hiện quy trình thi hành kỷ luật cùng với quy trình giải quyết tố cáo (thực hiện quy trình kép).
Trong khi thực hiện kiểm tra, xác minh nếu phát hiện tổ chức đảng, đảng viên bị tố cáo có dấu hiệu vi phạm khác thì trưởng đoàn báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, quyết định chuyển sang kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm hoặc giao Ủy ban Kiểm tra Trung ương kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm;
Đưa kết luận nội dung tố cáo vào báo cáo kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm để xem xét, kết luận chung; đồng thời lập hồ sơ kết thúc việc giải quyết tố cáo.
(4) Tổ chức hội nghị thông qua báo cáo kết quả giải quyết tố cáo (tổ chức đảng bị tố cáo, tổ chức đảng trực tiếp quản lý đảng viên bị tố cáo chủ trì tổ chức và ghi biên bản hội nghị).
- Thành phần: Đoàn kiểm tra, tổ chức đảng, đảng viên bị tố cáo và đại diện tổ chức đảng trực tiếp quản lý đảng viên bị tố cáo (trưởng đoàn kiểm tra quyết định tổ chức đảng chủ trì tổ chức, hội nghị, thành phần tham dự),
- Nội dung: Đoàn kiểm tra thông qua báo cáo kết quả giải quyết tố cáo; tổ chức đảng, đảng viên bị tố cáo trình bày ý kiến giải trình, tự nhận hình thức kỷ luật (nếu có); hội nghị thảo luận, tham gia ý kiến; bỏ phiếu đề nghị hình thức kỷ luật (nếu có).
(5) Đoàn kiểm tra tiếp tục thẩm tra, xác minh những nội dung chưa rõ hoặc có ý kiến khác nhau; hoàn chỉnh dự thảo báo cáo kết quả giải quyết tố cáo.
(6) Đoàn kiểm tra phối hợp với Văn phòng Trung ương Đảng báo cáo Thường trực Ban Bí thư quyết định thời gian, thành phần hội nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư; gửi báo cáo giải quyết tố cáo và hồ sơ, tài liệu đến các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư theo Quy chế làm việc.
- Bước 3: Bước kết thúc
(1) Hội nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, kết luận (nếu thuộc thẩm quyền giải quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng thì đoàn kiểm tra báo cáo Bộ Chính trị cho ý kiến chỉ đạo trước khi trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng).
- Thành phần tham dự: Bộ Chính trị hoặc Ban Bí thư hoặc Ban Chấp hành Trung ương Đảng; đại diện đoàn kiểm tra; đại diện lãnh đạo Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng, Ban Tổ chức Trung ương, các cơ quan Trung ương của Đảng và tổ chức đảng, đảng viên có liên quan.
- Nội dung: Đoàn kiểm tra báo cáo kết quả giải quyết tố cáo; trình bày đầy đủ ý kiến của tổ chức đảng, đảng viên bị tố cáo và người tố cáo, các tổ chức đảng, đảng viên có liên quan. Hội nghị thảo luận, kết luận; bỏ phiếu quyết định hình thức kỷ luật hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm (nếu thực hiện quy trình kép).
- Đoàn kiểm tra hoàn thiện thông báo kết luận giải quyết tố cáo, quyết định kỷ luật hoặc báo cáo đề nghị cấp có thẩm quyền thi hành kỷ luật trình Thường trực Ban Bí thư ký, ban hành.
(2) Uỷ quyền cho đoàn kiểm tra thông báo kết luận giải quyết tố cáo và quyết định kỷ luật (nếu có) đến tổ chức đảng, đảng viên bị tố cáo và các tổ chức, cá nhân có liên quan hoặc triển khai thực hiện quy trình thi hành kỷ luật (nếu có).
Đại diện đoàn kiểm tra phối hợp với Văn phòng Trung ương Đảng thông báo kết luận giải quyết tố cáo bằng hình thức thích hợp cho người tố cáo biết.
(3) Đoàn kiểm tra họp rút kinh nghiệm, hoàn chỉnh hồ sơ bàn giao cho Văn phòng Trung ương Đảng lưu trữ theo quy định.
(4) Giao Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đôn đốc, giám sát đối tượng bị tố cáo và các tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện kết luận giải quyết tố cáo và quyết định kỷ luật (nếu có).
Quy trình giải quyết tố cáo đối với tổ chức đảng trực thuộc Trung ương và đảng viên là cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý mới nhất 2024? (Hình ảnh Internet)
Đảng viên vi phạm pháp luật bị thi hành kỷ luật thế nào?
Căn cứ tại khoản 2 Điều 17 Quy định 22-QĐ/TW năm 2021 về công tác kiểm tra giám sát và kỷ luật của Đảng do Ban Chấp hành Trung ương ban hành, theo đó:
Về thi hành kỷ luật đối với đảng viên vi phạm pháp luật
....
2. Đảng viên bị khởi tố, truy tố hoặc bị tạm giam hoặc do cơ quan thanh tra, kiểm toán cung cấp nội dung vi phạm pháp luật thì tổ chức đảng có thẩm quyền chủ động, kịp thời kiểm tra, kết luận và xem xét, xử lý kỷ luật đảng viên có vi phạm đến mức phải xử lý, không chờ kết luận hoặc tuyên án của toà án hoặc kết luận của cơ quan thanh tra, kiểm toán; không cần quyết định cho đảng viên, cấp ủy viên trở lại sinh hoạt mới xem xét, xử lý kỷ luật. Sau khi có bản án hoặc quyết định của toà án hoặc kết luận của cơ quan thanh tra, kiểm toán, nếu thấy cần thiết, tổ chức đảng có thẩm quyền kỷ luật xem xét lại việc kỷ luật đảng đối với đảng viên đó.
Như vậy, Đảng viên vi phạm pháp luật sẽ bị xem xét, xử lý kỷ luật mà không chờ kết luận hoặc tuyên án của toà án hoặc kết luận của cơ quan thanh tra, kiểm toán.
Có mấy hình thức kỷ luật đối với tổ chức đảng, đảng viên vi phạm?
Căn cứ Điều 7 Quy định 69-QĐ/TW năm 2022 quy định hình thức kỷ luật như sau:
- Đối với tổ chức đảng: Khiển trách, cảnh cáo, giải tán.
- Đối với đảng viên chính thức: Khiển trách, cảnh cáo, cách chức (nếu có chức vụ), khai trừ.
- Đối với đảng viên dự bị: Khiển trách, cảnh cáo.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mục tiêu của giáo dục đại học là gì? Phát triển giáo dục đại học nhằm mục đích gì theo quy định?
- Viết bài văn tả con vật trên tivi lớp 4? Tả con vật em đã được quan sát trên ti vi lớp 4 hay nhất?
- Phạm vi hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân được quy định như thế nào? Bộ máy giúp việc của Quỹ Hỗ trợ nông dân gồm có ai?
- Tải mẫu biên bản cuộc họp công ty năm 2025 hoàn chỉnh? File Word biên bản cuộc họp công ty mới nhất?
- Gợi ý quà Tết dương lịch 2025? Những món quà tặng Tết dương lịch 2025 ý nghĩa? Tết Dương lịch 2025 vào ngày mấy âm lịch?