Nộp phạt vi phạm giao thông online tại Cổng Dịch vụ công Quốc gia ra sao? Thời hạn nộp phạt vi phạm là khi nào?
Trình tự giải quyết, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ qua Cổng dịch vụ công Quốc gia ra sao?
Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 27 Thông tư 32/2023/TT-BCA, trường hợp người vi phạm giao thông đường bộ thực hiện nộp phạt vi phạm giao thông online trên Cổng dịch vụ công thì trình tự xử lý, nộp phạt như sau:
- Người có thẩm quyền xử phạt gửi thông tin xử phạt lên Cổng dịch vụ công;
Khi đó, Cổng dịch vụ công tự động thông báo cho người vi phạm tra cứu thông tin quyết định xử phạt vi phạm hành chính thông qua số điện thoại người vi phạm đã đăng ký với cơ quan Công an tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính;
- Người vi phạm truy cập vào Cổng dịch vụ công thông qua số quyết định xử phạt vi phạm hành chính đã được thông báo hoặc số biên bản vi phạm hành chính để tra cứu thông tin quyết định xử phạt vi phạm hành chính; nộp tiền xử phạt vi phạm hành chính, đăng ký nhận lại giấy tờ bị tạm giữ qua dịch vụ bưu chính công ích;
- Người có thẩm quyền xử phạt tra cứu biên lai điện tử thu tiền xử phạt vi phạm hành chính được hệ thống Cổng dịch vụ công gửi về để in, lưu hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính và làm căn cứ trả lại giấy tờ bị tạm giữ theo quy định của pháp luật;
- Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trả lại giấy tờ bị tạm giữ, hết thời hạn tước cho người vi phạm qua dịch vụ bưu chính công ích.
Nộp phạt vi phạm giao thông online tại Cổng Dịch vụ công Quốc gia ra sao? Thời hạn nộp phạt vi phạm là khi nào? (Hình từ Internet)
Các bước nộp phạt vi phạm giao thông online tại Cổng Dịch vụ công Quốc gia ra sao?
Các bước nộp phạt vi phạm giao thông online tại Cổng Dịch vụ công Quốc gia như sau:
Bước 1: Truy cập Cổng Dịch vụ công Quốc gia (https://dichvucong.gov.vn) => chọn menu tại góc trên cùng Cổng dịch vụ => chọn "Thanh toán trực tuyến" => chọn "Nộp phạt xử lý vi phạm hành chính" (nếu là công dân hoặc doanh nghiệp thì chọn vào cột tương ứng) => chọn "Tra cứu thanh toán vi phạm giao thông".
Bước 2: Nhập số liệu:
- Trường hợp tra cứu theo mã Quyết định: Tích chọn mục "Cảnh sát giao thông" => nhập số quyết định => nhập mã bảo mật.
- Trường hợp tra cứu theo biên bản vi phạm: Nhập "Số biên bản" => nhập "Họ tên người dân/Tên doanh nghiệp/Tên tổ chức vi phạm" => tích chọn mục "Cảnh sát giao thông" => chọn theo "tỉnh/thành phố" => chọn "đơn vị lập biên bản xử phạt" => chọn "ngày vi phạm" => nhập mã bảo mật.
Bước 3: Chọn "Tra cứu" sẽ hiện ra thông báo các nội dung: Số Quyết định xử phạt, ngày ra quyết định xử phạt, hành vi vi phạm, số tiền phạt.
Bước 4: Chọn hình thức "thanh toán và nhận kết quả tại cơ quan xử phạt" hoặc "thanh toán và nhận kết quả tại nhà" (đối với trường hợp thanh toán và nhận kết quả tại nhà thì người vi phạm phải có tài khoản truy cập Cổng dịch vụ công Quốc gia).
Bước 5: Nhận giấy tờ tại nhà hoặc tại cơ quan xử phạt.
Thời gian nộp phạt vi phạm giao thông là là khi nào?
Theo khoản 2 Điều 68 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định như sau:
Nội dung quyết định xử phạt vi phạm hành chính
...
2. Thời hạn thi hành quyết định là 10 ngày, kể từ ngày nhận quyết định xử phạt; trường hợp quyết định xử phạt có ghi thời hạn thi hành nhiều hơn 10 ngày thì thực hiện theo thời hạn đó.
...
Theo quy định tại khoản 1 Điều 78 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 (được sửa đổi bởi khoản 39 Điều 1 Luật Sửa đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính 2020) như sau:
Thủ tục nộp tiền phạt
1. Trong thời hạn thi hành quyết định xử phạt theo quy định tại khoản 2 Điều 68 hoặc khoản 2 Điều 79 của Luật này, cá nhân, tổ chức bị xử phạt phải nộp tiền phạt tại Kho bạc Nhà nước hoặc nộp vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước được ghi trong quyết định xử phạt, trừ trường hợp đã nộp tiền phạt theo quy định tại khoản 2 Điều này. Nếu quá thời hạn nêu trên sẽ bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt và cứ mỗi ngày chậm nộp tiền phạt thì cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp thêm 0,05% tính trên tổng số tiền phạt chưa nộp.
2. Tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, miền núi mà việc đi lại gặp khó khăn thì cá nhân, tổ chức bị xử phạt có thể nộp tiền phạt cho người có thẩm quyền xử phạt. Người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm thu tiền phạt tại chỗ và nộp tại Kho bạc Nhà nước hoặc nộp vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước trong thời hạn không quá 07 ngày, kể từ ngày thu tiền phạt.
Trường hợp xử phạt trên biển hoặc ngoài giờ hành chính, người có thẩm quyền xử phạt được thu tiền phạt trực tiếp và phải nộp tại Kho bạc Nhà nước hoặc nộp vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày vào đến bờ hoặc ngày thu tiền phạt.
...
Theo khoản 2 Điều 79 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định như sau:
Nộp tiền phạt nhiều lần
1. Việc nộp tiền phạt nhiều lần được áp dụng khi có đủ các điều kiện sau đây:
...
2. Thời hạn nộp tiền phạt nhiều lần không quá 06 tháng, kể từ ngày quyết định xử phạt có hiệu lực; số lần nộp tiền phạt tối đa không quá 03 lần.
Mức nộp phạt lần thứ nhất tối thiểu là 40% tổng số tiền phạt.
Như vậy, trừ một số trường hợp đặc biết, thông thường thời hạn nộp phạt vi phạm giao thông là 10 ngày, kể từ ngày nhận quyết định xử phạt; trường hợp quyết định xử phạt có ghi thời hạn thi hành nhiều hơn 10 ngày thì thực hiện theo thời hạn đó.
Ngoài ra, thời hạn nộp tiền phạt nhiều lần không quá 06 tháng, kể từ ngày quyết định xử phạt có hiệu lực; số lần nộp tiền phạt tối đa không quá 03 lần.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Từ chối chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong trường hợp nào? Từ chối chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định CPTPP ra sao?
- Trọng tài quy chế là gì? Nguyên đơn làm đơn khởi kiện có được áp dụng giải quyết tranh chấp bằng trọng tài quy chế không?
- Kiểm tra chứng từ đối với chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa nhập khẩu được thực hiện thế nào?
- Có được tự chế bình xịt hơi cay mini tự vệ vào ban đêm không? Trang bị bình xịt hơi cay bên người có bị phạt không?
- Kết thúc xây dựng Khu kinh tế quốc phòng là gì? Kết thúc xây dựng Khu kinh tế quốc phòng trong trường hợp nào?