Nhà nước sẽ quản lý về chợ như thế nào theo Dự thảo Nghị định mới của Chính phủ?
Nội dung quản lý nhà nước về chợ ra sao?
Theo Điều 41 Dự thảo Nghị định phát triển và quản lý chợ (Dự thảo 2) thì nội dung quản lý nhà nước về chợ như sau:
- Xây dựng và chỉ đạo thực hiện quy hoạch, kế hoạch, phương án, chương trình phát triển chợ từng thời kỳ phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội địa phương, khu vực, quốc gia, đáp ứng nhu cầu sản xuất, lưu thông hàng hóa và tiêu dùng của nhân dân.
- Xây dựng, ban hành, hướng dẫn, phổ biến và tổ chức thực hiện các chính sách về đầu tư, xây dựng, khai thác và quản lý hoạt động chợ, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về chợ.
- Quản lý các chợ theo quy định về phân cấp quản lý.
- Chỉ đạo, hướng dẫn các Ban Quản lý chợ, doanh nghiệp/hợp tác xã kinh doanh khai thác và quản lý chợ về chính sách, nghiệp vụ quản lý chợ.
- Tổ chức tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và luật pháp của Nhà nước cho các tổ chức, cá nhân có liên quan.
- Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý, phát triển chợ.
- Thanh tra, kiểm tra, đánh giá tình hình hoạt động, phối hợp giải quyết khiếu nại, tố cáo, khen thưởng và xử lý các vi phạm về hoạt động chợ.
Nhà nước sẽ quản lý về chợ như thế nào theo Dự thảo Nghị định mới của Chính phủ?
Trách nhiệm của các Bộ, ngành về quản lý chợ được quy định như thế nào?
Theo Điều 42 Dự thảo Nghị định phát triển và quản lý chợ (Dự thảo 2) thì trách nhiệm của các Bộ, ngành được quy định như sau:
- Bộ Công Thương:
+ Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu trình Chính phủ ban hành, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách về phát triển và quản lý chợ.
+ Chỉ đạo, tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ quản lý chợ.
+ Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt các chương trình, nhiệm vụ, kế hoạch phát triển chợ trong từng thời kỳ.
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và Bộ, ngành liên quan:
+ Hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ vốn đầu tư xây dựng chợ từ nguồn ngân sách nhà nước và chính sách khuyến khích, ưu đãi đối với các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng chợ theo quy định hiện hành.
+ Rà soát, xem xét sửa đổi, bổ sung, ban hành cơ chế chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư đối với các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng chợ.
+ Xây dựng, hướng dẫn và chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng, sửa đổi, bổ sung các nội dung quy hoạch liên quan đến chợ theo quy định của pháp luật.
+ Hướng dẫn thực hiện các nội dung về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư đối với các dự án về chợ.
+ Giám sát, thanh tra, giải quyết các khiếu nại, tố cáo liên quan đến các nội dung quy hoạch liên quan đến chợ.
- Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ, ngành liên quan:
+ Hướng dẫn về: cơ chế tài chính, định giá tài sản của nhà nước; đấu giá áp dụng cho việc chuyển đổi các ban quản lý chợ (đối với các loại chợ do Nhà nước đầu tư hoặc hỗ trợ đầu tư) sang doanh nghiệp hoặc hợp tác xã kinh doanh, quản lý chợ; giá dịch vụ diện tích bán hàng tại chợ.
+ Rà soát, xem xét sửa đổi, bổ sung, ban hành cơ chế chính sách khuyến khích, ưu đãi về tín dụng đầu tư, về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng chợ.
+ Hướng dẫn Ủy ban nhân dẫn cấp tỉnh chế độ quản lý, sử dụng, khai thác tài sản chợ phù hợp với Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
+ Rà soát, xem xét sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách về giá dịch vụ diện tích bán hàng tại chợ phù hợp với tình hình thực tiễn.
+ Quy định chế độ quản lý, tính hao mòn, trích khấu hao và hướng dẫn việc kê khai, báo cáo tình hình quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng chợ;
+ Quy định cụ thể về xác định giá khởi điểm cho thuê quyền khai thác, chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng chợ do nhà nước đầu tư hoặc hỗ trợ đầu tư.
+ PA1: Chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương xây dựng cơ sở dữ liệu về tài sản kết cấu hạ tầng chợ do nhà nước đầu tư hoặc hỗ trợ đầu tư trên phạm vi cả nước và tích hợp vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công.
PA2: Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng cơ sở dữ liệu về tài sản kết cấu hạ tầng chợ do nhà nước đầu tư hoặc hỗ trợ đầu tư trên phạm vi cả nước và tích hợp vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công.
- Bộ Nội vụ:
Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, ngành liên quan hướng dẫn chế độ đối với cán bộ, nhân viên thuộc ban quản lý chợ trong biên chế nhà nước khi chuyển sang doanh nghiệp hoặc hợp tác xã kinh doanh quản lý chợ.
- Bộ Xây dựng:
+ Chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ, ngành liên quan xây dựng hoặc sửa đổi, bổ sung các quy định về tiêu chuẩn – thiết kế các loại hình chợ.
+ Hướng dẫn, chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc lập và đồng bộ các quy hoạch có liên quan.
+ Chủ trì xây dựng tiêu chuẩn định mức kỹ thuật, ban hành chế độ, quy trình bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng chợ do nhà nước đầu tư hoặc hỗ trợ đầu tư;
- Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ, ngành liên quan:
+ Hướng dẫn, chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc lập quy hoạch sử dụng đất, dành quỹ đất và sử dụng đất để đầu tư xây dựng chợ.
+ Hướng dẫn, chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong công tác bảo đảm vệ sinh môi trường tại chợ.
+ Chủ trì, phối hợp kiểm tra, giám sát việc sử dụng đất chợ theo quy định.
- Bộ Y tế:
Chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, các Bộ, ngành liên quan hướng dẫn, chỉ đạo và có chính sách hỗ trợ Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh tại chợ.
- Bộ Công an:
+ Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan hướng dẫn, chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong công tác phòng cháy, chữa cháy tại chợ; trong việc bảo đảm an toàn trật tự xã hội, việc kiểm soát rủi ro, hệ lụy tiêu cực và hạn chế tác động/ảnh hưởng tới cộng đồng vào ban đêm.
+ Phối hợp với các Bộ có liên quan trong việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung các nội dung quy hoạch liên quan đến chợ đảm bảo không vi phạm an ninh quốc gia theo quy định của pháp luật.
+ Rà soát, sửa đổi quy định liên quan về ngành nghề kinh doanh có điều kiện tạo điều kiện cho phát triển chợ đêm.
- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch:
Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương trong việc thúc đẩy, gắn kết các hoạt động du lịch, quảng bá đối với các chợ truyền thống mang tích lịch sử, văn hóa, chợ đêm; có chính sách bảo tồn kiến trúc đối với các chợ truyền thống thuộc danh mục công trình kiến trúc văn hóa cần bảo tồn.
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương thực hiện trách nhiệm theo quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm.
- Liên minh Hợp tác xã Việt Nam:
Chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan tuyên truyền, phổ biến trong khu vực kinh tế tập thể về pháp luật, chính sách phát triển, quản lý chợ và mô hình hợp tác xã kinh doanh, quản lý chợ hoạt động có hiệu quả.
Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp về quản lý chợ được quy định như thế nào?
Theo Điều 43 Dự thảo Nghị định phát triển và quản lý chợ (Dự thảo 2) thì Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm chỉ đạo việc tích hợp quy hoạch phát triển chợ vào quy hoạch tỉnh theo các quy định hiện hành, quản lý đầu tư xây dựng chợ theo phân cấp về đầu tư xây dựng cơ bản, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về chợ và các quy định sau:
- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh:
+ Thực hiện phân cấp quản lý chợ cho Ủy ban nhân dân các cấp phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.
+ Xây dựng quy hoạch tỉnh trong đó bao gồm phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai theo khu chức năng và theo loại đất đến từng đơn vị cấp huyện để đầu tư xây dựng chợ. Lấy ý kiến cơ quan chuyên môn đối với các nội dung xây dựng, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch đối với chợ đầu mối cấp vùng.
+ Ban hành kế hoạch phát triển chợ phù hợp với các quy định có liên quan; chủ động bố trí nguồn vốn từ ngân sách địa phương để cải tạo, nâng cấp, đầu tư xây dựng chợ theo quy định hiện hành.
+ Quy định cụ thể về việc sử dụng, thuê điểm kinh doanh tại chợ theo quy định tại Điều 12 Nghị định này.
+ Ban hành Nội quy chợ mẫu theo quy định tại Điều 11 Nghị định này và phê duyệt hoặc phân cấp phê duyệt Nội quy chợ.
+ Ban hành các cơ chế, chính sách và giải pháp nhằm huy động, khai thác các nguồn lực để phát triển mạng lưới chợ.
+ Chỉ đạo thực hiện các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các chợ trên địa bàn tỉnh.
+ Quy định trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp trong việc xóa bỏ chợ tự phát.
+ Rà soát, nghiên cứu, xây dựng chính sách phát triển chợ đêm, chợ cộng đồng, chợ di tích lịch sử, văn hóa, cảnh quan kiến trúc trên địa bàn. Xem xét quy hoạch khu vực, địa điểm có khả năng phát triển chợ đêm, chợ cộng đồng, chợ di tích lịch sử, văn hóa, cảnh quan kiến trúc đảm bảo an toàn giao thông, an ninh trật tự.
+ Định kỳ hoặc đột xuất báo cáo Bộ Công Thương về tình hình phát triển và quản lý chợ trên địa bàn.
+ Ban hành theo thẩm quyền chế độ quản lý, sử dụng, khai thác tài sản chợ phù hợp với Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
+ Chỉ đạo các Sở, ngành tại địa phương giám sát việc thực hiện các quy định về phòng cháy chữa cháy, an ninh trật tự.
+ Chỉ đạo, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật và chính sách về phát triển, quản lý chợ.
+ Chỉ đạo rà soát, phân loại, lập hồ sơ, kế toán tài sản kết cấu hạ tầng chợ do nhà nước đầu tư hoặc hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh theo quy định tại Nghị định này và pháp luật có liên quan;
+ Chỉ đạo việc đăng nhập, chuẩn hóa dữ liệu tài sản kết cấu hạ tầng chợ do nhà nước đầu tư hoặc hỗ trợ đầu tư; báo cáo tình hình quản lý, sử dụng khai thác tài sản chợ do nhà nước đầu tư hoặc hỗ trợ đầu tư theo quy định tại Nghị định này;
+ Chỉ đạo, kiểm tra việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng chợ do nhà nước đầu tư hoặc hỗ trợ đầu tư theo quy định tại Nghị định này và pháp luật có liên quan;
+ Chỉ đạo cơ quan chuyên môn về chợ định kỳ hàng năm thực hiện việc rà soát, đánh giá tình hình quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng chợ do nhà nước đầu tư hoặc hỗ trợ đầu tư trên địa bàn để lập phương án khai thác tài sản báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt;
+ Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện các biện pháp phối hợp, kiểm tra, giám sát tình hình quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng chợ do nhà nước đầu tư hoặc hỗ trợ đầu tư theo quy định tại Nghị định này;
+ Chỉ đạo việc vận hành chợ thông suốt, liên tục, không bị gián đoạn làm ảnh hưởng đến đời sống nhân dân trong thời gian thực hiện việc rà soát, phân loại tài sản chợ do nhà nước đầu tư hoặc hỗ trợ đầu tư; thực hiện các thủ tục liên quan đến việc khai thác tài sản (bán/giao có hoàn trả giá trị tài sản/cho thuê quyền khai thác/chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác).
- Ủy ban nhân dân cấp huyện:
+ Thực hiện quản lý chợ theo phân cấp của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
+ Có trách nhiệm quản lý và thực hiện các phương án chuyển đổi mô hình quản lý chợ theo phương án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
+ Tổ chức kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật và chính sách về phát triển, quản lý chợ; tổ chức thực hiện các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các chợ trên địa bàn huyện.
+ Ủy ban nhân dân cấp huyện phối hợp, kiểm tra, giám sát tình hình quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng chợ do nhà nước đầu tư hoặc hỗ trợ đầu tư theo quy định tại Nghị định này.
- Ủy ban nhân dân cấp xã:
+ Thực hiện quản lý chợ theo phân cấp của Ủy ban nhân dân cấp trên.
+ Có trách nhiệm quản lý và thực hiện các phương án chuyển đổi ban quản lý hoặc tổ quản lý các chợ theo phân cấp quản lý sang doanh nghiệp hoặc hợp tác xã kinh doanh, quản lý chợ đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
+ Phối hợp với các cơ quan có liên quan thực hiện các nội dung thuộc thẩm quyền liên quan tới quản lý về chợ theo quy định.
Tải về văn bản Dự thảo Nghị định về phát triển và quản lý chợ tại đây.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Tổng hợp tổng mức đầu tư xây dựng của dự án trong trường hợp nào? Được xác định như thế nào theo Thông tư 11?
- Chủ sở hữu của tổ chức tài chính vi mô là ai? Chủ sở hữu của tổ chức tài chính vi mô phải đáp ứng điều kiện gì?
- Giám sát trưởng của tổ chức tư vấn giám sát thi công xây dựng hạng 3 phải có chứng chỉ hành nghề hạng mấy?
- Hồ sơ, thủ tục thành lập doanh nghiệp tư nhân sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ bao gồm các loại giấy tờ nào?
- Mẫu Biên bản kiểm tra giám sát đảng viên mới nhất? Tải về Biên bản kiểm tra giám sát đảng viên của chi bộ?