Nguyên tắc thanh tra, kiểm tra về giá, thẩm định giá được thực hiện như thế nào theo quy định mới nhất từ 1/7/2024?
- Mục đích của thanh tra, kiểm tra về giá, thẩm định giá là gì?
- Nguyên tắc thanh tra, kiểm tra về giá, thẩm định giá được thực hiện như thế nào theo quy định mới nhất từ 1/7/2024?
- Báo cáo kết quả thanh tra, kiểm tra và trách nhiệm xử lý vi phạm pháp luật về giá, thẩm định giá thế nào?
- Báo cáo kết quả thanh tra theo Luật Thanh tra như thế nào?
Mục đích của thanh tra, kiểm tra về giá, thẩm định giá là gì?
Theo Điều 67 Luật Giá 2023, mục đích của thanh tra về giá, thẩm định giá được thực hiện theo quy định của pháp luật về thanh tra.
Mục đích của kiểm tra chấp hành pháp luật về giá, thẩm định giá nhằm góp phần nâng cao kỷ luật, kỷ cương, đem lại tác động tích cực trong công tác quản lý điều hành giá, thẩm định giá; nắm bắt tồn tại, hạn chế để nghiên cứu, kiến nghị sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật về giá, thẩm định giá; phòng ngừa, phát hiện và xử lý vi phạm pháp luật về giá, thẩm định giá.
Nguyên tắc thanh tra, kiểm tra về giá, thẩm định giá được thực hiện như thế nào theo quy định mới nhất từ 1/7/2024? (Hình từ Internet)
Nguyên tắc thanh tra, kiểm tra về giá, thẩm định giá được thực hiện như thế nào theo quy định mới nhất từ 1/7/2024?
Theo Điều 68 Luật Giá 2023, nguyên tắc thanh tra, kiểm tra về giá, thẩm định giá được thực hiện như thế nào theo quy định mới nhất như sau:
- Công tác thanh tra phải bảo đảm tuân thủ các nguyên tắc quy định tại pháp luật về thanh tra.
- Công tác kiểm tra chấp hành pháp luật về giá, thẩm định giá phải bảo đảm nguyên tắc sau đây:
+ Thực hiện theo kế hoạch, chỉ đạo của cấp có thẩm quyền hoặc khi phát hiện vi phạm, dấu hiệu vi phạm;
+ Không trùng lặp về phạm vi, thời gian với hoạt động thanh tra, kiểm toán nhà nước, kiểm tra cùng lĩnh vực đối với một đơn vị;
+ Khách quan, công khai, minh bạch, đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật;
+ Hạn chế cản trở, ảnh hưởng đến hoạt động của đối tượng được kiểm tra.
Thêm vào đó, thời hạn thanh tra, kiểm tra như sau:
- Thời hạn thanh tra thực hiện theo quy định của pháp luật về thanh tra.
- Thời hạn kiểm tra được xác định trong quyết định kiểm tra nhưng không quá 10 ngày và được tính từ ngày công bố quyết định kiểm tra; trường hợp phạm vi kiểm tra lớn, nội dung phức tạp thì có thể gia hạn 01 lần nhưng không quá 10 ngày. Biên bản kiểm tra phải được lập trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày hết thời hạn kiểm tra.
Báo cáo kết quả thanh tra, kiểm tra và trách nhiệm xử lý vi phạm pháp luật về giá, thẩm định giá thế nào?
Căn cứ Điều 71, Điều 72 Luật Giá 2023, báo cáo kết quả thanh tra, kiểm tra và trách nhiệm xử lý vi phạm pháp luật về giá, thẩm định giá như sau:
- Báo cáo kết quả thanh tra và trách nhiệm xử lý kết quả thanh tra được thực hiện theo quy định của pháp luật về thanh tra.
- Báo cáo kết quả kiểm tra phải nêu rõ kết quả công việc kiểm tra; đề xuất những nội dung kiến nghị xử lý về kinh tế, hành chính, pháp luật (nếu có) với đối tượng kiểm tra; đề xuất kiến nghị về việc sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách, văn bản quy phạm pháp luật (nếu có); kiến nghị, đề xuất cơ quan có thẩm quyền theo dõi, đôn đốc, giám sát việc thực hiện kết luận kiểm tra, kiến nghị, quyết định xử lý về kiểm tra (nếu có).
- Xử lý vi phạm pháp luật về giá, thẩm định giá
+ Tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của Luật này, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, bị xử lý theo quy định của pháp luật.
+ Tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của Luật này, ngoài việc bị xử lý theo quy định tại khoản 1 Điều 72 Luật Giá 2023 còn bị đăng tải thông tin vi phạm pháp luật về giá, thẩm định giá trên phương tiện thông tin đại chúng.
+ Chính phủ quy định chi tiết về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá, việc đăng tải thông tin vi phạm pháp luật về giá, thẩm định giá trên phương tiện thông tin đại chúng.
Báo cáo kết quả thanh tra theo Luật Thanh tra như thế nào?
Căn cứ Điều 73 Luật Thanh tra 2022 báo cáo kết quả thanh tra thực hiện như sau:
- Sau khi kết thúc việc tiến hành thanh tra trực tiếp, Trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm xây dựng báo cáo kết quả thanh tra gửi đến người ra quyết định thanh tra. Báo cáo kết quả thanh tra phải có các nội dung sau đây:
+ Kết luận cụ thể về từng nội dung đã tiến hành thanh tra;
+ Xác định rõ tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi vi phạm; nguyên nhân, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật (nếu có);
+ Ý kiến khác nhau (nếu có) giữa thành viên khác của Đoàn thanh tra với Trưởng đoàn thanh tra về nội dung báo cáo kết quả thanh tra;
+ Biện pháp xử lý đã được áp dụng và kiến nghị giải pháp, biện pháp xử lý, khắc phục hậu quả (nếu có).
- Trường hợp qua thanh tra phát hiện có hành vi tham nhũng, tiêu cực thì trong báo cáo kết quả thanh tra còn phải nêu rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức để xảy ra hành vi tham nhũng, tiêu cực theo các mức độ sau đây:
+ Yếu kém về năng lực quản lý;
+ Thiếu trách nhiệm trong quản lý;
+ Bao che cho người có hành vi tham nhũng, tiêu cực.
- Báo cáo kết quả thanh tra phải nêu rõ quy định của pháp luật làm căn cứ để xác định tính chất, mức độ vi phạm, kiến nghị giải pháp, biện pháp xử lý, khắc phục hậu quả.
- Thời gian xây dựng báo cáo kết quả thanh tra được tính từ ngày Đoàn thanh tra kết thúc việc tiến hành thanh tra trực tiếp và được quy định như sau:
+ Đối với cuộc thanh tra do Thanh tra Chính phủ tiến hành, thời gian xây dựng báo cáo kết quả thanh tra không quá 30 ngày, trường hợp phức tạp thì có thể kéo dài nhưng không quá 45 ngày;
+ Đối với cuộc thanh tra do Thanh tra Bộ, Thanh tra Tổng cục, Cục, Thanh tra tỉnh tiến hành, thời gian xây dựng báo cáo kết quả thanh tra không quá 20 ngày, trường hợp phức tạp thì có thể kéo dài nhưng không quá 30 ngày;
+ Đối với cuộc thanh tra do Thanh tra sở, Thanh tra huyện tiến hành, thời gian xây dựng báo cáo kết quả thanh tra không quá 15 ngày, trường hợp phức tạp thì có thể kéo dài nhưng không quá 20 ngày.
Luật Giá 2023 có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2024. Quy định tại khoản 2 Điều 60 Luật Giá 2023 có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2026.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Cơ quan nhà nước có thực hiện toàn trình trên môi trường điện tử đối với hoạt động công tác quản trị nội bộ không?
- Dự toán mua sắm có phải là dự kiến nguồn kinh phí để mua sắm trong phạm vi nguồn tài chính hợp pháp của cơ quan nhà nước?
- Sự cố gây mất an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình gồm những sự cố nào theo quy định?
- Thành viên tham gia thị trường điện có phải thực hiện đăng ký các thông tin chung về đơn vị không?
- Cho thuê đất đang có tranh chấp thừa kế bị phạt bao nhiêu? Thời hiệu xử phạt vi phạm là bao lâu?