Người chơi tự sửa chữa, tẩy xóa vé đặt cược để lĩnh thưởng tiền đặt cược thì bị phạt bao nhiêu tiền?
Vé đặt cược được phát hành dưới những dạng nào? Nội dung trong vé đặt cược có gì?
Căn cứ theo quy định tại Điều 16 Nghị định 06/2017/NĐ-CP, vé đặt cược tại các doanh nghiệp kinh doanh đặt cược được phát hành dưới 02 dạng: Chứng chỉ và Dữ liệu điện tử.
Theo đó, nội dung của vé đặt được được quy định như sau:
Dạng vé đặt cược | Nội dung |
Vé đặt cược dưới dạng chứng chỉ | - Tên doanh nghiệp phát hành vé đặt cược; - Tên sự kiện đặt cược hoặc mã số sự kiện đặt cược; - Ngày, giờ sự kiện đặt cược diễn ra; - Lựa chọn của người chơi; - Giá trị tham gia đặt cược; - Ngày, giờ phát hành vé đặt cược; - Thời hạn lưu hành vé đặt cược (nếu có); - Tỷ lệ cược (nếu có); - Ký hiệu của đại lý bán vé đặt cược hoặc thiết bị đầu cuối; - Số ký hiệu, bảng mã nhận dạng vé đặt cược để chống làm giả; - Các nội dung khác theo yêu cầu quản lý của doanh nghiệp phù hợp với quy định của pháp luật. |
Vé đặt cược dưới dạng dữ liệu điện tử | - Tên doanh nghiệp phát hành vé đặt cược; - Tên sự kiện đặt cược hoặc mã số sự kiện đặt cược; - Ngày, giờ sự kiện đặt cược diễn ra; - Lựa chọn của người chơi; - Giá trị tham gia đặt cược; - Ngày, giờ phát hành vé đặt cược; - Thời hạn lưu hành vé đặt cược (nếu có); - Tỷ lệ cược (nếu có); - Các nội dung khác theo yêu cầu quản lý của doanh nghiệp phù hợp với quy định của pháp luật; - Số tài khoản tham gia đặt cược của người chơi. |
Người chơi tự sửa chữa, tẩy xóa vé đặt cược để lĩnh thưởng tiền đặt cược thì bị phạt bao nhiêu tiền? (Hình từ Internet)
Người chơi tự sửa chữa, tẩy xóa vé đặt cược để lĩnh thưởng tiền đặt cược thì bị phạt bao nhiêu tiền?
Căn cứ theo quy định tại Điều 13 Nghị định 137/2021/NĐ-CP về xử lý các hành vi vi phạm quy định về nghĩa vụ của người chơi như sau:
Hành vi vi phạm quy định về nghĩa vụ của người chơi
1. Phạt cảnh cáo đối với hành vi cố tình mua vé đặt cược để tham gia đặt cược khi thuộc đối tượng không được phép tham gia đặt cược theo quy định của pháp luật.
2. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi sửa chữa, tẩy xóa vé đặt cược để lĩnh thưởng.
3. Phạt tiền từ 90.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:
a) Giả mạo vé đặt cược để lĩnh thưởng;
b) Dàn xếp làm sai lệch kết quả sự kiện đặt cược;
c) Giả mạo kết quả trúng thưởng.
4. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này để hoàn trả lại cho doanh nghiệp kinh doanh đặt cược.
Như vậy, theo quy định tại khoản 2 Điều 13 Nghị định 137/2021/NĐ-CP và khoản 4 Điều 13 Nghị định 137/2021/NĐ-CP, người chơi có hành vi sửa chữa, tẩy xóa vé đặt cược để lĩnh thưởng có thể bị phạt tiền từ 30 triệu đến 50 triệu đồng.
Ngoài ra, người chơi tẩy xóa vé đặt cược để lĩnh thưởng bị buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm để hoàn trả lại cho doanh nghiệp kinh doanh đặt cược.
Những hành vi nào bị nghiêm cấm trong kinh doanh đặt cược?
Các hành vi bị nghiêm cấm trong kinh doanh đặt cược được quy định tại Điều 4 Nghị định 06/2017/NĐ-CP với các nội dung sau:
- Kinh doanh đặt cược khi chưa được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đặt cược, trừ các doanh nghiệp quy định tại khoản 1 Điều 79 Nghị định 06/2017/NĐ-CP.
- Kinh doanh đặt cược không đúng với nội dung được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp phép kinh doanh theo quy định của pháp luật.
- Tổ chức kinh doanh và tham gia đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế ngoài quy định tại Nghị định 06/2017/NĐ-CP dưới mọi hình thức và mọi loại phương tiện.
- Cho thuê, cho mượn, chuyển nhượng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đặt cược.
- Kinh doanh đặt cược trong thời gian bị thu hồi hoặc tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đặt cược.
- Kinh doanh đặt cược khi chưa được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự, trừ các doanh nghiệp quy định tại khoản 1 Điều 79 Nghị định 06/2017/NĐ-CP.
- Kinh doanh đặt cược trong thời gian bị thu hồi hoặc tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự.
- Tham gia đặt cược khi không thuộc đối tượng được phép tham gia đặt cược.
- Cho người không thuộc đối tượng được phép tham gia đặt cược mượn, sử dụng thông tin của mình để đăng ký mở tài khoản tham gia đặt cược.
- Tham gia dàn xếp hoặc thỏa thuận làm sai lệch kết quả sự kiện đặt cược.
- Doanh nghiệp kinh doanh đặt cược cho người chơi vay tiền để tham gia đặt cược.
- Để các cá nhân thuộc đối tượng không được phép tham gia đặt cược tham gia đặt cược với bất kỳ hình thức, lý do nào.
- Lợi dụng hoạt động kinh doanh đặt cược để tổ chức hoạt động đặt cược trái với quy định tại Nghị định 06/2017/NĐ-CP.
- Cung cấp thông tin về tỷ lệ cược do doanh nghiệp kinh doanh đặt cược xây dựng mà không được doanh nghiệp đồng ý hoặc ủy quyền.
- Lợi dụng hoạt động kinh doanh đặt cược để thực hiện các hình thức rửa tiền.
- Lợi dụng hình thức khuyến mại mang tính may rủi, giải trí để kinh doanh đặt cược trái phép với mục tiêu kiếm lợi nhuận thông qua việc thu tiền của khách hàng.
- Gây mất trật tự công cộng tại trường đua, địa điểm bán vé đặt cược.
- Các hành vi bị nghiêm cấm khác theo quy định của pháp luật.
Lưu ý, các quy định trên chỉ áp dụng đối với trường hợp đặt cược đua chó, đua ngựa và bóng đá quốc tế.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Phương tiện đo nhóm 2 không có quy trình kiểm định thì có chuyển sang hiệu chuẩn thay thế được không?
- Chức năng của Hội đồng nghệ thuật trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn là gì? Ai có thẩm quyền thành lập Hội đồng nghệ thuật?
- Chính quyền địa phương ở thị trấn là gì? Nhiệm vụ và quyền hạn của chính quyền địa phương ở thị trấn?
- Khi Nhà nước thu hồi đất, chủ sở hữu cây trồng được tự thu hồi cây trồng, vật nuôi trước khi bàn giao lại đất cho Nhà nước không?
- Nguyên tắc đặt tên giao dịch quốc tế của trường cao đẳng sư phạm? Trường CĐSP phải công khai giải trình thể hiện ở những hoạt động nào?