Nghị luận về tôn sư trọng đạo ngắn gọn? Mẫu bài nghị luận về tôn sư trọng đạo kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20 11?

Nghị luận về tôn sư trọng đạo ngắn gọn? Mẫu bài nghị luận về tôn sư trọng đạo kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20 11?

Nghị luận về tôn sư trọng đạo ngắn gọn? Mẫu bài nghị luận về tôn sư trọng đạo kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20 11?

>> Thơ 20/11 tặng cô giáo, thầy giáo

>> Trang trí bảng tri ân thầy cô 20/11?

>> Lời dẫn chương trình 20/11 kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 2024

"Tôn sư trọng đạo" là một trong những giá trị đạo đức cốt lõi của xã hội Việt Nam. Nghị luận về tôn sư trọng đạo giúp chúng ta hiểu rõ hơn về vai trò của người thầy trong quá trình hình thành nhân cách và tri thức. Tại sao việc tôn kính thầy cô lại được coi trọng trong nền văn hóa Việt? "Nghị luận về tôn sư trọng đạo" sẽ dẫn dắt chúng ta suy ngẫm về truyền thống và cách áp dụng nó vào cuộc sống hiện đại.

DƯỚI ĐÂY LÀ BÀI MẪU NGHỊ LUẬN VỀ TÔN SƯ TRỌNG ĐẠO NGẮN GỌN:

Mẫu 1:

Ông cha ta từ xưa đã có câu: “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” để nói lên tầm quan trọng của người thầy trong cuộc đời mỗi con người. Tôn sư trọng đạo là truyền thống quý báu của dân tộc ta. Dù là xã hội xưa, hay xã hội nay truyền thống ấy vẫn cần được các thế hệ gìn giữ và phát huy.

Trước hết chúng ta cần hiểu “tôn sư trọng đạo” là gì ? Tôn sư tức là tôn trọng, kính trọng và đề cao vai trò của người thầy, người cô đối với chúng ta. Trọng đạo, đạo là con đường, là đạo lí làm người mà mỗi người phải tôn trọng để phát huy truyền thống của cha ông; như vậy trọng đạo có nghĩa là học trò phải biết tôn trọng, lễ phép, biết ơn với những người đã giảng dạy cho ta. Tôn sư trọng đạo tức là phải biết, phải thấy được vai trò của người thầy, tôn trọng, kính yêu, biết ơn đối với họ, vì người thầy có vai trò rất lớn đối với sự phát triển, thành công của mỗi người. Tôn sư trọng đạo là truyền thống quý báu, là lời căn dặn của cha ông dành cho thế hệ sau để biết sống và cư xử sao cho đúng chuẩn mực.

Người thầy, người cô đối với mỗi chúng ta có ý nghĩa, vai trò vô cùng quan trọng. Chúng ta được học tập, được tiếp thu tri thức một cách dễ dàng chẳng phải đó là công lao thầy cô ngày đêm miệt mài bên trang giáo án, chắt lọc, nghiên cứu bài giảng kĩ lưỡng để truyền đạt cho chúng ta đó sao. Kho tàng tri thức nhân loại đến với ta dễ hiểu, dễ nhớ hơn chính là nhờ công ơn của thầy cô. Thầy cô đối với học trò không chỉ là trao truyền tri thức mà còn khơi dậy những mơ ước, cổ vũ động viên để chúng ta biến ước mơ thành hiện thực. Đâu chỉ có vậy, trong những lúc đang băn khoăn, bối rối thầy cô lại như một người bạn để ta tâm sự và đưa ra những lời khuyên xác đáng, có lợi nhất cho chúng ta. Và rất nhiều, rất nhiều nữa,… công ơn thầy cô sao có thể đong đếm nổi.

Biểu hiện của lòng tôn sư trọng đạo rất đa dạng, phong phú. Là lời chào thật lễ phép, nghiêm trang mà cũng đầy tình cảm mỗi khi thấy thầy cô. Là trong lớp lắng nghe những lời cô giáo giảng bài. Là sự hăng hái, chăm chỉ phát biểu,… Là những món quà nhỏ bé, mà đầy ý nghĩa dành tặng thầy cô nhân những dịp trong đại,… Tuy bé nhỏ, đơn sơ nhưng đó chính là những biểu hiện giản dị nhất, chân thành nhất mà mỗi học sinh cần làm đối với người dạy dỗ mình nên người.

Nhưng hiện nay, truyền thống tôn sư trọng đạo đã có nhiều thay đổi. Bên cạnh những học sinh ngoan ngoãn, lễ phép với thầy cô giáo lại có những học sinh thiếu tôn trọng, thậm chí hỗn xược với những người dạy dỗ mình. Đây quả thật là một hiện tượng đáng buồn, là dấu hiệu cảnh báo của sự suy đồi về nhân cách, đạo đức của học sinh. Không hiếm để chúng ta tìm thấy những bài báo về việc học sinh hành hung thầy cô, chửi lại thầy cô, có thái độ vô lễ với giáo viên trên các trang báo điện tử, mạng xã hội. Nó như một thứ virut lây lan nhanh chóng trong cộng đồng học sinh. Tình trạng đó làm ta không khỏi xót xa cho một truyền thống tốt đẹp đang dần bị hủy hoại. Vậy nguyên nhân nào dẫn đến thực trạng đáng buồn đó. Thứ nhất do bản thân học sinh không được giáo dục nhân cách, đạo đức kĩ lưỡng. Do cha mẹ quá nuông chiều con cái, khi có vấn đề ở trường không tìm hiểu kĩ nguyên nhân mà chỉ nghe từ một phía là con của mình, từ đó tạo nên những ám thị khiến con không còn tôn trọng giáo viên. Nhà trường đôi khi chú trọng trao truyền tri thức mà quên đi nhiệm vụ giáo dưỡng tinh thần, khiến các em phát triển lệch lạc. Cũng một phần do các thầy cô còn thiếu đứng đắn, đôi khi có thái độ, biểu hiện không đúng với học sinh. Để giải quyết thực trạng trên cần có sự phối hợp của ba bên: học sinh, gia đình và nhà trường, chỉ khi ấy thực trạng đáng buồn này mới được giải quyết một cách triệt để.

Trong xã hội hiện đại, vai trò của người thầy đã có ít nhiều thay đổi, họ trở thành người dẫn dắt cho học sinh tiếp cận tri thức. Nhưng không vì thế mà vị thế của người thầy thay đổi. Chỉ khi chúng ta biết tôn trọng những người dạy dỗ mình thì khi ấy chúng ta mới phát triển hoàn thiện về nhân cách. Đặc biệt trong cuộc sống hiện tại, khi nhiều giá trị cuộc sống thay đổi, bị đảo lộn thì việc “tôn sư trọng đạo” càng phải được đề cao hơn nữa.

Mẫu 2:

Nói về thầy có chúng ta thường có câu: “Không thầy đố mày làm nên” hay “ Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy”, đặc biệt là “ Muốn sang thì bắc cầu kiều/ Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”. Có thể thấy tất cả những câu nói ấy đều nhằm nói lên tầm quan trọng và ý nghĩa của mỗi người thầy trong cuộc sống này. Nếu bố mẹ mang đến cho chúng ta cuộc sống thì thầy mang đến cho ta chữ nghĩa, hay chính là tri thức. Chính vì thế những câu nói ấy khuyên ta nên tôn sư trọng đạo. Vậy tôn sư trọng đạo có nghĩa là gì? Truyền thống ấy được nối tiếp đến ngày nay như thế nào?

Trước hết chúng ta đi giải thích câu nói tôn sư trọng đạo là gì? Tôn chính là tôn trọng và sư ở đây chính là thầy, chúng ta vẫn thường nghe thấy những danh từ để chỉ những người dạy học như gia sư là vì thế hay “ nhất tự vi sư, bán tự vi sư”. Trọng đạo ở đây là trọng đạo nghĩa thầy trò. Chính vì thế ta có thể hiểu câu nói trên là tôn trọng thầy cô và tôn trọng đạo nghĩa thầy trò. Qua câu nói ấy chúng ta thấy được lời khuyên của ông cha ta rằng hãy biết kính trọng những người đã dạy cho mình và hãy trân trọng những tình thầy trò ấy. Đồng thời tôn sự trọng đạo còn thể hiện sự hiếu học của nhân dân ta.

Tôn sư trọng đạo là một truyền thống của nhân dân ta từ xưa đến nay. Trước tiên truyền thống ấy được biểu hiện rõ từ những năm tháng người xưa. Từ những năm tháng của lịch sử thì ta cũng thấy được những biểu hiện của truyền thống ấy. Hình ảnh những ông đồ ngày đêm tận tụy viết chữ giảng bài, áo the đen khăn xếp một tay cầm bút một tay nâng vạt tay áo thể hiện sự đường hoàng mực thước. Những câu học trò ngoan ngoãn đọc theo những lời thầy dạy cái đầu không thôi lắc lư theo nhịp bài nhân chi sơ tính bản thiện. Khi ấy nước ta học chữ Hán của bên Trung Quốc cho nên cách thức cũng giống so với nước đó. Tuy nhiên tình cảm thầy trò, sự tôn sư trọng đạo của chúng ta vẫn chỉ Việt Nam ta mới có. Tình cảm thầy trò là một thứ rất thiêng liêng, những người thầy như những người lái đò đưa những thế hệ trẻ đến bến bờ của sự hiểu biết sự thành công. Còn những người trò giống như những người con trai con gái của người thầy dạy dỗ đó, rất mến yêu và có những cái ngu ngơ cần phải dạy thêm.

Truyền thống ấy còn được thể hiện rõ ở giai đoạn hiện nay. Đã có rất nhiều bài văn viết về cảm xúc khi ra trường của những cô cậu học sinh khiến cho người ta phải rơi nước mắt, không biết rằng những bài văn ấy đã lấy nước mắt của bao nhiêu người, không biết được những thầy cô được nhắc đến trong bài là ai mà chỉ biết rằng tình cảm thầy trò được hiện lên thật sự rất cảm động và nó rất đỗi thiêng liêng như chính tình cảm mẫu tử hay tình yêu quê hương đất nước. Chưa cần chúng ta phải làm gì cho những người thầy người cô dạy dỗ cho ta mà chỉ cần biết rằng nhớ đến thầy cô cũng là một sự tôn trọng, một biểu hiện tôn sư trọng đạo. Đó là tình cảm của những người con dành cho những người cha người mẹ thứ hai.

Tất nhiên truyền thống nào cũng vậy, đều có con sâu làm giàu nồi canh. Nếu như truyền thống yêu nước có những người yêu nước xả thân mình nhưng cũng có những kẻ phản động bán rẻ nước nhà thì truyền thống tôn sư trọng đạo cũng có những tình trạng rất bất cập. mới đây trên các báo đều đưa tin thầy giáo đánh học sinh thậm tệ chỉ vì không làm bài tập. Đó là một sự thật đau lòng cho truyền thống giáo dục nước nhà. Lỗi cơ bản ở đây là do thầy nhiều hơn khi bản thân thầy không làm gương về cách cư xử dẫn đến hành vi kia của học trò.

Qua đây ta thấy tôn sư trọng đạo là một truyền thống của dân tộc ta, mỗi chúng ta nên yêu mến quý trọng lấy thầy cô giáo của mình. Đồng thời những thầy cô cũng cần có một thái độ yêu mến học sinh, những cách cư xử cho học sinh thấy nể chứ không thể khinh được. Và một điều mà chúng ta vẫn biết rằng học sinh nhớ nhà trường mình từng học một phần do bạn bè một phần do thầy cô để lại những tình cảm những kỉ niệm khiến nó in sâu vào mỗi cá nhân học sinh. Vậy nên hãy biết cách sống sao cho tốt với nhau giữ gìn truyền thống tôn sư trọng đạo.

Mẫu 03:

Hiếu học là một trong những đức tính nổi bật của người Việt chúng ta. Chẳng thế mà người thầy luôn được tôn vinh trong xã hội. Ông cha ta luôn nhắc nhở con cháu rằng “nhất tự vi sư bán tự vi sư” (một chữ cũng là thầy nửa chữ cũng là thầy) hay “không thầy đố mày làm nên”. Công lao người thầy được sánh ngang hàng với công ơn cha mẹ “cơm cha áo mẹ chữ thầy”. Vì thế “ tôn sư trọng đạo” cũng trở thành truyền thống văn hóa tốt đẹp của người Việt Nam, và truyền thống ấy vẫn luôn được các thế hệ học trò trân trọng, giữ gìn và phát huy.

Tôn sư là tôn trọng, kính yêu, biết ơn người làm thầy. Thầy cô chính là những người chèo lái con đò kiến thức đưa học trò cập bến bờ cuộc sống, đến với kho tri thức vô tận của nhân loại, đến tương lai hạnh phúc và dạy cho ta đạo lí, nhân cách để ta làm người trong xã hôi. Vì vậy chúng ta phải luôn ghi nhớ công ơn người thầy, phải sống sao cho phải đạo làm người.

Trọng đạo là coi trọng đạo lí làm người, coi trọng nghề dạy học, coi trọng lời thầy cô dạy dỗ.

Tôn sư trọng đạo là quý trọng thầy dạy, luôn khắc ghi lời thầy cô, luôn chăm lo học tập trau dồi kiến thức, rèn luyện đạo đức để trở thành người có ích cho xã hội, làm giàu cho quê hương đất nước.

“Tôn sư trọng đạo” đã trở thành truyền thống tốt đẹp của đạo học Việt Nam. Truyền thống tốt đẹp đó đã được nhân dân ta kế thừa và phát huy trong cuộc sống hiện nay. Dù là ở đâu, ở thời đại nào thì nghề dạy học vẫn luôn được coi trọng và người thầy vẫn luôn được tin tưởng, mến yêu vì những cống hiến, những tâm huyết, những hi sinh thầm lặng của họ cho “sự nghiệp trồng người”. Người thầy được tôn vinh thì nghề dạy học cũng được coi trọng. chẳng phải ngẫu nhiên mà giáo dục lại được coi là quốc sách hàng đầu của nước ta, và cũng đâu phải ngẫu nhiên mà ngày 20-11 hằng năm lại trở thành ngày hiến chương các nhà giáo. Hình ảnh các bậc phụ huynh, tặng hoa thầy cô giáo của con, học sinh cũ trở lại thăm trường, thăm các thầy cô giáo cũ trong ngày này đã trở nên quen thuộc với chúng ta. Và đây cũng là một minh chứng cho thấy truyền thống “tôn sư trọng đạo” của dân tộc ta. Từ đạo “lí tôn sư trọng đạo” ngày nay đã gắn liền với tư tưởng “trồng người” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. “Tôn sư trọng đạo” ở đây không đơn thuần chỉ là đạo lí, tình cảm mà đã trở thành động lực sức mạnh, hành động cách mạng đưa đất nước tiến lên sánh vai các cường quốc năm châu. Đó là nét mới của truyền thống tôn sư trọng đạo trong cuộc sống hiện nay của nhân dân ta.

Tuy nhiên, trên thực tế, vấn đề “tôn sư trọng đạo” ngày nay đã có nhiều điều đáng phải bàn. Bên cạnh các nhà giáo tâm huyết với nghề, yêu thương học trò thì cũng có những người không yêu nghề, mến trẻ mà chỉ đơn thuần coi nghề dạy học là kế sinh nhai, bán chất xám, bán điểm, xúc phạm nhân phẩm của học sinh. Và học sinh, bên cạnh những học sinh chăm chỉ ngoan ngoãn, thực hiện đúng đạo làm trò, kính yêu và tôn trọng thầy cô giáo, thì cũng có không ít bạn cãi lời thầy cô, thậm chí là xúc phạm danh dự, nhân phẩm nhà giáo, làm đau lòng các thầy cô giáo. Đối với những hành vi tiêu cực như vậy, chúng ta phải kịch liệt lên án và bài trừ. Tôn trọng thầy cô là biểu hiện của tình yêu tri thức, của lòng ham học hỏi, của ý chí và khát vọng vươn lên cuộc sống tốt đẹp hơn. Vì thế “tôn sư” không chỉ là vấn đề tôn trọng, kính yêu người làm nghề dạy học mà còn là biểu hiện của tình yêu tri thức, biểu hiện của văn minh, tiến bộ. “Đạo” cũng không chỉ dừng lại ở đạo làm trò, ở những hình thức, thái độ ứng xử với người thầy mà còn là cả vấn đề đạo đức xã hội. Đó là đạo làm người, là đạo học ở đời. Trọng đạo là coi trọng sự hiểu biết, coi trọng tinh thần ham học hỏi, đề cao truyền thống ham học.

Hiện nay, giáo dục có nhiều đổi mới, trong đó có sự thay đổi về vai trò của người thầy và nghề dạy học. Tuy vậy, nhưng vị trí của người thầy vẫn vô cùng quan trọng. Trong khi cuộc sống mới ngày càng kéo theo nhiều vấn đề phúc tạp, đặc biệt là sự xuống cấp về vấn đề đạo đức chúng ta càng phải cố gắng kế thừa và phát huy những truyền thống tốt đẹp của dân tộc, trong đó có truyền thống “tôn sư trọng đạo”.

Mẫu 4:

Nhân dân ta từ ngàn xưa đã có câu:

“Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”

Câu nói ấy thể hiện truyền thống tôn sư trọng đạo mà nhân dân ta đã lưu giữ từ đời này qua đời khác. Mỗi lớp thế hệ lại có những cách riêng để gìn giữ đạo lý tốt đẹp này. Và cho đến tận ngày nay, nó vẫn còn vẹn nguyên những giá trị tốt đẹp, làm ngời sáng lên vẻ đẹp phẩm chất của những người dân đất Việt.

“Tôn sư” có nghĩa là tôn trọng, kính trọng thầy, cô, những người đã có công lao truyền dạy cho mình những kiến thức, những đạo lý tốt đẹp trong cuộc sống. “Trọng đạo” có nghĩa là coi trọng những đạo lý, những điều tốt đẹp được lưu giữ, truyền bá trong cuộc sống. Nói cách khác, “tôn sư trọng đạo” là đạo lý thể hiện sự tôn kính, tôn trọng những người thầy, những người đào tạo, nuôi dưỡng tri thức của nhân loại. Đồng thời, nó cũng đề cao vai trò, vẻ đẹp phẩm chất và công lao của những người thầy.

“Tôn sư trọng đạo”, kính trọng thầy cô không chỉ là một đạo lý, một truyền thống tốt đẹp của dân tộc mà nó còn là một thước đo đánh giá phẩm chất của mỗi con người. Bởi người thầy, hay nghề giáo trong bất cứ một thời đại, một quốc gia cũng đều đóng những vai trò vô cùng quan trọng. Người thầy là những người truyền thụ cho chúng ta những kiến thức, những đạo lý để ta dần hoàn thiện mình hơn cả về trí tuệ lẫn tâm hồn. Mỗi con người lớn lên, bên cạnh sự dạy bảo của gia đình thì công lao của những người thầy cũng vô cùng lớn lao. Họ cũng theo sát chúng ta trong suốt những giai đoạn đầu tiên và quan trọng của cuộc đời. Họ giúp ta hoàn thiện những phần còn thiếu, giúp ta khai thác những năng lực chưa được bộc lộ và nhiều hơn thế nữa. Có lẽ vì vậy mà người xưa đã có câu dạy rằng:

“Không thầy đố mày làm nên.”

Đặc biệt là trong nhịp sống thay đổi hiện nay, khi mà hệ thống kiến thức tại các cấp học từ mẫu giáo đến đại học đang ngày một đổi mới, ngày một phong phú hơn thì bản thân những người thầy cũng phải không ngừng đổi mới cách thức giảng dạy, đổi mới kiến thức để bắt kịp với tiến độ đó. Những thứ họ làm âm thầm thôi nhưng lại có ý nghĩa vô cùng lớn đối với các thế hệ học sinh. Bởi từ chính những tâm huyết của các thầy, các cô, thì học sinh mới có được 1 nền tảng kiến thức vững chắc, để bắt kịp với những sự thay đổi của xã hội. Người ta vẫn thường nói nghề giáo như những người lái đò tần tảo, cần mẫn đưa hết thế hệ học sinh này đến thế hệ học sinh khác cập bến tri thức.

Nếu đánh mất đi đạo lý quý báu ấy, chẳng khác nào chúng ta phủ nhận đi công lao của thầy cô, tự biến mình thành những kẻ vô ơn, những kẻ qua cầu rút ván…

Tại Việt Nam, đạo lý tôn sư trọng đạo được gìn giữ và phát huy như một truyền thống quý báu. Hằng năm có ngày 20 tháng 11 là ngày Nhà giáo Việt Nam, ngày để tôn vinh những người có công “trồng người”. Lịch sử Việt Nam đã có không ít những người thầy mẫu mực như Chu Văn An, Nguyễn Đình Chiểu hay Người thầy lớn của dân tộc Hồ Chí Minh… Họ đã đào tạo ra biết bao thế hệ người tài cho đất nước. Lòng tôn sư trọng đạo không phải là những món quà vật chất, đôi khi nó chỉ là những lời chúc thật tâm, những cử chỉ lễ phép hay những lời hỏi thăm thân mật. Những điều đơn giản đó cũng đủ để mối quan hệ thầy trò thêm thân mật, gắn kết.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay vẫn còn rất nhiều những trường hợp tiêu cực, nông nổi đánh mất đi đạo lý tốt đẹp ấy. Có nhiều trường hợp học sinh vô lễ với thầy cô, có những lời nói và hành động xúc phạm tới sức khỏe và danh dự của thầy cô. Đi xa hơn nữa, chắc hẳn chúng ta đã được báo chí đưa tin về những trường hợp học trò bạo hành, thậm chí là giết thầy giáo chỉ vì những phút nông nổi. Những trường hợp ấy cần được quan tâm nhiều hơn để giúp họ có nhận thức đúng đắn hơn về cách sống.

Bản thân tôi cũng có những người thầy trong cuộc đời của mình. Tôi luôn trân trọng và kính phục họ với tài năng và tâm huyết. Với tôi họ là những tấm gương mà tôi cần noi theo. Và điều mà tôi luôn làm là cố gắng hết mình vươn tới thành công, vì sự thành công của tôi là lời cảm ơn chân thành nhất đối với họ.

“Tôn sư trọng đạo” sẽ luôn là đạo lý, là truyền thống quý báu mà mỗi chúng ta đều phải có ý thức để gìn giữ và phát huy nó.

Mẫu 05:

"Tôn sư trọng đạo" không chỉ còn là vấn đề đạo đức mà còn là một truyền thống văn hoá vô cùng tốt đẹp của nhân dân ta. Khi nào cuộc sống còn cần kiến thức, con người còn văn minh thì người thầy còn được tôn trọng. Mà chắc chắn rằng, con người không thể quay trở về với điểm xuất phát với cảnh sống ăn lông ở lỗ được. Vì thế, dù thời kì lịch sử nào, dù xã hội nào "Tôn sư trọng đạo" vẫn là truyền thống vô cùng tốt đẹp, và vô cùng cần thiết, cần được tiếp tục phát huy và gìn giữ. Đó là yếu tố quan trọng làm nên nền tảng đạo đức của xã hội văn minh.

Nhân dân ta từng có những câu nói vô cùng giản dị mà chứa đựng những ý nghĩa rất sâu sắc về vấn đề Đạo và Thầy. Những câu nói ấy vừa tôn vinh người Thầy, vừa nhắc nhở con người phải biết sống cho phải đạo làm người. Thầy là người vạch đường chỉ lối cho mỗi người "Không thầy đố mày làm nên". Vì thế vị trí của người thầy được đặt ngang hàng với vị trí của cha mẹ, "Công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy". Chúng ta vẫn luôn tự nhắc mình:

Muốn sang thì bắc cầu Kiều

Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy

Người làm thầy trong bất cứ xã hội nào luôn được xã hội tôn trọng "nhất tự vi sư, bán tự vi sư". Bởi vậy, "tôn sư trọng đạo" không còn là một vấn đề quan niệm sống hay quan niệm về cách cư xử mà đã trở thành một phạm trù đạo đức. Thời xưa Platôn, Aritxtôt, Khổng Tử… từ người thầy đã trở thành những bậc thánh trong lòng học trò. Ngày nay, người thầy tuy không có vị trí tuyệt đối như thế song thầy vẫn là người được xã hội tôn trọng và "nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý". Dù ở phương Đông hay phương Tây, dù mối quan hệ thầy trò có bình đẳng đến đâu, gần gũi đến đâu thì danh giới thầy trò, vị trí đáng kính của người thầy vẫn không hề bị mai một.

Trên thực tế, vấn đề "tôn sư trọng đạo" ngày nay đã có nhiều điều đáng phải bàn. Các thầy cô giáo dù phải đứng trước bao nhiêu khó khăn của cuộc sống vẫn đang ngày đêm lo lắng, nghiền ngẫm để truyền thụ cho học sinh những tri thức quý giá nhất. Còn học sinh, bên cạnh những học sinh chăm chỉ ngoan ngoãn, thực hiện đúng đạo làm trò, kính yêu và tôn trọng thầy cô giáo, đã có không ít bạn chót quên đi đạo nghĩa thầy trò. Những học sinh ấy đã vô tình hoặc cố ý vi phạm đạo làm trò, làm đau lòng các thầy cô giáo. Đã có những câu chuyện đau lòng mà chúng ta không muốn nhắc đến như hiện tượng học trò xúc phạm thầy cô giáo, vô lễ với những người đang ngày đêm dạy bảo mình những điều hay lẽ phải, truyền đạt cho mình những tinh hoa tri thức nhân loại. Xã hội đã, đang và sẽ tiếp tục lên án những học sinh đó.

"Tôn sư trọng đạo" là một truyền thống văn hoá vô cùng tốt đẹp của loài người. Nếu trẻ em là tờ giấy trắng thì người cầm cây bút viết lên những tờ giấy trắng ấy những tráng thẳng hàng, rõ nét, rõ chữ nhất chính là thầy cô giáo. Tôn trọng những người giữ vai trò truyền đạt tri thức nhân loại cho thế hệ sau là biểu hiện của tình yêu tri thức, của lòng ham học hỏi, của ý chí và khát vọng vươn lên cuộc sống tốt đẹp hơn. Vì thế "tôn sư" không chỉ là vấn đề tôn trọng, kính yêu người làm nghề dạy học mà còn là biểu hiện của tình yêu tri thức, biểu hiện của văn minh, tiến bộ. "Đạo" cũng không chỉ dừng lại ở đạo làm trò, ở những hình thức, thái độ ứng xử với người thầy mà còn là cả vấn đề đạo đức xã hội. Đó là đạo làm người, là đạo học ở đời. Trọng đạo là coi trọng sự hiểu biết, coi trọng tinh thần ham học hỏi, đề cao truyền thống ham học.

Để xã hội ngày càng văn minh con người ngày càng phải chú ý đến chuyện học hành, tiếp thu tri thức. Vì thế, vai trò của người thầy trong xã hội hiện đại đã thay đổi, từ người truyền đạt tri thức đã chuyển thành người dẫn dắt học sinh tìm ra con đường đến với tri thức. Vai trò của người thầy ít nhiều thay đổi nhưng vị trí của người thầy thì không hề suy giảm. Thầy vẫn là thầy và ngày càng quan trọng hơn. Vì vậy, dù xã hội có đi đến đâu, xã hội ấy vẫn có những người muốn học và vẫn có những người thực hiện nhiệm vụ dạy bảo người đi sau. Trong cuộc sống ngày nay, khi mà vấn đề học hành ngày càng phức tạp và sự xuống cấp về đạo đức xã hội đang khiến nhiều người có lương tâm trách nhiệm phải quan tâm suy nghĩ thì vấn đề "tôn sư trọng đạo" càng phải tiếp tục được kế thừa và phát huy hơn nữa.

Tôn sư trọng đạo là một truyền thống đạo đức vô cùng tốt đẹp của dân tộc ta. Đứng trước những hiện tượng đáng suy nghĩ hiện nay về vấn đề đạo đức học đường, chúng ta cần phải có những hoạt động cần thiết để nhắc nhở mỗi người nhìn lại thái độ và cách ứng xử của mình đối với những người làm thầy trong xã hội này. Tôn sư trọng đạo cần phải được quan tâm hơn nữa.

*Lưu ý: Mẫu bài nghị luận về tôn sư trọng đạo chỉ mang tính chất tham khảo!

>> Lời ngỏ tập san 20 11 hay ý nghĩa

>> Kế hoạch tổ chức 20/11 năm 2024 Ngày Nhà giáo Việt Nam

>> Truyện cười về thầy cô 20 11 ngắn gọn

>> Mẫu truyện ngắn 20 11 về thầy cô hay ý nghĩa nhất

Nghị luận về tôn sư trọng đạo ngắn gọn? Mẫu bài nghị luận về tôn sư trọng đạo kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20 11?

Nghị luận về tôn sư trọng đạo ngắn gọn? Mẫu bài nghị luận về tôn sư trọng đạo kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20 11? (Hình ảnh Internet)

Hiện nay, vai trò của nhà giáo theo quy định hiện hành ra sao?

Căn cứ Điều 66 Luật Giáo dục 2019 quy định về vị trí, vai trò của nhà giáo như sau:

Vị trí, vai trò của nhà giáo
1. Nhà giáo làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục trong cơ sở giáo dục, trừ cơ sở giáo dục quy định tại điểm c khoản 1 Điều 65 của Luật này.
Nhà giáo giảng dạy ở cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục khác, giảng dạy trình độ sơ cấp, trung cấp gọi là giáo viên; nhà giáo giảng dạy từ trình độ cao đẳng trở lên gọi là giảng viên.
2. Nhà giáo có vai trò quyết định trong việc bảo đảm chất lượng giáo dục, có vị thế quan trọng trong xã hội, được xã hội tôn vinh.

Theo đó, nhà giáo có vai trò quyết định trong việc bảo đảm chất lượng giáo dục, có vị thế quan trọng trong xã hội, được xã hội tôn vinh.

Nhà giáo không chỉ đảm nhận nhiệm vụ giảng dạy và truyền đạt kiến thức mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc định hình tư duy và phẩm chất của thế hệ tương lai.

Ngày Nhà giáo Việt Nam 20 11 có phải ngày lễ lớn hay không?

Căn cứ theo Điều 4 Nghị định 145/2013/NĐ-CP quy định về các ngày lễ lớn như sau:

Các ngày lễ lớn
Các ngày lễ lớn trong nước bao gồm:
1. Ngày Tết Nguyên đán (01 tháng Giêng Âm lịch).
2. Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03-02-1930).
3. Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (10-3 Âm lịch).
4. Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975).
5. Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ (07-5-1954).
6. Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890).
7. Ngày Cách mạng Tháng Tám (19-8-1945) và Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02-9-1945).

Theo đó, các ngày lễ lớn trong nước bao gồm:

- Ngày Tết Nguyên đán (01 tháng Giêng Âm lịch).

- Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03-02-1930).

- Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (10-3 Âm lịch).

- Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975).

- Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ (07-5-1954).

- Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890).

- Ngày Cách mạng Tháng Tám (19-8-1945) và Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02-9-1945).

Như vậy, ngày hội Nhà giáo Việt Nam 20 11 2024 không nằm trong các ngày lễ lớn của Việt Nam theo quy định của pháp luật.

Ngày nhà giáo Việt Nam
Tôn sư trọng đạo
Căn cứ pháp lý
MỚI NHẤT
Pháp luật
Mẫu thư mời họp mặt 20 11? Nội dung mẫu thư mời họp mặt 20 11 gồm những gì? 20 11 có phải lễ lớn?
Pháp luật
Mẫu lời chúc 20 11 tất cả thầy cô ngắn gọn, ý nghĩa? Lời chúc 20 11 thầy cô đang dạy học và thầy cô đã về hưu?
Pháp luật
Mẫu Lời chúc 20 11 hay và ý nghĩa tri ân thầy cô bộ môn nhân ngày Nhà giáo Việt Nam? Giáo viên bộ môn THCS, THPT có các nhiệm vụ nào?
Pháp luật
Mẫu văn chúc giáo viên ngày 20 11 hay, ngắn gọn và ý nghĩa? Các phương thức tuyên truyền ý nghĩa ngày Nhà giáo Việt Nam?
Pháp luật
Mẫu lời chúc 20 11 dành tặng thầy cô giáo cũ nhân ngày Nhà giáo Việt Nam? Nhà giáo có các quyền nào?
Pháp luật
Những lời chúc 20 11 đơn giản ngắn gọn cho thầy cô nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam năm 2024 ra sao?
Pháp luật
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20 11 có phải dịp để nhà trường tổ chức các hoạt động thể dục thể thao không?
Pháp luật
Mẫu lời chúc 20 11 hay và ý nghĩa cho sếp, đồng nghiệp, khách hàng là giáo viên? 20 11 có được tổ chức tại trường bổ túc văn hoá không?
Pháp luật
Lời chúc 20 tháng 11 dành cho người trong nghề giáo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam? Tổ chức văn nghệ ngày này lưu ý điều gì?
Pháp luật
Mẫu bài phát biểu 20 11 đại diện cha mẹ học sinh hay ý nghĩa nhất? Tải mẫu bài phát biểu 20 11 đại diện cha mẹ học sinh hay ý nghĩa nhất ở đâu?
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Ngày nhà giáo Việt Nam
Nguyễn Đỗ Bảo Trung Lưu bài viết
6,331 lượt xem

TÌM KIẾM LIÊN QUAN
Ngày nhà giáo Việt Nam Tôn sư trọng đạo

TÌM KIẾM VĂN BẢN
Xem toàn bộ văn bản về Ngày nhà giáo Việt Nam Xem toàn bộ văn bản về Tôn sư trọng đạo

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào