Ngày 8/3 thì lao động nữ có được nghỉ hay không? Phụ nữ phải được đối xử bình đẳng tại nơi làm việc như thế nào?
Ngày 8/3 - Quốc tế phụ nữ thì lao động nữ có được nghỉ hay không?
Căn cứ Điều 112 Bộ luật Lao động 2019 có quy định như sau:
Nghỉ lễ, tết
1. Người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, tết sau đây:
a) Tết Dương lịch: 01 ngày (ngày 01 tháng 01 dương lịch);
b) Tết Âm lịch: 05 ngày;
c) Ngày Chiến thắng: 01 ngày (ngày 30 tháng 4 dương lịch);
d) Ngày Quốc tế lao động: 01 ngày (ngày 01 tháng 5 dương lịch);
đ) Quốc khánh: 02 ngày (ngày 02 tháng 9 dương lịch và 01 ngày liền kề trước hoặc sau);
e) Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương: 01 ngày (ngày 10 tháng 3 âm lịch).
2. Lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam ngoài các ngày nghỉ theo quy định tại khoản 1 Điều này còn được nghỉ thêm 01 ngày Tết cổ truyền dân tộc và 01 ngày Quốc khánh của nước họ.
3. Hằng năm, căn cứ vào điều kiện thực tế, Thủ tướng Chính phủ quyết định cụ thể ngày nghỉ quy định tại điểm b và điểm đ khoản 1 Điều này.
Theo đó, tuy ngày 8/3 là ngày Quốc tế Phụ nữ nhưng ngày này không được pháp luật về lao động quy định là 1 trong những ngày lẽ tết nêu trên. Theo đó, trong ngày này doanh nghiệp không bắt buộc cho lao động nữ nghỉ làm hưởng nguyên lương.
Trường hợp doanh nghiệp có thêm phúc lợi dành cho lao động nữ thì việc giảm giờ làm hay cho người lao động nghỉ vào ngày này vẫn có thể xảy ra.
Ngày 8/3 lao động nữ có được nghỉ hay không? Phụ nữ phải được đối xử bình đẳng tại nơi làm việc như thế nào? (Hình từ Internet)
Phụ nữ phải được đối xử bình đẳng tại nơi làm việc về việc làm, tiền công, tiền thưởng như thế nào?
Căn cứ Điều 13 Luật Bình đẳng giới 2006 có quy định:
Bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động
1. Nam, nữ bình đẳng về tiêu chuẩn, độ tuổi khi tuyển dụng, được đối xử bình đẳng tại nơi làm việc về việc làm, tiền công, tiền thưởng, bảo hiểm xã hội, điều kiện lao động và các điều kiện làm việc khác.
2. Nam, nữ bình đẳng về tiêu chuẩn, độ tuổi khi được đề bạt, bổ nhiệm giữ các chức danh trong các ngành, nghề có tiêu chuẩn chức danh.
3. Các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động bao gồm:
a) Quy định tỷ lệ nam, nữ được tuyển dụng lao động;
b) Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho lao động nữ;
c) Người sử dụng lao động tạo điều kiện vệ sinh an toàn lao động cho lao động nữ làm việc trong một số ngành, nghề nặng nhọc, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với các chất độc hại.
Theo đó, nam và nữ phải được bình đẳng về tiêu chuẩn, độ tuổi khi tuyển dụng, được đối xử bình đẳng tại nơi làm việc về việc làm, tiền công, tiền thưởng, bảo hiểm xã hội, điều kiện lao động và các điều kiện làm việc khác. Đồng thời phải bình đẳng về tiêu chuẩn, độ tuổi khi được đề bạt, bổ nhiệm giữ các chức danh trong các ngành, nghề có tiêu chuẩn chức danh.
Một số quyền lợi dành riêng cho lao động nữ là gì?
Lao động nữ không phải làm thêm giờ hoặc đi công tác xa
Căn cứ khoản 1 Điều 137 Bộ luật Lao động 2019 quy định không được sử dụng lao động nữ làm thêm giờ hoặc đi công tác xa nếu đang mang thai từ tháng 7 hoặc từ tháng thứ 6 nếu làm việc ở những nơi đặc biệt như vùng sâu, vùng xa, vùng cao, biên giới, hải đảo; hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi
Được chuyển việc nhẹ hơn, an toàn hơn hoặc giảm bớt giờ làm
Lao động nữ làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con khi mang thai và có thông báo cho người sử dụng lao động biết thì được người sử dụng lao động chuyển sang làm công việc nhẹ hơn, an toàn hơn hoặc giảm bớt 1 giờ làm việc hằng ngày mà không bị cắt giảm tiền lương và quyền, lợi ích cho đến hết thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi
(Căn cứ khoản 2 Điều 137 Bộ luật Lao động 2019)
Lao động nữ không bị kỷ luật lao động trong trường hợp: Đang có thai; nghỉ thai sản hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi
(Căn cứ khoản 4 Điều 122 Bộ luật Lao động 2019)
Được hưởng thêm thời gian nghỉ giữa giờ làm:
Lao động nữ trong thời gian hành kinh được nghỉ mỗi ngày 30 phút, trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc.
(Căn cứ khoản 3 Điều 137 Bộ luật Lao động 2019)
Được nghỉ ngơi trong thời gian hành kinh
Mỗi ngày 30 phút, tối thiểu là 03 ngày trong một tháng
(Căn cứ khoản 4 Điều 137 Bộ luật Lao động 2019)
Lao động nữ được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hoặc tạm hoãn hợp đồng lao động
Nếu có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền chứng nhận tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hoặc tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động mà không cần báo trước.
(Căn cứ khoản 1 Điều 138 Bộ luật Lao động 2019)
Được nghỉ thai sản:
Lao động nữ được nghỉ thai sản trước và sau khi sinh con là 6 tháng
(Căn cứ Điều 139 Bộ luật Lao động 2019)
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mẫu Điều lệ quỹ từ thiện mới nhất? Tải mẫu? Nội dung cơ bản của điều lệ quỹ từ thiện bao gồm những gì?
- Lỗi chở quá số người quy định xe ô tô 2025? Mức phạt lỗi chở quá số người quy định? Có bị trừ điểm GPLX?
- Thống nhất về dự thảo Nghị quyết xử lý sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước tại Nghị quyết 15/NQ-CP?
- Mẫu bài phát biểu chúc Tết Nguyên đán của Hiệu trưởng hay và ý nghĩa? Tham khảo mẫu bài phát biểu?
- Lùi xe trên đường 1 chiều phạt bao nhiêu? Lỗi lùi xe trên đường 1 chiều ô tô, xe máy theo Nghị định 168?