Mức phạt cho hành vi không lưu giữ hồ sơ khảo nghiệm phân bón đúng quy định từ 28/7/2023 ra sao?
Khảo nghiệm phân bón là gì? Yêu cầu về khảo nghiệm phân bón hiện nay ra sao?
Tại khoản 15 Điều 2 Luật Trồng trọt 2018 có quy định về khái niệm khảo nghiệm phân bón như sau:
Khảo nghiệm phân bón là hoạt động theo dõi, đánh giá các chỉ tiêu nhằm xác định phương thức sử dụng, tác động đến môi trường, hiệu quả nông học, hiệu quả kinh tế của phân bón.
Theo đó, về yêu cầu đối với khảo nghiệm phân bón, căn cứ Điều 39 Luật Trồng trọt 2018 như sau:
Yêu cầu về khảo nghiệm phân bón
1. Phân bón phải được khảo nghiệm trước khi được công nhận lưu hành, trừ các loại phân bón quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Các loại phân bón không phải khảo nghiệm bao gồm:
a) Phân bón hữu cơ sử dụng để bón rễ có thành phần chỉ là chất hữu cơ tự nhiên, đáp ứng chỉ tiêu chất lượng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia;
b) Phân bón vô cơ đơn sử dụng để bón rễ có thành phần chỉ chứa đạm (N) hoặc lân (P) hoặc kali (K), đáp ứng chỉ tiêu chất lượng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia;
c) Phân bón vô cơ phức hợp sử dụng để bón rễ trong thành phần chỉ chứa các nguyên tố dinh dưỡng đạm (N), lân (P), kali (K) được liên kết với nhau bằng các liên kết hóa học, đáp ứng chỉ tiêu chất lượng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia;
d) Phân bón được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền công nhận là tiến bộ kỹ thuật.
3. Phân bón được khảo nghiệm cả diện rộng và diện hẹp; khảo nghiệm diện rộng chỉ được tiến hành sau khi kết thúc khảo nghiệm diện hẹp.
4. Việc khảo nghiệm phân bón thực hiện theo tiêu chuẩn quốc gia do tổ chức được công nhận đủ điều kiện thực hiện khảo nghiệm.
5. Lượng phân bón được sản xuất, nhập khẩu để khảo nghiệm được xác định dựa trên liều lượng bón cho từng loại cây trồng và diện tích khảo nghiệm thực tế theo tiêu chuẩn quốc gia về khảo nghiệm phân bón.
Như vậy, hiện nay, việc khảo nghiệm phân bón được thực hiện theo các yêu cầu nêu trên.
Mức phạt cho hành vi không lưu giữ hồ sơ khảo nghiệm phân bón đúng quy định từ 28/7/2023 ra sao? (Hình từ Internet)
Mức phạt cho hành vi không lưu giữ hồ sơ khảo nghiệm phân bón đúng quy định là bao nhiêu?
Căn cứ Nghị định 31/2023/NĐ-CP quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo từng chức danh đối với từng hành vi vi phạm hành chính về Trồng trọt.
Việc xử lý vi phạm đối với hành vi vi phạm quy định về khảo nghiệm phân bón được quy định tại Điều 26 Nghị định 31/2023/NĐ-CP như sau:
Vi phạm quy định về khảo nghiệm phân bón
1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Không lưu giữ hồ sơ khảo nghiệm phân bón đúng quy định;
b) Không nộp báo cáo định kỳ hàng năm kết quả hoạt động của tổ chức khảo nghiệm phân bón hoặc báo cáo đột xuất theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
2. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Không duy trì đầy đủ các điều kiện của tổ chức khảo nghiệm phân bón được công nhận trong quá trình hoạt động khảo nghiệm;
b) Không tuân thủ đúng quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy trình kỹ thuật và các yêu cầu khảo nghiệm theo quy định.
3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi cung cấp kết quả sai so với kết quả khảo nghiệm phân bón.
4. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện khảo nghiệm phân bón hoặc thực hiện khảo nghiệm không đúng quy định nhưng vẫn cấp kết quả khảo nghiệm.
5. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi tẩy xóa, sửa chữa tài liệu khảo nghiệm phân bón.
6. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tước quyền sử dụng Quyết định công nhận tổ chức khảo nghiệm phân bón, Quyết định công nhận tổ chức đủ điều kiện khảo nghiệm từ 06 tháng đến 12 tháng đối với hành vi quy định tại khoản 2 Điều này trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm;
b) Tước quyền sử dụng Quyết định công nhận tổ chức khảo nghiệm phân bón, Quyết định công nhận tổ chức đủ điều kiện khảo nghiệm từ 09 tháng đến 12 tháng đối với hành vi quy định tại khoản 4 Điều này;
c) Tước quyền sử dụng Quyết định công nhận tổ chức khảo nghiệm phân bón, Quyết định công nhận tổ chức đủ điều kiện khảo nghiệm từ 12 tháng đến 18 tháng đối với hành vi quy định tại khoản 5 Điều này.
7. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc hủy bỏ kết quả khảo nghiệm phân bón đối với hành vi quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này;
b) Buộc thu hồi và tiêu hủy các loại tài liệu đối với hành vi quy định tại khoản 5 Điều này.
Như vậy, theo quy định nêu trên thì mức phạt tiền cho hành vi không lưu giữ hồ sơ khảo nghiệm phân bón đúng quy định từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng.
Đồng thời, căn cứ quy định tại Điều 5 Nghị định 31/2023/NĐ-CP như sau:
Quy định về mức phạt tiền và thẩm quyền phạt tiền
1. Mức phạt tiền tối đa cho một hành vi vi phạm hành chính về trồng trọt (trừ phân bón) đối với cá nhân là 50.000.000 đồng.
2. Mức phạt tiền tối đa cho một hành vi vi phạm hành chính về phân bón đối với cá nhân là 100.000.000 đồng.
3. Mức phạt tiền quy định tại chương II, chương III của Nghị định này là mức phạt tiền áp dụng đối với cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức có cùng một hành vi vi phạm hành chính gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
4. Thẩm quyền phạt tiền của các chức danh quy định tại chương IV của Nghị định này là thẩm quyền phạt tiền áp dụng đối với một hành vi vi phạm hành chính của cá nhân. Thẩm quyền phạt tiền đối với tổ chức gấp 02 lần thẩm quyền phạt tiền đối với cá nhân.
Theo đó, mức phạt tiền cụ thể cho hành vi không lưu giữ hồ sơ khảo nghiệm phân bón đúng quy định được xác định như sau:
- Đối với cá nhân vi phạm: Phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng.
- Đối với tổ chức vi phạm: Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng.
Khi nào chính thức áp dụng mức phạt mới cho hành vi không lưu giữ hồ sơ khảo nghiệm phân bón đúng quy định?
Căn cứ quy định tại Điều 39 Nghị định 31/2023/NĐ-CP về hiệu lực thi hành như sau:
Hiệu lực thi hành
1. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 28 tháng 7 năm 2023.
Như vậy, theo nội dung nêu trên thì từ ngày 28/7/2023 sẽ chính thức áp dụng mức phạt mới cho hành vi không lưu giữ hồ sơ khảo nghiệm phân bón.
Nghị định 31/2023/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 28/7/2023.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mẫu kế hoạch kiểm tra nghiệm thu hoàn thành hạng mục công trình, công trình xây dựng? Tải mẫu tại đâu?
- Mẫu bảng tổng hợp dự toán xây dựng công trình mới nhất? Cách xác định dự toán xây dựng công trình?
- Mẫu đề cương kiểm định xây dựng mới nhất? Hướng dẫn trình tự thực hiện kiểm định xây dựng theo Thông tư 10?
- Thế nào là diện tích đất công nghiệp? Diện tích đất công nghiệp được dùng với mục đích gì theo Nghị định 32?
- Quyết định thành lập, bãi bỏ cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện thuộc thẩm quyền của ai?