Hướng dẫn Cảnh sát giao thông xử lý vi phạm trong khi tuần tra, kiểm soát theo Thông tư 73 như thế nào?
Hướng dẫn Cảnh sát giao thông xử lý vi phạm trong khi tuần tra, kiểm soát theo Thông tư 73 như thế nào?
Căn cứ tại Điều 16 Thông tư 73/2024/TT-BCA quy định về xử lý vi phạm trong khi tuần tra, kiểm soát của Cảnh sát giao thông như sau:
Việc xử lý vi phạm hành chính được thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và các quy định sau đây:
(1) Xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản
Khi phát hiện vi phạm hành chính thuộc trường hợp xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản, cán bộ Cảnh sát giao thông thực hiện ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ theo thẩm quyền. Trường hợp cá nhân, tổ chức vi phạm (sau đây gọi chung là người vi phạm) chưa thi hành ngay quyết định xử phạt thì tạm giữ giấy tờ có liên quan theo quy định tại điểm d, điểm g khoản 2 Điều 17 Thông tư 73/2024/TT-BCA và quy định khác của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính có liên quan để bảo đảm cho việc thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
(2) Xử phạt vi phạm hành chính có lập biên bản
- Khi phát hiện vi phạm hành chính thuộc trường hợp xử phạt vi phạm hành chính có lập biên bản, cán bộ Cảnh sát giao thông thực hiện lập biên bản vi phạm hành chính theo quy định. Biên bản vi phạm hành chính được lập bàng mẫu in sẵn hoặc lập trên cơ sở dữ liệu xử lý vi phạm hành chính;
- Khi lập xong biên bản vi phạm hành chính, cán bộ lập biên bản đọc lại cho những người có tên trong biên bản cùng nghe; hướng dẫn quyền, thời hạn giải trình về vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm hành chính mà cá nhân, tổ chức có quyền giải trình theo quy định tại Điều 61 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020); đề nghị người vi phạm cung cấp số điện thoại liên hệ (nếu có) để nhận thông tin xử phạt thông qua Cổng dịch vụ công Quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an (sau đây viết gọn là Cổng dịch vụ công);
Ký vào biên bản (trường hợp người vi phạm không ký được thì điểm chỉ), trừ trường hợp biên bản được lập theo quy định tại khoản 7 Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020). Trường hợp có người chứng kiến, người phiên dịch, người bị thiệt hại hoặc đại diện tổ chức bị thiệt hại thì những người này cùng phải ký vào biên bản; biên bản vi phạm hành chính gồm nhiều trang, thì phải ký vào từng trang biên bản;
- Trường hợp người vi phạm không có mặt tại nơi vi phạm hoặc cố tình trốn tránh hoặc vì lý do khách quan mà không ký, điểm chỉ vào biên bản hoặc có mặt nhưng từ chối ký, điểm chỉ vào biên bản hoặc trường hợp không xác định được đối tượng vi phạm thì Tổ trưởng Tổ Cảnh sát giao thông mời đại diện chính quyền cấp xã nơi xảy ra vi phạm hoặc ít nhất 01 người chứng kiến ký vào biên bản xác nhận việc người vi phạm không ký, điểm chỉ vào biên bản; trường hợp không có chữ ký của đại diện chính quyền cấp xã hoặc của người chứng kiến thì cán bộ Cảnh sát giao thông phải ghi rõ lý do vào biên bản. Sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ ghi nhận vụ việc và phải báo cáo thủ trưởng đơn vị bằng văn bản để làm cơ sở cho người có thẩm quyền xem xét, quyết định xử phạt;
- Việc giao biên bản vi phạm hành chính cho người vi phạm thực hiện theo quy định tại Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) và Điều 12 Nghị định 118/2021/NĐ-CP ngày 23/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 (sau đây viết gọn là Nghị định 118/2021/NĐ-CP).
Hướng dẫn Cảnh sát giao thông xử lý vi phạm trong khi tuần tra, kiểm soát theo Thông tư 73 như thế nào? (Hình ảnh Internet)
Quy định nội dung kiểm soát giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông gồm những gì?
Căn cứ tại Điều 8 Thông tư 73/2024/TT-BCA quy định về nội dung kiểm soát giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông bao gồm:
Thực hiện các nội dung kiểm soát theo quy định tại điểm b khoản 1, điểm a khoản 5 Điều 65 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 và các quy định sau đây:
(1) Kiểm soát các giấy tờ có liên quan đến người và phương tiện giao thông, gồm:
- Giấy phép lái xe; chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ, bằng hoặc chứng chỉ điều khiển xe máy chuyên dùng; chứng nhận đăng ký xe hoặc bản sao chứng nhận đăng ký xe có chứng thực kèm bản gốc giấy tờ xác nhận của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; chứng nhận kiểm định, tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (đối với loại phương tiện giao thông có quy định phải kiểm định); chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới và giấy tờ cần thiết khác có liên quan theo quy định (sau đây gọi chung là giấy tờ);
- Khi thông tin của các giấy tờ đã được tích hợp, cập nhật trong tài khoản định danh điện tử trên Ứng dụng định danh quốc gia, trong cơ sở dữ liệu do Bộ Công an quản lý, vận hành thì có thể thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát thông qua thông tin trong tài khoản định danh điện tử trên Ứng dụng định danh quốc gia, cơ sở dữ liệu; việc kiểm tra thông tin của giấy tờ trong tài khoản định danh điện tử trên Ứng dụng định danh quốc gia, cơ sở dữ liệu có giá trị như kiểm tra trực tiếp giấy tờ đó.
(2) Kiểm soát các điều kiện của phương tiện tham gia giao thông đường bộ
Thực hiện kiểm soát theo trình tự từ trước ra sau, từ trái qua phải, từ ngoài vào trong, từ trên xuống dưới, gồm các nội dung: Hình dáng, kích thước bên ngoài, màu sơn, biển số; điều kiện an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy chuyên dùng; thiết bị giám sát hành trình, thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe theo quy định.
(3) Kiểm soát việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong vận tải đường bộ
Kiểm soát tính hợp pháp của hàng hóa, chủng loại, khối lượng, số lượng, quy cách, kích thước; đồ vật; số người thực tế chở so với quy định được phép chở và các biện pháp bảo đảm an toàn trong vận tải đường bộ.
(4) Kiểm soát nội dung khác có liên quan theo quy định của pháp luật.
Khi nào Thông tư 73 có hiệu lực?
Căn cứ tại khoản 1 Điều 32 Thông tư 73/2024/TT-BCA quy định về hiệu lực thi hành như sau:
Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2025.
Như vậy, Thông tư 73/2024/TT-BCA có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/1/2025.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Công chức viên chức đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi có được thực hiện tinh giản biên chế không?
- Mẫu giấy phép xây dựng công trình ngầm mới nhất theo Nghị định 175 là mẫu nào? Tải về mẫu ở đâu?
- Thế nào là giấy phép hoạt động xây dựng? Ngôn ngữ thể hiện trong đơn đề nghị cấp giấy phép hoạt động xây dựng đối với nhà thầu nước ngoài?
- Tinh gọn bộ máy công an: Chế độ, chính sách đối với sĩ quan, hạ sĩ quan công an nhân dân theo Nghị định 178 thế nào?
- Download mẫu thông báo tăng giá hàng hóa dịch vụ gửi khách hàng? Trách nhiệm công khai thông tin về giá của cá nhân kinh doanh?