Hướng dẫn cách kiểm tra nợ xấu CIC online chi tiết, nhanh nhất 2024? Kiểm tra nợ xấu CIC qua website, điện thoại ra sao?
Hướng dẫn cách kiểm tra nợ xấu CIC online chi tiết, nhanh nhất 2024? Kiểm tra nợ xấu CIC qua website, điện thoại ra sao?
Có thể tham khảo cách kiểm tra nợ xấu CIC online qua website hoặc điện thoại dưới đây:
Cách kiểm tra nợ xấu cá nhân trên website CIC:
Mọi giao dịch vay, mượn nợ và thanh toán của người dùng thẻ đều được ghi nhận dưới dạng điểm tín dụng trên hệ thống CIC. Qua đó, có thể tra cứu nợ xấu trên website CIC theo các bước sau:
Bước 1: Truy cập website của CIC tại địa chỉ https://cic.gov.vn/
Bước 2: Nhấn chọn "Đăng ký" > Điền đầy đủ thông tin theo biểu mẫu > Nhấn chọn "Tiếp tục". Ở bước này, quý khách nên nhập email và số điện thoại chính chủ để nhận thông báo từ CIC.
Bước 3: Nhập mã OTP được gửi về từ số điện thoại đã đăng ký > Nhấn chọn "Đồng ý" để chấp nhận điều khoản dịch vụ > Nhấn "Tiếp tục".
Bước 4: Sau khi đã hoàn tất các thao tác nêu trên, nhân viên CIC sẽ gọi đến số điện thoại quý khách đã cung cấp để xác minh thông tin. Nếu thông tin chính xác, quý khách sẽ được cung cấp một tài khoản bao gồm tên đăng nhập, mật khẩu qua SMS/Email.
Bước 5: Lấy thông tin đăng nhập và kiểm tra nợ xấu trong phần thông tin cá nhân.
Cách kiểm tra nợ xấu online qua app CIC trên điện thoại:
Đầu tiên, người dùng cần tải về ứng dụng CIC credit connect – Kết nối nhu cầu vay trên CH Play hoặc iCIC NATIONAL CREDIT INFORMATION CENTRE OF VIETNAM trên App Store.
Sau khi cài đặt và đăng ký tài khoản thành công, người dùng thực hiện kiểm tra nợ xấu theo những bước sau:
Bước 1: Chọn "Khai thác báo cáo" để bắt đầu tra nợ trên CIC.
Bước 2: Xác thực khai thác báo cáo bằng một trong các hình thức là mật khẩu/Vân tay/Face ID.
Bước 3: Chọn mục "Khai thác báo cáo".
Bước 4: Nhập mã xác thực OTP .
Bước 5: Vào mục "Xem báo cáo" để biết được kết quả nợ xấu.
Trong bản báo cáo tín dụng, quý khách cần lưu ý đến mục Mức độ rủi ro để đối chiếu thông tin xem mình có bị ghi nhận nợ xấu hay không.
*Lưu ý: Để xóa nợ xấu và cải thiện điểm tín dụng, bạn cần thanh toán đầy đủ và đúng hạn các khoản nợ hiện tại, tránh tạo thêm nợ mới mà khả năng tài chính không cho phép. Có thể mất một thời gian để lịch sử tín dụng được cải thiện sau khi bạn đã thanh toán nợ.
Hướng dẫn cách kiểm tra nợ xấu CIC online chi tiết, nhanh nhất 2024? Kiểm tra nợ xấu CIC qua website, điện thoại ra sao? (Hình từ intenret)
Nhóm nợ nào được xem là nợ xấu theo quy định hiện nay?
Căn cứ theo quy định tại khoản 8 Điều 3 Thông tư 11/2021/TT-NHNN quy định Nợ xấu (NPL) là nợ thuộc các nhóm 3, 4 và 5
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 10 Thông tư 11/2021/TT-NHNN, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện phân loại nợ (trừ các khoản trả thay theo cam kết ngoại bảng) theo 05 nhóm như sau:
Các nhóm nợ chưa bị xem là nợ xấu:
Nhóm 1 (Nợ đủ tiêu chuẩn) bao gồm:
- Khoản nợ trong hạn và được đánh giá là có khả năng thu hồi đầy đủ cả nợ gốc và lãi đúng hạn;
- Khoản nợ quá hạn dưới 10 ngày và được đánh giá là có khả năng thu hồi đầy đủ nợ gốc và lãi bị quá hạn và thu hồi đầy đủ nợ gốc và lãi còn lại đúng thời hạn;
- Khoản nợ được phân loại vào nhóm 1 theo quy định tại khoản 2 Điều 10 Thông tư 11/2021/TT-NHNN.
Nhóm 2 (Nợ cần chú ý) bao gồm:
- Khoản nợ quá hạn đến 90 ngày.
Trừ khoản nợ quá hạn dưới 10 ngày và được đánh giá là có khả năng thu hồi đầy đủ nợ gốc và lãi bị quá hạn và thu hồi đầy đủ nợ gốc và lãi còn lại đúng thời hạn, khoản 3 Điều 10 Thông tư 11/2021/TT-NHNN.
- Khoản nợ được điều chỉnh kỳ hạn trả nợ lần đầu còn trong hạn, trừ khoản nợ quy định tại điểm b khoản 2, khoản 3 Điều 10 Thông tư 11/2021/TT-NHNN.
- Khoản nợ được phân loại vào nhóm 2 theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 10 Thông tư 11/2021/TT-NHNN.
Các nhóm nợ được xem là nợ xấu:
Nhóm 3 (Nợ dưới tiêu chuẩn) bao gồm:
- Khoản nợ quá hạn từ 91 ngày đến 180 ngày, trừ khoản nợ quy định tại khoản 3 Điều 10 Thông tư 11/2021/TT-NHNN
- Khoản nợ gia hạn nợ lần đầu còn trong hạn, trừ khoản nợ quy định tại điểm b khoản 2, khoản 3 Điều 10 Thông tư 11/2021/TT-NHNN.
- Khoản nợ được miễn hoặc giảm lãi do khách hàng không đủ khả năng trả lãi đầy đủ theo thỏa thuận, trừ khoản nợ quy định tại khoản 3 Điều 10 Thông tư 11/2021/TT-NHNN
-Khoản nợ thuộc một trong các trường hợp sau đây chưa thu hồi được trong thời gian dưới 30 ngày kể từ ngày có quyết định thu hồi:
+ Khoản nợ vi phạm quy định tại các khoản 1, 3, 4, 5, 6 Điều 126 Luật Các tổ chức tín dụng 2010 (đã sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi 2017);
+ Khoản nợ vi phạm quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 Điều 127 Luật Các tổ chức tín dụng 2010 (đã sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi 2017);
+ Khoản nợ vi phạm quy định tại các khoản 1, 2, 5 Điều 128 Luật Các tổ chức tín dụng 2010 (đã sửa đổi, bổ sung bởi Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi 2017);
- Khoản nợ trong thời hạn thu hồi theo kết luận thanh tra, kiểm tra;
- Khoản nợ phải thu hồi theo quyết định thu hồi nợ trước hạn của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài do khách hàng vi phạm thỏa thuận với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chưa thu hồi được trong thời gian dưới 30 ngày kể từ ngày có quyết định thu hồi;
- Khoản nợ được phân loại vào nhóm 3 theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 10 Thông tư 11/2021/TT-NHNN;
- Khoản nợ phải phân loại vào nhóm 3 theo quy định tại khoản 4 Điều 8 Thông tư 11/2021/TT-NHNN.
Nhóm 4 (Nợ nghi ngờ) bao gồm:
- Khoản nợ quá hạn từ 181 ngày đến 360 ngày, trừ khoản nợ quy định tại khoản 3 Điều 10 Thông tư 11/2021/TT-NHNN
- Khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần đầu quá hạn đến 90 ngày theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại lần đầu, trừ khoản nợ quy định tại khoản 3 Điều 10 Thông tư 11/2021/TT-NHNN
- Khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần thứ hai còn trong hạn, trừ khoản nợ quy định tại điểm b khoản 2, khoản 3 Điều 10 Thông tư 11/2021/TT-NHNN
- Khoản nợ quy định tại điểm c(iv) khoản 1 Điều 10 Thông tư 11/2021/TT-NHNN chưa thu hồi được trong thời gian từ 30 ngày đến 60 ngày kể từ ngày có quyết định thu hồi;
- Khoản nợ phải thu hồi theo kết luận thanh tra, kiểm tra nhưng quá thời hạn thu hồi theo kết luận thanh tra, kiểm tra đến 60 ngày mà chưa thu hồi được;
- Khoản nợ phải thu hồi theo quyết định thu hồi nợ trước hạn của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài do khách hàng vi phạm thỏa thuận với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chưa thu hồi được trong thời gian từ 30 ngày đến 60 ngày kể từ ngày có quyết định thu hồi;
- Khoản nợ được phân loại vào nhóm 4 theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 10 Thông tư 11/2021/TT-NHNN
- Khoản nợ phải phân loại vào nhóm 4 theo quy định tại khoản 4 Điều 8 Thông tư 11/2021/TT-NHNN
Nhóm 5 (Nợ có khả năng mất vốn) bao gồm:
- Khoản nợ quá hạn trên 360 ngày;
- Khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần đầu quá hạn từ 91 ngày trở lên theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại lần đầu;
- Khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần thứ hai quá hạn theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại lần thứ hai;
- Khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần thứ ba trở lên, trừ khoản nợ quy định tại điểm b khoản 2 Điều 10 Thông tư 11/2021/TT-NHNN
- Khoản nợ quy định tại điểm c(iv) khoản 1 Điều 10 Thông tư 11/2021/TT-NHNN chưa thu hồi được trên 60 ngày kể từ ngày có quyết định thu hồi;
- Khoản nợ phải thu hồi theo kết luận thanh tra, kiểm tra nhưng quá thời hạn thu hồi theo kết luận thanh tra, kiểm tra trên 60 ngày mà chưa thu hồi được;
- Khoản nợ phải thu hồi theo quyết định thu hồi nợ trước hạn của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài do khách hàng vi phạm thỏa thuận với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chưa thu hồi được trên 60 ngày kể từ ngày có quyết định thu hồi;
- Khoản nợ của khách hàng là tổ chức tín dụng đang được kiểm soát đặc biệt, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang bị phong tỏa vốn và tài sản;
- Khoản nợ được phân loại vào nhóm 5 theo quy định tại khoản 3 Điều 10 Thông tư 11/2021/TT-NHNN;
- Khoản nợ phải phân loại vào nhóm 5 theo quy định tại khoản 4 Điều 8 Thông tư 11/2021/TT-NHNN
Quy định mới về thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý nợ xấu theo Luật Các tổ chức tín dụng 2024 như thế nào?
Tại Điều 199 Luật Các tổ chức tín dụng 2024 đã thống nhất khi xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu thực hiện phân chia theo thứ tự ưu tiên sau đây:
(1) Chi phí bảo quản tài sản bảo đảm;
(2) Chi phí thu giữ và chi phí xử lý tài sản bảo đảm;
(3) Án phí của bản án, quyết định của Tòa án liên quan đến việc xử lý tài sản bảo đảm;
(4) Khoản thuế, lệ phí trực tiếp liên quan đến việc chuyển nhượng tài sản bảo đảm đó gồm thuế thu nhập cá nhân, lệ phí trước bạ;
(5) Nghĩa vụ nợ được bảo đảm cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ;
(6) Nghĩa vụ khác không có bảo đảm theo quy định của pháp luật.
*Lưu ý: Đối với trường hợp một tài sản được dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ thì thứ tự ưu tiên thanh toán giữa các bên cùng nhận bảo đảm thực hiện theo quy định của pháp luật dân sự và quy định khác có liên quan.
Luật Các tổ chức tín dụng 2024 sẽ có hiệu lực thi hành từ 01 tháng 07 năm 2024, trừ khoản 3 Điều 200 và khoản 15 Điều 210 Luật Các tổ chức tín dụng 2024 sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2025.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Đối tượng được cộng điểm khuyến khích khi thi tuyển sinh lớp 10 năm 2025? Quy định về phúc khảo bài thi tuyển sinh lớp 10 năm 2025?
- Tết Âm lịch, những ai được vào thăm gặp phạm nhân? Thời gian phạm nhân được gặp vợ, chồng ở phòng riêng trong ngày Tết Âm lịch?
- Tải Mẫu đề cương quan trắc công trình trong quá trình khai thác sử dụng? Danh mục công trình phải quan trắc trong quá trình khai thác, sử dụng?
- Mẫu Đơn đề nghị cấp phép xây dựng nhà ở riêng lẻ theo Nghị định 175? Mẫu đơn xin cấp phép xây dựng nhà ở riêng lẻ mới nhất?
- Mẫu đơn đề nghị đổi, cấp lại giấy phép lái xe mới nhất hiện nay theo Thông tư 35? Tải mẫu mới nhất?