Hành vi tham nhũng trong và ngoài khu vực nhà nước bao gồm các hành vi nào? Xử lý quà tặng trong phòng chống tham nhũng như thế nào?
Thế nào là hành vi tham nhũng?
Tại khoản 1 Điều 3 Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 quy định như sau:
Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi.
Tại khoản 2 Điều 3 Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 có quy định như sau:
Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
…..
2. Người có chức vụ, quyền hạn là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do tuyển dụng, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó, bao gồm:
a) Cán bộ, công chức, viên chức;
b) Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, công nhân công an trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân;
c) Người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp;
d) Người giữ chức danh, chức vụ quản lý trong doanh nghiệp, tổ chức;
đ) Những người khác được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ và có quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó.
….
Như vậy, có thể hiểu hành vi tham nhũng là hành vi của những người có chức vụ, quyền hạn là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do tuyển dụng, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác kể trên đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình vì vụ lợi.
Hành vi tham nhũng trong và ngoài khu vực nhà nước bao gồm các hành vi nào? Xử lý quà tặng trong phòng chống tham nhũng như thế nào? (Hình từ Internet)
Hành vi tham nhũng trong và ngoài khu vực nhà nước bao gồm các hành vi nào?
Tại Điều 2 Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 có quy định về các hành vi tham nhũng như sau:
Các hành vi tham nhũng
1. Các hành vi tham nhũng trong khu vực nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực nhà nước thực hiện bao gồm:
a) Tham ô tài sản;
b) Nhận hối lộ;
c) Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi;
đ) Lạm quyền trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi;
e) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi;
g) Giả mạo trong công tác vì vụ lợi;
h) Đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương vì vụ lợi;
i) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản công vì vụ lợi;
k) Nhũng nhiễu vì vụ lợi;
l) Không thực hiện, thực hiện không đúng hoặc không đầy đủ nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi;
m) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật vì vụ lợi; cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án vì vụ lợi.
2. Các hành vi tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước thực hiện bao gồm:
a) Tham ô tài sản;
b) Nhận hối lộ;
c) Đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của doanh nghiệp, tổ chức mình vì vụ lợi.
Theo đó, hành vi tham nhũng trong và ngoài khu vực nhà nước là những hành vi được liệt kê theo quy định trên.
Xử lý quà tặng như thế nào để phù hợp với quy định về phòng, chống tham nhũng?
Tại Điều 27 Nghị định 59/2019/NĐ-CP có quy định về xử lý quà tặng như sau:
Xử lý quà tặng
1. Đối với quà tặng bằng tiền, giấy tờ có giá thì Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị tổ chức tiếp nhận, bảo quản và làm thủ tục nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật.
2. Đối với quà tặng bằng hiện vật, Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị tiếp nhận, bảo quản và xử lý như sau:
a) Xác định giá trị của quà tặng trên cơ sở giá của quà tặng do cơ quan, đơn vị, cá nhân tặng quà cung cấp (nếu có) hoặc giá trị của quà tặng tương tự được bán trên thị trường. Trong trường hợp không xác định được giá trị của quà tặng bằng hiện vật thì có thể đề nghị cơ quan có chức năng xác định giá;
b) Quyết định bán quà tặng và tổ chức công khai bán quà tặng theo quy định của pháp luật;
c) Nộp vào ngân sách nhà nước số tiền thu được sau khi trừ đi chi phí liên quan đến việc xử lý quà tặng trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày bán quà tặng.
3. Đối với quà tặng là dịch vụ thăm quan, du lịch, y tế, giáo dục - đào tạo, thực tập, bồi dưỡng trong nước hoặc ngoài nước, dịch vụ khác thì Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị phải thông báo đến cơ quan, tổ chức, đơn vị cung cấp dịch vụ về việc không sử dụng dịch vụ đó.
4. Đối với quà tặng là động vật, thực vật, thực phẩm tươi, sống và hiện vật khác khó bảo quản thì Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị căn cứ tình hình cụ thể và quy định của pháp luật về xử lý tang vật trong các vụ việc vi phạm hành chính để quyết định xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo Cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định xử lý.
5. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày xử lý quà tặng, cơ quan, tổ chức, đơn vị xử lý quà tặng có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý người tặng quà hoặc Cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức, đơn vị đã tặng quà để xem xét, xử lý theo thẩm quyền.
Theo đó, khi nhận được quà tặng thì Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị phải tiếp nhận và xử lý theo quy định như trên để phù hợp với quy định về phòng, chống tham nhũng.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Hàng hóa quá cảnh khi xuất khẩu bắt buộc phải là toàn bộ hàng hóa đã nhập khẩu? Hoạt động cho phép quá cảnh hàng hóa được quy định thế nào?
- Đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp là gì? NSDĐ sử dụng đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp thông qua hình thức nào?
- Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của kiểm toán viên nội bộ tổ chức tín dụng phi ngân hàng gồm các quy tắc nào?
- Kế toán là gì? Nguyên tắc kế toán theo quy định của Luật Kế toán? Chữ viết và chữ số sử dụng trong kế toán?
- Đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản là gì? Thuộc nhóm đất nào? Sử dụng đất cho hoạt động khoáng sản như thế nào?