Hạn mức thẻ ngân hàng từ ngày 01/7/2024 là bao nhiêu? Cấp tín dụng qua thẻ tín dụng phải đảm bảo các yêu cầu nào?
Hạn mức thẻ ngân hàng từ ngày 01/7/2024 là bao nhiêu?
Căn cứ Điều 13 Thông tư 18/2024/TT-NHNN quy định về hạn mức thẻ như sau:
Hạn mức thẻ
1. TCPHT thỏa thuận với chủ thẻ về hạn mức thanh toán, hạn mức chuyển khoản, hạn mức rút tiền mặt và các hạn mức khác trong việc sử dụng thẻ đối với chủ thẻ phù hợp với quy định tại Thông tư này, quy định của pháp luật hiện hành về quản lý ngoại hối và quy định pháp luật có liên quan.
2. Đối với hạn mức rút ngoại tệ tiền mặt tại nước ngoài, một thẻ được rút số ngoại tệ tiền mặt tối đa tương đương 30 (ba mươi) triệu đồng Việt Nam trong một ngày.
3. Đối với thẻ tín dụng, tổng hạn mức rút tiền mặt tính theo BIN của thẻ tín dụng tối đa là 100 (một trăm) triệu đồng Việt Nam trong 01 tháng.
4. Đối với thẻ trả trước, TCPHT quy định cụ thể hạn mức số dư, hạn mức nạp thêm tiền vào thẻ và hạn mức giao dịch; đảm bảo số dư tại mọi thời điểm trên một thẻ trả trước vô danh không được quá 05 (năm) triệu đồng Việt Nam; tổng hạn mức giao dịch (bao gồm giao dịch rút tiền mặt, giao dịch chuyển khoản, giao dịch thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ) trên một thẻ trả trước định danh không được quá 100 (một trăm) triệu đồng Việt Nam trong 01 tháng.
Như vậy, từ ngày 01/7/2024, hạn mức thẻ được quy định như sau:
- Hạn mức thanh toán, chuyển khoản, hạn mức rút tiền mặt và các hạn mức khác:
+ Tổ chức phát hành thẻ thỏa thuận với chủ thẻ về các hạn mức này phù hợp với quy định của Thông tư 18/2024/TT-NHNN, cũng như pháp luật hiện hành về quản lý ngoại hối và các quy định liên quan.
- Hạn mức rút ngoại tệ tiền mặt tại nước ngoài:
+ Mỗi thẻ có thể rút số ngoại tệ tiền mặt tối đa tương đương 30 triệu đồng Việt Nam trong 01 ngày.
- Hạn mức rút tiền mặt đối với thẻ tín dụng: (có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2025)
+ Tổng hạn mức rút tiền mặt tính theo BIN của thẻ tín dụng là tối đa 100 triệu đồng Việt Nam trong 01 tháng.
- Hạn mức đối với thẻ trả trước:
Tổ chức phát hành thẻ quy định cụ thể hạn mức số dư, hạn mức nạp thêm tiền vào thẻ và hạn mức giao dịch. Đảm bảo số dư tại mọi thời điểm trên một thẻ trả trước vô danh:
+ Số dư tối đa không được vượt quá 5 triệu đồng Việt Nam.
+ Tổng hạn mức giao dịch trên một thẻ trả trước định danh không được vượt quá 100 triệu đồng Việt Nam trong 01 tháng. Hạn mức này bao gồm các loại giao dịch như rút tiền mặt, chuyển khoản và thanh toán tiền hàng hóa/dịch vụ.
Lưu ý: Khoản 3 Điều 13 Thông tư 18/2024/TT-NHNN có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2025.
Hạn mức thẻ ngân hàng từ ngày 01/7/2024 là bao nhiêu? Cấp tín dụng qua thẻ tín dụng phải đảm bảo các yêu cầu nào? (Hình ảnh Internet)
Cấp tín dụng qua thẻ tín dụng phải đảm bảo các yêu cầu nào?
Căn cứ khoản 1 Điều 14 Thông tư 18/2024/TT-NHNN quy định về cấp tín dụng qua thẻ tín dụng phải đảm bảo các yêu cầu sau:
(1) Được thực hiện theo hợp đồng phát hành và sử dụng thẻ và các văn bản thỏa thuận khác về việc cấp tín dụng giữa Tổ chức phát hành thẻ với chủ thẻ (nếu có);
(2) Tổ chức phát hành thẻ phải có quy định nội bộ về cấp tín dụng qua thẻ tín dụng (bao gồm quy định đối với cấp tín dụng qua thẻ tín dụng bằng phương tiện điện tử (nếu có) phù hợp với quy định pháp luật về đảm bảo an toàn trong hoạt động cấp tín dụng.
Trong đó quy định cụ thể về đối tượng, hạn mức (bao gồm hạn mức cấp tín dụng, hạn mức rút tiền mặt và các hạn mức khác), điều kiện, thời hạn cấp tín dụng, thời hạn trả nợ, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, mức trả nợ tối thiểu, lãi suất áp dụng, phương pháp tính lãi trong hoạt động cấp tín dụng theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, thứ tự thu hồi nợ gốc và lãi, phí phạt khoản nợ quá hạn, trình tự áp dụng các biện pháp thu hồi nợ quá hạn, thời hạn áp dụng từng biện pháp xử lý nợ quá hạn, mục đích cấp tín dụng, quy trình thẩm định và quyết định cấp tín dụng qua thẻ theo nguyên tắc phân định rõ trách nhiệm giữa khâu thẩm định và quyết định cấp tín dụng, các biện pháp áp dụng thu hồi nợ để đảm bảo trách nhiệm các bộ phận tại Tổ chức phát hành thẻ trong quá trình thu hồi nợ;
(3) Đối với khoản cấp tín dụng qua thẻ thuộc trường hợp tại mục (2), tổ chức phát hành thẻ phải có tối thiểu thông tin về mục đích sử dụng vốn hợp pháp, khả năng tài chính của khách hàng trước khi quyết định cấp tín dụng;
(4) Đối với khoản cấp tín dụng qua thẻ không thuộc trường hợp tại mục (2), tổ chức phát hành thẻ phải yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin, tài liệu, dữ liệu chứng minh khả năng tài chính của khách hàng, phương án sử dụng vốn khả thi, mục đích sử dụng vốn hợp pháp và thông tin về người có liên quan trước khi quyết định cấp tín dụng;
(5) Thông tin về người có liên quan của khách hàng quy định tại mục (4) bao gồm các thông tin sau:
- Thông tin về người có liên quan là cá nhân, bao gồm: họ và tên; số định danh cá nhân; quốc tịch, số hộ chiếu, ngày cấp, nơi cấp đối với người nước ngoài; mối quan hệ với khách hàng;
- Thông tin về người có liên quan là tổ chức, bao gồm: tên, mã số doanh nghiệp, địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp, số Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ pháp lý tương đương; người đại diện theo pháp luật, mối quan hệ với khách hàng;
(6) Tổ chức phát hành thẻ xem xét và quyết định cấp tín dụng qua thẻ tín dụng cho chủ thẻ đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau:
- Chủ thẻ là cá nhân thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 15 Thông tư 18/2024/TT-NHNN;
- Chủ thẻ là tổ chức thuộc đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 15 Thông tư 18/2024/TT-NHNN và không thuộc đối tượng không được cấp tín dụng quy định tại Điều 134 Luật Các tổ chức tín dụng 2024;
- Chủ thẻ có phương án sử dụng vốn khả thi (không bắt buộc đối với trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 14 Thông tư 18/2024/TT-NHNN), mục đích sử dụng vốn hợp pháp và có khả năng tài chính để trả nợ gốc, lãi và phí đầy đủ, đúng hạn;
(7) Tổ chức phát hành thẻ thỏa thuận với khách hàng về việc áp dụng hoặc không áp dụng biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trả nợ theo quy định của pháp luật;
(8) Hạn mức thẻ tín dụng đối với cá nhân quy định tại khoản 1 Điều 134 và điểm đ khoản 1 Điều 135 Luật Các tổ chức tín dụng 2024 như sau:
- Trường hợp phát hành thẻ tín dụng có tài sản bảo đảm: hạn mức tín dụng cấp cho chủ thẻ do Tổ chức phát hành thẻ xác định theo quy định nội bộ của Tổ chức phát hành thẻ về cấp tín dụng qua thẻ tín dụng và tối đa là 01 (một) tỷ đồng Việt Nam;
- Trường hợp phát hành thẻ tín dụng không có tài sản bảo đảm: hạn mức tín dụng cấp cho chủ thẻ tối đa là 500 (năm trăm) triệu đồng Việt Nam.
Thẻ bị thu hồi trong những trường hợp nào?
Căn cứ Điều 7 Thông tư 18/2024/TT-NHNN quy định về thu hồi thẻ như sau:
Thu hồi thẻ
Thẻ bị thu hồi trong các trường hợp sau:
1. Thẻ giả.
2. Thẻ sử dụng trái phép.
3. Phục vụ công tác điều tra, xử lý tội phạm theo quy định của pháp luật.
4. Các trường hợp thu hồi thẻ khác được thỏa thuận tại hợp đồng phát hành và sử dụng thẻ.
Như vậy, thẻ bị thu hồi trong các trường hợp như thẻ giả; thẻ sử dụng trái phép; phục vụ công tác điều tra, xử lý tội phạm; các trường hợp thu hồi thẻ khác được thỏa thuận tại hợp đồng phát hành và sử dụng thẻ.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mẫu Kinh nghiệm thực hiện dự án của nhà đầu tư thuộc E HSMST dự án PPP theo Thông tư 15 mới nhất?
- Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nhà báo Việt Nam có nhiệm kỳ bao lâu? Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nhà báo biểu quyết bằng hình thức nào?
- Xúi giục, đe dọa người khác phá thai bị xử lý như thế nào? Pháp luật có cấm phá thai hay không?
- Năm cá nhân số 3 năm 2025 có ý nghĩa gì? Cách tính năm cá nhân 2025 theo thần số học chi tiết?
- Xe khách chở quá số lượng người vào dịp Tết Âm lịch từ năm 2025 sẽ bị xử phạt bao nhiêu? Có bị trừ điểm giấy phép lái xe?