Giải đáp vướng mắc thời điểm nộp Giấy chứng nhận xuất xứ ưu đãi (C/O) từ Tổng cục Hải quan và Bộ tài Chính?
Cam kết quốc tế về thời điểm nộp Giấy chứng nhận xuất xứ ưu đãi (C/O)
Theo quy định tại tiểu mục 3.1 Mục 3 Công văn 4224/BTC-TCHQ ngày 12/5/2022 về tiền hoàn thuế ưu đãi cho C/O mẫu D do Bộ Tài chính ban hành quy định về cam kết quốc tế về thời điểm nộp Giấy chứng nhận ưu đãi xuất xứ (C/O) cụ thể như sau:
a) Về thời điểm nộp C/O: Quy tắc 13 Phụ lục 8 Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN thì thời hạn nộp C/O được quy định như sau:
"1. Để được hưởng ưu đãi thuế quan, tại thời điểm làm thủ tục nhập khẩu, người nhập khẩu phải nộp cho cơ quan hải quan nước nhập khẩu tờ khai, C/O kèm các chứng từ chứng minh (như hóa đơn thương mại và vận đơn chở suốt được cấp trên lãnh thổ của nước thành viên xuất khẩu khi được yêu cầu) và các tài liệu khác theo quy định của pháp luật nước thành viên nhập khẩu.”
b) Về thời hạn hiệu lực của C/O: Quy tắc 14, Phụ lục 8 của Hiệp định ATIGA quy định:
“C/O có hiệu lực trong trong vòng mười hai (12) tháng kể từ ngày cấp, và phải được nộp cho cơ quan Hải quan Nước thành viên nhập khẩu trong thời hạn đó”.
Theo đó, thời điểm nộp C/O được quy định cụ thể trong cam kết quốc tế là tại thời điểm làm thủ tục hải quan. Hiệu lực C/O là 12 tháng kể từ ngày cấp. C/O cần phải nộp tại thời điểm làm thủ tục hải quan và phải còn giá trị hiệu lực tại thời điểm nộp.
c) Chương quy tắc xuất xứ của Hiệp định ATIGA được nội luật hóa tại Thông tư số 21/2010/TT-BCT ngày 17/5/2010 (được thay thế bởi Thông tư số 22/2016/TT-BCT ngày 3/10/2016), cụ thể:
"Để được hưởng ưu đãi thuế quan, tại thời điểm làm thủ tục nhập khẩu, Người nhập khẩu phải nộp cho cơ quan Hải quan nước nhập khẩu tờ khai, C/O mẫu D, kèm các chứng từ chứng minh...." (Điều 13, Phụ lục 7)
"C/O có hiệu lực trong trong vòng mười hai (12) tháng kể từ ngày cấp, và phải được nộp cho cơ quan Hải quan Nước thành viên nhập khẩu trong thời hạn đó..." (Điều 14, Phụ lục 7)
Căn cứ quy định trên, để được áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt, thời điểm nộp C/O là tại thời điểm làm thủ tục hải quan và C/O phải còn giá trị hiệu lực tại thời điểm nộp.
Thời điểm nộp Giấy chứng nhận xuất xứ ưu đãi (C/O)
Áp dụng Điều ước quốc tế đối với thời điểm nộp Giấy chứng nhận xuất xứ ưu đãi (C/O)
Theo tiểu mục 3.2 Mục 3 Công văn 4224/BTC-TCHQ ngày 12/5/2022 về tiền hoàn thuế ưu đãi cho C/O mẫu D do Bộ Tài chính ban hành quy định về áp dụng Điều ước quốc tế đối với thời điểm nộp Giấy chứng nhận ưu đãi xuất xứ (C/O) cụ thể như sau:
- Khoản 1 Điều 5 Luật Hải quan quy định: “1. Trong trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của Luật này thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó”.
- Điều 4 Nghị định số 19/2006/NĐ-CP ngày 20/2/2006 của Chính phủ hướng dẫn Luật Thương mại về xuất xứ hàng hóa về việc thực hiện quy tắc xuất xứ ưu đãi theo các điều ước quốc tế:
"Việc xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, hàng hóa nhập khẩu để được hưởng chế độ ưu đãi về thuế quan và phi thuế quan được áp dụng theo các Điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan quy định chi tiết việc thi hành các Điều ước này."
Quy định trong nước về thời điểm nộp Giấy chứng nhận xuất xứ ưu đãi (C/O)
Tại tiểu mục 3.3 Mục 3 Công văn 4224/BTC-TCHQ ngày 12/5/2022 về tiền hoàn thuế ưu đãi cho C/O mẫu D do Bộ Tài chính ban hành quy định:
Quy định trong nước về thời điểm nộp C/O:
- Điều 13, Nghị định số 19/2006/NĐ-CP ngày 20/2/2006 của Chính phủ hướng dẫn Luật Thương mại về xuất xứ hàng hóa quy định các trường hợp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa nhập khẩu phải nộp cho cơ quan hải quan:
“Trong những trường hợp sau, Giấy chứng nhận xuất xứ đối với hàng hóa nhập khẩu phải nộp cho cơ quan Hải quan tại thời điểm làm thủ tục hải quan:
1. Hàng hóa có xuất xứ từ nước hoặc nhóm nước được Việt Nam cho hưởng các ưu đãi về thuế quan và phi thuế quan theo quy định của pháp luật Việt Nam và theo các Điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập, nếu người nhập khẩu muốn được hưởng các chế độ ưu đãi đó."
Căn cứ quy định trên, Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa phải nộp cho cơ quan hải quan tại thời điểm làm thủ tục hải quan để được hưởng mức thuế suất ưu đãi đặc biệt.
Thẩm quyền hướng dẫn xác định xuất xứ?
Căn cứ theo quy định tại tiểu mục 3.4 Mục 3 Công văn 4224/BTC-TCHQ ngày 12/5/2022 về tiền hoàn thuế ưu đãi cho C/O mẫu D do Bộ Tài chính ban hành quy định về thẩm quyền hướng dẫn xác định xuất xứ cụ thể như sau:
- Khoản 3 Điều 27 Luật Hải quan: “Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định thủ tục, thẩm quyền, thời hạn xác định xuất xứ hàng hóa.”
- Khoản 4 Điều 24 Luật Hải quan: “Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định mẫu tờ khai hải quan, việc sử dụng tờ khai hải quan và chứng từ thay thế tờ khai hải quan, các trường hợp phải nộp, xuất trình chứng từ có liên quan quy định tại khoản 1 Điều 24”.
Căn cứ quy định trên, Bộ trưởng Bộ Tài chính có thẩm quyền hướng dẫn thời điểm nộp, xuất trình C/O. Điểm a, khoản 2, Điều 26 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 về thời điểm nộp C/O để áp dụng ưu đãi đặc biệt như sau:
“Người khai hải quan nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa nhập khẩu cho cơ quan hải quan theo quy định tại điểm g khoản 2 Điều 16 Thông tư này tại thời điểm nộp hộ hồ sơ hải quan hoặc trong thời hạn theo quy định tại các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên…..”
Bên cạnh đó, trong trường hợp cần thiết để kịp thời áp dụng chính sách quản lý phù hợp phục vụ điều hành chính sách để ổn định nền kinh tế nhưng vẫn đảm bảo đúng thẩm quyền, Bộ Tài chính căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao sẽ ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện ngay.
Đây là thực tế quản lý phát sinh trong quản lý điều hành và các nội dung hướng dẫn thuộc thẩm quyền xử lý của Bộ Tài chính, phù hợp với cam kết quốc tế và quy định trong nước. Nội dung này hiện nay được quy định tại khoản 2, Điều 26 Nghị định số 31/2018/NĐ-CP ngày 8/3/2018 và khoản 1, Điều 4 Thông tư số 38/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018.
Mặt hàng xăng dầu là hàng hóa thuộc hoạt động điều tiết giá, mức thuế suất thuế nhập khẩu được sử dụng tính giá cơ sở để điều hành giá bán lẻ xăng dầu là mức thuế suất bình quân gia quyền căn cứ trên số tiền thuế xác định tại thời điểm nhập khẩu. Do vậy, giai đoạn từ 14/9/2016 - trước 9/3/2017, để phù hợp với chính sách quản lý điều hành về giá cơ sở, Bộ Tài chính đã có văn bản hướng dẫn riêng đối với mặt hàng xăng dầu phải nộp C/O tại thời điểm làm thủ tục hải quan.
Như vậy, nội dung hướng dẫn tại công văn số 12802/BTC-TCHQ là đúng thẩm quyền của Bộ Tài chính, tuân thủ cam kết trong Hiệp định ATIGA và quy định pháp luật trong nước. Theo đó, cơ quan hải quan tiến hành truy thu số tiền thuế đối với các lô hàng xăng dầu nhập khẩu không nộp C/O tại thời điểm làm thủ tục hải quan là đúng quy định.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Thể lệ Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu Đảng bộ tỉnh Tây Ninh qua 11 kỳ Đại hội trên Internet như thế nào?
- Chính thức bảng lương giáo viên 2025 theo quy định mới có mức thấp nhất, cao nhất là bao nhiêu?
- Có bao nhiêu loại mã OTP theo Thông tư 50/2024? Đơn vị cung cấp dịch vụ Online Banking phải công bố những thông tin gì?
- Công văn 316-CV/ĐĐTLĐ sắp xếp tổ chức bộ máy liên đoàn lao động tỉnh, thành phố ra sao? Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam là ngày nào?
- Mẫu 2b Bản kiểm điểm đảng viên dành cho cán bộ khi nào nộp? Xếp loại đảng viên cuối năm theo Hướng dẫn 25 gồm bao nhiêu mức?