Doanh nghiệp không thực hiện xử lý kỷ luật lao động mà trực tiếp trừ lương nhân viên đi muộn về sớm có được không?
Kỷ luật lao động là gì? Hiện nay có bao nhiêu hình thức xử lý kỷ luật lao động?
Căn cứ vào nội dung tại Điều 117 Bộ luật Lao động 2019, khái niệm kỷ luật lao động được định nghĩa như sau:
Kỷ luật lao động
Kỷ luật lao động là những quy định về việc tuân theo thời gian, công nghệ và điều hành sản xuất, kinh doanh do người sử dụng lao động ban hành trong nội quy lao động và do pháp luật quy định.
Theo đó, kỷ luật lao động là việc người lao động tuân thủ, chấp hành theo những quy định mà người sử dụng lao động đặt ra trong nội quy lao động có liên quan đến thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi, trật tự nơi làm việc, an toàn vệ sinh lao động,..
Nội quy lao động của người sử dụng lao động không trái với pháp luật, được quy định cụ thể tại Điều 118 Bộ luật Lao động 2019.
Về các hình thức xử lý kỷ luật lao động, Điều 124 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:
Hình thức xử lý kỷ luật lao động
1. Khiển trách.
2. Kéo dài thời hạn nâng lương không quá 06 tháng.
3. Cách chức.
4. Sa thải.
Như vậy, khi người lao động không thực hiện đúng theo nội quy lao động thì sẽ bị áp dụng 01 trong 04 hình thức xử lý kỷ luật nêu trên tùy thuộc vào mức độ của hành vi vi phạm.
Doanh nghiệp không thực hiện xử lý kỷ luật lao động mà trực tiếp trừ lương nhân viên đi muộn về sớm có được không? (Hình từ Internet)
Doanh nghiệp có được trừ lương nhân viên khi đi muộn về sớm thay cho việc xử lý kỷ luật được không?
Căn cứ vào quy định tại Điều 127 Bộ luật Lao động 2019 như sau:
Các hành vi bị nghiêm cấm khi xử lý kỷ luật lao động
1. Xâm phạm sức khỏe, danh dự, tính mạng, uy tín, nhân phẩm của người lao động.
2. Phạt tiền, cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động.
3. Xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động có hành vi vi phạm không được quy định trong nội quy lao động hoặc không thỏa thuận trong hợp đồng lao động đã giao kết hoặc pháp luật về lao động không có quy định.
Theo nội dung quy định này, có thể thấy hành vi phạt tiền, cắt lương nhân viên thay vì xử lý kỷ luật lao động bị xem là một trong những hành vi bị nghiêm cấm trong pháp luật lao động.
Đồng thời, tại điểm b khoản 3 Điều 19 Nghị định 12/2022/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, mức phạt tiền cho hành vi vi phạm về kỷ luật lao động như sau:
Vi phạm quy định về kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất
...
3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động khi có một trong các hành vi sau đây:
...
b) Dùng hình thức phạt tiền hoặc cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động;
Ngoài ra, tại khoản 4 Điều 19 Nghị định 12/2022/NĐ-CP có đề cập:
Vi phạm quy định về kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất
...
4. Biện pháp khắc phục hậu quả
...
d) Buộc người sử dụng lao động trả lại khoản tiền đã thu hoặc trả đủ tiền lương cho người lao động đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 3 Điều này.
Như vậy, doanh nghiệp không được phép trừ lương nhân viên khi đi muộn về sớm thay cho việc xử lý kỷ luật. Nếu vi phạm, người sử dụng lao động có thể bị xử lý vi phạm hành chính lên đến 40 triệu đồng và có trách nhiệm phải trả đủ khoản tiền lương đã trừ cho người lao động.
Lưu ý. mức xử phạt nêu trên áp dụng với cá nhân. Trường hợp tổ chức vi phạm thì bị xử phạt gấp đôi.
Thời gian để xử lý kỷ luật lao động là bao lâu?
Theo Điều 123 Bộ luật Lao động 2019, thời hiệu xử lý kỷ luật được quy định như sau:
Thời hiệu xử lý kỷ luật lao động
1. Thời hiệu xử lý kỷ luật lao động là 06 tháng kể từ ngày xảy ra hành vi vi phạm; trường hợp hành vi vi phạm liên quan trực tiếp đến tài chính, tài sản, tiết lộ bí mật công nghệ, bí mật kinh doanh của người sử dụng lao động thì thời hiệu xử lý kỷ luật lao động là 12 tháng.
2. Khi hết thời gian quy định tại khoản 4 Điều 122 của Bộ luật này, nếu hết thời hiệu hoặc còn thời hiệu nhưng không đủ 60 ngày thì được kéo dài thời hiệu để xử lý kỷ luật lao động nhưng không quá 60 ngày kể từ ngày hết thời gian nêu trên.
3. Người sử dụng lao động phải ban hành quyết định xử lý kỷ luật lao động trong thời hạn quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.
Trong đó, khoảng thời gian người sử dụng lao động không được xử lý kỷ luật người lao động tại khoản 4 Điều 22 Bộ luật Lao động 2019 bao gồm những trường hợp sau:
- Nghỉ ốm đau, điều dưỡng; nghỉ việc được sự đồng ý của người sử dụng lao động;
- Đang bị tạm giữ, tạm giam;
- Đang chờ kết quả của cơ quan có thẩm quyền điều tra xác minh và kết luận đối với hành vi vi phạm được quy định tại khoản 1 Điều 125 Bộ luật Lao động 2019 và khoản 2 Điều 125 Bộ luật Lao động 2019;
- Người lao động nữ mang thai; người lao động nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Như vậy, thời gian của việc xử lý kỷ luật lao động được thực hiện theo những nội dung quy định nêu trên.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Cơ quan quản lý xác thực điện tử có được phép khai thác thông tin về lịch sử truy cập tài khoản không?
- Doanh nghiệp có được đi thuê tổ chức kiểm toán độc lập để cung cấp dịch vụ kiểm toán nội bộ không?
- Ai được ủy quyền khiếu nại? Ủy quyền khiếu nại sẽ được thực hiện trong trường hợp như thế nào?
- Phóng viên hạng ba cần phải đáp ứng những tiêu chuẩn nào để có thể được xét lên phóng viên hạng hai?
- Thành tích công tác đột xuất thuộc Bộ Nội vụ được thể hiện như thế nào? Nguyên tắc xét thưởng thành tích công tác đột xuất?