Điểm đáng chú ý trong dự thảo quy chế tuyển sinh đại học 2025? Tải dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học 2025 ở đâu?
Điểm đáng chú ý trong dự thảo quy chế tuyển sinh đại học 2025? Tải dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học 2025 ở đâu?
Bộ Giáo dục và Đào tạo mới đây đã công bố dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non ban hành kèm Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT Tải về (sau đây gọi là dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học năm 2025). Theo đó, tại dự thảo Thông tư có những điểm mới đáng chú ý như sau:
[1] và [2] Chỉ tiêu xét tuyển sớm của các đại học không vượt quá 20% chỉ tiêu của từng ngành, nhóm ngành đào tạo và Điểm chuẩn trúng tuyển xét tuyển sớm (sau khi quy đổi tương đương) không thấp hơn điểm chuẩn trúng tuyển của đợt xét tuyển theo kế hoạch chung:
*Chỉ tiêu xét tuyển sớm là những phương thức không sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT như xét học bạ, xét chứng chỉ đánh giá năng lực, chứng chỉ ngoại ngữ, các kì thi riêng...
Tại khoản 12 Điều 1 dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học năm 2025 đã đề xuất sửa đổi, bổ sung khoản 1 và 2 Điều 18 Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT như sau:
- Cơ sở đào tạo có thể tổ chức xét tuyển sớm theo phương thức phù hợp để tuyển chọn những thí sinh có năng lực và thành tích học tập vượt trội.
Chỉ tiêu xét tuyển sớm do cơ sở đào tạo quy định nhưng không vượt quá 20% chỉ tiêu của từng ngành, nhóm ngành đào tạo; bảo đảm điểm chuẩn trúng tuyển xét tuyển sớm (sau khi quy đổi tương đương) không thấp hơn điểm chuẩn trúng tuyển của đợt xét tuyển theo kế hoạch chung.
- Cơ sở đào tạo tổ chức xét tuyển cho những thí sinh đã hoàn thành thủ tục dự tuyển, công bố công khai danh sách thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển; số lượng thí sinh được thông báo trúng tuyển không vượt chỉ tiêu xét tuyển sớm đã công bố của mỗi ngành, nhóm ngành đào tạo; không được yêu cầu thí sinh cam kết, xác nhận nhập học sớm hơn lịch trình theo kế hoạch chung theo bất cứ hình thức nào.
Cơ sở đào tạo công bố và đưa danh sách thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển (trừ điều kiện tốt nghiệp THPT) lên hệ thống để xử lý nguyện vọng cùng với các phương thức xét tuyển khác theo kế hoạch chung.
Theo đó, trường hợp dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học năm 2025 được thông qua thì các cơ sở đào tạo sẽ quy định chỉ tiêu xét tuyển sớm nhưng không vượt quá 20% chỉ tiêu của từng ngành, nhóm ngành đào tạo.
[3] Xét học bạ phải dùng kết quả học tập cả năm lớp 12 của thí sinh, trong đó phải có môn toán hoặc ngữ văn với trọng số đánh giá chiếm ít nhất 1/3 tổng điểm: Tại khoản 6 Điều 1 dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học năm 2025 đề xuất sửa đổi, bổ sung Điều 6 Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT quy định về phương thức tuyển sinh đại học như sau:
- Cơ sở đào tạo quyết định một hoặc một số phương thức tuyển sinh (thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển với xét tuyển), áp dụng chung cho cả cơ sở đào tạo hoặc áp dụng riêng cho một số chương trình, ngành, nhóm ngành và hình thức đào tạo. Một chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo có thể sử dụng đồng thời một số phương thức tuyển sinh.
- Mỗi phương thức tuyển sinh phải quy định rõ các tiêu chí đánh giá, xét tuyển và cách thức sử dụng kết hợp các tiêu chí để phân loại, xếp hạng và xác định điều kiện trúng tuyển đối với thí sinh theo yêu cầu của chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo.
Tiêu chí đánh giá, xét tuyển phải dựa trên yêu cầu về kiến thức nền tảng và năng lực cốt lõi mà thí sinh cần có để theo học chương trình, ngành đào tạo. Điểm xét, điểm trúng tuyển của các phương thức, tổ hợp môn sử dụng để xét tuyển phải được quy đổi tương đương về một thang điểm chung, thống nhất đối với từng chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo.
- Đối với phương thức tuyển sinh dựa trên kết quả học tập, kết quả thi theo từng môn (bao gồm điểm tổng kết các môn học cấp THPT, điểm thi các môn tốt nghiệp THPT, các chứng chỉ ngoại ngữ và các kết quả đánh giá khác):
+ Tổ hợp môn dùng để xét tuyển bao gồm ít nhất 3 môn phù hợp với đặc điểm, yêu cầu của chương trình đào tạo, trong đó phải có môn toán hoặc ngữ văn với trọng số đánh giá chiếm ít nhất 1/3 tổng điểm;
+ Một chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo có thể sử dụng đồng thời một số tổ hợp môn để xét tuyển, khi đó số môn chung của các tổ hợp phải có trọng số đánh giá chiếm ít nhất 50% tổng điểm;
+ Trường hợp sử dụng kết quả học tập cấp THPT để xét tuyển thì phải dùng kết quả học tập cả năm lớp 12 của thí sinh.
- Cách thức quy đổi điểm xét đối với từng chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo phải bảo đảm mỗi thí sinh đều có cơ hội đạt mức điểm tối đa, đồng thời không thí sinh nào có điểm xét vượt quá mức điểm tối đa (tính cả các điểm ưu tiên, điểm thưởng, điểm khuyến khích).
- Cơ sở đào tạo chịu trách nhiệm giải trình về căn cứ khoa học và thực tiễn trong xác định phương thức tuyển sinh, phương thức xét tuyển, tổ hợp xét tuyển và việc quy đổi tương đương điểm xét, điểm trúng tuyển; trong đó phải dựa trên phân tích, đánh giá và đối sánh kết quả học tập của sinh viên trúng tuyển hằng năm.
Theo đó, đối với phương thức xét học bạ, dự kiến năm 2025 các trường phải dùng kết quả học tập cả năm lớp 12 của thí sinh, thay vì dùng điểm 03 đến 05 kỳ học như quy định hiện hành.
[4] Thay đổi ngưỡng đầu vào đối với ngành đào tạo giáo viên và ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe: Tại khoản 8 Điều 1 dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học 2025 đề xuất bãi bỏ khoản 2 và sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 9 Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT như sau:
Ngưỡng đầu vào đối với ngành đào tạo giáo viên và ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề cho các phương thức tuyển sinh đào tạo:
- Kết quả học tập trong cả 3 cấp THPT xếp mức Tốt trở lên hoặc điểm xét tốt nghiệp THPT từ 8,0 trở lên, trừ các trường hợp sau;
- Kết quả học tập trong cả 3 năm cấp THPT xếp mức Khá trở lên hoặc điểm xét tốt nghiệp THPT từ 6,5 trở lên đối với các ngành Giáo dục thể chất, Sư phạm âm nhạc, Sư phạm mỹ thuật; ngành Giáo dục Mầm non trình độ cao đẳng và các ngành Điều dưỡng, Y học dự phòng, Hộ sinh, Kỹ thuật phục hình răng, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Kỹ thuật hình ảnh y học, Kỹ thuật phục hồi chức năng.”
Cạnh đó, cũng có đề xuất sửa đổi, bổ sung khoản 5 Điều 9 Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT về thí sinh đã tốt nghiệp trình độ trung cấp trở lên cùng nhóm ngành dự tuyển được áp dụng quy định ngưỡng đầu vào như sau:
- Thí sinh dự tuyển vào đại học nhóm ngành đào tạo giáo viên và ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề trừ các trường hợp quy định tại điểm b khoản 5 Điều 9 Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT, ngưỡng đầu vào được áp dụng một trong các tiêu chí sau:
+ Học lực 3 năm cấp THPT đạt loại giỏi (mức Tốt) trở lên hoặc điểm trung bình chung các môn văn hóa cấp THPT đạt từ 8,0 trở lên;
+ Tốt nghiệp THPT loại giỏi trở lên hoặc học lực cấp THPT đạt loại khá (mức Khá) và có 3 năm kinh nghiệm công tác đúng với chuyên môn đào tạo;
+ Tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng, đại học đạt loại giỏi trở lên;
+ Tốt nghiệp trình độ trung cấp, hoặc trình độ cao đẳng hoặc trình độ đại học đạt loại khá và có 3 năm kinh nghiệm công tác đúng với chuyên môn đào tạo;
- Thí sinh dự tuyển vào đại học các ngành Điều dưỡng, Y học dự phòng, Hộ sinh, Kỹ thuật phục hình răng, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Kỹ thuật hình ảnh y học, Kỹ thuật phục hồi chức năng, Sư phạm Âm nhạc, Sư phạm Mỹ thuật, Giáo dục Thể chất, ngưỡng đầu vào được áp dụng một trong các tiêu chí sau:
+ Học lực cấp THPT đạt loại khá (mức Khá) hoặc điểm trung bình chung các môn văn hóa cấp THPT đạt từ 6,5 trở lên;
+ Tốt nghiệp THPT loại khá, hoặc có học lực cấp THPT đạt loại trung bình (mức Đạt) và có 5 năm kinh nghiệm công tác đúng với chuyên môn đào tạo;
+ Tốt nghiệp trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng, trình độ đại học đạt loại khá trở lên.
Điểm đáng chú ý trong dự thảo quy chế tuyển sinh đại học 2025? Tải dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học 2025 ở đâu? (Hình từ internet)
Lịch thi THPT Quốc gia 2025 dự kiến thế nào?
Căn cứ tại khoản 6 và 7 Điều 1 Quyết định 2045/QĐ-BGDĐT năm 2024 có hướng dẫn lịch thi THPT Quốc gia 2025 dự kiến, cụ thể như sau:
Ban hành khung kế hoạch thời gian năm học 2024 - 2025 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên áp dụng trong toàn quốc như sau:
...
6. Thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 dự kiến diễn ra trong ngày 26 và ngày 27 tháng 6 năm 2025.
7. Các kỳ thi cấp quốc gia khác được tổ chức theo quy định và hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Như vậy, lịch thi THPT Quốc gia 2025 dự kiến diễn ra vào ngày 26 và ngày 27 tháng 6 năm 2025.
Hình thức thi tốt nghiệp THPT Quốc gia 2025 có thay đổi gì mới không?
Căn cứ tại Mục 4 Phương án ban hành kèm theo Quyết định 4068/QĐ-BGDĐT năm 2023 quy định như sau:
Hình thức thi:
Môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận. Các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm.
So với quy định hiện hành tại Điều 4 Quy chế thi ban hành kèm theo Thông tư 15/2020/TT-BGDĐT quy định như sau:
Ngày thi, lịch thi, nội dung thi, hình thức thi và thời gian làm bài thi/môn thi
1. Ngày thi, lịch thi: Được quy định trong hướng dẫn tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT hằng năm của Bộ GDĐT.
2. Nội dung thi: Nội dung thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12.
3. Hình thức thi: Các bài thi Toán, Ngoại ngữ, KHTN và KHXH thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan (gọi chung là bài thi trắc nghiệm); bài thi Ngữ văn thi theo hình thức tự luận (gọi chung là bài thi tự luận).
4. Thời gian làm bài thi/môn thi: Ngữ văn 120 phút; Toán 90 phút; Ngoại ngữ 60 phút; 50 phút đối với mỗi môn thi thành phần của bài thi tổ hợp KHTN và KHXH.
Như vậy, nhìn chung hình thức thi THPT năm 2025 không có thay đổi, giữ nguyên thi tự luận đối với môn Ngữ văn và trắc nghiệm đối với các môn còn lại.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân có từ khi nào? Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân có bị hạn chế không?
- Chính sách nghỉ thôi việc với CBCCVC khi sắp xếp bộ máy tại Nghị định 178 ngày 31 tháng 12 năm 2024 của Chính phủ?
- Tại sao nói triết học là hạt nhân lý luận của thế giới quan? Thời lượng môn triết học Mác Lênin thế nào?
- Không mang theo giấy phép lái xe bị phạt bao nhiêu 2025? Mức phạt không mang bằng lái xe 2025 là bao nhiêu?
- Quản lý tài sản của người vắng mặt tại nơi cư trú như thế nào? Nơi cư trú của người không có nơi thường trú, nơi tạm trú được xác định thế nào?