Có bắt buộc mặc áo phao khi đi phà, đi đò qua sông không? Trách nhiệm của chủ tàu, phà trong việc trang bị áo phao khi kinh doanh vận tải hành khách sang sông là gì?
- Có bắt buộc mặc áo phao khi đi phà, đi đò qua sông không?
- Trách nhiệm của chủ tàu, phà trong việc trang bị áo phao khi kinh doanh vận tải hành khách sang sông là gì?
- Hành khách không mặc áo phao khi đi phà, đò bị xử phạt hành chính như thế nào?
- Chủ phương tiện vận tải hành khách ngang sông không trang bị áo phao bị xử phạt hành chính như thế nào?
Có bắt buộc mặc áo phao khi đi phà, đi đò qua sông không?
Căn cứ Điều 5 Thông tư 15/2012/TT-BGTVT quy định về việc sử dụng áo phao trên phương tiện vận tải hành khách ngang sông như sau:
Sử dụng áo phao, dụng cụ nổi cá nhân trên phương tiện vận tải hành khách ngang sông
Mọi hành khách, thuyền viên, người lái phương tiện trên phương tiện vận tải hành khách ngang sông phải mặc áo phao hoặc cầm (đeo) dụng cụ nổi cá nhân trong suốt hành trình của phương tiện từ lúc rời bến đến khi cập bến an toàn.
Đồng thời, căn cứ Điều 8 Thông tư 15/2012/TT-BGTVT quy định:
Trách nhiệm của hành khách
1. Tuyệt đối tuân thủ sự hướng dẫn của thuyền viên, người lái phương tiện trong việc thực hiện quy định về mặc áo phao hoặc cầm (đeo) dụng cụ nổi cá nhân theo đúng quy cách trên phương tiện vận tải hành khách ngang sông trong suốt hành trình của phương tiện.
2. Chịu trách nhiệm về những hậu quả xảy ra do việc không tuân thủ các quy định, hướng dẫn về mặc áo phao hoặc cầm (đeo) dụng cụ nổi cá nhân theo đúng quy cách khi tham gia giao thông bằng phương tiện vận tải hành khách ngang sông.
Mọi hành khách trên phương tiện vận tải hành khách ngang sông phải mặc áo phao hoặc cầm dụng cụ nổi cá nhân trong suốt hành trình của phương tiện từ lúc rời bến đến khi cập bến an toàn.
Có bắt buộc mặc áo phao khi đi phà, đi đò qua sông không? Trách nhiệm của chủ tàu, phà trong việc trang bị áo phao khi kinh doanh vận tải hành khách sang sông là gì? (Hình từ Internet)
Trách nhiệm của chủ tàu, phà trong việc trang bị áo phao khi kinh doanh vận tải hành khách sang sông là gì?
Căn cứ Điều 6 Thông tư 15/2012/TT-BGTVT quy định chủ phương tiện, thuyền viên, người lái phương tiện vận tải hành khách ngang sông có những trách nhiệm sau về trang bị áp phao và dụng cụ nổi:
- Chủ phương tiện vận tải hành khách ngang sông có trách nhiệm trang bị áo phao, dụng cụ nổi cá nhân trên phương tiện phải bảo đảm đầy đủ về số lượng và có chất lượng phù hợp với tiêu chuẩn, yêu cầu kỹ thuật theo quy định.
- Thuyền viên, người lái phương tiện vận tải khách ngang sông có trách nhiệm:
+ Trước khi cho phương tiện rời bến phải phát cho mỗi hành khách đi trên phương tiện một (01) áo phao hoặc một (01) dụng cụ nổi cá nhân để sử dụng;
+ Hướng dẫn và yêu cầu hành khách trên phương tiện mặc áo phao hoặc cầm (đeo) dụng cụ nổi cá nhân theo đúng quy cách trong suốt hành trình của phương tiện.
- Từ chối chuyên chở đối với những hành khách không tuân thủ việc mặc áo phao hoặc sử dụng dụng cụ nổi cá nhân theo hướng dẫn.
- Chịu trách nhiệm liên quan đến sự cố hoặc tai nạn giao thông xảy ra trong quá trình vận tải hành khách ngang sông khi hành khách không mặc áo phao hoặc cầm (đeo) dụng cụ nổi cá nhân theo đúng quy cách.
Như vậy, người kinh doanh vận tải hành khách ngang sông phải đảm bảo các quy định về áo phao và dụng cụ nổi cá nhân như trên.
Hành khách không mặc áo phao khi đi phà, đò bị xử phạt hành chính như thế nào?
Căn cứ khoản 3 Điều 34 Nghị định 139/2021/NĐ-CP quy định xử phạt đối với hành khách không mặc áo phao khi tham gia giao thông đường thủy nội địa như sau:
Vi phạm quy định về an toàn giao thông của người, hành khách trên phương tiện
...
3. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi không mặc áo phao cứu sinh hoặc không mang dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân khi tham gia giao thông trên phương tiện không có động cơ có trọng tải toàn phần đến 15 tấn hoặc có sức chở đến 12 người; phương tiện có động cơ tổng công suất máy chính đến 15 sức ngựa hoặc có sức chở đến 12 người; phương tiện chở khách ngang sông.
Như vậy, việc xử phạt sẽ được áp dụng nếu hành khách không mặc áo phao và đi trên phương tiện không có động cơ có trọng tải toàn phần đến 15 tấn hoặc có sức chở đến 12 người; phương tiện có động cơ tổng công suất máy chính đến 15 sức ngựa hoặc có sức chở đến 12 người; phương tiện chở khách ngang sông.
Mà việc đi phà hay đi đò thường được xác định là phương tiện chở khách ngang sông. Do đó, hành khách không mặc áo phao khi đi phà, đò bị xử phạt hành chính từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.
Chủ phương tiện vận tải hành khách ngang sông không trang bị áo phao bị xử phạt hành chính như thế nào?
Căn cứ quy định tại Điều 6 Thông tư 15/2012/TT-BGTVT đã nêu bên trên, chủ phương tiện vận tải hành khách ngang sông có trách nhiệm trang bị áo phao hoặc dụng cụ nổi cứu sinh theo quy định.
Trường hợp không trang bị theo đúng quy định, chủ thể này sẽ bị xử phạt theo khoản 1 Điều 16 Nghị định 139/2021/NĐ-CP như sau:
Vi phạm quy định về thiết bị, dụng cụ an toàn của phương tiện
1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi không trang bị hoặc trang bị không đủ áo phao hoặc dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân theo quy định, mức phạt tính trên mỗi áo phao, dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân.
Như vậy, khi không trang bị số áo phao hay dụng cụ cứu sinh như quy định, thì chủ phương tiện vận tải hành khách ngang sông có thể bị phạt từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng/ mỗi áo phao, dụng cụ bị thiếu.
Mức phạt tiền trên là mức phạt tiền đối với cá nhân, mức phạt tiền đối với tổ chức là 02 lần mức phạt bên trên.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Tên gọi của hội cần phải bảo đảm những điều kiện nào? Tên gọi của hội được pháp luật quy định gồm những tên gọi nào?
- Tà dâm là gì? Dâm ô là gì? Mức phạt cao nhất cho hành vi dâm ô người dưới 16 tuổi là bao năm tù giam?
- Tải về mẫu biên bản nghị án sơ thẩm vụ án hình sự mới nhất hiện nay? Hướng dẫn viết biên bản nghị án sơ thẩm vụ án hình sự?
- Giết người là gì? Giết 11 người đi tù mấy năm? Bao nhiêu tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người?
- Hợp đồng bảo đảm bị đơn phương chấm dứt thực hiện có làm chấm dứt nghĩa vụ được bảo đảm hay không?