Chuyển 110.619 tỷ cải cách tiền lương để thực hiện mức lương cơ sở; chưa tăng lương, lương hưu trong năm 2025
Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2025.
Sử dụng 110619 tỷ đồng nguồn tích lũy cải cách tiền lương để thực hiện mức lương cơ sở
Chiều 13/11, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2025.
Sau khi nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội về phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025 và Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phân bổ ngân sách trung ương năm 2025, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết này.
Kết quả biểu quyết điện tử cho thấy, với 432/432 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 90,19% tổng số đại biểu Quốc hội. Như vậy, với 100% đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2025.
Theo Nghị quyết, tổng số thu ngân sách trung ương là 1.020.164 tỷ đồng (một triệu, không trăm hai mươi nghìn, một trăm sáu mươi tư tỷ đồng). Tổng số thu ngân sách địa phương là 946.675 tỷ đồng (chín trăm bốn mươi sáu nghìn, sáu trăm bảy mươi lăm tỷ đồng).
Sử dụng 60.000 tỷ đồng (sáu mươi nghìn tỷ đồng) nguồn tích lũy cho cải cách tiền lương của ngân sách trung ương và 50.619 tỷ đồng (năm mươi nghìn, sáu trăm mười chín tỷ đồng) nguồn cải cách tiền lương của ngân sách địa phương đến hết năm 2024 còn dư chuyển sang bố trí dự toán năm 2025 của các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương để thực hiện mức lương cơ sở 2,34 triệu đồng/tháng.
Tổng số chi ngân sách trung ương là 1.523.264 tỷ đồng (một triệu, năm trăm hai mươi ba nghìn, hai trăm sáu mươi tư tỷ đồng).
Lãnh đạo Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2025.
Cho phép bố trí chi đảm bảo tiền lương, phụ cấp theo định mức và các nhiệm vụ đặc thù
Đối với các cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước của Trung ương có cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù theo phê duyệt của các cấp thẩm quyền, Nghị quyết cho phép bố trí chi đảm bảo tiền lương, phụ cấp theo lương, các khoản đóng góp theo chế độ quy định, thu nhập tăng thêm, kinh phí chi thường xuyên theo định mức và các nhiệm vụ đặc thù của các cơ quan, đơn vị này (ngoại trừ Ngân hàng nhà nước Việt Nam, Bảo hiểm xã hội Việt Nam) theo Báo cáo số 41/BC-CP ngày 16 tháng 10 năm 2024 của Chính phủ.
Nghị quyết giao Chính phủ nhiệm vụ thu, chi ngân sách nhà nước, mức phân bổ ngân sách trung ương cho từng Bộ, cơ quan trung ương, từng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Nghị quyết của Quốc hội và thông báo bằng văn bản đến từng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Chỉ đạo, hướng dẫn các Bộ, cơ quan trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phân bổ vốn đầu tư ngân sách nhà nước bảo đảm tập trung, có trọng tâm, trọng điểm, tuân thủ điều kiện, trật tự ưu tiên theo quy định của Luật Đầu tư công, các Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
Thanh toán đủ số nợ đọng xây dựng cơ bản theo đúng quy định của pháp luật; thu hồi toàn bộ số vốn ứng trước còn lại phải thu hồi trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025;
Bố trí đủ vốn cho các dự án đã hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng trước năm 2025, vốn đối ứng các dự án ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài, vốn ngân sách nhà nước tham gia vào các dự án PPP, nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư, nhiệm vụ quy hoạch, các dự án chuyển tiếp phải hoàn thành trong năm 2025;
Bố trí vốn theo tiến độ cho các dự án quan trọng quốc gia, dự án kết nối, có tác động liên vùng có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, dự án chuyển tiếp theo tiến độ; sau khi bố trí đủ vốn cho các nhiệm vụ nêu trên, số vốn còn lại được bố trí cho các dự án khởi công mới đủ thủ tục đầu tư theo quy định pháp luật.
Siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, cản trở làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện, giải ngân vốn; cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu trong trường hợp thực hiện, giải ngân chậm, gắn với đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2025.
Chính phủ chỉ đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, dự toán thu, chi ngân sách địa phương, bội chi ngân sách địa phương, tổng mức vay của ngân sách địa phương (bao gồm vay để bù đắp bội chi và vay để trả nợ gốc), quyết định phân bổ dự toán ngân sách theo thẩm quyền, đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước…
Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan khẩn trương rà soát toàn bộ khung khổ pháp lý để trình cấp thẩm quyền xem xét, quyết định việc sửa đổi hoặc bãi bỏ cơ chế tài chính và thu nhập đặc thù của các cơ quan, đơn vị của trung ương theo quy định tại Nghị quyết số 142/2024/QH15 của Quốc hội.
Đồng thời chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin, số liệu, tính đầy đủ, tuân thủ tiêu chuẩn, định mức, chế độ chi và các điều kiện giao dự toán theo đúng quy định của pháp luật; quản lý, sử dụng, quyết toán kinh phí được phân bổ đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước và pháp luật liên quan; bảo đảm triển khai kịp thời, hiệu quả, đúng mục đích, không để xảy ra thất thoát, lãng phí, tiêu cực.
Nghị quyết nêu rõ: Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tài chính, Ngân sách, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban khác của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, giám sát việc thực hiện Nghị quyết này. Kiểm toán nhà nước, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, tiến hành kiểm toán việc thực hiện Nghị quyết này bảo đảm đúng quy định của pháp luật.
Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết
Chưa tăng lương khu vực công, lương hưu, trợ cấp, ưu đãi người có công trong năm 2025
Trước đó, sáng 13/11, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2025 (trong đó, có một số nội dung về điều chỉnh, bổ sung dự toán ngân sách nhà nước).
Sau khi nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2025 (trong đó, có một số nội dung về điều chỉnh, bổ sung dự toán ngân sách nhà nước), Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết này.
Kết quả biểu quyết điện tử cho thấy, có 428 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm tỷ lệ 89,35%). Như vậy, với đa số đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2025.
Theo đó, Nghị quyết quyết nghị: Về điều hành ngân sách nhà nước năm 2024, bổ sung dự toán thu ngân sách trung ương năm 2024 nguồn vốn viện trợ không hoàn lại, đồng thời bổ sung tương ứng dự toán chi thường xuyên năm 2024 nguồn vốn viện trợ không hoàn lại cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, gồm: Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị Việt Nam (chi sự nghiệp quản lý hành chính); Bộ Giao thông Vận tải (chi sự nghiệp giáo dục - đào tạo và dạy nghề); Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình (chi sự nghiệp kinh tế).
Các đại biểu Quốc hội tiến hành biểu quyết
Về thực hiện chính sách tiền lương, một số chính sách xã hội, Quốc hội quyết nghị chưa tăng tiền lương khu vực công, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công trong năm 2025.
Các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương tiếp tục thực hiện các giải pháp tạo nguồn cải cách chính sách tiền lương theo quy định.
Cho phép tiếp tục loại trừ một số khoản thu khi tính số tăng thu ngân sách địa phương dành để cải cách tiền lương như quy định tại khoản 2 Điều 3 của Nghị quyết số 34/2021/QH15 ngày 13 tháng 11 năm 2021 của Quốc hội.
Cho phép được mở rộng phạm vi sử dụng nguồn tích lũy cho cải cách tiền lương
Cho phép từ ngày 01/7/2024 được mở rộng phạm vi sử dụng nguồn tích lũy cho cải cách tiền lương của ngân sách trung ương để điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và tinh giản biên chế.
Cho phép sử dụng nguồn cải cách tiền lương của ngân sách địa phương để thực hiện các chính sách an sinh xã hội do Trung ương ban hành và tinh giản biên chế.
Cho phép các địa phương sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để đầu tư cho các dự án kết nối vùng, kết nối quốc gia, các công trình trọng điểm quốc gia thực hiện tại địa phương theo quy định của cấp có thẩm quyền trong trường hợp địa phương có nguồn dư lớn, cam kết bảo đảm nguồn kinh phí cải cách tiền lương và thực hiện các chính sách an sinh xã hội do Trung ương ban hành cho cả lộ trình đến năm 2030 và không đề nghị ngân sách trung ương hỗ trợ.
Toàn cảnh phiên họp
Tập trung điều hành chính sách tài khóa chủ động, hợp lý, linh hoạt, hiệu quả
Bên cạnh đó, Nghị quyết giao Chính phủ tập trung điều hành chính sách tài khóa chủ động, hợp lý, linh hoạt, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, nhịp nhàng với chính sách tiền tệ và các chính sách khác.
Kịp thời ứng phó với biến động phức tạp của tình hình trong nước và ngoài nước, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; khẩn trương có giải pháp khắc phục đà suy giảm các chỉ tiêu về tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước trên GDP và tỷ lệ huy động từ thuế, phí vào ngân sách nhà nước.
Cùng với đó, Chính phủ cần quyết liệt thực hiện các giải pháp tăng cường quản lý thu, cơ cấu lại nguồn thu bảo đảm tính bền vững; mở rộng cơ sở thu; chống thất thu, chuyển giá trốn thuế; gian lận thương mại, đặc biệt trong các hoạt động thương mại dựa trên nền tảng số; đôn đốc thu hồi các khoản nợ đọng thuế, giảm tỷ lệ nợ đọng thuế.
Tiếp tục triển khai thực hiện cải cách thủ tục hành chính về thuế, đẩy mạnh điện tử hóa quản lý thuế; thực hiện nghiêm quy định về đấu giá khi thực hiện chuyển nhượng, cho thuê tài sản công, giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật.
Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn sớm xây dựng phương án sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước, gắn với việc sửa đổi cơ chế phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi một cách tổng thể, thận trọng, có đánh giá tác động đầy đủ nhằm bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2025 với tỷ lệ tán thành cao
Tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong quản lý, sử dụng tài chính, ngân sách
Theo Nghị quyết, Chính phủ cần siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong quản lý, sử dụng tài chính, ngân sách; điều hành chi ngân sách nhà nước theo dự toán, bảo đảm chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả.
Triệt để tiết kiệm các khoản chi chưa thực sự cần thiết để bảo đảm nguồn lực cho phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, bổ sung vốn đầu tư phát triển và hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Phấn đấu tăng cao hơn nữa tỉ lệ chi đầu tư phát triển; chỉ ban hành chính sách làm tăng chi ngân sách khi thực sự cần thiết và có nguồn bảo đảm.
Phân bổ và giao dự toán đúng thời hạn theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước; nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư, khắc phục hạn chế trong chậm triển khai thực hiện dự án đầu tư công, chậm giải ngân vốn đầu tư công.
Kiên quyết điều chuyển vốn của các dự án chậm tiến độ sang các dự án có khả năng thực hiện và giải ngân nhưng thiếu vốn, hạn chế tối đa việc chuyển nguồn.
Có giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, bảo đảm hiệu quả, chặt chẽ, tránh gây thất thoát vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp.
Ngoài ra, cần có giải pháp hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng đề xuất, công tác chuẩn bị, phê duyệt dự án ODA, xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể cho từng giai đoạn thực hiện.
Xem xét trách nhiệm trong xây dựng dự toán không sát thực tế, tổ chức thực hiện thiếu hiệu quả dẫn đến giải ngân vốn đầu tư công thấp.
Nghiên cứu, có chế tài xử lý đối với các trường hợp trả lại kế hoạch vốn hằng năm do nguyên nhân chủ quan.
Theo Báo điện tử Chính phủ
16/11/2024 08:29
https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/chuyen-110619-ty-cai-cach-tien-luong-de-thuc-hien-muc-luong-co-so-chua-tang-luong-luong-huu-trong-nam-2025-11924111309500361.htm
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Thủ tục Cấp Chứng nhận trường tiểu học đạt kiểm định chất lượng giáo dục từ ngày 25/1/2025 như thế nào?
- Mẫu biên bản bàn giao hàng hóa bán đấu giá trong thương mại? Địa điểm thanh toán tiền mua hàng hóa bán đấu giá là ở đâu?
- Bài phát biểu tất niên xóm, tổ dân phố hay và ý nghĩa 2025? Bài phát biểu tất niên xóm ngắn gọn?
- Lỗi không cài quai mũ bảo hiểm phạt bao nhiêu đối với người điều khiển xe máy? Bị trừ mấy điểm giấy phép lái xe?
- Mẫu Phiếu khám thai là mẫu nào? Nguyên tắc trong khám chữa bệnh được quy định như thế nào? 21 hành vi bị nghiêm cấm trong khám chữa bệnh?