Chính thức tăng tiền trợ cấp một lần cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động bị tai nạn lao động từ ngày 01/7/2023?
Tăng lương cơ sở thì có tăng tiền trợ cấp một lần cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động bị tai nạn lao động không?
Căn cứ vào Điều 48 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 quy định như sau:
Trợ cấp một lần
1. Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 30% thì được hưởng trợ cấp một lần.
2. Mức trợ cấp một lần được quy định như sau:
a) Suy giảm 5% khả năng lao động thì được hưởng năm lần mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 0,5 lần mức lương cơ sở;
b) Ngoài mức trợ cấp quy định tại điểm a khoản này, còn được hưởng thêm khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, từ một năm trở xuống thì được tính bằng 0,5 tháng, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng vào quỹ được tính thêm 0,3 tháng tiền lương đóng vào quỹ của tháng liền kề trước tháng bị tai nạn lao động hoặc được xác định mắc bệnh nghề nghiệp; trường hợp bị tai nạn lao động ngay trong tháng đầu tham gia đóng vào quỹ hoặc có thời gian tham gia gián đoạn sau đó trở lại làm việc thì tiền lương làm căn cứ tính khoản trợ cấp này là tiền lương của chính tháng đó.
3. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chi tiết việc tính hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong trường hợp người lao động thay đổi mức hưởng trợ cấp do giám định lại, giám định tổng hợp.
Theo như quy định trên thì người lao động, cán bộ, công chức, viên chức bị suy giảm khả năng lao động với tỷ lệ 5% thì sẽ được hưởng trợ cấp một lần bằng 5 lần mức lương cơ sở, cứ thêm 1% thì được hưởng trợ cấp thêm 0.5 lần mức lương cơ sở.
Theo Điều 3 Nghị định 38/2019/NĐ-CP quy định như sau:
Mức lương cơ sở
1. Mức lương cơ sở dùng làm căn cứ:
a) Tính mức lương trong các bảng lương, mức phụ cấp và thực hiện các chế độ khác theo quy định của pháp luật đối với các đối tượng quy định tại Điều 2 Nghị định này;
b) Tính mức hoạt động phí, sinh hoạt phí theo quy định của pháp luật;
c) Tính các khoản trích và các chế độ được hưởng theo mức lương cơ sở.
2. Từ ngày 01 tháng 7 năm 2019, mức lương cơ sở là 1.490.000 đồng/tháng.
3. Chính phủ trình Quốc hội xem xét điều chỉnh mức lương cơ sở phù hợp khả năng ngân sách nhà nước, chỉ số giá tiêu dùng và tốc độ tăng trưởng kinh tế của đất nước.
Theo đó, mức lương cơ sở hiện nay là 1.490.000 đồng/tháng. Nếu cán bộ, công chức, viên chức và người lao động bị tai nạn lao động với tủy lệ suy giảm khả năng lao động là 5% thì sẽ nhận được trợ cấp một lần với số tiền ít nhất là 7.450.000 đồng.
Cứ tăng thêm 1% tỷ lệ suy giảm khả năng lao động thì số tiền trợ cấp một lần sẽ tăng thêm 745.000 đồng.
Tuy nhiên, vừa qua Quốc hội đã chính thức thông qua việc tăng lương cơ sở từ 1.490.000 đồng/tháng lên thành 1.800.000 đồng/tháng từ ngày 01/7/2023.
Do đó, kể từ ngày 01/7/2023 thì số tiền trợ cấp một lần cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động bị tai nạn lao động sẽ tăng đáng kể.
Cụ thể, nếu cán bộ, công chức, viên chức và người lao động bị tai nạn lao động với tủy lệ suy giảm khả năng lao động là 5% thì sẽ nhận được trợ cấp một lần với số tiền ít nhất là 9.000.000 đồng, tăng 1.550.000 đồng so với hiện nay.
Cứ tăng thêm 1% tỷ lệ suy giảm khả năng lao động thì số tiền trợ cấp một lần sẽ tăng thêm 900.000 đồng, tăng 155.000 đồng so với hiện nay.
Chính thức tăng tiền trợ cấp một lần cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động bị tai nạn lao động từ ngày 01/7/2023?
Điều kiện để cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hưởng chế độ tai nạn lao động là gì?
Căn cứ vào Điều 45 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 quy định như sau:
Điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động
Người lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được hưởng chế độ tai nạn lao động khi có đủ các điều kiện sau đây:
1. Bị tai nạn thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Tại nơi làm việc và trong giờ làm việc, kể cả khi đang thực hiện các nhu cầu sinh hoạt cần thiết tại nơi làm việc hoặc trong giờ làm việc mà Bộ luật lao động và nội quy của cơ sở sản xuất, kinh doanh cho phép, bao gồm nghỉ giải lao, ăn giữa ca, ăn bồi dưỡng hiện vật, làm vệ sinh kinh nguyệt, tắm rửa, cho con bú, đi vệ sinh;
b) Ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động hoặc người được người sử dụng lao động ủy quyền bằng văn bản trực tiếp quản lý lao động;
c) Trên tuyến đường đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý;
2. Suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị tai nạn quy định tại khoản 1 Điều này;
3. Người lao động không được hưởng chế độ do Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp chi trả nếu thuộc một trong các nguyên nhân quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này.
Theo đó, để được hưởng chế độ tai nạn lao động thì cán bộ, công chức, viên chức, người lao động phải bị suy giảm khả năng lao động ít nhất là 5% và thuộc một trong các trường hợp sau:
- Bị tai nạn lao động tại nơi làm việc và trong giờ làm việc
- Bị tai nạn lao động ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động.
- Bị tai nạn lao động trên tuyến đường đi và về từ nơi ở đến nơi làm việc trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý.
Việc giám định mức suy giảm khả năng lao động được quy định như thế nào?
Căn cứ vào khoản 1 Điều 47 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 quy định về các trường hợp giám định mức suy giảm khả năng lao động như sau:
- Sau khi bị thương tật, bệnh tật lần đầu đã được điều trị ổn định còn di chứng ảnh hưởng tới sức khỏe;
- Sau khi thương tật, bệnh tật tái phát đã được điều trị ổn định;
- Đối với trường hợp thương tật hoặc bệnh nghề nghiệp không có khả năng điều trị ổn định theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế thì người lao động được làm thủ tục giám định trước hoặc ngay trong quy trình điều trị.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Cục cảnh sát giao thông có tiếp nhận vụ tai nạn giao thông do Cảnh sát giao thông xác minh, điều tra, giải quyết không?
- Dự toán và phương pháp xác định chi phí dịch vụ sự nghiệp công chiếu sáng đô thị, cây xanh đô thị theo Thông tư 12/2024 thế nào?
- 03 trường hợp phải thành lập Hội đồng an toàn vệ sinh lao động cơ sở? Hội đồng an toàn vệ sinh lao động có nhiệm vụ và quyền hạn gì?
- Chủ chương trình và Ban quản lý chương trình dự án đầu tư công có trách nhiệm giám sát đầu tư của cộng đồng như thế nào?
- Thành viên Đoàn kiểm toán không phải Kiểm toán viên nhà nước gồm những ai? Trưởng Đoàn kiểm toán được cho phép thành viên nghỉ làm việc mấy ngày?