Chỉ số đổi mới sáng tạo - GII là gì? Đến năm 2030, chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam thuộc nhóm 40 quốc gia hàng đầu thế giới?

Tôi có đọc tin tức và được biết Thủ tướng Chính phủ mới ban hành Chiến lược phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030. Có phải đến năm 2030, Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Việt Nam thuộc nhóm 40 quốc gia hàng đầu thế giới? Rất mong công ty giải đáp. Xin cảm ơn!

Chỉ số Đổi mới sáng tạo - GII là gì?

Chỉ số Đổi mới sáng tạo - Global Innovation Index (viết tắt GII) là chỉ số đánh giá năng lực và kết quả đổi mới của các nền kinh tế thế giới do Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới - World Intellectual Property Organization (viết tắt WIPO), Đại học Cornell (Hoa Kỳ) và Viện INSEAD hợp tác thực hiện hàng năm từ năm 2009.

Chỉ số GII được đánh giá từ 84 tiêu chí trong các lĩnh vực:

- Thể chế của nền kinh tế.

- Nguồn nhân lực và năng lực nghiên cứu.

- Kết cấu hạ tầng.

- Sự tinh tế của thị trường và doanh nghiệp.

- Sản phẩm tri thức và công nghệ.

- Sản phẩm sáng tạo.

Năm 2021, theo báo cáo của WIPO, Việt Nam xếp thứ 44/132 quốc gia và nền kinh tế trong bảng xếp hạng đổi mới sáng tạo toàn cầu. Việt Nam cũng là một trong 4 quốc gia có thu nhập trung bình được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới đánh giá là đang bắt kịp đà tăng chỉ số đổi mới sáng tạo của thế giới.

Chỉ số Đổi mới sáng tạo - GII là gì?

Chỉ số Đổi mới sáng tạo - GII là gì?

Đến năm 2030, Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Việt Nam thuộc nhóm 40 quốc gia hàng đầu thế giới?

Theo Quyết định 569/QĐ-TTg ngày 11/5/2022, Thủ tướng Chính phủ đề ra mục tiêu cụ thể trong Chiến lược phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 như sau:

- Nâng cao đóng góp của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo vào tăng trưởng kinh tế thông qua các hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của các viện nghiên cứu và trường đại học, hoạt động đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực quản trị, tổ chức trong doanh nghiệp. Đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế ở mức trên 50%.

- Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đóng vai trò quan trọng phát triển công nghiệp mũi nhọn, trọng tâm là công nghiệp chế biến, chế tạo, góp phần quan trọng vào cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng hiện đại, đưa nước ta trở thành nước có công nghiệp hiện đại vào năm 2030; tham gia tích cực, hiệu quả và tận dụng lợi thế thương mại, cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đến năm 2030, tỉ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo đạt tối thiểu 45%.

- Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo góp phần quan trọng trong xây dựng, phát triển giá trị văn hóa, xã hội, con người Việt Nam; cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách phát triển đất nước; đóng góp vào chỉ số phát triển con người (HDI) duy trì trên 0,7.

- Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) không ngừng được cải thiện, thuộc nhóm 40 quốc gia hàng đầu thế giới.

- Đến năm 2025, đầu tư cho khoa học và công nghệ đạt 1,2% - 1,5% GDP, trong đó tổng chi quốc gia cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đạt 0,8% - 1% GDP và đóng góp của xã hội cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ chiếm 60% - 65%. Đến năm 2030, đầu tư cho khoa học và công nghệ đạt 1,5% - 2% GDP, trong đó tổng chi quốc gia cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đạt 1% - 1,2% GDP và đóng góp của xã hội cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ chiếm 65% - 70%.

- Đến năm 2025, nhân lực nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ (quy đổi toàn thời gian) đạt 10 người trên một vạn dân, đến năm 2030 đạt 12 người trên một vạn dân; trong đó chú trọng phát triển nhân lực trong khu vực doanh nghiệp.

- Hệ thống tổ chức khoa học và công nghệ được cơ cấu lại gắn với định hướng ưu tiên phát triển quốc gia, ngành và lĩnh vực theo hướng tự chủ, liên kết, tiếp cận chuẩn mực quốc tế. Đến năm 2025, có 25 - 30 tổ chức khoa học và công nghệ được xếp hạng khu vực và thế giới, đến năm 2030 có 40 - 50 tổ chức khoa học và công nghệ được xếp hạng khu vực và thế giới.

- Đến năm 2030, số doanh nghiệp đạt tiêu chí doanh nghiệp khoa học và công nghệ và số doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tăng hai lần so với năm 2020; tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo đạt 40% trong tổng số doanh nghiệp.

- Số lượng công bố quốc tế tăng trung bình 10%/năm. Số lượng đơn đăng ký sáng chế và văn bằng bảo hộ sáng chế tăng trung bình 16% - 18%/năm; số lượng đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng tăng trung bình 12% - 14%/năm, 10% - 12% trong số đó được đăng ký bảo hộ ở nước ngoài; tỷ lệ sáng chế được khai thác thương mại đạt 8% - 10% số sáng chế được cấp văn bằng bảo hộ. Phát triển được hạ tầng chất lượng quốc gia (NQI) đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế mạnh mẽ về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, thuộc nhóm 50 quốc gia hàng đầu thế giới.

Như vậy, tại Chiến lược phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 Thur tướng Chính phủ đặt ra mục tiêu chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Việt Nam không ngừng được cải thiện, thuộc nhóm 40 quốc gia hàng đầu thế giới.

Thực hiện mục tiêu đổi mới sáng tạo đến năm 2030 như thế nào?

Căn cứ Quyết định 569/QĐ-TTg ngày 11/5/2022, để thực hiện mục tiêu nêu trên thì Thủ tướng đề ra định hướng cho hoạt động đổi mới sáng tạo như sau:

- Đối với ngành nông nghiệp:

+ Thúc đẩy các doanh nghiệp lớn đầu tư vào công nghệ chọn tạo giống, công nghệ chăm sóc, theo dõi theo các tiêu chuẩn an toàn, truy xuất nguồn gốc, công nghệ bảo quản, công nghệ chế biến; tập trung đầu tư vào những khu nông nghiệp công nghệ cao, những dự án quy mô lớn, triển khai các mô hình canh tác tiên tiến hiệu quả theo chuẩn thế giới; phát triển những kỹ thuật kinh doanh mới vào các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nông, lâm, ngư nghiệp.

+ Tập trung làm chủ các tổ hợp công nghệ quan trọng trong chọn tạo giống thông qua tự nghiên cứu, phát triển cũng như khai thác ngân hàng giống, mua giống của nước ngoài để giải mã, làm chủ công nghệ. Tập trung ứng dụng các công nghệ sinh học, công nghệ thông tin và truyền thông, công nghệ tự động hóa để xây dựng nền nông nghiệp thông minh, an toàn, tuần hoàn, hiệu quả và bền vững, phát huy lợi thế của nền nông nghiệp nhiệt đới.

+ Hình thành các hệ thống đổi mới sáng tạo ngành nông nghiệp gắn với các mô hình kinh tế nông nghiệp, các chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị ngành hàng, sản phẩm có giá trị kinh tế cao,... góp phần tích cực vào gắn kết giữa phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân.

- Đối với các ngành công nghiệp, xây dựng, giao thông:

+ Thực hiện quá trình tái cơ cấu với định hướng lấy khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là một trong những giải pháp có tính đột phá, đặc biệt trong bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp lớn đầu tư mạnh mẽ vào đổi mới, hấp thụ và làm chủ công nghệ, đặc biệt là các công nghệ sản xuất và chế tạo thông minh, đổi mới mô hình quản lý, kinh doanh, đổi mới sản phẩm, từ đó vừa dẫn dắt làm nòng cốt vừa liên kết, tạo lập mạng lưới, thúc đẩy đổi mới sáng tạo với các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

+ Thúc đẩy rộng rãi các hoạt động đổi mới dây chuyền, thiết bị, máy móc, công nghệ, triển khai các hoạt động đào tạo về năng lực quản trị, khai thác công nghệ, cùng với áp dụng các mô hình kinh doanh mới, mô hình đổi mới sáng tạo đã thành công đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

+ Hình thành các hệ thống đổi mới sáng tạo gắn với các cụm liên kết ngành, các chuỗi giá trị nội địa và chuỗi giá trị toàn cầu trong các ngành công nghiệp có doanh thu lớn, giá trị xuất khẩu cao như dệt may, da giày, điện tử, thiết bị máy móc, chế biến gỗ, chế biến nông sản, khai thác khoáng sản, dược phẩm,... để thúc đẩy tăng năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ và thương hiệu Việt Nam.

+ Tập trung thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong các ngành công nghiệp nền tảng và công nghiệp mũi nhọn như công nghiệp năng lượng, cơ khí chế tạo, luyện kim, hóa chất, phân bón, vật liệu, công nghệ thông tin và truyền thông, công nghiệp điện tử - viễn thông, công nghiệp sản xuất rô bốt, ô tô, thiết bị tích hợp vận hành tự động, điều khiển từ xa, công nghiệp sản xuất phần mềm,...

- Đối với ngành dịch vụ:

+ Triển khai ứng dụng rộng rãi và mạnh mẽ các nền tảng công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các mô hình kinh doanh mới trong các hoạt động dịch vụ, kinh doanh, dịch vụ công. Xây dựng các tiêu chuẩn, khung pháp lý, cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các doanh nghiệp kinh doanh dựa trên nền tảng số, doanh nghiệp triển khai ứng dụng công nghệ và dịch vụ số.

+ Hỗ trợ đào tạo quản lý, quản trị công nghệ, cập nhật công nghệ mới, tư vấn lựa chọn công nghệ phù hợp, hỗ trợ đào tạo vận hành và áp dụng vào sản xuất kinh doanh. Hỗ trợ các doanh nghiệp kết nối, sử dụng chung hạ tầng và chia sẻ dữ liệu để tối ưu hóa mô hình kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ.

- Hoạt động đổi mới sáng tạo trong các vùng:

+ Thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo tại các vùng trọng điểm gắn với lợi thế của từng khu vực, trong đó vùng Đồng bằng sông Hồng, Đông Nam Bộ gắn với các khu công nghiệp, công nghiệp công nghệ cao; vùng Trung du và miền núi phía Bắc gắn với các sản phẩm nông nghiệp sạch kết hợp với du lịch; vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung gắn với nông nghiệp và kinh tế biển; vùng Tây Nguyên gắn với các sản phẩm nông lâm nghiệp, chế biến sản phẩm nông lâm nghiệp và du lịch; vùng Đồng bằng sông Cửu Long gắn với thế mạnh là sản xuất nông nghiệp, phát triển công nghiệp chế biến nông sản, trung tâm giống và chuyển giao công nghệ. Đẩy mạnh nghiên cứu về văn hóa, tôn giáo, con người và giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu gắn với đặc điểm của các vùng miền và địa phương.

+ Hình thành hệ thống đổi mới sáng tạo gắn các chuỗi giá trị, cụm liên kết ngành, các hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo ở các vùng, địa phương có đủ các điều kiện cần thiết về nguồn nhân lực sáng tạo, các cơ sở giáo dục đào tạo, viện nghiên cứu, các cơ sở vật chất kỹ thuật gắn với lợi thế kinh tế của vùng, địa phương.

MỚI NHẤT
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

14,281 lượt xem
Tư vấn pháp luật mới nhất
TÌM KIẾM LIÊN QUAN

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào