Các trường hợp người phạm lỗi vượt đèn đỏ không bị phạt vi phạm hành chính mới nhất năm 2024 là gì?
Đèn tín hiệu giao thông màu đỏ có ý nghĩa gì?
Theo Điều 9, Điều 10 Luật Giao thông đường bộ năm 2008, người tham gia giao thông phải chấp hành hệ thống báo hiệu đường bộ bao gồm: hiệu lệnh của người điều khiển giao thông; tín hiệu đèn giao thông, biển báo hiệu, vạch kẻ đường, cọc tiêu hoặc tường bảo vệ, rào chắn.
Trong đó, đèn tín hiệu giao thông có 03 màu xanh, đỏ, vàng với ý nghĩa như sau:
- Tín hiệu xanh là được đi;
- Tín hiệu đỏ là cấm đi;
- Tín hiệu vàng là phải dừng lại trước vạch dừng, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp;
Trong trường hợp tín hiệu vàng nhấp nháy là được đi nhưng phải giảm tốc độ, chú ý quan sát, nhường đường cho người đi bộ qua đường.
Theo đó, khi thấy đèn tín hiệu chuyển đỏ, các phương tiện sẽ bị cấm đi qua.
Bên cạnh đó, QCVN 41:2019/BGTVT cũng quy định, tín hiệu đỏ báo hiệu phải dừng lại trước vạch dừng. Nếu không có vạch dừng thì phải dừng trước đèn tín hiệu theo chiều đi.
Trường hợp không có vạch dừng, thì coi vị trí đặt đèn tín hiệu gần nhất theo chiều đi là vạch dừng.
Các trường hợp người phạm lỗi vượt đèn đỏ mà không bị phạt vi phạm hành chính mới nhất năm 2024 là gì? (Hình từ Internet)
Các trường hợp người phạm lỗi vượt đèn đỏ mà không bị phạt vi phạm hành chính mới nhất năm 2024 là gì?
(1) Có hiệu lệnh cho phép đi tiếp của người điều khiển giao thông
Khoản 2 Điều 11 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 có quy định:
Chấp hành báo hiệu đường bộ
2. Khi có người điều khiển giao thông thì người tham gia giao thông phải chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông.
Đồng thời, Điều 4 QCVN 41:2019/BGTVT cũng quy định thứ tự hiệu lực của hệ thống báo hiệu như sau:
Thứ tự hiệu lực của hệ thống báo hiệu
4.1. Khi đồng thời bố trí các hình thức báo hiệu có ý nghĩa khác nhau cùng ở một khu vực, người tham gia giao thông phải chấp hành loại hiệu lệnh theo thứ tự như sau:
4.1.1. Hiệu lệnh của người điều khiển giao thông;
4.1.2. Hiệu lệnh của đèn tín hiệu;
4.1.3. Hiệu lệnh của biển báo hiệu;
4.1.4. Hiệu lệnh của vạch kẻ đường và các dấu hiệu khác trên mặt đường.
...
Vậy khi đồng thời bố trí các hình thức báo hiệu khác nhau là đèn tín hiệu, biển báo, vạch kẻ đường và người điều khiển giao thông ở cùng một khu vực thì trước hết, người tham gia giao thông phải ưu tiên chấp hành loại hiệu lệnh của người điều khiển giao thông.
Nếu người điều khiển giao thông có hiệu lệnh cho phép tiếp tục đi thì người tham gia giao thông có thể vượt đèn đỏ mà không bị tính vào trường hợp bị xử phạt.
(2) Trường hợp xe ưu tiên
Theo Điều 22 Luật Giao thông đường bộ 2008, những xe sau đây được xem là xe ưu tiên khi đi làm nhiệm vụ:
- Xe chữa cháy đi làm nhiệm vụ;
- Xe quân sự, xe công an đi làm nhiệm vụ khẩn cấp, đoàn xe có xe cảnh sát dẫn đường;
- Xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu;
- Xe hộ đê, xe đi làm nhiệm vụ khắc phục sự cố thiên tai, dịch bệnh hoặc xe đi làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật.
Các phương tiện trên phải có tín hiệu còi, cờ, đèn theo quy định; không bị hạn chế tốc độ; được phép đi vào đường ngược chiều, các đường khác có thể đi được, kể cả khi có tín hiệu đèn đỏ và chỉ phải tuân theo chỉ dẫn của người điều khiển giao thông.
(3) Vạch kẻ kiểu mắt võng
- Theo QCVN 41:2019/BGTVT vạch kẻ kiểu mắt võng được sử dụng để báo cho người điều khiển không được dừng phương tiện trong phạm vi phần mặt đường có bố trí vạch để tránh ùn tắc giao thông.
- Vạch kẻ kiểu mắt võng có thể sử dụng để xác định phạm vi cấm dừng trong phạm vi nút giao cùng mức, trên nhánh dẫn cửa vào hoặc cửa ra của nút giao hoặc những vị trí mặt đường cần thiết không cho phép dừng xe.
Như vậy, trong phạm vi vạch này, người tham gia giao thông đi trên đường không được phép dừng xe, tránh ùn tắc.
(4) Có đèn tín hiệu, biển báo cho phép tiếp tục di chuyển
Khi có đèn tín hiệu hoặc biển báo cho phép, người tham gia giao thông được phép rẽ hoặc đi thẳng dù có đèn đỏ:
- Có đèn tín hiệu màu xanh được lắp đặt kèm theo báo hiệu được ưu tiên rẽ. Đây thường là một đèn phụ, hình mũi tên màu xanh được lắp phía dưới cột đèn giao thông.
- Có biển báo giao thông, thường là biển phụ được đặt dưới cột đèn giao thông cho phép các xe được rẽ khi đèn đỏ.
Lưu ý: Phải nhường đường cho các loại phương tiện đi từ các hướng khác đang được phép đi và người đi bộ qua đường.
(5) Vượt đèn đỏ trong một số tình huống đặc biệt
Theo Điều 11 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 thì người vi phạm lỗi vượt đèn đỏ sẽ không bị phạt trong một số trường hợp sau:
- Vượt đèn đỏ trong tình thế cấp thiết.
- Vượt đèn đỏ do phòng vệ chính đáng.
- Vượt đèn đỏ do sự kiện bất ngờ.
- Vượt đèn đỏ do sự kiện bất khả kháng.
- Người vi phạm không có năng lực trách nhiệm hành chính; người thực hiện hành vi vi phạm hành chính chưa đủ tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.
Không nhường đường cho xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu thì bị phạt bao nhiêu tiền?
Mức xử phạt đối với hành vi không nhường đường cho xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu được quy định như sau:
(1) Đối với xe ô tô, hoặc các phương tiện tương tự ô tô:
- Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô hoặc các phương tiện tương tự ô tô khi không nhường đường hoặc gây cản trở xe được quyền ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ (điểm b khoản 6 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi bởi điểm c khoản 3 Điều 2 Nghị định 123/2019/NĐ-CP).
Đồng thời, bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 - 04 tháng (điểm c khoản 11 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).
(2) Đối với xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy:
- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy không nhường đường hoặc gây cản trở xe được quyền ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ (khoản 5 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi bởi điểm c khoản 4 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP).
Đồng thời, bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 - 03 tháng (điểm b khoản 10 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).
(3) Đối với xe máy kéo, xe máy chuyên dùng:
- Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng không nhường đường hoặc gây cản trở xe được quyền ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ (điểm e khoản 4 Điều 7 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).
Thêm vào đó, người sử dụng phương tiện còn có thể bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe (khi điều khiển máy kéo), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) từ 01 tháng đến 03 tháng (điểm a khoản 10 Điều 7 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).
Thực hiện hành vi không nhường đường cho xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu mà gây tai nạn giao thông thì bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe (khi điều khiển máy kéo), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) từ 02 tháng đến 04 tháng. (điểm b khoản 10 Điều 7 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Hàng hóa xuất nhập khẩu bị hư hỏng thì không phải nộp thuế đúng không? 23 trường hợp được miễn thuế xuất nhập khẩu?
- Gợi ý kết quả khắc phục những hạn chế khuyết điểm của chi bộ tại báo cáo kiểm điểm chi bộ mới nhất?
- Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021 2030 nêu phương hướng nhiệm vụ giải pháp: Xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, phòng thủ quân khu thành khu vực gì?
- Báo cáo thành tích cá nhân Bí thư chi bộ cuối năm 2024? Tải báo cáo thành tích của Bí thư chi bộ thôn cuối năm?
- Hộ gia đình bị thu hồi đất phi nông nghiệp không phải đất ở có thể được bồi thường bằng đất ở hoặc nhà ở không?