Các cấp độ phòng thủ dân sự được xác định dựa trên những căn cứ nào theo Luật Phòng thủ dân sự 2023?
Các cấp độ phòng thủ dân sự được xác định dựa trên những căn cứ nào theo Luật Phòng thủ dân sự 2023?
Căn cứ theo Điều 7 Luật Phòng thủ dân sự 2023 quy định về cấp độ phòng thủ dân sự như sau:
Cấp độ phòng thủ dân sự
1. Cấp độ phòng thủ dân sự là sự phân định mức độ áp dụng các biện pháp của các cấp chính quyền trong phạm vi quản lý để ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa, làm cơ sở xác định trách nhiệm, biện pháp, nguồn lực của các cấp chính quyền, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng thủ dân sự.
2. Căn cứ xác định cấp độ phòng thủ dân sự bao gồm:
a) Phạm vi ảnh hưởng, khả năng lan rộng và hậu quả có thể xảy ra của sự cố, thảm họa;
b) Vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, xã hội, dân cư, đặc điểm tình hình quốc phòng, an ninh của địa bàn chịu ảnh hưởng của sự cố, thảm họa;
c) Diễn biến, mức độ gây thiệt hại và thiệt hại do sự cố, thảm họa gây ra;
d) Khả năng ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa của chính quyền địa phương và lực lượng phòng thủ dân sự.
3. Cấp độ phòng thủ dân sự được quy định như sau:
a) Phòng thủ dân sự cấp độ 1 được áp dụng để ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa trọng phạm vi địa bàn cấp huyện, khi diễn biến, mức độ thiệt hại của sự cố, thảm họa vượt quá khả năng, điều kiện ứng phó, khắc phục hậu quả của lực lượng chuyên trách và chính quyền địa phương cấp xã;
b) Phòng thủ dân sự cấp độ 2 được áp dụng để ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa trong phạm vi địa bàn cấp tỉnh, khi diễn biến, mức độ thiệt hại của sự cố, thảm họa vượt quá khả năng, điều kiện ứng phó, khắc phục hậu quả của chính quyền địa phương cấp huyện;
c) Phòng thủ dân sự cấp độ 3 được áp dụng để ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa trên địa bàn một hoặc một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, khi diễn biến, mức độ thiệt hại của sự cố, thảm họa vượt quá khả năng, điều kiện ứng phó, khắc phục hậu quả của chính quyền địa phương cấp tỉnh.
Như vậy theo quy định trên thì các cấp độ phòng thủ dân sự được xác định dựa trên những căn cứ sau:
- Phạm vi ảnh hưởng, khả năng lan rộng và hậu quả có thể xảy ra của sự cố, thảm họa;
- Vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, xã hội, dân cư, đặc điểm tình hình quốc phòng, an ninh của địa bàn chịu ảnh hưởng của sự cố, thảm họa;
- Diễn biến, mức độ gây thiệt hại và thiệt hại do sự cố, thảm họa gây ra;
- Khả năng ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa của chính quyền địa phương và lực lượng phòng thủ dân sự.
Các cấp độ phòng thủ dân sự được xác định dựa trên những căn cứ nào theo Luật Phòng thủ dân sự 2023? (Hình từ internet)
Nhà nước có những chính sách gì về phòng thủ dân sự?
Theo Điều 5 Luật Phòng thủ dân sự 2023 thì Nhà nước có những chính sách về phòng thủ dân sự như sau:
- Ưu tiên đầu tư xây dựng công trình phòng thủ dân sự chuyên dụng theo quy hoạch, kế hoạch.
- Mua sắm các trang thiết bị phòng thủ dân sự.
- Nâng cao năng lực cho lực lượng phòng thủ dân sự, xây dựng lực lượng chuyên trách về tổ chức và trang bị hiện đại, chuyên nghiệp; tăng cường trang bị, phương tiện lưỡng dụng cho lực lượng vũ trang.
- Huy động các nguồn lực của cơ quan, tổ chức, cá nhân để thực hiện, hoạt động phòng thủ dân sự.
- Phát triển, nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học, công nghệ cao, công nghệ tiên tiến và hiện đại vào hoạt động phòng thủ dân sự.
- Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, ưu tiên thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao để bảo đảm cho hoạt động phòng thủ dân sự.
- Khuyến khích, tạo điều kiện để cơ quan, tổ chức, cá nhân ủng hộ vật chất, tài chính, tinh thần cho hoạt động phòng thủ dân sự trên nguyên tắc tự nguyện, không trái với pháp luật Việt Nam và phù hợp với luật pháp quốc tế.
- Bảo đảm dự trữ quốc gia cho hoạt động phòng thủ dân sự.
Có những hành vi nào bị nghiêm cấm trong phòng thủ dân sự?
Căn cứ Điều 10 Luật Phòng thủ dân sự 2023 xác định các hành vi bị nghiêm cấm trong phòng thủ dân sự như sau:
- Chống đối, cản trở, cố ý trì hoãn hoặc không chấp hành, sự chỉ đạo, chỉ huy phòng thủ dân sự của cơ quan hoặc người có thẩm quyền; từ chối tham gia tìm kiếm, cứu nạn trong trường hợp điều kiện thực tế cho phép.
- Làm hư hỏng, phá hủy, chiếm đoạt trang thiết bị, công trình phòng thủ dân sự.
- Gây ra sự cố, thảm họa làm tổn hại đến tính mạng, sức khỏe con người; gây thiệt hại tài sản của Nhà nước, Nhân dân, cơ quan, tổ chức, môi trường và nền kinh tế quốc dân.
- Đưa tin sai sự thật về sự cố, thảm họa.
- Cố ý tạo chướng ngại vật cản trở hoạt động phòng thủ dân sự.
- Xây dựng công trình làm giảm hoặc làm mất công năng của công trình phòng thủ dân sự.
- Xây dựng trái phép công trình trong phạm vi quy hoạch công trình phòng thủ dân sự, công trình phòng thủ dân sự hiện có.
- Sử dụng trang thiết bị phòng thủ dân sự chuyên dụng không đúng mục đích khai thác, sử dụng không đúng công năng của công trình phòng thủ dân sự chuyên dụng.
- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái quy định của pháp luật về phòng thủ dân sự.
- Bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật về phòng thủ dân sự.
- Lợi dụng sự cố, thảm họa để huy động, sử dụng nguồn lực cho phòng thủ dân sự không đúng mục đích.
- Lợi dụng hoạt động phòng thủ dân sự hoặc sự cố, thảm họa để xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Luật Phòng thủ dân sự 2023 sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2024.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mẫu Phiếu khám thai là mẫu nào? Nguyên tắc trong khám chữa bệnh được quy định như thế nào? 21 hành vi bị nghiêm cấm trong khám chữa bệnh?
- Điều kiện kinh nghiệm nghề nghiệp để được cấp chứng chỉ hành nghề thiết kế xây dựng hạng I, II, III là gì?
- Toàn văn Pháp lệnh Chi phí tố tụng 2024? Pháp lệnh Chi phí tố tụng 2024 áp dụng từ khi nào?
- Cách xử lý hóa đơn sai tên công ty theo Thông tư 78? Ký hiệu hóa đơn điện tử được quy định như thế nào?
- Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân gồm những hình phạt nào? Hình phạt cao nhất là gì?