Bán rượu giả ngày Tết bị xử phạt như thế nào? Mức phạt tiền tối đa cho hành vi buôn bán hàng giả là bao nhiêu?
Thế nào là rượu giả? Bán rượu giả có phải là hành vi bị cấm không?
Hiện nay, pháp luật chưa có khái niệm cụ thể như thế nào là rượu giả. Tuy nhiên, có thể hiểu về rượu giả thông qua những quy định sau:
Dưới góc độ của pháp luật sở hữu trí tuệ, khoản 1 Điều 213 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi bởi khoản 79 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022, hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ bao gồm: hàng hoá giả mạo nhãn hiệu, hàng hóa giả mạo chỉ dẫn địa lý và hàng hoá sao chép lậu.
Tại điểm a, điểm b, điểm đ ,điểm e khoản 7 Điều 3 Nghị định 98/2020/NĐ-CP có quy định như sau:
Giải thích từ ngữ
...
7. “Hàng giả” gồm:
a) Hàng hóa có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với nguồn gốc bản chất tự nhiên, tên gọi của hàng hóa; hàng hóa không có giá trị sử dụng, công dụng hoặc có giá trị sử dụng, công dụng không đúng so với giá trị sử dụng, công dụng đã công bố hoặc đăng ký;
b) Hàng hóa có ít nhất một trong các chỉ tiêu chất lượng hoặc đặc tính kỹ thuật cơ bản hoặc định lượng chất chính tạo nên giá trị sử dụng, công dụng của hàng hóa chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với mức tối thiểu quy định tại quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký, công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa;
đ) Hàng hóa có nhãn hàng hóa hoặc bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn giả mạo tên, địa chỉ tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc nhập khẩu, phân phối hàng hóa; giả mạo mã số đăng ký lưu hành, mã số công bố, mã số mã vạch của hàng hóa hoặc giả mạo bao bì hàng hóa của tổ chức, cá nhân khác; giả mạo về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa hoặc nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa;
e) Tem, nhãn, bao bì hàng hóa giả.
Từ những quy định trên thì có thể hiểu, rượu giả là loại rượu được làm giả, nhái lại từ một bản gốc nào đó với những đặc điểm sau:
- Có giá trị sử dụng, công dụng không đúng;
- Giả mạo nhãn hiệu, bao bì, địa chỉ sản xuất, nhập khẩu, phân phối,...
- Tem, nhãn, bao bì hàng hóa giả;
- Giả mạo về các đặc điểm sở hữu trí tuệ.
Theo đó, tại khoản 2 Điều 1 Nghị định 98/2020/NĐ-CP thì hành vi buôn bán rượu giả được xác định là một trong các hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Bán rượu giả ngày Tết bị xử phạt như thế nào? Mức phạt tiền tối đa cho hành vi buôn bán hàng giả là bao nhiêu? (Hình từ Internet)
Bán rượu giả dịp Tết Âm lịch bị xử phạt như thế nào?
Căn cứ quy định tại Điều 9 Nghị định 98/2020/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 5 Điều 3 Nghị định 17/2022/NĐ-CP hoặc Điều 11 Nghị định 98/2020/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 7 Điều 3 Nghị định 17/2022/NĐ-CP.
Hành vi bán rượu giả có thể chịu các mức phạt sau:
STT | Nội dung | Mức phạt đối với giả mạo về giá trị sử dụng, công dụng | Mức phạt đối với giả mạo nhãn, bao bì rượu |
1 | Tương đương hàng thật có trị giá dưới 3.000.000 đồng hoặc Thu lợi bất hợp pháp dưới 5.000.000 đồng | 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng | 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng |
2 | Tương đương hàng thật có trị giá từ 3.000.000 đồng đến dưới 5.000.000 đồng hoặc Thu lợi bất hợp pháp từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng | 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng | 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng |
3 | Tương đương hàng thật có trị giá từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng hoặc Thu lợi bất hợp pháp từ 10.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng | 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng | 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng |
4 | Tương đương hàng thật có trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng hoặc Thu lợi bất hợp pháp từ 20.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng | 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng | 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng |
5 | Tương đương hàng thật có trị giá từ 20.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng hoặc Thu lợi bất hợp pháp từ 30.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng | 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng | 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng |
6 | Tương đương hàng thật từ 30.000.000 đồng trở lên hoặc Thu lợi bất hợp pháp từ 50.000.000 đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự | 50.000.000 đồng đến 70.000.000đồng | 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng |
Như vậy, tùy theo mức độ vi phạm và hành vi vi phạm mà người thực hiện hành vi buôn bán rượu giả sẽ đối diện với từng mức phạt khác nhau.
Mức phạt được thể hiện tại bảng trên là mức phạt được áp dụng đối với cá nhân. Trường hợp hành vi vi phạm hành chính do tổ chức thực hiện thì phạt tiền gấp hai lần mức phạt tiền quy định đối với cá nhân.
Bên cạnh phạt tiền, người bán rượu giả cũng có thể đối diện với các hình phạt bổ sung sau:
- Tịch thu tang vật đối với hành vi vi phạm;
- Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề từ 01 tháng đến 06 tháng.
Ngoài ra, tùy vào tính chất của việc buôn bán rượu giả mà người bán rượu giả có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 192 Bộ luật Hình sự 2015 về tội buôn bán hàng giả.
Mức phạt tiền tối đa cho hành vi buôn bán hàng giả Tết Âm lịch là bao nhiêu?
Căn cứ theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 4 Nghị định 98/2020/NĐ-CP được sửa đổi bởi điểm b khoản 1 Điều 3 Nghị định 17/2022/NĐ-CP về mức phạt tiền như sau:
Quy định các hình thức xử phạt vi phạm hành chính và biện pháp khắc phục hậu quả
...
4. Mức phạt tiền:
a) Mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực thương mại là 100.000.000 đồng đối với cá nhân và 200.000.000 đồng đối với tổ chức; mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là 200.000.000 đồng đối với cá nhân và 400.000.000 đồng đối với tổ chức;
Như vậy, mức phạt tiền tối đa cho hành vi buôn bán hàng giả ngày Tết được xác định đối với cá nhân là 200 triệu đồng và đối với tổ chức là 400 triệu đồng.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Số câu hỏi, nội dung và tiêu chuẩn đạt sát hạch chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng của cá nhân là bao nhiêu câu?
- Có được hoãn thi hành án tử hình khi người bị kết án tử hình khai báo những tình tiết mới về tội phạm không?
- Mẫu Kế hoạch giải quyết tố cáo đảng viên của chi bộ? Chi bộ có nhiệm vụ giải quyết tố cáo đối với đảng viên nào?
- Công ty tư vấn lập hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công, dự toán của công trình có được tham gia đấu thầu gói thầu tư vấn giám sát của công trình đó không?
- Chứng minh nhân dân là gì? Thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư có bao gồm số chứng minh nhân dân không?