5 mức phạt liên quan đến Sổ đỏ từ ngày 04/10/2024 như thế nào? Mẫu sổ đỏ cũ và mẫu sổ đỏ mới có gì khác biệt không?
5 mức phạt liên quan đến Sổ đỏ từ ngày 04/10/2024 như thế nào?
Khi thực hiện các giao dịch bất hợp pháp hoặc không tuân thủ đúng quy định pháp luật liên quan, người dân có thể phải chịu các mức phạt liên quan đến Sổ đỏ như xử phạt hành chính hoặc các biện pháp chế tài khác. Những mức phạt cụ thể sẽ phụ thuộc vào tính chất và mức độ vi phạm của từng trường hợp, nhằm đảm bảo tuân thủ pháp luật và giữ trật tự an ninh đất đai.
Ngày 4/10/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 123/2024/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.
Theo đó, 5 mức phạt liên quan đến Sổ đỏ từ ngày 04/10/2024 như sau:
(1) Mức phạt không đăng ký đất đai khi làm Sổ lần đầu
Căn cứ khoản 1, khoản 3 Điều 16 Nghị định 123/2024/NĐ-CP quy định về mức phạt không thực hiện đăng ký đất đai khi làm Sổ lần đầu như sau:
Không đăng ký đất đai
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện đăng ký đất đai lần đầu theo quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 132 Luật Đất đai.
...
3. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc thực hiện đăng ký đất đai theo quy định.
Như vậy, nếu người sử dụng đất cố tình sử dụng đất mà không thực hiện đăng ký đất lần đầu sẽ bị phạt hành chính từ 01 triệu đồng đến 02 triệu đồng đối với cá nhân và gấp 02 lần đối với tổ chức. Ngoài ra, buộc phải thực hiện việc đăng ký đất lần đầu theo đúng quy định.
Việc đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất là nghĩa vụ bắt buộc mà người sử dụng đất phải thực hiện. Nếu không thực hiện đăng ký là vi phạm, tuy nhiên không phải mọi trường hợp đều có quy định xử phạt vi phạm hành chính.
(2) Mức phạt khi dùng Sổ giả đi mua bán nhà đất
Căn cứ tại khoản 3, 4, và 5 Điều 27 Nghị định 123/2024/NĐ-CP quy định về hành vi dùng Sổ giả đi mua bán nhà đất như sau:
Vi phạm quy định về giấy tờ, chứng từ trong việc sử dụng đất
...
3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với trường hợp sử dụng giấy tờ giả trong thực hiện thủ tục hành chính và các công việc khác liên quan đến đất đai mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
4. Hình thức xử phạt bổ sung:
Tịch thu các giấy tờ đã bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung; giấy tờ giả đã sử dụng.
5. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Hủy bỏ kết quả thực hiện thủ tục hành chính về đất đai đã thực hiện theo quy định đối với trường hợp tại khoản 3 Điều này.
Như vậy, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với cá nhân và gấp 02 lần đối với tổ chức nếu thuộc trường hợp sử dụng giấy tờ giả khi thực hiện thủ tục hành chính và các công việc khác liên quan đến đất đai mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
Ngoài xử phạt vi phạm hành chính, cơ quan có thẩm quyền sẽ tịch thu giấy tờ giả đã sử dụng và hủy bỏ toàn bộ kết quả thủ tục đăng ký biến động sử dụng hồ sơ giả khi chuyển nhượng.
(3) Mức phạt khi tự ý sửa thông tin trên Sổ đỏ
Căn cứ tại khoản 1, 4, Điều 27 Nghị định 123/2024/NĐ-CP quy định về nâng mức phạt khi tự ý sửa thông tin trên Sổ đỏ như sau:
Vi phạm quy định về giấy tờ, chứng từ trong việc sử dụng đất
1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với trường hợp tẩy xóa, sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, chứng từ trong việc sử dụng đất mà không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.
...
4. Hình thức xử phạt bổ sung:
Tịch thu các giấy tờ đã bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung; giấy tờ giả đã sử dụng.
Theo đó, hành vi tự ý sửa chữa, tẩy xóa Giấy chứng nhận sẽ bị phạt hành chính từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với cá nhân và gấp 02 lần mức phạt tiền đối với tổ chức. Ngoài ra, còn bị tịch thu Giấy chứng nhận đã sửa chữa, tẩy xóa đó.
(4) Mức phạt đối với hành vi cố tình chuyển nhượng đất không Sổ
Căn cứ điểm c khoản 3, khoản 4 Điều 17 Nghị định 123/2024/NĐ-CP quy định mức phạt đối với hành vi cố tình chuyển nhượng đất không Sổ như sau:
Chuyển quyền, cho thuê, cho thuê lại, thế chấp bằng quyền sử dụng đất mà không đủ điều kiện theo quy định
...
3. Hành vi chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất không đủ một trong các điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 45 Luật Đất đai thì hình thức và mức xử phạt như sau:
...
c) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi chuyển nhượng hoặc góp vốn bằng quyền sử dụng đất.
4. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc bên nhận chuyển quyền, bên thuê, bên thuê lại phải trả lại đất cho bên chuyển quyền, cho thuê, cho thuê lại trừ trường hợp quy định tại điểm d, đ khoản này;
b) Buộc chấm dứt hợp đồng thế chấp bằng quyền sử dụng đất;
c) Buộc nộp số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm;
d) Buộc đăng ký đất đai đối với trường hợp đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo quy định;
đ) Buộc đăng ký đất đai đối với trường hợp không trả lại được đất do bên chuyển quyền là tổ chức đã giải thể, phá sản, cá nhân đã chết mà không có người thừa kế hoặc chuyển đi nơi khác mà được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất xác nhận tại thời điểm phát hiện hành vi vi phạm không xác định được địa chỉ và không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất theo quy định tại Điều 81 và Điều 82 của Luật Đất đai. Bên nhận chuyển quyền phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả do bên chuyển quyền thực hiện hành vi vi phạm gây ra trước khi chuyển quyền.
Theo đó, đối với hành vi cố tình chuyển nhượng dù nhà đất không có Sổ, cá nhân thực hiện hành vi sẽ bị phạt hành chính từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng và buộc:
- Bên mua phải trả lại đất.
- Hợp đồng mua bán bị vô hiệu.
- Nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.
- Buộc phải thực hiện việc đăng ký đất đai với trường hợp đất đủ điều kiện cấp Sổ.
- Trường hợp bên bán là tổ chức đã giải thể, phá sản hoặc là cá nhân nhưng đã chết không có người thừa kế/chuyển đi nơi khác và cũng không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất: Bên mua phải thực hiện toàn bộ các biện pháp khắc phục hậu quả mà bên bán gây ra và buộc phải thực hiện đăng ký đất đai đối với mảnh đất đó.
Và mức phạt gấp 02 lần đối với tổ chức có hành vi cố tình chuyển nhượng dù nhà đất không có Sổ.
(5) Mức phạt chậm sang tên sổ đỏ
Căn cứ theo khoản 2, khoản 3 Điều 16 Nghị định 123/2024/NĐ-CP quy định về mức phạt đối với hành vi chậm đăng ký biến động sau khi đã thực hiện công chứng nhà đất như sau:
Không đăng ký đất đai
...
2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện đăng ký biến động đất đai theo quy định tại các điểm a, b, i, k, l, m và q khoản 1 Điều 133 Luật Đất đai.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc thực hiện đăng ký đất đai theo quy định.
Như vậy, mức phạt đối với hành vi chậm đăng ký biến động sau khi đã thực hiện công chứng nhà đất từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng và buộc thực hiện việc đăng ký biến động đối với thửa đất.
Lưu ý: Mức phạt trên là mức phạt đối với cá nhân. Trường hợp hành vi vi phạm là do tổ chức thực hiện sẽ bị phạt mức tiền gấp 02 lần mức phạt với cá nhân (theo khoản 2 Điều 5 Nghị định 123/2024/NĐ-CP).
5 mức phạt liên quan đến Sổ đỏ từ ngày 04/10/2024 như thế nào? Mẫu sổ đỏ cũ và mẫu sổ đỏ mới có gì khác biệt không? (Hình ảnh Internet)
Mẫu sổ đỏ cũ và mẫu sổ đỏ mới có gì khác biệt không?
Căn cứ theo Điều 3 Thông tư 23/2014/TT-BTNMT (đã hết hiệu lực từ 1/8/2024) và Điều 29 Thông tư 10/2024/TT-BTNMT (có hiệu lực từ 1/8/2024) có quy định về mẫu sổ đỏ như sau:
Tiêu chí | Mẫu sổ đỏ cũ | Mẫu sổ đỏ mới |
Về hình thức | Gồm một tờ có 04 trang, in nền hoa văn trống đồng màu hồng cánh sen (được gọi là phôi Giấy chứng nhận) và Trang bổ sung nền trắng; mỗi trang có kích thước 190mm x 265mm | Gồm 01 tờ có 02 trang, in nền hoa văn trống đồng, màu hồng cánh sen. - Kích thước 210mm X 297 mm, có Quốc huy, Quốc hiệu, dòng chữ “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất”. - Số phát hành Giấy chứng nhận (số seri) bao gồm 02 chữ cái tiếng Việt và 08 chữ sổ, dòng chữ “Thông tin chi tiết được thể hiện tại mã QR”. - Số vào sổ cấp Giấy chứng nhận và nội dung lưu ý đối với người được cấp Giấy chứng nhận (được gọi là phôi Giấy chứng nhận). |
Về nội dung | Trang 1 gồm Quốc hiệu, Quốc huy và dòng chữ "Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất" in màu đỏ; mục "I. Tên người sử dụng đất, chủ sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất" và số phát hành Giấy chứng nhận (số seri) gồm 02 chữ cái tiếng Việt và 06 chữ số, được in màu đen; dấu nổi của Bộ Tài nguyên và Môi trường; Trang 2 in chữ màu đen gồm mục "II. Thửa đất, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất", trong đó có các thông tin về thửa đất, nhà ở, công trình xây dựng khác, rừng sản xuất là rừng trồng, cây lâu năm và ghi chú; ngày tháng năm ký Giấy chứng nhận và cơ quan ký cấp Giấy chứng nhận; số vào sổ cấp Giấy chứng nhận; Trang 3 in chữ màu đen gồm mục "III. Sơ đồ thửa đất, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất" và mục "IV. Những thay đổi sau khi cấp Giấy chứng nhận"; Trang 4 in chữ màu đen gồm nội dung tiếp theo của mục "IV. Những thay đổi sau khi cấp Giấy chứng nhận"; nội dung lưu ý đối với người được cấp Giấy chứng nhận; mã vạch; Trang bổ sung Giấy chứng nhận in chữ màu đen gồm dòng chữ "Trang bổ sung Giấy chứng nhận"; số hiệu thửa đất; số phát hành Giấy chứng nhận; số vào sổ cấp Giấy chứng nhận và mục "IV. Những thay đổi sau khi cấp Giấy chứng nhận" như trang 4 của Giấy chứng nhận; | Trang 1 bao gồm: Quốc huy, Quốc hiệu: dòng chừ “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất” được in màu đỏ; mã QR; mã Giấy chứng nhận; mục “1. Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất:”; mục “2. Thông tin thửa đất:”; mục “3. Thông tin tài sản gắn liền với đất:”; địa danh, ngày tháng năm ký' Giấy chứng nhận và cơ quan ký Giấy chứng nhận; số phát hành Giấy chứng nhận (số seri); dòng chữ "Thông tin chi tiết được thể hiện tại mã QR”; Trang 2 bao gồm: Mục “4. Sơ đồ thửa đất, tài sản gắn liền với đất”; mục “5. Ghi chú:”; mục “6. Những thay đổi sau khi cấp Giấy chứng nhận; số vào sổ cấp Giấy chứng nhận; nội dung lưu ý đối với người được cấp Giấy chứng nhận; |
Về tên gọi | Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất | Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất |
Như vậy, có thể thấy, điểm khác biệt lớn nhất giữa mẫu sổ đỏ cũ và mẫu sổ đỏ mới là số trang, tên gọi và đặc biệt mẫu sổ đỏ mới sẽ có mã QR. Cụ thể:
+ Mẫu sổ đỏ mới là 1 tờ 2 trang (thay vì 1 tờ 4 trang như trước)
+ Tên gọi mẫu sổ đỏ mới được lượt bỏ một vài từ so với tên gọi trước.
+ Mã QR được in trên sổ đỏ được dùng để lưu trữ, hiển thị các thông tin chi tiết của sổ đỏ và các thông tin để quản lý mã QR.
Thực hiện in sổ đỏ sổ hồng qua đâu?
Căn cứ theo Điều 31 Thông tư 10/2024/TT-BTNMT quy định như sau:
In Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất
1. Việc in Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất được thực hiện thông qua phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu đất đai.
Trường hợp địa phương chưa xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai thì căn cứ các thông tin trong hồ sơ đăng ký, cấp Giấy chứng nhận, thực hiện tạo lập dữ liệu vào phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu đất đai để in Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.
...
Theo đó, việc in sổ đỏ sổ hồng được thực hiện thông qua phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu đất đai.
Trường hợp địa phương chưa xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai thì căn cứ các thông tin trong hồ sơ đăng ký, cấp Giấy chứng nhận, thực hiện tạo lập dữ liệu vào phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu đất đai để in sổ đỏ sổ hồng.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mẫu Bảng giá dự thầu của hàng hóa trong hồ sơ yêu cầu mua sắm hàng hóa mới nhất là mẫu nào? Tải về ở đâu?
- Mẫu Báo cáo kiểm điểm tập thể lãnh đạo UBND xã? Hướng dẫn cách viết Báo cáo kiểm điểm tập thể lãnh đạo UBND xã?
- Lời chúc ngày Quốc tế Đàn ông 19 11 cho tất cả đàn ông? Tổng hợp lời chúc 19 11 cho cha, thầy giáo, người yêu, đồng nghiệp?
- Điều kiện cấp giấy phép hoạt động cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện là gì? Điều kiện cung cấp dịch vụ cai nghiện?
- Bài phát biểu ôn lại truyền thống ngày 20 11 ngắn gọn? Bài phát biểu ôn lại truyền thống vẻ vang ngày Nhà giáo Việt Nam 2024?