Hành vi đe dọa giết người đối với người dưới 16 tuổi sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự như thế nào?
Hành vi đe dọa giết người đối với người dưới 16 tuổi bị truy cứu trách nhiệm hình sự như thế nào?
Căn cứ Điều 133 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội đe dọa giết người như sau:
Tội đe dọa giết người
1. Người nào đe dọa giết người, nếu có căn cứ làm cho người bị đe dọa lo sợ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Đối với 02 người trở lên;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;
d) Đối với người dưới 16 tuổi;
đ) Để che giấu hoặc trốn tránh việc bị xử lý về một tội phạm khác.
Theo đó, người nào đe dọa giết người, nếu có căn cứ làm cho người bị đe dọa lo sợ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Người phạm tội thuộc một trong các trường hợp được quy định tại khoản 2 Điều 133 nêu trên thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
Như vậy, trong trường hợp con trai bạn 14 tuổi nhưng lại bị đe dọa giết chết, dẫn đến việc phải điều trị tâm lý thì căn cứ theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 133 nêu trên thì người đe dọa con bạn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
Căn cứ vào đâu để quyết định hình phạt đối với tội đe dọa giết người đối với người dưới 16 tuổi là gì?
Bộ luật Hình sự không có quy định chi tiết về căn cứ quyết định hình phạt cụ thể cho từng tội, tuy nhiên có quy định chung như sau:
Tại Điều 50 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về căn cứ quyết định hình phạt như sau:
Căn cứ quyết định hình phạt
1. Khi quyết định hình phạt, Tòa án căn cứ vào quy định của Bộ luật này, cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự.
2. Khi quyết định áp dụng hình phạt tiền, ngoài căn cứ quy định tại khoản 1 Điều này, Tòa án căn cứ vào tình hình tài sản, khả năng thi hành của người phạm tội.
Theo đó, khi quyết định hình phạt đối với tội đe dọa giết người đối với người dưới 16 tuổi thì Tòa án cũng phải tuân thủ theo quy định này.
Đe dọa giết người
Đe dọa giết người đối với người dưới 16 tuổi thì có được hưởng án treo không?
Điều 65 Bộ luật Hình sự 2015 có quy định về án treo như sau:
Án treo
1. Khi xử phạt tù không quá 03 năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, nếu xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù, thì Tòa án cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách từ 01 năm đến 05 năm và thực hiện các nghĩa vụ trong thời gian thử thách theo quy định của Luật thi hành án hình sự.
2. Trong thời gian thử thách, Tòa án giao người được hưởng án treo cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc hoặc chính quyền địa phương nơi người đó cư trú để giám sát, giáo dục. Gia đình người bị kết án có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương trong việc giám sát, giáo dục người đó.
3. Tòa án có thể quyết định áp dụng đối với người được hưởng án treo hình phạt bổ sung nếu trong điều luật áp dụng có quy định hình phạt này.
4. Người được hưởng án treo đã chấp hành được một phần hai thời gian thử thách và có nhiều tiến bộ thì theo đề nghị của cơ quan, tổ chức có trách nhiệm giám sát, giáo dục, Tòa án có thể quyết định rút ngắn thời gian thử thách.
...
Như đã phân tích ở trên trường hợp đe dọa giết người đối với người dưới 16 tuổi sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
Cho nên nếu như trường hợp đe dọa giết người này bị Tòa án tuyên phạt từ 3 năm tù trở xuống thì có thể được xem xét cho hưởng án treo theo quy định trên.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Khai thuế, tính thuế là gì? Địa điểm khai thuế, tính thuế của người nộp thuế là ở đâu theo quy định?
- Quyết định kết nạp đảng viên của cấp ủy có thẩm quyền Mẫu 9-KNĐ? Xây dựng, thực hiện kế hoạch kết nạp đảng viên ở chi bộ thế nào?
- Thông tin người nộp thuế là thông tin do người nộp thuế cung cấp hay do cơ quan thuế thu thập được?
- Giáo viên chủ nhiệm có được tham dự các cuộc họp của Hội đồng kỷ luật học sinh? Giáo viên có được làm chủ tịch Hội đồng kỷ luật học sinh?
- Có phải ký hợp đồng đào tạo khi người sử dụng lao động tuyển người vào học nghề để làm việc cho mình không?