Hành vi bơm nước cưỡng bức vào động vật trên cạn trước khi giết mổ có vi phạm pháp luật không? Nếu có thì bị xử lý như thế nào?
Hành vi bơm nước cưỡng bức vào động vật trên cạn trước khi giết mổ có vi phạm pháp luật không?
Theo Điều 12 Luật Chăn nuôi 2018 thì các hành vi bị nghiêm cấm trong chăn nuôi bao gồm:
- Chăn nuôi trong khu vực không được phép chăn nuôi của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư; trừ nuôi động vật làm cảnh, nuôi động vật trong phòng thí nghiệm mà không gây ô nhiễm môi trường.
- Sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.
- Sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi không phải là thuốc thú y được phép lưu hành tại Việt Nam.
- Sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi nhằm mục đích kích thích sinh trưởng.
- Phá hoại, chiếm đoạt nguồn gen giống vật nuôi.
- Xuất khẩu trái phép nguồn gen giống vật nuôi quý, hiếm.
- Nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi có sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.
- Nhập khẩu, kinh doanh, chế biến sản phẩm chăn nuôi từ vật nuôi chết do bệnh hoặc chết không rõ nguyên nhân.
- Nhập khẩu, nuôi, phóng thích, sử dụng trái phép vật nuôi biến đổi gen, sản phẩm chăn nuôi từ vật nuôi biến đổi gen.
- Sử dụng, đưa chất, vật thể, bơm nước cưỡng bức vào cơ thể vật nuôi, sản phẩm của vật nuôi nhằm mục đích gian lận thương mại.
- Thông đồng, gian dối trong thử nghiệm, khảo nghiệm, kiểm định, công bố chất lượng, chứng nhận sự phù hợp trong lĩnh vực chăn nuôi.
- Xả thải chất thải chăn nuôi chưa được xử lý hoặc xử lý chưa đạt yêu cầu vào nơi tiếp nhận chất thải theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
- Gian dối trong kê khai hoạt động chăn nuôi nhằm trục lợi.
- Cản trở, phá hoại, xâm phạm hoạt động chăn nuôi hợp pháp.
Như vậy, hành vi bơm nước cưỡng bức vào cơ thể động vật trên cạn ở đây cụ thể là con dê nhằm mục đích gian lận thương mại là hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động chăn nuôi.
Hành vi bơm nước cưỡng bức vào động vật
Các hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả bao gồm những gì?
Theo Điều 4 Nghị định 14/2021/NĐ-CP thì các hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả được quy định như sau:
- Đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính về chăn nuôi, tổ chức, cá nhân phải chịu hình thức xử phạt chính là phạt tiền.
- Căn cứ tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính còn bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung sau đây:
+ Tước quyền sử dụng Chứng chỉ đào tạo về thụ tinh nhân tạo, kỹ thuật cấy truyền phôi giống vật nuôi có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;
+ Tịch thu tang vật vi phạm hành chính, tịch thu Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi, Giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi, Chứng chỉ đào tạo về thụ tinh nhân tạo, kỹ thuật cấy truyền phôi giống vật nuôi, Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu giống vật nuôi đã bị tẩy xóa, sửa chữa, làm sai lệch nội dung.
- Biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Nghị định này được áp dụng như sau:
+ Buộc thu hồi giống vật nuôi, sản phẩm giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi;
+ Buộc tái chế sản phẩm thức ăn chăn nuôi, sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi;
+ Buộc chuyển đổi mục đích sử dụng sản phẩm thức ăn chăn nuôi, giống vật nuôi, sản phẩm giống vật nuôi, sản phẩm chăn nuôi, sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi;
+ Buộc tái xuất sản phẩm thức ăn chăn nuôi, giống vật nuôi, sản phẩm giống vật nuôi, sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi, sản phẩm chăn nuôi, vật nuôi sống làm thực phẩm;
+ Buộc tiêu hủy chất cấm, nguyên liệu không có trong Danh mục nguyên liệu được phép sử dụng làm thức ăn chăn nuôi, sản phẩm thức ăn chăn nuôi, giống vật nuôi, động vật, sản phẩm giống vật nuôi, sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi, sản phẩm chăn nuôi;
+ Buộc hủy bỏ kết quả khảo nghiệm thức ăn chăn nuôi, sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi; hủy bỏ kết quả khảo nghiệm, kiểm định dòng, giống vật nuôi;
+ Buộc sửa đổi thông tin đối với lô sản phẩm thức ăn chăn nuôi, sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi trên nhãn sản phẩm hoặc tài liệu kỹ thuật kèm theo;
+ Hủy bỏ thông tin sản phẩm thức ăn chăn nuôi đã công bố trên Cổng thông tin một cửa quốc gia, Cổng thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
+ Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường và báo cáo kết quả khắc phục hậu quả vi phạm theo quy định;
+ Buộc cải chính thông tin sản phẩm thức ăn chăn nuôi, sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
+ Buộc sử dụng vật nuôi đúng mục đích nhập khẩu;
+ Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính;
+ Buộc thả chim yến về môi trường tự nhiên;
+ Buộc thực hiện biện pháp giảm tiếng ồn theo quy định;
+ Buộc di dời vật nuôi, trang trại chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi theo quy định;
+ Buộc xử lý nhiệt đối với động vật vi phạm theo quy định;
+ Buộc giảm quy mô chăn nuôi cho phù hợp với khoảng cách theo quy định.
Hành vi bơm nước cưỡng bức vào động vật trên cạn bị xử lý như thế nào?
Theo Điều 29 Nghị định 14/2021/NĐ-CP thì vi phạm quy định về hoạt động chăn nuôi, đối xử nhân đạo với vật nuôi, kiểm soát giết mổ động vật trên cạn được quy định như sau:
- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi đánh đập, hành hạ tàn nhẫn đối với vật nuôi.
- Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với cơ sở giết mổ tập trung có một trong các hành vi vi phạm sau đây:
+ Không có nơi lưu giữ vật nuôi bảo đảm vệ sinh trước khi giết mổ;
+ Đánh đập vật nuôi trước khi giết mổ;
+ Không có biện pháp gây ngất vật nuôi trước khi giết mổ.
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi cản trở, phá hoại, xâm phạm trái phép hoạt động chăn nuôi hợp pháp.
- Hành vi đưa vật thể lạ, bơm nước cưỡng bức hoặc các chất khác vào cơ thể động vật trên cạn trước khi giết mổ bị xử phạt như sau:
+ Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với trường hợp tổng khối lượng động vật vi phạm dưới 100 kg;
+ Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với trường hợp tổng khối lượng động vật vi phạm từ 100 kg đến dưới 500 kg;
+ Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với trường hợp tổng khối lượng động vật vi phạm từ 500 kg đến dưới 1.000 kg;
+ Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với trường hợp tổng khối lượng động vật vi phạm từ 1.000 kg trở lên.
- Hình thức xử phạt bổ sung:
+ Tịch thu tang vật vi phạm đối với hành vi phá hoại hoạt động chăn nuôi được quy định tại khoản 3 Điều này;
+ Đình chỉ hoạt động của cơ sở từ 01 tháng đến 06 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 4 Điều này.
- Biện pháp khắc phục hậu quả
Buộc xử lý nhiệt đối với động vật thuộc hành vi vi phạm quy định tại khoản 4 Điều này; trường hợp tái phạm thì buộc tiêu hủy.
Lưu ý: Mức phạt trên là mức phạt áp dụng cho cá nhân, mức phạt đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt đối với cá nhân (khoản 2 Điều 5 Nghị định này).
Như vậy, đối với hành vi bơm nước cưỡng bức vào động vật trên cạn mà trong trường hợp của bạn là con dê có tổng khối lượng là 55 kg thì người vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với tổ chức. Bên cạnh đó người có hành vi vi phạm sẽ bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động của cơ sở từ 01 tháng đến 06 tháng và biện pháp khắc phục hậu quả là buộc xử lý nhiệt đối với động vật thuộc hành vi vi phạm, tái phạm thì sẽ bị buộc tiêu hủy.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Tổ chức, cá nhân liên quan đến phương tiện vận tải xuất cảnh trong việc phòng chống buôn lậu có nghĩa vụ gì?
- Có được áp dụng hình thức kỷ luật tước danh hiệu Công an nhân dân đối với cán bộ sử dụng chất gây nghiện trái phép không?
- Việc xử lý bưu gửi không có người nhận được thực hiện như thế nào? Tổ chức xử lý không đúng quy định đối với bưu gửi bị xử phạt bao nhiêu?
- Loại hình giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ là gì? VSDC thực hiện thanh toán giao dịch theo phương thức nào?
- 05 căn cứ tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ trong trường hợp cần thiết? Chế độ chính sách của cán bộ bị tạm đình chỉ công tác được thực hiện thế nào?