Hàng hóa nhập khẩu không có nhãn hàng hóa thì có đúng với quy định của pháp luật không? Xử lý hàng hóa nhập khẩu không có nhãn như thế nào?
Thế nào là nhãn hàng hóa?
Căn cứ tại khoản 1, khoản 2 Điều 3 Nghị định 43/2017/NĐ-CP, quy định nhãn hàng hóa là bản viết, bản in, bản vẽ, bản chụp của chữ, hình vẽ, hình ảnh được dán, in, đính, đúc, chạm, khắc trực tiếp trên hàng hóa, bao bì thương phẩm của hàng hóa hoặc trên các chất liệu khác được gắn trên hàng hóa, bao bì thương phẩm của hàng hóa;
- Ghi nhãn hàng hóa là thể hiện nội dung cơ bản, cần thiết về hàng hóa lên nhãn hàng hóa để người tiêu dùng nhận biết, làm căn cứ lựa chọn, tiêu thụ và sử dụng; để nhà sản xuất, kinh doanh, thông tin, quảng bá cho hàng hóa của mình và để các cơ quan chức năng thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát.
Nhãn hàng hóa (hình minh họa)
Hàng hóa nhập khẩu không có nhãn có đúng với quy định của pháp luật không?
Căn cứ tại khoản 2 Điều 1 Nghị định 43/2017/NĐ-CP (được sửa đổi bởi khoản 1 Điều 1 Nghị định 111/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/02/2022), quy định về những lại hàng hóa không thuộc phạm vi điều chỉnh quy định về nhãn hàng hóa, cụ thể:
"Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
...
2. Những hàng hóa sau đây không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này:
a) Bất động sản;
b) Hàng hóa tạm nhập tái xuất; hàng hóa quá cảnh, hàng hóa chuyển khẩu; hàng hóa trung chuyển; hàng hóa nhập khẩu gửi kho ngoại quan để xuất khẩu sang nước thứ ba;
c) Hành lý của người xuất cảnh, nhập cảnh; tài sản di chuyển;
d) Hàng hóa bị tịch thu bán đấu giá;
đ) Hàng hóa là thực phẩm tươi, sống, thực phẩm chế biến không có bao bì và bán trực tiếp cho người tiêu dùng;
e) Hàng hóa là nhiên liệu, nguyên liệu (nông sản, thủy sản, khoáng sản), phế liệu (trong sản xuất, kinh doanh), vật liệu xây dựng không có bao bì và được bán trực tiếp cho người tiêu dùng;
g) Hàng hóa là xăng dầu, khí (LPG, CNG, LNG) chất lỏng, không có bao bì thương phẩm đựng trong container, xi tec;
h) Hàng hóa đã qua sử dụng;
i) Hàng hóa thuộc lĩnh vực an ninh, quốc phòng; hàng hóa là chất phóng xạ, hàng hóa sử dụng trong trường hợp khẩn cấp nhằm khắc phục thiên tai, dịch bệnh; phương tiện giao thông đường sắt, đường thủy, đường không."
Về đối tượng áp dụng quy định tại Điều 2 Nghị định 43/2017/NĐ-CP (được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 1 Nghị định 111/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/02/2022):
"Điều 2. Đối tượng áp dụng
Nghị định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa tại Việt Nam; tổ chức, cá nhân xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa; cơ quan nhà nước; tổ chức, cá nhân liên quan.”.
Theo đó trường hợp công ty nhập khẩu hàng hóa phải dán nhãn theo quy định trừ những hàng hóa không thuộc phạm vi điều chỉnh tại Điều 1 Nghị định nêu trên.
Xử lý hàng hóa nhập khẩu không có nhãn như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 22 Nghị định 128/2020/NĐ-CP, quy định đối với nhập khẩu hàng hóa theo quy định phải có nhãn gốc mà không có nhãn gốc hàng hóa thì bị xử phạt như sau:
- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có trị giá đến dưới 5.000.000 đồng;
- Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có trị giá từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng;
- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng;
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có trị giá từ 20.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng;
- Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có trị giá từ 30.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;
- Phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 70.000.000 đồng;
- Phạt tiền từ 35.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có trị giá từ 70.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;
- Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có trị giá từ 100.000.000 đồng trở lên.
* Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại khoản 4 Điều 22 Nghị định 128/2020/NĐ-CP, cụ thể:
"4. Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc buộc tái xuất đối với tang vật vi phạm hành chính quy định tại Điều này trong thời hạn thi hành quyết định xử phạt;
b) Buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật đã bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái quy định của pháp luật đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này."
* Lưu ý: Mức phạt tiền theo quy định này là mức phạt tiền đối với tổ chức, mức phạt tiền đối với cá nhân bằng ½ mức phạt tiền đối với tổ chức.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Công ty tư vấn lập hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công, dự toán của công trình có được tham gia đấu thầu gói thầu tư vấn giám sát của công trình đó không?
- Chứng minh nhân dân là gì? Thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư có bao gồm số chứng minh nhân dân không?
- Dự toán dự án đầu tư công được xác định dựa trên cơ sở nào? Nội dung phê duyệt dự toán dự án đầu tư công gồm những gì?
- Thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội là gì? Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đúng không?
- Công ty đại chúng có phải công bố thông tin định kỳ về báo cáo tình hình quản trị công ty hay không?