Giấy ủy nhiệm Lãnh sự danh dự là gì? Bộ Ngoại giao yêu cầu Nước cử nộp bản sao Giấy ủy nhiệm Lãnh sự danh dự khi nào?
Giấy ủy nhiệm Lãnh sự danh dự là gì?
Tại khoản 4 Điều 2 Nghị định 26/2022/NĐ-CP có giải thích giấy ủy nhiệm Lãnh sự danh dự là văn bản của Nước cử gửi Bộ Ngoại giao về việc ủy nhiệm cho một cá nhân thực hiện chức năng của Lãnh sự danh dự đối với Nhà nước, pháp nhân và công dân Nước cử đó tại khu vực lãnh sự nhất định.
Giấy ủy nhiệm Lãnh sự danh dự là gì? (Hình từ Internet)
Bộ Ngoại giao yêu cầu Nước cử nộp bản sao Giấy ủy nhiệm Lãnh sự danh dự khi nào?
Bộ Ngoại giao yêu cầu Nước cử nộp bản sao Giấy ủy nhiệm Lãnh sự danh dự theo quy định tại khoản 3 Điều 5 Nghị định 26/2022/NĐ-CP như sau:
Trình tự, thủ tục chấp thuận Lãnh sự danh dự
1. Sau khi nhận được chấp thuận của Bộ Ngoại giao về việc lập Cơ quan lãnh sự danh dự tại Việt Nam, Nước cử gửi công hàm đến Bộ Ngoại giao đề nghị chấp thuận ứng cử viên Lãnh sự danh dự kèm theo 01 bộ hồ sơ của Lãnh sự danh dự theo quy định tại Điều 7, dự kiến nơi đặt trụ sở Cơ quan lãnh sự danh dự và các chức năng lãnh sự mà Nước cử ủy nhiệm.
Trong trường hợp cần thiết, Bộ Ngoại giao có thể yêu cầu Nước cử bổ sung các thông tin liên quan khác.
2. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được công hàm và đầy đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Ngoại giao sẽ trao đổi với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và các cơ quan liên quan về việc chấp thuận Lãnh sự danh dự để đảm bảo các yêu cầu về đối ngoại, an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, kinh tế, văn hóa, giáo dục. Ý kiến của các cơ quan gửi về Bộ Ngoại giao trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được văn bản của Bộ Ngoại giao.
Trong thời hạn 30 ngày sau khi nhận được ý kiến bằng văn bản của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và các cơ quan có liên quan, Bộ Ngoại giao sẽ quyết định chấp thuận hay không chấp thuận người được đề cử làm Lãnh sự danh dự.
3. Sau khi thông qua ứng cử viên Lãnh sự danh dự, Bộ Ngoại giao thông báo bằng văn bản cho Nước cử và yêu cầu Nước cử nộp bản sao Giấy ủy nhiệm Lãnh sự danh dự để Bộ Ngoại giao cấp Giấy chấp nhận Lãnh sự danh dự. Hai bên trao đổi thống nhất về thời điểm tiếp nhận Giấy ủy nhiệm lãnh sự và trao Giấy chấp nhận Lãnh sự danh dự.
4. Sau khi tiếp nhận Giấy ủy nhiệm Lãnh sự danh dự và trong thời hạn 05 ngày sau khi trao Giấy chấp nhận Lãnh sự danh dự, Bộ Ngoại giao thông báo cho các cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam thông tin về Lãnh sự danh dự của Nước cử mới được chấp thuận tại Việt Nam bao gồm thông tin về cá nhân Lãnh sự danh dự, khu vực lãnh sự, chức năng lãnh sự và thời hạn nhiệm kỳ.
5. Nước cử có thể gửi công hàm tới Bộ Ngoại giao trao đổi ý kiến về việc lập Cơ quan lãnh sự danh dự nước ngoài tại Việt Nam đồng thời với việc đề nghị chấp thuận ứng cử viên Lãnh sự danh dự kèm theo hồ sơ lý lịch của Lãnh sự danh dự. Trong trường hợp này, hồ sơ gửi kèm phải phù hợp với các quy định Khoản 1 Điều 4 và khoản 1 Điều 5 của Nghị định này.
6. Trường hợp Nước cử đã được chấp thuận thành lập Cơ quan lãnh sự danh dự tại Việt Nam và ủy nhiệm một người mới làm Lãnh sự danh dự thì không phải trao đổi lại ý kiến với Bộ Ngoại giao theo quy định tại Điều 4 của Nghị định này.
Như vậy, theo quy định trên thì sau khi thông qua ứng cử viên Lãnh sự danh dự thì Bộ Ngoại giao thông báo bằng văn bản cho Nước cử và yêu cầu Nước cử nộp bản sao Giấy ủy nhiệm Lãnh sự danh dự để Bộ cấp Giấy chấp nhận Lãnh sự danh dự.
Để được chấp thuận làm Lãnh sự danh dự phải thường trú tại Việt Nam bao nhiêu năm?
Để được chấp thuận làm Lãnh sự danh dự phải thường trú tại Việt Nam bao nhiêu năm, thì theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Nghị định 26/2022/NĐ-CP như sau:
Tiêu chuẩn của ứng viên Lãnh sự danh dự
Người được chấp thuận làm Lãnh sự danh dự phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
1. Có quốc tịch Nước cử hoặc quốc tịch Việt Nam. Trường hợp là người có quốc tịch của nước thứ ba hoặc người có hai hay nhiều quốc tịch thì phải được sự đồng ý của Bộ Ngoại giao theo trình tự thủ tục quy định tại Khoản 2 Điều 5. Sự đồng ý về quốc tịch này có thể bị rút lại vào bất kỳ lúc nào mà không cần nêu lý do. Trong trường hợp này, Bộ Ngoại giao sẽ gửi công hàm thông báo đến Nước cử.
2. Thường trú tại Việt Nam hoặc đã cư trú, làm việc ít nhất 01 năm tại khu vực lãnh sự.
3. Không phải là cán bộ công chức, viên chức hoặc người lao động nhận lương từ ngân sách nhà nước của bất kỳ nước nào.
4. Bố trí trụ sở làm việc hoặc nơi cư trú trong khu vực lãnh sự của Cơ quan lãnh sự mà người đó dự kiến đứng đầu.
5. Có lý lịch tư pháp rõ ràng.
6. Có khả năng tài chính, uy tín trong xã hội.
Như vậy, theo quy định trên thì để được chấp thuận làm Lãnh sự danh dự phải thường trú hoặc đã cư trú, làm việc ít nhất 01 năm tại khu vực lãnh sự và phải đáp ứng các tiêu chuẩn trên.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Thể lệ cuộc thi trực tuyến Quân đội Nhân dân Việt Nam 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành 2024 thế nào?
- Có nhiều hộ gia đình có chung quyền sử dụng một thửa đất ở bị thu hồi được giao thêm đất theo Luật Đất đai mới đúng không?
- Hoạt động quản lý vận hành nhà chung cư có cung cấp các dịch vụ bảo vệ không? Ai có trách nhiệm quản lý vận hành nhà chung cư?
- Mẫu đơn đề nghị cấp lại giấy phép hoạt động của sàn giao dịch bất động sản mới nhất theo quy định hiện nay?
- Cấp ủy cấp tỉnh có chức năng gì? Cấp ủy cấp tỉnh có được giới thiệu nhân sự ứng cử chức danh chủ tịch Hội đồng nhân dân?