Giấy phép kinh doanh là gì? Mức phạt tiền đối với một số hành vi vi phạm về hoạt động kinh doanh theo giấy phép kinh doanh?
Giấy phép kinh doanh là gì?
Hiện nay, Luật Doanh nghiệp 2020 và các văn bản hướng dẫn có liên quan chưa có quy định định nghĩa cụ thể Giấy phép kinh doanh là gì.
Tuy nhiên, có thể hiểu giấy phép kinh doanh là một loại văn bản hoặc chứng chỉ pháp lý do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho cá nhân hoặc tổ chức, cho phép họ thực hiện hoạt động kinh doanh trong một lĩnh vực, ngành nghề cụ thể.
Đồng thời, tại khoản 4 Điều 3 Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có giải thích:
"Giấy phép kinh doanh" gồm giấy phép, giấy chứng nhận đủ điều kiện, chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp, văn bản xác nhận, các hình thức văn bản khác quy định các điều kiện mà cá nhân, tổ chức phải đáp ứng để thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh do cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền cấp cho cá nhân, tổ chức đó theo quy định của pháp luật.
Giấy phép kinh doanh là gì? Mức phạt tiền đối với một số hành vi vi phạm về hoạt động kinh doanh theo giấy phép kinh doanh? (Hình từ Internet)
Mức phạt tiền đối với một số hành vi vi phạm về hoạt động kinh doanh theo giấy phép kinh doanh thế nào?
Các hành vi vi phạm về hoạt động kinh doanh theo giấy phép kinh doanh và mức phạt tiền tương ứng được quy định cụ thể tại Điều 6 Nghị định 98/2020/NĐ-CP:
(1) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
- Viết thêm, tẩy xóa, sửa chữa làm thay đổi nội dung ghi trong giấy phép kinh doanh;
- Cho thuê, cho mượn, cầm cố, thế chấp, bán, chuyển nhượng giấy phép kinh doanh;
- Thuê, mượn, nhận cầm cố, nhận thế chấp, mua, nhận chuyển nhượng giấy phép kinh doanh.
(2) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi kinh doanh không đúng phạm vi, đối tượng, quy mô, thời hạn, địa bàn, địa điểm hoặc mặt hàng ghi trong giấy phép kinh doanh được cấp.
(3) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
- Kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện mà không có giấy phép kinh doanh theo quy định;
- Kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện khi giấy phép kinh doanh được cấp đã hết hiệu lực;
- Kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện nhưng không đáp ứng điều kiện đầu tư kinh doanh theo quy định trong quá trình hoạt động kinh doanh;
- Sử dụng giấy phép kinh doanh của thương nhân khác để kinh doanh.
(4) Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi tiếp tục hoạt động kinh doanh trong thời gian bị cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền đình chỉ hoạt động, tước quyền sử dụng hoặc thu hồi giấy phép kinh doanh.
(5) Phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt quy định từ mục (1) đến mục (4) đối với đối tượng hoạt động sản xuất rượu công nghiệp; chế biến, mua bán nguyên liệu thuốc lá; sản xuất sản phẩm thuốc lá; kinh doanh phân phối, bán buôn rượu hoặc sản phẩm thuốc lá thực hiện hành vi vi phạm hành chính.
Có bắt buộc phải đăng ký lại giấy phép kinh doanh khi thay đổi ngành nghề kinh doanh hay không?
Căn cứ theo Luật Doanh nghiệp 2020 cho phép các doanh nghiệp tự do kinh doanh mọi ngành nghề mà pháp luật không cấm. Đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì doanh nghiệp phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện kinh doanh đó trước khi tiến hành kinh doanh thì mới được xem là không vi phạm pháp luật.
Đồng thời cũng không quy định bắt buộc doanh nghiệp phải đăng ký kê khai ngành nghề với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi tiến hành kinh doanh ngành nghề đó.
Tuy nhiên, khi doanh nghiệp thay đổi ngành nghề kinh doanh thì phải thực hiện việc thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp với Cơ quan đăng ký kinh doanh.
Cụ thể, theo Điều 31 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định như sau:
Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp
1. Doanh nghiệp phải thông báo với Cơ quan đăng ký kinh doanh khi thay đổi một trong những nội dung sau đây:
a) Ngành, nghề kinh doanh;
b) Cổ đông sáng lập và cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài đối với công ty cổ phần, trừ trường hợp đối với công ty niêm yết;
c) Nội dung khác trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp.
2. Doanh nghiệp chịu trách nhiệm thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày có thay đổi.
Như vậy, quy định pháp luật hiện hành không bắt buộc doanh nghiệp phải đăng ký lại giấy phép kinh doanh khi thay đổi ngành nghề kinh doanh mà doanh nghiệp chỉ có trách nhiệm thông báo cho Cơ quan đăng ký kinh doanh khi thay đổi nội dung về ngành, nghề kinh doanh trong vòng 10 ngày kể từ ngày có thay đổi.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Cẩm nang Kỹ năng nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến cung cấp mấy nhóm kỹ năng chính? Xem cẩm nang ở đâu?
- Cách viết phần tự đánh giá trong phiếu đánh giá xếp loại chất lượng viên chức? Mẫu phiếu đánh giá xếp loại chất lượng viên chức mới nhất?
- Số liệu kế toán thuế xuất nhập khẩu phải được phản ánh thế nào? Nhiệm vụ thực hiện kế toán thuế xuất nhập khẩu tại Cục Hải quan?
- Đề cử trong Đảng áp dụng trong trường hợp nào? Ở đại hội đảng viên, đề cử trong Đảng được thực hiện dưới hình thức nào?
- Những bài viết về Cựu chiến binh hay nhất 6 12 ngắn gọn? Bài viết về Cựu chiến binh nhân Ngày Cựu chiến binh Việt Nam?