Giáo viên, học sinh được nghỉ hè 2024 mấy tháng? Học sinh bắt buộc phải đi sinh hoạt hè 2024 không?
Giáo viên, học sinh được nghỉ hè 2024 mấy tháng?
Đối với giáo viên:
Căn cứ theo khoản 1 Điều 3 Nghị định 84/2020/NĐ-CP thì thời gian nghỉ hè của giáo viên được quy định như sau:
Thời gian nghỉ hè của nhà giáo
1. Thời gian nghỉ hè của nhà giáo:
a) Thời gian nghỉ hè hằng năm của giáo viên cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, trường chuyên biệt là 08 tuần, bao gồm cả nghỉ phép hằng năm.
b) Thời gian nghỉ hè hằng năm của giáo viên trường trung cấp và giảng viên trường cao đẳng là 06 tuần, bao gồm cả nghỉ phép hằng năm.
c) Thời gian nghỉ hè hằng năm của giảng viên cơ sở giáo dục đại học được thực hiện theo quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục đại học;
d) Trong trường hợp đột xuất, khẩn cấp để phòng chống thiên tai, dịch bệnh hoặc trường hợp cấp bách, thời gian nghỉ hè của nhà giáo cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, trường chuyên biệt, trường trung cấp và trường cao đẳng do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quyết định theo thẩm quyền.
Như vậy đối với giáo viên thì thời gian nghỉ hè là 08 tuần.
Đối với học sinh:
Hiện nay, không có quy định cụ thể về việc học sinh được nghỉ hè bao lâu.
Tuy nhiên, có thể căn cứ khung thời gian các năm học trước để xác định học sinh được nghỉ bao lâu.
Năm học 2021 - 2022:
- Tựu trường sớm nhất vào ngày 01 tháng 9 năm 2021. Riêng đối với lớp 1, tựu trường sớm nhất từ ngày 23 tháng 8 năm 2021.
- Tổ chức khai giảng vào ngày 05 tháng 9 năm 2021.
- Kết thúc học kỳ I trước ngày 16 tháng 01 năm 2022, hoàn thành kế hoạch giáo dục học kỳ II trước ngày 25 tháng 5 năm 2022 và kết thúc năm học trước ngày 31 tháng 5 năm 2022.
Năm học 2022 - 2023:
- Tựu trường sớm nhất trước 01 tuần so với ngày tổ chức khai giảng. Riêng đối với lớp 1, tựu trường sớm nhất trước 02 tuần so với ngày tổ chức khai giảng.
- Tổ chức khai giảng vào ngày 05 tháng 9 năm 2022.
- Kết thúc học kỳ I trước ngày 15 tháng 01 năm 2023, hoàn thành kế hoạch giáo dục học kỳ II trước ngày 25 tháng 5 năm 2023 và kết thúc năm học trước ngày 31 tháng 5 năm 2023.
Năm học 2023 - 2024:
- Tựu trường sớm nhất trước 01 tuần so với ngày tổ chức khai giảng. Riêng đối với lớp 1, tựu trường sớm nhất trước 02 tuần so với ngày tổ chức khai giảng.
- Tổ chức khai giảng vào ngày 05 tháng 9 năm 2023.
- Kết thúc học kỳ I trước ngày 15 tháng 01 năm 2024, hoàn thành kế hoạch giáo dục học kỳ II trước ngày 25 tháng 5 năm 2024 và kết thúc năm học trước ngày 31 tháng 5 năm 2024.
Như vậy, thông qua các năm, thì học sinh nghỉ hè chậm nhất là từ ngày 01/6 và thông thường tựu trường vào ngày 01/9 và khai giảng vào ngày 05/9.
Nên dự kiến năm 2024, học sinh cũng sẽ có thời gian nghỉ hè muộn nhất từ ngày 01/6/2024 và bắt đầu năm học vào đầu tháng 9/2024 và khai giảng ngày 05/9/2024. Đồng nghĩa với việc học sinh sẽ có thời gian nghỉ hè là 3 tháng.
Tuy nhiên, về thời gian bắt đầu năm học mới còn phụ thuộc vào khung thời gian năm học 2024-2025 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Giáo viên, học sinh được nghỉ hè 2024 mấy tháng? (Hình từ internet)
Học sinh THCS,THPT có bắt buộc phải đi sinh hoạt hè 2024 không?
Đối với học sinh lớp 6,7,8,10,11:
Căn theo Điều 13 Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT Quy định đánh giá học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông quy định rèn luyện trong kì nghỉ hè đối với học sinh như sau:
Rèn luyện trong kì nghỉ hè
1. Học sinh có kết quả rèn luyện cả năm học được đánh giá mức Chưa đạt thì phải rèn luyện trong kì nghỉ hè.
2. Hình thức rèn luyện trong kì nghỉ hè do Hiệu trưởng quy định.
3. Căn cứ vào hình thức rèn luyện trong kì nghỉ hè, giáo viên chủ nhiệm giao nhiệm vụ rèn luyện trong kì nghỉ hè cho học sinh và thông báo đến cha mẹ học sinh. Cuối kì nghỉ hè, nếu nhiệm vụ rèn luyện được giáo viên chủ nhiệm đánh giá đã hoàn thành (có báo cáo về quá trình và kết quả thực hiện nhiệm vụ rèn luyện có chữ kí xác nhận của cha mẹ học sinh) thì giáo viên chủ nhiệm đề nghị Hiệu trưởng cho đánh giá lại kết quả rèn luyện cả năm học của học sinh. Kết quả đánh giá lại được sử dụng thay thế cho kết quả rèn luyện cả năm học để xét lên lớp theo quy định tại Điều 12 Thông tư này.
Đối với học sinh lớp 9, lớp 12:
Căn cứ tại Điều 17 Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư 58/2011/TT-BGDĐT quy định như sau:
Rèn luyện hạnh kiểm trong kỳ nghỉ hè
Học sinh xếp loại học lực cả năm từ trung bình trở lên nhưng hạnh kiểm cả năm học xếp loại yếu thì phải rèn luyện thêm hạnh kiểm trong kỳ nghỉ hè, hình thức rèn luyện do hiệu trưởng quy định. Nhiệm vụ rèn luyện trong kỳ nghỉ hè được thông báo đến gia đình, chính quyền, đoàn thể xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã) nơi học sinh cư trú. Cuối kỳ nghỉ hè, nếu được Ủy ban nhân dân cấp xã công nhận đã hoàn thành nhiệm vụ thì giáo viên chủ nhiệm đề nghị hiệu trưởng cho xếp loại lại về hạnh kiểm; nếu đạt loại trung bình thì được lên lớp.
Theo đó, căn cứ theo các quy định trên thì kì sinh hoạt hè 2024 học sinh không bắt buộc phải tham gia.
Sinh hoạt hè cũng là một hình thức rèn luyện,chỉ bắt buộc đối với đối tượng học sinh sau:
- Đối với học sinh lớp 6, 7, 8, 10, 11: học sinh có kết quả rèn luyện cả năm học được đánh giá mức Chưa đạt thì phải rèn luyện trong kì nghỉ hè. Hình thức rèn luyện trong kì nghỉ hè do Hiệu trưởng quy định.
- Đối với học sinh lớp 9, 12: Học sinh xếp loại học lực cả năm từ trung bình trở lên nhưng hạnh kiểm cả năm học xếp loại yếu thì phải rèn luyện thêm hạnh kiểm trong kỳ nghỉ hè, hình thức rèn luyện do hiệu trưởng quy định.
Trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm trong việc quản lý, đánh giá học sinh theo Thông tư 22 thế nào?
Căn cứ theo Điều 20 Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT quy định trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm trong việc quản lý, đánh giá học sinh như sau:
- Giúp Hiệu trưởng quản lí việc đánh giá học sinh của lớp học theo quy định của Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT.
- Xác nhận việc sửa chữa điểm, sửa chữa mức đánh giá của giáo viên môn học; tổng hợp kết quả rèn luyện và học tập của học sinh từng học kì, cả năm học trong Sổ theo dõi và đánh giá học sinh (theo lớp học), Học bạ học sinh.
- Đánh giá kết quả rèn luyện từng học kì và cả năm học của học sinh; lập danh sách học sinh được lên lớp, đánh giá lại các môn học, rèn luyện trong kì nghỉ hè, không được lên lớp, được khen thưởng.
- Ghi hoặc nhập kết quả đánh giá của mỗi học sinh vào sổ theo dõi và đánh giá học sinh (theo lớp học), Học bạ học sinh:
+ Nội dung nhận xét về kết quả rèn luyện và học tập của học sinh; mức đánh giá kết quả rèn luyện và học tập của học sinh.
+ Kết quả được lên lớp hoặc không được lên lớp; được công nhận hoàn thành chương trình trung học cơ sở, chương trình trung học phổ thông hoặc không được công nhận hoàn thành chương trình trung học cơ sở, chương trình trung học phổ thông; khen thưởng.
- Hướng dẫn học sinh tự nhận xét trong quá trình rèn luyện và học tập. Phối hợp với giáo viên môn học, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Ban Đại diện cha mẹ học sinh lớp và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để giáo dục học sinh và tiếp nhận thông tin phản hồi về quá trình rèn luyện và học tập của học sinh.
- Thông báo riêng cho cha mẹ học sinh về quá trình, kết quả rèn luyện và học tập của học sinh.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Hội thẩm nhân dân ngang quyền với Thẩm phán khi biểu quyết về quyết định giải quyết vụ án hành chính đúng không?
- Bậc thuế môn bài năm 2025 mới nhất như thế nào? Hạn chót nộp thuế môn bài năm 2025 là khi nào?
- Cán bộ, công chức, viên chức không áp dụng Nghị định 178/2024 chính sách khi sắp xếp bộ máy từ 1 1 2025 gồm những ai?
- Chính thức dạy thêm ngoài nhà trường phải đăng ký kinh doanh theo Thông tư 29/2024 đúng không?
- Hướng dẫn hồ sơ hoàn thuế GTGT hàng xuất khẩu theo Thông tư 80? Tải về tài liệu hồ sơ hoàn thuế?