Giao dịch từ xa là gì? Quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh như thế nào để bảo vệ người mua hàng qua mạng?
Giao dịch từ xa là gì?
Căn cứ theo khoản 5 Điều 3 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 định nghĩa về giao dịch từ xa như sau:
Giải thích từ ngữ:
...
Giao dịch từ xa là giao dịch được thực hiện trên không gian mạng, phương tiện điện tử hoặc phương tiện khác mà người tiêu dùng không được kiểm tra, tiếp xúc trực tiếp với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trước khi tham gia giao dịch
Như vậy, giao dịch mua bán hàng hóa qua mạng internet đã được luật hóa chính thức trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023.
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hiện hành không quy định về nội dung này nhưng theo Nghị định 99/2011/NĐ-CP có quy định về hợp đồng giao kết từ xa như sau:
Hợp đồng được ký kết giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thông qua phương tiện điện tử hoặc điện thoại.
Việc quy định về giao dịch được thực hiện trên không gian mạng, phương tiện điện tử hoặc phương tiện khác trong Luật mới là phù hợp với xu hướng hội nhập kinh tế, lĩnh vực thương mại điện tử ngày càng đóng vai trò quan trọng.
Bên cạnh đó, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 cũng đã xác định giao dịch từ xa là một trong số các giao dịch đặc thù giữa tổ chức, cá nhân kinh doanh và người tiêu dùng theo khoản 8 Điều 3 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023.
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 đã quy định trách nhiệm tổ chức, cá nhân kinh doanh như thế nào để bảo vệ người mua hàng qua mạng?
Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong giao dịch từ xa được quy định như thế nào?
Căn cứ Điều 37 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 thì trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong giao dịch từ xa được quy định như sau:
- Khi thực hiện giao dịch từ xa, tổ chức, cá nhân kinh doanh phải cung cấp chính xác và đầy đủ cho người tiêu dùng các thông tin sau đây:
+ Tên, địa chỉ, số điện thoại, phương thức liên hệ khác (nếu có) của tổ chức, cá nhân kinh doanh hoặc của đại diện của tổ chức, cá nhân kinh doanh tại Việt Nam (nếu có);
+ Số giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc mã số doanh nghiệp hoặc tài liệu tương đương khác đối với tổ chức kinh tế; mã số thuế cá nhân đối với cá nhân;
+ Đo lường, số lượng, khối lượng, chất lượng, công dụng, giá, nguồn gốc, xuất xứ, thời hạn sử dụng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ;
+ Chi phí giao hàng (nếu có);
+ Phương thức, thời hạn thanh toán; thời gian, địa điểm, phương thức bán, cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; điều kiện và phương thức đổi, trả sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ;
+ Thời gian có hiệu lực của đề nghị thực hiện giao dịch;
+ Thông tin về các khoản phí, chi phí, thuế giá trị gia tăng, cách thức tính phí, chi phí có thể phát sinh và các điều kiện giao dịch chung áp dụng trong quá trình cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng;
+ Chi tiết về công dụng, cách thức sử dụng, bảo hành của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ;
+ Quyền của người tiêu dùng quy định tại khoản 3 Điều 38 của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023;
+ Quy trình xử lý việc đổi, trả sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ hoặc chấm dứt thực hiện hợp đồng đã giao kết;
+ Quy trình tiếp nhận và giải quyết phản ánh, yêu cầu, khiếu nại của người tiêu dùng.
- Trường hợp giao dịch được thực hiện thông qua điện thoại hoặc hình thức liên lạc, đàm thoại khác, tổ chức, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm thông tin ngay từ đầu về tên, địa chỉ của mình và mục đích của cuộc đàm thoại.
- Trường hợp giao dịch được thực hiện trên không gian mạng, tổ chức, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm thực hiện quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023, pháp luật về thương mại điện tử và quy định khác của pháp luật có liên quan.
- Chính phủ quy định chi tiết về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong giao dịch từ xa.
Như vậy, khi tham gia giao dịch trên không gian mạng, phương tiện điện tử hoặc phương tiện khác, tổ chức, cá nhân kinh doanh phải cung cấp đầy đủ, chính xác các thông tin trên để tạo điều kiện thuận lợi cho người mua hàng có thể tiếp cận được thông tin sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ và các quy trình xử lý các vấn đề phát sinh trước khi tham gia giao dịch.
Việc giao kết hợp đồng trong giao dịch từ xa được pháp luật điều chỉnh thế nào?
Căn cứ Điều 38 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 quy định về việc giao kết hợp đồng như sau:
- Khi giao dịch từ xa với người tiêu dùng, tổ chức, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm xây dựng công cụ và thực hiện biện pháp bảo đảm sau đây:
+ Cung cấp chính xác, đầy đủ nội dung hợp đồng để người tiêu dùng nghiên cứu trước khi giao kết hợp đồng;
+ Người tiêu dùng trao đổi, làm rõ nội dung hợp đồng và xác nhận đồng ý giao kết hợp đồng;
+ Người tiêu dùng xem lại và tải về hợp đồng đã có xác nhận ký kết của người tiêu dùng.
- Nội dung hợp đồng bao gồm: các thông tin quy định tại khoản 1 Điều 37 của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023; tên, địa chỉ, số điện thoại, phương thức liên hệ khác (nếu có) của người tiêu dùng; quyền và nghĩa vụ của các bên.
Trường hợp có nhiều bên tham gia thực hiện hợp đồng, nội dung hợp đồng phải xác định rõ chủ thể, quyền và nghĩa vụ của từng chủ thể.
- Trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp không chính xác hoặc không đầy đủ thông tin quy định tại khoản 1 Điều 37 của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023, người tiêu dùng có quyền sau đây:
+ Thỏa thuận lựa chọn cách thức xử lý hợp đồng với tổ chức, cá nhân kinh doanh;
+ Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày giao kết hợp đồng, đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng đã giao kết và thông báo cho tổ chức, cá nhân kinh doanh. Người tiêu dùng không phải trả bất kỳ chi phí nào dưới mọi hình thức để chấm dứt thực hiện hợp đồng, trừ chi phí đối với phần sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã sử dụng;
+ Yêu cầu cơ quan có thẩm quyền tuyên bố hợp đồng vô hiệu hoặc hủy bỏ hợp đồng theo quy định của pháp luật về dân sự.
- Trường hợp người tiêu dùng đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 37 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023, tổ chức, cá nhân kinh doanh phải hoàn trả cho người tiêu dùng khoản tiền đã thanh toán tương ứng với phần sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ chưa sử dụng trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày người tiêu dùng tuyên bố đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng.
Qua thời hạn này, tổ chức, cá nhân kinh doanh phải trả lãi đối với số tiền chậm trả theo lãi suất do hai bên thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật về dân sự. Việc hoàn trả được thực hiện theo phương thức mà người tiêu dùng đã thanh toán, trừ trường hợp người tiêu dùng đồng ý thanh toán bằng phương thức khác.
Trường hợp việc chấm dứt thực hiện hợp đồng gây thiệt hại cho người tiêu dùng thì tổ chức, cá nhân kinh doanh phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật về dân sự.
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2024
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Download mẫu hợp đồng thuê đất nông nghiệp theo chuẩn Nghị định 102 mới nhất? Thời hạn cho thuê đất nông nghiệp tối đa?
- Đoạn văn nêu cảm nghĩ về một câu chuyện giáo dục tinh thần đoàn kết mà em đã được đọc được nghe kể? Học sinh tiểu học có những quyền gì?
- Bóc tách dữ liệu được thực hiện như thế nào? Dữ liệu được bóc tách bao gồm tối thiểu các trường dữ liệu đặc tả nào?
- Đất nghĩa trang có thuộc nhóm đất chưa sử dụng? Đất nghĩa trang được nhà nước giao cho tổ chức kinh tế bằng hình thức nào?
- Mẫu Nhận xét của chi ủy đối với đảng viên cuối năm? Nhận xét của chi ủy đối với đảng viên được thông báo đến ai?