Giá trị M1, M2, M3 trong đấu thầu là gì? Xét duyệt trúng thầu có phải căn cứ vào giá trị M1, M2, M3 hay không?
Giá trị M1, M2, M3 trong đấu thầu là gì?
Căn cứ khoản 3 Điều 48 Nghị định 25/2020/NĐ-CP quy định đề cập đến các giá trị M1, M2, M3 trong đấu thầu như sau:
Tiêu chuẩn và phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu
...
3. Tiêu chuẩn và phương pháp đánh giá về tài chính - thương mại gồm:
a) Tiêu chuẩn đánh giá về tài chính - thương mại
- Tiêu chuẩn về tổng chi phí thực hiện dự án (M1);
- Tiêu chuẩn về giá trị bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (M2);
- Tiêu chuẩn về hiệu quả đầu tư (M3).
Trong đó:
+ M1 là tổng chi phí thực hiện dự án (không bao gồm chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất) do nhà đầu tư đề xuất trong hồ sơ dự thầu căn cứ nội dung m1 được xác định trong hồ sơ mời thầu;
+ M2 là giá trị bồi thường, hỗ trợ và tái định cư do nhà đầu tư đề xuất trong hồ sơ dự thầu căn cứ nội dung m2 được xác định trong hồ sơ mời thầu.
Trường hợp giá trị bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được duyệt thấp hơn giá trị M2 thì phần chênh lệch sẽ được nộp vào ngân sách nhà nước; trường hợp cao hơn giá trị M2 thì nhà đầu tư phải bù phần thiếu hụt, giá trị phần thiếu hụt được tính vào vốn đầu tư của dự án.
Nhà đầu tư sẽ được khấu trừ giá trị bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo phương án được duyệt vào tiền sử dụng đất, tiền thuê đất nhưng không vượt quá số tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phải nộp theo quy định của pháp luật về đất đai. Đối với số tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng còn lại theo phương án được duyệt chưa được trừ vào tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phải nộp (nếu có) thì được tính vào vốn đầu tư của dự án.
+ M3 là giá trị nộp ngân sách nhà nước bằng tiền do nhà đầu tư đề xuất trong hồ sơ dự thầu ngoài các nghĩa vụ của nhà đầu tư đối với ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật hiện hành.
Giá trị M1, M2, M3 trong đấu thầu là những khoản được quy định nêu trên. Đây là những khoản giá trị quan trọng, cần thiết phải xác định trong quá trình lập hồ sơ dự thầu.
Giá trị M1, M2, M3 trong đấu thầu là gì? Xét duyệt trúng thầu có phải căn cứ vào giá trị M1, M2, M3 hay không? (Hình từ Interner)
Cách xác định các giá trị M1, M2, M3 trong đấu thầu là gì?
Căn cứ điểm h, điểm i và điểm k khoản 2 Điều 47 Nghị định 25/2020/NĐ-CP quy định việc xác định các giá trị M1, M2, M3 như sau:
Lập hồ sơ mời thầu
...
2. Nội dung hồ sơ mời thầu:
...
h) Sơ bộ tổng chi phí thực hiện dự án, không bao gồm chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất (m1) do bên mời thầu xác định theo quy định liên quan của pháp luật về xây dựng đối với từng dự án cụ thể, bảo đảm phát huy khả năng, hiệu quả sử dụng tối đa khu đất, quỹ đất, diện tích đất, hệ số sử dụng đất và quy hoạch không gian sử dụng đất;
i) Phương án và chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Trong đó chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của phần diện tích đất cần giải phóng mặt bằng (m2) được xác định trên cơ sở:
- Bồi thường về đất;
- Chi phí đầu tư vào đất còn lại khi Nhà nước thu hồi đất (nếu có);
- Chi phí bồi thường thiệt hại về nhà, công trình xây dựng, tài sản trên đất; thiệt hại về sản xuất, kinh doanh khi Nhà nước thu hồi đất (nếu có);
- Tiền hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất (nếu có) gồm: hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất; hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm; hỗ trợ tái định cư; hỗ trợ khác;
- Kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng.
k) Giá sàn nộp ngân sách nhà nước (m3) được bên mời thầu xác định theo công thức:
m3 = S x ΔG x k, trong đó:
- S là diện tích phần đất có thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của khu đất, quỹ đất dự kiến giao đất, cho thuê đất cho nhà đầu tư để thực hiện dự án;
- ΔG là giá trị tăng bình quân sau trúng đấu giá quyền sử dụng đất tính trên một đơn vị diện tích của các khu đất, quỹ đất có cùng mục đích sử dụng đất trong phạm vi địa phương hoặc khu vực có khu đất, quỹ đất thực hiện dự án. Trường hợp tại địa phương thực hiện dự án không có các khu đất, quỹ đất có cùng mục đích sử dụng đất thì tham chiếu cơ sở dữ liệu về đất đai của các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội tương tự;
- k là hệ số điều chỉnh giá trị tăng bình quân sau trúng đấu giá của các khu đất, quỹ đất có tính đến yếu tố tương đồng với khu đất, quỹ đất thực hiện dự án và các yếu tố cần thiết khác (nếu có).
Giá trị này được xác định mang tính tương đối, là căn cứ để nhà đầu tư đề xuất nộp ngân sách nhà nước và độc lập với tiền sử dụng đất, tiền thuê đất nhà đầu tư phải nộp theo quy định của pháp luật về đất đai.
Như vậy, hiện nay khi lập dự thầu, các bên thực hiện xác định giá trị M1, M2, M3 theo quy định nêu trên.
Xét duyệt trúng thầu có phải căn cứ vào giá trị M1, M2, M3 hay không?
Căn cứ quy định tại Điều 56 Nghị định 25/2020/NĐ-CP quy định về nguyên tắc xét duyệt trúng thầu bao gồm các yếu tố sau:
Nguyên tắc xét duyệt trúng thầu
Nhà đầu tư được đề nghị lựa chọn khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:
1. Có hồ sơ dự thầu hợp lệ.
2. Có năng lực, kinh nghiệm đáp ứng yêu cầu.
3. Có đề xuất về kỹ thuật đáp ứng yêu cầu.
4. Có giá trị đề nghị trúng thầu bao gồm các thành phần đáp ứng yêu cầu sau:
a) Có đề xuất tổng chi phí thực hiện dự án (M1) không thấp hơn m1 được phê duyệt trong hồ sơ mời thầu;
b) Có đề xuất giá trị bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (M2) không thấp hơn m2 được phê duyệt trong hồ sơ mời thầu;
c) Có đề xuất giá trị nộp ngân sách nhà nước bằng tiền ngoài các nghĩa vụ của nhà đầu tư đối với ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật hiện hành (M3) không thấp hơn giá sàn và cao nhất.
Như vậy khi xét duyệt trúng thầu cá nhân, tổ chức có thẩm quyền xét duyệt phải căn cứ vào giá trị M1, M2, M3 và đảm bảo sự phù hợp với các quy định nêu trên.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Nghị định 165/2024 quy định chi tiết một số điều của Luật Đường bộ và Điều 77 Luật Trật tự, ATGT đường bộ ra sao?
- Xe máy chở quá số người quy định năm 2025 bị phạt bao nhiêu tiền? Có bị trừ điểm giấy phép lái xe không?
- Huân chương Lao động hạng Nhất là gì? Mức tiền thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất là bao nhiêu?
- Bước đầu tiên của quy trình cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu là gì? Thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa?
- Đáp án cuộc thi trắc nghiệm trên internet tìm hiểu Lịch sử Đảng bộ lịch sử tỉnh Thái Bình tuần 1 ra sao?