Giá tính thuế tài nguyên đã bao gồm thuế giá trị gia tăng chưa? Có các loại tài nguyên nào thuộc đối tượng chịu thuế?
Giá tính thuế tài nguyên đã bao gồm thuế giá trị gia tăng chưa?
Căn cứ Điều 6 Thông tư 152/2015/TT-BTC có quy định về giá tính thuế tài nguyên như sau:
Giá tính thuế tài nguyên
Giá tính thuế tài nguyên là giá bán đơn vị sản phẩm tài nguyên của tổ chức, cá nhân khai thác chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng nhưng không được thấp hơn giá tính thuế tài nguyên do UBND cấp tỉnh quy định; Trường hợp giá bán đơn vị sản phẩm tài nguyên thấp hơn giá tính thuế tài nguyên do UBND cấp tỉnh quy định thì tính thuế tài nguyên theo giá do UBND cấp tỉnh quy định.
Trường hợp sản phẩm tài nguyên được vận chuyển đi tiêu thụ, trong đó chi phí vận chuyển, giá bán sản phẩm tài nguyên được ghi nhận riêng trên hóa đơn thì giá tính thuế tài nguyên là giá bán sản phẩm tài nguyên không bao gồm chi phí vận chuyển.
Như vậy giá tính thuế tài nguyên là giá bán đơn vị sản phẩm tài nguyên của tổ chức, cá nhân khai thác chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng.
Giá tính thuế tài nguyên có bao gồm thuế giá trị gia tăng hay không? (Hình từ Internet)
Trường hợp tài nguyên chưa xác định được giá bán thì xác định giá tính thuế tài nguyên thế nào?
Căn cứ theo khoản 2 Điều 4 Nghị định 50/2010/NĐ-CP (được sửa đổi bởi khoản 3 Điều 4 Nghị định 12/2015/NĐ-CP) có quy định về trường hợp tài nguyên chưa xác định được giá bán thì giá tính thuế tài nguyên được xác định theo một trong những căn cứ sau:
- Giá bán thực tế trên thị trường khu vực trong phạm vi địa bàn cấp tỉnh của đơn vị sản phẩm tài nguyên cùng loại nhưng không thấp hơn giá tính thuế do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định;
- Trường hợp tài nguyên khai thác có chứa nhiều chất khác nhau thì giá tính thuế xác định theo giá bán đơn vị của từng chất và hàm lượng của từng chất trong tài nguyên khai thác nhưng không thấp hơn giá tính thuế do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định.
Bên cạnh đó tại quy định này có nêu về một số trường hợp cụ thể về giá tính thuế tài nguyên như sau:
(1) Đối với nước thiên nhiên dùng cho sản xuất thủy điện là giá bán điện thương phẩm bình quân.
(2) Đối với gỗ là giá bán tại bãi giao (kho, bãi nơi khai thác); trường hợp chưa xác định được giá bán tại bãi giao thì giá tính thuế được xác định căn cứ vào giá tính thuế do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định.
(3) Đối với tài nguyên khai thác không tiêu thụ trong nước mà xuất khẩu là trị giá hải quan của tài nguyên khai thác xuất khẩu, không bao gồm thuế xuất khẩu.
Trường hợp tài nguyên khai thác vừa tiêu thụ nội địa và xuất khẩu:
- Đối với sản lượng tài nguyên tiêu thụ nội địa là giá bán đơn vị tài nguyên khai thác chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng.
- Đối với sản lượng tài nguyên xuất khẩu là trị giá hải quan của tài nguyên khai thác xuất khẩu, không bao gồm thuế xuất khẩu.
Trị giá hải quan của tài nguyên khai thác xuất khẩu thực hiện theo quy định về trị giá hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu tại Luật Hải quan và các văn bản hướng dẫn thi hành.
(4) Đối với dầu thô, khí thiên nhiên, khí than là giá bán tại điểm giao nhận. Điểm giao nhận là điểm được thỏa thuận trong hợp đồng dầu khí mà ở đó dầu thô, khí thiên nhiên, khí than được chuyển giao quyền sở hữu cho các bên tham gia hợp đồng dầu khí.
Có các loại tài nguyên nào thuộc đối tượng chịu thuế?
Căn cứ theo Điều 2 Nghị định 50/2010/NĐ-CP (được sửa đổi bởi khoản 1, khoản 2 Điều 4 Nghị định 12/2015/NĐ-CP) quy định về đối tượng chịu thuế tài nguyên như sau:
Đối tượng chịu thuế
Đối tượng chịu thuế tài nguyên thực hiện theo quy định tại Điều 2 Luật Thuế tài nguyên, bao gồm:
1. Khoáng sản kim loại.
2. Khoáng sản không kim loại.
3. Dầu thô theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Luật Dầu khí năm 1993.
4. Khí thiên nhiên theo quy định tại khoản 3 Điều 3 Luật Dầu khí năm 1993.
5. Khí than theo quy định tại khoản 3 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dầu khí năm 2008.
6. Sản phẩm của rừng tự nhiên, bao gồm các loại thực vật và các loại sản phẩm khác của rừng tự nhiên, trừ động vật và hồi, quế, sa nhân, thảo quả do người nộp thuế trồng tại khu vực rừng tự nhiên được giao khoanh nuôi, bảo vệ.
7. Hải sản tự nhiên, bao gồm động vật và thực vật biển.
8. Nước thiên nhiên, bao gồm nước mặt và nước dưới đất, trừ nước thiên nhiên dùng cho nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp và nước biển để làm mát máy.
Nước biển làm mát máy quy định tại Khoản này phải đảm bảo các yêu cầu về môi trường, về hiệu quả sử dụng nước tuần hoàn và điều kiện kinh tế kỹ thuật chuyên ngành.
Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với các Bộ liên quan để hướng dẫn nước biển làm mát máy thuộc đối tượng không chịu thuế tài nguyên quy định tại khoản này.
9. Yến sào thiên nhiên, trừ yến sào do tổ chức, cá nhân thu được từ hoạt động đầu tư xây dựng nhà để dẫn dụ chim yến tự nhiên về nuôi và khai thác.
10. Tài nguyên khác do Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan báo cáo Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Trên đây là các loại tài nguyên chịu thuế được pháp luật quy định.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trên môi trường điện tử của cơ quan nhà nước được xây dựng bao nhiêu năm?
- Phân loại hàng hóa trong hải quan được giải thích thế nào? Quy định về việc phân loại hàng hóa?
- Từ chối chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong trường hợp nào? Từ chối chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định CPTPP ra sao?
- Trọng tài quy chế là gì? Nguyên đơn làm đơn khởi kiện có được áp dụng giải quyết tranh chấp bằng trọng tài quy chế không?
- Kiểm tra chứng từ đối với chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa nhập khẩu được thực hiện thế nào?