Dự án đầu tư không thuộc diện phải đăng ký cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư có được hưởng ưu đãi đầu tư không?
- Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là văn bản ghi nhận những thông tin gì theo quy định của pháp luật?
- Dự án của nhà đầu tư trong nước có cần phải thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hay không?
- Dự án đầu tư không thuộc diện phải đăng ký cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư có được hưởng ưu đãi đầu tư không?
Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là văn bản ghi nhận những thông tin gì theo quy định của pháp luật?
Căn cứ vào khoản 11 Điều 3 Luật Đầu tư 2020 về giấy chứng nhận đăng ký đầu tư:
11. Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là văn bản bằng bản giấy hoặc bản điện tử ghi nhận thông tin đăng ký của nhà đầu tư về dự án đầu tư.
Như vậy, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là văn bản bằng bản giấy hoặc bản điện tử ghi nhận thông tin đăng ký của nhà đầu tư về dự án đầu tư.
Dự án của nhà đầu tư trong nước có cần phải thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hay không?
Căn cứ vào Điều 37 Luật Đầu tư 2020 về trường hợp thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư được quy định như sau:
Trường hợp thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư
1. Các trường hợp phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư bao gồm:
a) Dự án đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài;
b) Dự án đầu tư của tổ chức kinh tế quy định tại khoản 1 Điều 23 của Luật này.
2. Các trường hợp không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư bao gồm:
a) Dự án đầu tư của nhà đầu tư trong nước;
b) Dự án đầu tư của tổ chức kinh tế quy định tại khoản 2 Điều 23 của Luật này;
c) Đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế.
3. Đối với dự án đầu tư quy định tại các điều 30, 31 và 32 của Luật này, nhà đầu tư trong nước, tổ chức kinh tế quy định tại khoản 2 Điều 23 của Luật này triển khai thực hiện dự án đầu tư sau khi được chấp thuận chủ trương đầu tư.
4. Trường hợp nhà đầu tư có nhu cầu cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án đầu tư quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều này, nhà đầu tư thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư quy định tại Điều 38 của Luật này.
Như vậy, dự án đầu tư của nhà đầu tư trong nước không nhất thiết phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Dự án đầu tư không thuộc diện phải đăng ký cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư có được hưởng ưu đãi đầu tư không? (Hình từ Internet)
Dự án đầu tư không thuộc diện phải đăng ký cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư có được hưởng ưu đãi đầu tư không?
Căn cứ tại Điều 17 Luật Đầu tư 2020 về thủ tục áp dụng ưu đãi đầu tư như sau:
Thủ tục áp dụng ưu đãi đầu tư
Căn cứ đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 15 của Luật này, văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư (nếu có), Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (nếu có), quy định khác của pháp luật có liên quan, nhà đầu tư tự xác định ưu đãi đầu tư và thực hiện thủ tục hưởng ưu đãi đầu tư tại cơ quan thuế, cơ quan tài chính, cơ quan hải quan và cơ quan khác có thẩm quyền tương ứng với từng loại ưu đãi đầu tư.
Đồng thời, căn cứ khoản 4 Điều 23 Nghị định 31/2021/NĐ-CP thủ tục áp dụng ưu đãi đầu tư như sau:
Thủ tục áp dụng ưu đãi đầu tư
1. Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Quyết định chấp thuận nhà đầu tư quy định hình thức, căn cứ, điều kiện áp dụng ưu đãi đầu tư theo quy định tại các Điều 15 và 16 của Luật Đầu tư và Điều 19 của Nghị định này.
2. Căn cứ nội dung ưu đãi đầu tư tại Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Quyết định chấp thuận nhà đầu tư, nhà đầu tư thực hiện thủ tục hưởng ưu đãi đầu tư tại cơ quan áp dụng ưu đãi đầu tư tương ứng với từng loại ưu đãi.
3. Căn cứ áp dụng ưu đãi đầu tư đối với một số doanh nghiệp, dự án đầu tư quy định tại khoản 5 Điều 19 Nghị định này gồm:
a) Đối với doanh nghiệp khoa học và công nghệ là Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ;
b) Đối với doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là Giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao;
c) Đối với dự án ứng dụng công nghệ cao là Giấy chứng nhận dự án ứng dụng công nghệ cao;
d) Đối với dự án công nghiệp hỗ trợ là Giấy xác nhận ưu đãi sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ;
đ) Đối với dự án có chuyển giao công nghệ thuộc Danh mục công nghệ khuyến khích chuyển giao là Giấy chứng nhận chuyển giao công nghệ khuyến khích chuyển giao theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
4. Đối với dự án đầu tư không thuộc trường hợp quy định tại các khoản 2 và 3 Điều này, nhà đầu tư căn cứ đối tượng hưởng ưu đãi đầu tư quy định tại Điều 19 của Nghị định này, quy định của pháp luật có liên quan để tự xác định ưu đãi đầu tư và thực hiện thủ tục hưởng ưu đãi đầu tư tại cơ quan áp dụng ưu đãi đầu tư tương ứng với từng loại ưu đãi.
Như vậy, dự án đầu tư không thuộc trường hợp cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư vẫn có thể được hưởng ưu đãi đầu tư.
Theo đó, nhà đầu tư căn cứ đối tượng hưởng ưu đãi đầu tư quy định tại Điều 19 Nghị định 31/2021/NĐ-CP và quy định của pháp luật có liên quan để tự xác định ưu đãi đầu tư và thực hiện thủ tục hưởng ưu đãi đầu tư tại cơ quan áp dụng ưu đãi đầu tư tương ứng với từng loại ưu đãi.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.