Đơn đặt hàng (Purchase Order - PO) có được xem là hợp đồng mua bán hàng hóa để làm thủ tục hải quan?
Đơn đặt hàng (Purchase Order - PO) là gì?
Trong hoạt động xuất nhập khẩu, PO là một thuật ngữ quen thuộc khi nhắc đến các giao dịch mua bán hàng hóa, dịch vụ. Tuy nhiên, hiện tại Luật Hải quan 2014 cũng như một số văn bản liên quan vẫn chưa có quy định nào giải thích về thuật ngữ này.
Trên thực tế thì Purchase Order (viết tắt là PO) hay còn được hiểu là đơn đặt hàng là một tài liệu thương mại được gửi từ người mua đến nhà cung cấp nhằm ủy quyền mua hàng.
PO thường chứa thông tin về số lượng hàng hóa, giá trị, thời gian giao hàng, điều khoản thanh toán, và các điều kiện giao dịch khác.
Lưu ý: Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo
Đơn đặt hàng (Purchase Order - PO) là gì? Đơn đặt hàng (Purchase Order - PO) có được xem là hợp đồng mua bán hàng hóa để làm thủ tục hải quan?(Hình từ Internet)
Đơn đặt hàng (Purchase Order - PO) có được xem là hợp đồng mua bán hàng hóa để làm thủ tục hải quan?
Căn cứ khoản 1 Điều 2 Thông tư 39/2015/TT-BTC có giải thích: hợp đồng mua bán hàng hóa xuất nhập khẩu là thỏa thuận mua bán hàng hóa được xác lập bằng văn bản hoặc các hình thức có giá trị tương đương văn bản bao gồm: điện báo, telex, fax, thông điệp dữ liệu.
Trong đó:
- Người bán có nghĩa vụ giao hàng, chuyển quyền sở hữu hàng hóa cho người mua và nhận thanh toán; (Người bán bao gồm người bán hàng hóa, người cung cấp dịch vụ)
- Người mua có nghĩa vụ thanh toán cho người bán, nhận hàng và quyền sở hữu hàng hóa theo thỏa thuận;
- Hàng hóa được chuyển từ người bán sang người mua, qua cửa khẩu, biên giới Việt Nam hoặc từ khu phi thuế quan vào thị trường nội địa hoặc từ thị trường nội địa vào khu phi thuế quan.
Đồng thời, theo Mục 1 Công văn 1193/TCHQ-GSQL năm 2014 có nêu:
1. Căn cứ điểm c, khoản 2 Điều 7 Nghị định số 154/2005/NĐ-CP ngày 15/12/2005 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan thì hồ sơ hải quan gồm có: "Hợp đồng mua bán hàng hóa hoặc giấy tờ có giá trị pháp lý tương đương hợp đồng (bản sao); hóa đơn thương mại (bản chính); vận tải đơn (bản copy chính);"
Căn cứ khoản 1 Điều 2 Thông tư số 205/2010/TT-BTC ngày 15/12/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn Nghị định số 40/2007/NĐ-CP ngày 16/3/2007 của Chính phủ quy định về việc xác định trị giá hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thì: "Hợp đồng mua bán hàng hóa: là thỏa thuận mua bán hàng hóa được xác lập bằng văn bản hoặc các hình thức có giá trị tương đương văn bản bao gồm điện báo, telex, fax, thông điệp dữ liệu."
Do vậy, trường hợp doanh nghiệp nộp PO cho cơ quan hải quan thể hiện được các điều khoản của một bản hợp đồng mua bán hàng hóa (tên của bên bán, bên mua; tên hàng; số lượng; đơn giá; thời gian, điều kiện giao hàng được quy định theo Incoterms; điều kiện thanh toán…), đủ làm cơ sở cho cơ quan hải quan xác định được chính sách quản lý hàng hóa xuất nhập khẩu, chính sách thuế của hàng hóa thì cơ quan hải quan chấp nhận như một chứng từ tương đương hợp đồng để làm thủ tục hải quan.
Đối chiếu với quy định trên thì đơn đặt hàng (Purchase Order - PO) vẫn được xem là hợp đồng mua bán hàng hóa để làm thủ tục hải quan nếu trên đơn đặt hàng - PO thể hiện được các điều khoản của một bản hợp đồng mua bán hàng hóa (tên của bên bán, bên mua; tên hàng; số lượng; đơn giá; thời gian, điều kiện giao hàng được quy định theo Incoterms; điều kiện thanh toán…), đủ làm cơ sở cho cơ quan hải quan xác định được chính sách quản lý hàng hóa xuất nhập khẩu, chính sách thuế của hàng hóa.
Hàng hóa nhập khẩu không có hợp đồng mua bán hàng hóa thì xác định trị giá hải quan như thế nào?
Trị giá hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu không có hợp đồng mua bán hàng hóa được quy định tại Điều 17 Thông tư 39/2015/TT-BTC (được sửa đổi bởi khoản 9 Điều 1 Thông tư 60/2019/TT-BTC) như sau:
Trị giá hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu trong một số trường hợp đặc biệt
...
4. Đối với hàng hóa nhập khẩu là hàng hóa đưa ra nước ngoài sửa chữa, khi nhập khẩu về Việt Nam thuộc đối tượng chịu thuế thì trị giá hải quan là chi phí thực trả để sửa chữa hàng hóa nhập khẩu phù hợp với các chứng từ liên quan đến việc sửa chữa hàng hóa.
5. Hàng hóa nhập khẩu không có hợp đồng mua bán hàng hóa và hóa đơn thương mại; hàng hóa nhập khẩu được vận chuyển đến Việt Nam bằng dịch vụ bưu chính, chuyển phát nhanh, không có hợp đồng mua bán và hóa đơn thương mại, trị giá hải quan là trị giá khai báo. Trường hợp cơ quan hải quan có căn cứ xác định trị giá khai báo không phù hợp thì xác định trị giá hải quan theo phương pháp xác định trị giá quy định tại Thông tư này, phù hợp với thực tế hàng hóa nhập khẩu.
6. Hàng hóa nhập khẩu thừa so với hợp đồng mua bán hàng hóa hoặc hóa đơn thương mại:
a) Hàng hóa nhập khẩu thừa là hàng hóa giống hệt hoặc tương tự với hàng hóa nhập khẩu ghi trên hợp đồng mua bán hoặc hóa đơn thương mại: Trị giá hải quan của hàng nhập khẩu thừa theo phương pháp xác định trị giá hải quan của số hàng hóa nhập khẩu ghi trên hợp đồng mua bán hàng hóa;
...
Như vậy, theo quy định, đối với hàng hóa nhập khẩu không có hợp đồng mua bán hàng hóa và hóa đơn thương mại thì trị giá hải quan là trị giá khai báo.
Trường hợp cơ quan hải quan có căn cứ xác định trị giá khai báo không phù hợp thì xác định trị giá hải quan theo phương pháp xác định trị giá quy định tại Thông tư 39/2015/TT-BTC, phù hợp với thực tế hàng hóa nhập khẩu.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mẫu Nghị quyết chuyên đề xây dựng chi bộ 4 tốt? Nghị quyết chuyên đề xây dựng chi bộ 4 tốt là gì?
- Mẫu báo cáo đề nghị thi hành kỷ luật Đảng viên mới nhất năm 2024? Thời hiệu kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên thế nào?
- Lời dẫn chương trình hội nghị tổng kết cuối năm 2024 của chi bộ? Lời dẫn chương trình tổng kết chi bộ cuối năm 2024 ra sao?
- Mẫu nhận xét đảng viên dự bị của người giúp đỡ mới nhất? Hướng dẫn cách viết nhận xét đảng viên dự bị của người giúp đỡ?
- Mẫu biên bản sinh hoạt chi bộ cuối năm mới nhất? Tải mẫu biên bản sinh hoạt chi bộ cuối năm ở đâu?