Đòi nợ như thế nào cho hợp pháp? Người vay tiền không còn khả năng chi trả thì người thân có phải trả nợ thay không?

Cho tôi hỏi cho người quen vay tiền mà họ không trả thì đòi nợ như thế nào để không vi phạm pháp luât? Người vay tiền không còn khả năng chi trả thì người thân có phải trả nợ thay họ hay không? Mẫu đơn khởi kiện người vay tiền không trả gửi Tòa án như thế nào? Câu hỏi của anh N.M.T (Long An).

Đòi nợ như thế nào cho hợp pháp? Người vay tiền không còn khả năng chi trả thì người thân có phải trả nợ thay hay không?

Cho vay tiền là một giao dịch dân sự phổ biến, theo đó, bên cho vay giao tiền cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay số tiền đã vay và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.

Tuy nhiên không phải người vay tiền nào cũng trả tiền đúng hạn theo thỏa thuận, trường hợp này có thể do không đủ khả năng chi trả hoặc người vay cố tình không trả buộc người cho vay phải tìm nhiều cách khác nhau nhằm thu hồi nợ, trong đó có cả những cách bị pháp luật nghiêm cấm như dùng vũ lực đe dọa người vay tiền, tạt sơn vào nhà, nhắn tin khủng bố hay thuê bên thứ 3 để đòi nợ.

Thực tế cho thấy, ranh giới giữa đòi nợ hợp pháp và không hợp pháp là rất mong manh, nhiều vụ án hình sự liên quan đến đòi nợ không thành đã xảy ra một phần nguyên nhân xuất phát việc hiểu biết pháp luật chưa đầy đủ và chưa biết cách đòi nợ sao cho hợp tình, hợp lý.

Nếu việc cho vay tiền là hợp pháp, bên cho vay có quyền yêu cầu bên vay trả đầy đủ khoản nợ gốc và lãi còn thiếu.

Bước đầu các bên có thể tiếp tục thỏa thuận trên tinh thần thiện chí, tự nguyện để tìm ra hướng giải quyết cho vấn đề, người cho vay có thể tham khảo các hướng giải quyết sau:

- Liên lạc trực tiếp: Gặp gỡ trực tiếp người vay tiền để trao đổi về khoản vay và tìm kiếm giải pháp thanh toán.

- Gửi thông báo nhắc nhở: Gửi thông báo bằng văn bản (email, tin nhắn, thư) nhắc nhở người vay tiền về khoản vay và thời hạn thanh toán.

- Thương lượng phương án thanh toán: Trao đổi với người vay tiền để thống nhất phương án thanh toán phù hợp cho cả hai bên (thời hạn trả nợ, số tiền trả mỗi lần, ...).

Trường hợp bên vay tiền cố ý không trả nợ, không hợp tác thương lượng về khoản vay hay có những dấu hiệu bất thường như trốn tránh, rời khỏi nơi cư trú,... thì người cho vay có thể nhờ sự can thiệp của cơ quan công an để bảo vệ quyền lợi của mình.

Ngoài ra, bên cho vay có quyền khởi kiện bên vay ra tòa án theo thủ tục tố tụng dân sự.

Theo Điều 190 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, người cho vay tiền có thể khởi kiện bằng cách gửi đơn khởi kiện kèm theo tài liệu, chứng cứ về việc cho vay tiền đến Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án bằng các phương thức sau đây:

- Nộp trực tiếp tại Tòa án

- Gửi đến Tòa án theo đường dịch vụ bưu chính;

- Gửi trực tuyến bằng hình thức điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).

+ Người khởi kiện phải truy cập vào Cổng thông tin điện tử của Tòa án điền đầy đủ nội dung đơn khởi kiện, ký điện tử và gửi đến Tòa án.

+ Tài liệu, chứng cứ gửi kèm theo đơn khởi kiện phải được gửi đến Tòa án qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án.

* Lưu ý:

- Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 35 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 và khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, người cho vay tiền có thể gửi đơn khởi kiện đến Tòa án nhân dân cấp huyện nơi người vay cư trú hoặc làm việc (nơi tạm trú hoặc thường trú).

- Một số tài liệu, giấy tờ người cho vay cần phải chuẩn bị cho việc khởi kiện bên cạnh đơn khởi kiện:

+ Hợp đồng vay tiền, giấy tờ xác nhận việc cho vay theo quy định của pháp luật, tin nhắn, email xác nhận việc cho vay,...

+ Giấy tờ tùy thân như chứng minh nhân dân, hộ chiếu, căn cước công dân, sổ hộ khẩu… của người khởi kiện, người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan… (Bản sao công chứng)

- Các tài liệu, chứng cứ khác,...

Người cho vay tiền cần cần hết sức kiềm chế, lựa chọn các biện pháp hợp lý và hợp pháp để đòi nợ, tránh bị rơi vào tình huống đi đòi nợ trái pháp luật, có thể kể đến một số hành vi trái pháp luật khi thực hiện đòi nợ thường thấy như:

- Hành hung, đánh đập người vay tiền, hành vi đánh đập người vay tiền có thể bị xử lý với tội danh cố ý gây thương tích được quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi bởi khoản 22 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017).

Trường hợp xông vào nhà người vay tiền để đòi nợ có thể bị coi là tội phạm xâm phạm chỗ ở của người khác theo quy định tại Điều 158 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi bởi khoản 31 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017).

- Tạt sơn vào nhà người vay tiền, hành vi này có thể có thể bị xử lý hình sự với tội gây rối trật tự công cộng theo quy định tại Điều 318 Bộ luật Hình sự 2015. Nếu hành vi tạt sơn chưa đến mức xử lý hình sự, người có hành vi tạt sơn có thể bị phạt hành chính và thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả kèm theo.

- Đăng thông tin, hình ảnh người vay tiền lên mạng xã hội để làm nhục, xúc phạm. Pháp luật dân sự có quy định cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình.

+ Hành vi đưa ảnh, thông tin của người vay tiền lên mạng xã hội mà không được sự đồng ý của người đó sẽ bị xử lý hành chính và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác theo quy định tại Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi bởi điểm e Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017).

Như đã phân tích, việc cho vay tiền là giao dịch dân sự, là sự thỏa thuận giữa bên vay và bên cho vay, người thân của bên vay tiền không có nghĩa vụ phải trả nợ thay khi người vay không trả nợ trừ trường hợp hợp người thân của bên vay tiền có cam kết bảo lãnh theo quy định tại Điều 335 Bộ luật Dân sự 2015.

Theo đó, bảo lãnh là việc người thứ ba (sau đây gọi là bên bảo lãnh) cam kết với bên có quyền (sau đây gọi là bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (sau đây gọi là bên được bảo lãnh), nếu khi đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.

Khi đó, người thân của người vay tiền có nghĩa vụ phải trả nợ thay trong trường hợp người vay tiền không trả nợ hay không còn khả năng chi trả.

Đòi nợ như thế nào cho hợp pháp? Người vay tiền không còn khả năng chi trả thì người thân có phải trả nợ thay không?

Đòi nợ như thế nào cho hợp pháp? (Hình từ Internet)

Những tin nhắn vay tiền, tin nhắn đòi nợ có làm cắn cứ khởi kiện người vay tiền được không?

Theo Điều 94 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 quy định về nguồn chứng cứ như sau:

Nguồn chứng cứ
Chứng cứ được thu thập từ các nguồn sau đây:
1. Tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được, dữ liệu điện tử.
...

Đồng thời theo quy định tại khoản 3 Điều 95 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 như sau:

Xác định chứng cứ
...
3. Thông điệp dữ liệu điện tử được thể hiện dưới hình thức trao đổi dữ liệu điện tử, chứng từ điện tử, thư điện tử, điện tín, điện báo, fax và các hình thức tương tự khác theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.
...

Như vậy, những tin nhắn vay tiền, tin nhắn đòi nợ có thể hiện xác nhận số nợ và cam kết thời gian trả của người vay nợ có thể được dùng làm chứng cứ để làm căn cứ khởi kiện.

Mẫu đơn khởi kiện người vay tiền không trả gửi Tòa án như thế nào?

Đơn khởi kiện người vay tiền không trả có thể được áp dụng theo Mẫu số 23-DS ban hành kèm theo Nghị quyết 01/ 2017/NQ-HĐTP như sau:

TẢI VỀ Mẫu đơn khởi kiện

đơn khởi kiện

Đòi nợ
Căn cứ pháp lý
MỚI NHẤT
Thư viện nhà đất
Thời hiệu khởi kiện đòi nợ là bao lâu? Các con có được quyền đòi nợ thay cha mẹ đã mất không?
Pháp luật
Làm gì khi bị nhắn tin, gọi điện đòi nợ dù không vay tiền? Mẫu đơn trình báo công an về việc bị gọi điện đòi nợ vô căn cứ như thế nào?
Pháp luật
Có thể dùng mẫu tin nhắn đòi nợ làm căn cứ để khởi kiện người vay nợ hay không? Tòa án có tiến hành hòa giải giữa người vay nợ và người cho vay?
Pháp luật
Đòi nợ như thế nào cho hợp pháp? Người vay tiền không còn khả năng chi trả thì người thân có phải trả nợ thay không?
Pháp luật
Bắt giữ người để đòi nợ có vi phạm pháp luật hay không? Những trường hợp bắt giữ người đúng quy định?
Pháp luật
Hành vi tạt sơn đòi nợ vào nhà người khác có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? Phạt hành chính đối với hành vi tạt sơn đòi nợ thế nào?
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Đòi nợ
41,109 lượt xem
TÌM KIẾM LIÊN QUAN
Đòi nợ

TÌM KIẾM VĂN BẢN
Xem toàn bộ văn bản về Đòi nợ

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào