Doanh nghiệp thực hiện thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp nhưng không được Sở Kế hoạch và Đầu tư chấp nhận nếu có thiệt hại ai có trách nhiệm bồi thường?
Doanh nghiệp có những quyền và nghĩa vụ nào?
Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp được quy định tại Điều 7 và Điều 8 Luật Doanh nghiệp 2020 bao gồm:
* Quyền của doanh nghiệp
- Tự do kinh doanh ngành, nghề mà luật không cấm.
- Tự chủ kinh doanh và lựa chọn hình thức tổ chức kinh doanh; chủ động lựa chọn ngành, nghề, địa bàn, hình thức kinh doanh; chủ động điều chỉnh quy mô và ngành, nghề kinh doanh.
- Lựa chọn hình thức, phương thức huy động, phân bổ và sử dụng vốn.
- Tự do tìm kiếm thị trường, khách hàng và ký kết hợp đồng.
- Kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu.
- Tuyển dụng, thuê và sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về lao động.
- Chủ động ứng dụng khoa học và công nghệ để nâng cao hiệu quả kinh doanh và khả năng cạnh tranh; được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ.
- Chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản của doanh nghiệp.
- Từ chối yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân về cung cấp nguồn lực không theo quy định của pháp luật.
- Khiếu nại, tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật.
- Quyền khác theo quy định của pháp luật.
* Nghĩa vụ của doanh nghiệp
- Đáp ứng đủ điều kiện đầu tư kinh doanh khi kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật và bảo đảm duy trì đủ điều kiện đó trong suốt quá trình hoạt động kinh doanh.
- Thực hiện đầy đủ, kịp thời nghĩa vụ về đăng ký doanh nghiệp, đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, công khai thông tin về thành lập và hoạt động của doanh nghiệp, báo cáo và nghĩa vụ khác theo quy định của Luật này.
- Chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác của thông tin kê khai trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và các báo cáo; trường hợp phát hiện thông tin đã kê khai hoặc báo cáo thiếu chính xác, chưa đầy đủ thì phải kịp thời sửa đổi, bổ sung các thông tin đó.
- Tổ chức công tác kế toán, nộp thuế và thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật.
- Bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động theo quy định của pháp luật; không phân biệt đối xử, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người lao động trong doanh nghiệp; không ngược đãi lao động, cưỡng bức lao động hoặc sử dụng lao động chưa thành niên trái pháp luật; hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động tham gia đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng nghề; thực hiện các chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế và bảo hiểm khác cho người lao động theo quy định của pháp luật.
- Nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Doanh nghiệp thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp
Doanh nghiệp thay đổi địa chỉ trụ sở chính có cần thực hiện thủ tục nào không?
Theo Điều 47 Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định về việc đăng ký thay đổi địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp như sau:
- Trước khi đăng ký thay đổi địa chỉ trụ sở chính sang quận, huyện, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác nơi đặt trụ sở chính dẫn đến thay đổi cơ quan thuế quản lý, doanh nghiệp phải thực hiện các thủ tục với Cơ quan thuế liên quan đến việc chuyển địa điểm theo quy định của pháp luật về thuế.
- Trường hợp chuyển địa chỉ trụ sở chính, doanh nghiệp gửi hồ sơ đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi đặt trụ sở mới. Hồ sơ bao gồm các giấy tờ sau đây:
+ Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp do người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp ký;
+ Nghị quyết, quyết định của chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên; nghị quyết, quyết định và bản sao biên bản họp của Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty hợp danh, của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần về việc chuyển địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp.
- Sau khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, Phòng Đăng ký kinh doanh trao Giấy biên nhận, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho doanh nghiệp theo quy định.
- Khi thay đổi địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp, quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp không thay đổi.
Căn cứ quy định trên, ta thấy trường hợp doanh nghiệp có thay đổi về địa chỉ trụ sợ chính của doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp đến Phòng đăng ký kinh doanh nơi đặt trụ sở mới.
Tuy nhiên khi thực hiện thủ tục đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, doanh nghiệp cần lưu ý đến những trường hợp không được đăng ký, thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp quy định tại Điều 65 Nghị định 01/2021/NĐ-CP như sau:
- Doanh nghiệp không được đăng ký, thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp trong các trường hợp sau:
+ Đã bị Phòng Đăng ký kinh doanh ra Thông báo về việc vi phạm của doanh nghiệp thuộc trường hợp thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc đã bị ra Quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;
+ Đang trong quá trình giải thể theo quyết định giải thể của doanh nghiệp;
+ Theo yêu cầu của Tòa án hoặc Cơ quan thi hành án hoặc Cơ quan điều tra, Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Điều tra viên quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự;
+ Doanh nghiệp đang trong tình trạng pháp lý “Không còn hoạt động kinh doanh tại địa chỉ đã đăng ký”.
- Doanh nghiệp được tiếp tục đăng ký, thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp trong các trường hợp sau:
+ Đã có biện pháp khắc phục những vi phạm theo yêu cầu trong Thông báo về việc vi phạm của doanh nghiệp thuộc trường hợp thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và được Phòng Đăng ký kinh doanh chấp nhận;
+ Phải đăng ký thay đổi một số nội dung đăng ký doanh nghiệp để phục vụ quá trình giải thể và hoàn tất bộ hồ sơ giải thể theo quy định. Trong trường hợp này, hồ sơ đăng ký thay đổi phải kèm theo văn bản giải trình của doanh nghiệp về lý do đăng ký thay đổi;
+ Có ý kiến chấp thuận bằng văn bản của các tổ chức, cá nhân gửi yêu cầu quy định tại điểm c khoản 1 Điều này về việc cho phép tiếp tục đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp;
+ Doanh nghiệp đã được chuyển tình trạng pháp lý từ “Không còn hoạt động kinh doanh tại địa chỉ đã đăng ký” sang “Đang hoạt động”.
Theo đó, trường hợp doanh nghiệp thay đổi địa chỉ trụ sở chính cần thực hiện thủ tục thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp tới cơ quan đăng ký kinh doanh có thẩm quyền. Theo đó, doanh nghiệp cần lưu ý về những trường hợp doanh nghiệp không được tiến hành thủ tục này theo quy định.
Doanh nghiệp không được giải quyết thủ tục thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp dẫn đến thiệt hại thì ai bồi thường?
Doanh nghiệp có thay đổi về địa chỉ trụ sở chính phải thực hiện thủ tục thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp đến Phòng đăng ký kinh doanh nơi đặt trụ sở mới.
Theo đó, tại Điều 15 Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định về quyền và trách nhiệm của Phòng Đăng ký kinh doanh như sau:
Điều 15. Nhiệm vụ, quyền hạn của Phòng Đăng ký kinh doanh
- Phòng đăng ký kinh doanh trực tiếp nhận hồ sơ đăng ký doanh nghiệp; chịu trách nhiệm về tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký doanh nghiệp; cấp hoặc từ chối cấp đăng ký doanh nghiệp.
- Hướng dẫn doanh nghiệp và người thành lập doanh nghiệp về hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký doanh nghiệp; hướng dẫn Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện về hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký hộ kinh doanh.
- Phối hợp xây dựng, quản lý, vận hành Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp; thực hiện việc chuẩn hóa dữ liệu, cập nhật dữ liệu đăng ký doanh nghiệp tại địa phương vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
- Cung cấp thông tin về đăng ký doanh nghiệp lưu giữ tại Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp trong phạm vi địa phương quản lý cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Cơ quan quản lý thuế tại địa phương và theo yêu cầu của Cơ quan phòng, chống rửa tiền thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các cơ quan có liên quan và các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.
- Yêu cầu doanh nghiệp báo cáo về việc tuân thủ các quy định của Luật Doanh nghiệp theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 216 Luật Doanh nghiệp.
- Trực tiếp hoặc đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, giám sát doanh nghiệp theo nội dung trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp.
- Kiểm tra, giám sát Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn về đăng ký hộ kinh doanh.
- Yêu cầu doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, ngành nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định tại khoản 1 Điều 67 Nghị định này.
- Thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện theo quy định pháp luật.
- Đăng ký kinh doanh cho tổ chức, cá nhân khác theo quy định của pháp luật.
Phòng Đăng ký kinh doanh thực hiện trách nhiệm theo quy định pháp luật, trong đó bao gồm trách nhiệm cấp hoặc từ chối cấp đăng ký doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong trường hợp doanh nghiệp đã thực hiện đầy đủ hồ sơ theo trình tự, thủ tục đúng theo quy định pháp luật mà Phòng Đăng ký kinh doanh không giải quyết thì để đảm bảo quyền lợi của mình, doanh nghiệp có thể thực hiện quyền khiếu nại của doanh nghiệp được quy định tại khoản 10 Điều 7 Luật Doanh nghiệp 2020.
Trường hợp doanh nghiệp bị thiệt hại do không được giải quyết việc thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp cụ thể là thay đổi địa chỉ trụ sở chính mà chứng minh được doanh nghiệp đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ, chuẩn bị hồ sơ hợp lệ và đăng ký thay đổi theo trình tự, thủ tục pháp luật quy định nhưng thiệt hại do Phòng Đăng ký kinh doanh gây ra do không giải quyết yêu cầu của doanh nghiệp thì Phòng Đăng ký kinh doanh có trách nhiệm bồi thường cho doanh nghiệp.
Cụ thể theo khoản 1 Điều 7 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017 quy định về căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước như sau:
"Điều 7. Căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước
1. Nhà nước có trách nhiệm bồi thường khi có đủ các căn cứ sau đây:
a) Có một trong các căn cứ xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây thiệt hại và yêu cầu bồi thường tương ứng quy định tại khoản 2 Điều này;
b) Có thiệt hại thực tế của người bị thiệt hại thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước theo quy định của Luật này;
c) Có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại thực tế và hành vi gây thiệt hại."
Như vậy, doanh nghiệp thay đổi địa chỉ trụ sở chính phải thực hiện đăng ký thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh với Phòng Đăng ký kinh doanh nơi đặt trụ sở mới. Trường hợp doanh nghiệp đã thực hiện hồ sơ, trình tự và thủ tục theo đúng quy định của pháp luật nhưng không được giải quyết việc đăng ký thay đổi dẫn đến doanh nghiệp bị thiệt hại thì cơ quan đăng kinh doanh có thẩm quyền phải chịu trách nhiệm bồi thường cho doanh nghiệp nếu có căn cứ chứng minh theo khoản 1 Điều 7 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Sửa đổi, bổ sung, gia hạn, cấp lại Giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1 trên mạng từ 25/12/2024 ra sao?
- Tải mẫu quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm trong tố tụng hình sự mới nhất? Hướng dẫn viết mẫu?
- Ngày 4 1 là ngày gì? 4 tháng 1 năm 2025 là ngày mấy âm lịch? Ngày 4 tháng 1 năm 2025 là thứ mấy?
- Mẫu Quyết định phê duyệt E HSMT, hồ sơ mời thầu (webform trên Hệ thống) tại Phụ lục 1C theo Thông tư 22/2024 thay thế Thông tư 06/2024?
- Mẫu dấu thẩm tra phê duyệt thiết kế xây dựng theo Nghị định 15? Nội dung quyết định phê duyệt thiết kế xây dựng?