Doanh nghiệp tăng, giảm vốn điều lệ trong trường hợp nào? Doanh nghiệp kê khai khống vốn điều lệ có bị phạt?
Vốn điều lệ có được ghi trong nội dung giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp không?
Theo Điều 23 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định như sau:
Nội dung giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp
Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây:
1. Tên doanh nghiệp;
2. Địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp, số điện thoại; số fax, thư điện tử (nếu có);
3. Ngành, nghề kinh doanh;
4. Vốn điều lệ; vốn đầu tư của chủ doanh nghiệp tư nhân;
5. Các loại cổ phần, mệnh giá mỗi loại cổ phần và tổng số cổ phần được quyền chào bán của từng loại cổ phần đối với công ty cổ phần;
6. Thông tin đăng ký thuế;
7. Số lượng lao động dự kiến;
8. Họ, tên, chữ ký, địa chỉ liên lạc, quốc tịch, thông tin giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với chủ doanh nghiệp tư nhân và thành viên hợp danh của công ty hợp danh;
9. Họ, tên, chữ ký, địa chỉ liên lạc, quốc tịch, thông tin giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo pháp luật của công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần.
Như vậy, vốn điều lệ được quy định trong nội dung giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp
Vốn điều lệ là gì? Doanh nghiệp tăng, giảm vốn điều lệ trong trường hợp nào? (hình từ internet)
Doanh nghiệp tăng, giảm vốn điều lệ trong trường hợp nào?
Trường hợp tăng giảm vốn điều lệ trong công ty TNHH hai thành viên trở lên
Theo khoản 1 Điều 47 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định: Vốn điều lệ của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên khi đăng ký thành lập doanh nghiệp là tổng giá trị phần vốn góp của các thành viên cam kết góp và ghi trong Điều lệ công ty.
Theo Điều 68 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định như sau:
- Công ty TNHH hai thành viên trở lên có thể tăng vốn điều lệ trong trường hợp sau đây:
+ Tăng vốn góp của thành viên;
+ Tiếp nhận thêm vốn góp của thành viên mới.
- Công ty TNHH hai thành viên trở lên có thể giảm vốn điều lệ trong trường hợp sau đây:
+ Hoàn trả một phần vốn góp cho thành viên theo tỷ lệ phần vốn góp của họ trong vốn điều lệ của công ty nếu đã hoạt động kinh doanh liên tục từ 02 năm trở lên kể từ ngày đăng ký thành lập doanh nghiệp và bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác sau khi đã hoàn trả cho thành viên;
+ Công ty mua lại phần vốn góp của thành viên theo quy định tại Điều 51 của Luật này;
+ Vốn điều lệ không được các thành viên thanh toán đầy đủ và đúng hạn theo quy định tại Điều 47 Luật Doanh nghiệp 2020
Trường hợp tăng, giảm vốn điều lệ của công ty TNHH một thành viên
Theo khoản 1 Điều 75 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định như sau: Vốn điều lệ của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên khi đăng ký thành lập doanh nghiệp là tổng giá trị tài sản do chủ sở hữu công ty cam kết góp và ghi trong Điều lệ công ty.
Theo Điều 87 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định như sau:
- Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên tăng vốn điều lệ thông qua việc chủ sở hữu công ty góp thêm vốn hoặc huy động thêm vốn góp của người khác. Chủ sở hữu công ty quyết định hình thức tăng và mức tăng vốn điều lệ.
- Trường hợp tăng vốn điều lệ bằng việc huy động thêm phần vốn góp của người khác, công ty phải tổ chức quản lý theo loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên hoặc công ty cổ phần. Việc tổ chức quản lý công ty được thực hiện như sau:
+ Trường hợp tổ chức quản lý theo loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên thì công ty phải thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày hoàn thành việc thay đổi vốn điều lệ;
+ Trường hợp chuyển đổi thành công ty cổ phần thì công ty thực hiện theo quy định tại Điều 202 Luật Doanh nghiệp 2020
- Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên giảm vốn điều lệ trong trường hợp sau đây:
+ Hoàn trả một phần vốn góp cho chủ sở hữu công ty nếu công ty đã hoạt động kinh doanh liên tục từ 02 năm trở lên kể từ ngày đăng ký thành lập doanh nghiệp và bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác sau khi đã hoàn trả phần vốn góp cho chủ sở hữu công ty;
+ Vốn điều lệ không được chủ sở hữu công ty thanh toán đầy đủ và đúng hạn theo quy định tại Điều 75 Luật Doanh nghiệp 2020
Trường hợp tăng, giảm vốn điều lệ của công ty cổ phần
Theo Điều 112 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định như sau: Vốn điều lệ của công ty cổ phần là tổng mệnh giá cổ phần các loại đã bán. Vốn điều lệ của công ty cổ phần khi đăng ký thành lập doanh nghiệp là tổng mệnh giá cổ phần các loại đã được đăng ký mua và được ghi trong Điều lệ công ty.
- Công ty có thể giảm vốn điều lệ trong trường hợp sau đây:
+ Theo quyết định của Đại hội đồng cổ đông, công ty hoàn trả một phần vốn góp cho cổ đông theo tỷ lệ sở hữu cổ phần của họ trong công ty nếu công ty đã hoạt động kinh doanh liên tục từ 02 năm trở lên kể từ ngày đăng ký thành lập doanh nghiệp và bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác sau khi đã hoàn trả cho cổ đông;
+ Công ty mua lại cổ phần đã bán theo quy định tại Điều 132 Luật Doanh nghiệp 2020 và Điều 133 Luật Doanh nghiệp 2020
+ Vốn điều lệ không được các cổ đông thanh toán đầy đủ và đúng hạn theo quy định tại Điều 113 Luật Doanh nghiệp 2020
Theo Điều 123 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định như sau:
Công ty có thể tăng vốn điều lệ thông qua việc chào bán cổ phần. Chào bán cổ phần là việc công ty tăng thêm số lượng cổ phần, loại cổ phần được quyền chào bán để tăng vốn điều lệ.
- Chào bán cổ phần có thể thực hiện theo các hình thức sau đây:
+ Chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu;
+ Chào bán cổ phần riêng lẻ;
+ Chào bán cổ phần ra công chúng.
- Chào bán cổ phần ra công chúng, chào bán cổ phần của công ty đại chúng và tổ chức khác thực hiện theo quy định của pháp luật về chứng khoán.
- Công ty thực hiện đăng ký thay đổi vốn điều lệ trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày hoàn thành đợt bán cổ phần.
Trường hợp tăng, giảm vốn điều lệ của công ty hợp danh
Theo khoản 34 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định như sau: vốn điều lệ công ty hợp danh là tổng giá trị tài sản do các thành viên công ty, chủ sở hữu công ty đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty hợp danh.
Luật doanh nghiệp 2020 không quy định cụ thể các trường hợp tăng, giảm vốn điều lệ của công ty hợp danh. Tuy nhiên, theo quy định của Luật doanh nghiệp có thể hiểu công ty hợp danh tăng, giảm vốn điều lệ trong trường hợp sau:
- Công ty hợp danh có thể tăng vốn điều lệ thông qua việc có thể tiếp nhận thêm thành viên hợp danh hoặc thành viên góp vốn (việc tiếp nhận thành viên mới của công ty phải được Hội đồng thành viên chấp thuận).
- Công ty hợp danh có thể giảm vốn điều lệ thông qua việc khai trừ thành viên góp vốn khỏi công ty và chấm dứt tư cách thành viên hợp danh.
Doanh nghiệp kê khai khống vốn điều lệ có bị phạt?
Theo Điều 16 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định như sau:
Các hành vi bị nghiêm cấm
...
4. Kê khai không trung thực, không chính xác nội dung hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và nội dung hồ sơ đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp.
5. Kê khai khống vốn điều lệ, không góp đủ số vốn điều lệ như đã đăng ký; cố ý định giá tài sản góp vốn không đúng giá trị.
...
Như vậy, hành vi kê khai khống vốn điều lệ đã đăng ký là hành vi bị nghiệp cấm nên có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 47 Nghị định 122/2021/NĐ-CP vi phạm về kê khai vốn điều lệ bị xử phạt như sau:
- Hành vi kê khai khống vốn điều lệ có giá trị dưới 10 tỷ đồng bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng
- Hành vi kê khai khống vốn điều lệ có giá trị từ 10 tỷ đồng đến dưới 20 tỷ đồng bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng.
- Hành vi kê khai khống vốn điều lệ có giá trị từ 20 tỷ đồng đến dưới 50 tỷ đồng bị phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng
- Hành vi kê khai khống vốn điều lệ có giá trị từ 50 tỷ đồng đến dưới 100 tỷ đồng bị phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng
- Hành vi kê khai khống vốn điều lệ có giá trị từ 100 tỷ đồng trở lên bị phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng
Ngoài ra, còn phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ bằng với số vốn thực góp đối với hành vi vi phạm trên.
Lưu ý: Mức phạt tiền trên áp dụng đối với tổ chức, mức phạt tiền đối với cá nhân bằng 1/2 (một phần hai) mức phạt tiền đối với tổ chức (Theo khoản 2 Điều 4 Nghị định 122/2021/NĐ-CP)
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mẫu Điều lệ quỹ từ thiện mới nhất? Tải mẫu? Nội dung cơ bản của điều lệ quỹ từ thiện bao gồm những gì?
- Lỗi chở quá số người quy định xe ô tô 2025? Mức phạt lỗi chở quá số người quy định? Có bị trừ điểm GPLX?
- Thống nhất về dự thảo Nghị quyết xử lý sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước tại Nghị quyết 15/NQ-CP?
- Mẫu bài phát biểu chúc Tết Nguyên đán của Hiệu trưởng hay và ý nghĩa? Tham khảo mẫu bài phát biểu?
- Lùi xe trên đường 1 chiều phạt bao nhiêu? Lỗi lùi xe trên đường 1 chiều ô tô, xe máy theo Nghị định 168?