Doanh nghiệp sử dụng Quỹ bình ổn giá không đúng quy định của pháp luật sẽ bị xử phạt bao nhiêu tiền?
Quỹ bình ổn giá được hiểu như thế nào? Doanh nghiệp được sử dụng quỹ bình ổn giá khi nào?
Căn cứ theo điểm đ khoản 1 Điều 19 Luật Giá 2023 quy định về các biện pháp bình ổn giá như sau:
Các biện pháp bình ổn giá
1. Các biện pháp bình ổn giá bao gồm:
a) Điều hòa cung cầu bao gồm: điều hòa sản xuất hàng hóa trong nước, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; điều hòa hàng hóa giữa các vùng, các địa phương trong nước thông qua việc tổ chức lưu thông hàng hóa; mua vào hoặc bán ra hàng dự trữ quốc gia, hàng dự trữ lưu thông;
b) Các biện pháp về tài chính, tiền tệ phù hợp với quy định của pháp luật;
c) Định giá cụ thể, giá tối đa, giá tối thiểu hoặc khung giá phù hợp với tính chất của từng loại hàng hóa, dịch vụ; việc định giá hàng hóa, dịch vụ được thực hiện theo các nguyên tắc, căn cứ, phương pháp quy định tại Mục 2 Chương này;
d) Áp dụng biện pháp hỗ trợ về giá phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;
đ) Sử dụng quỹ bình ổn giá trong trường hợp hàng hóa, dịch vụ đã được lập quỹ bình ổn giá.
Quỹ bình ổn giá là quỹ tài chính không nằm trong cân đối ngân sách nhà nước, được trích lập từ giá hàng hóa, dịch vụ và các nguồn tài chính hợp pháp khác và chỉ được sử dụng cho mục đích bình ổn giá. Chính phủ quyết định việc lập quỹ bình ổn giá đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá; quy định về quản lý, trích lập, chi sử dụng quỹ bình ổn giá và chịu trách nhiệm bảo đảm tính công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng quỹ.
...
Theo đó, quỹ bình ổn giá là quỹ tài chính không nằm trong cân đối ngân sách nhà nước, được trích lập từ giá hàng hóa, dịch vụ và các nguồn tài chính hợp pháp khác và chỉ được sử dụng cho mục đích bình ổn giá.
Ngoài ra, Chính phủ quyết định việc lập quỹ bình ổn giá đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá; quy định về quản lý, trích lập, chi sử dụng quỹ bình ổn giá và chịu trách nhiệm bảo đảm tính công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng quỹ.
Do đó, doanh nghiệp sẽ được sử dụng quỹ bình ổn giá trong trường hợp hàng hóa, dịch vụ đã được lập quỹ bình ổn giá.
Doanh nghiệp sử dụng Quỹ bình ổn giá không đúng quy định của pháp luật sẽ bị xử phạt bao nhiêu tiền? (Hình từ Internet)
Doanh nghiệp sử dụng Quỹ bình ổn giá không đúng quy định của pháp luật sẽ bị xử phạt bao nhiêu tiền?
Căn cứ theo khoản 5 và khoản 6 Điều 7 Nghị định 87/2024/NĐ-CP quy định về việc xử phạt hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng Quỹ bình ổn giá như sau:
Xử phạt hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng Quỹ bình ổn giá
...
5. Phạt tiền từ 120.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng Quỹ bình ổn giá không đúng quy định của pháp luật.
6. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc công khai đầy đủ thông tin về Quỹ bình ổn giá theo quy định đối với hành vi vi phạm tại điểm a, c khoản 1 Điều này;
b) Buộc báo cáo đầy đủ về Quỹ bình ổn giá theo quy định hoặc theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với các hành vi vi phạm tại điểm a khoản 2 Điều này;
c) Buộc báo cáo về Quỹ bình ổn giá theo quy định hoặc theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với các hành vi vi phạm tại điểm d khoản 2 Điều này;
d) Buộc nộp vào Quỹ bình ổn giá toàn bộ số tiền không trích lập hoặc trích lập không đầy đủ Quỹ bình ổn giá (nếu có) đối với các hành vi vi phạm tại khoản 3 và khoản 4 Điều này;
đ) Buộc nộp vào Quỹ bình ổn giá toàn bộ số tiền đã sử dụng không đúng Quỹ bình ổn giá đối với các hành vi vi phạm tại khoản 5 Điều này;
e) Buộc nộp vào ngân sách toàn bộ số lợi bất hợp pháp (nếu có) đối với số tiền Quỹ bình ổn giá khi trích lập không đầy đủ, không trích lập hoặc sử dụng không đúng mục đích theo quy định của pháp luật về Quỹ bình ổn giá tại khoản 3, khoản 4 và khoản 5 Điều này.
Lưu ý: Căn cứ theo khoản 4 Điều 3 Nghị định 87/2024/NĐ-CP quy định: Mức phạt tiền, thẩm quyền phạt tiền quy định tại Nghị định 87/2024/NĐ-CP là mức phạt áp dụng đối với cá nhân. Mức phạt tiền, thẩm quyền phạt tiền của tổ chức gấp 02 lần mức phạt tiền của cá nhân.
Như vậy, doanh nghiệp sử dụng Quỹ bình ổn giá không đúng quy định của pháp luật sẽ bị xử phạt từ 240.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng.
Ngoài ra, buộc doanh nghiệp nộp vào Quỹ bình ổn giá toàn bộ số tiền đã sử dụng không đúng Quỹ bình ổn giá đối với các hành vi vi phạm và buộc nộp vào ngân sách toàn bộ số lợi bất hợp pháp (nếu có) đối với số tiền sử dụng không đúng mục đích quỹ bình ổn giá.
Thời hiệu xử phạt doanh nghiệp sử dụng Quỹ bình ổn giá không đúng quy định của pháp luật bao lâu?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 4 Nghị định 87/2024/NĐ-CP quy định về thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính như sau:
Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính
1. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong quản lý giá được quy định tại Điều 6 Luật Xử lý vi phạm hành chính.
2. Nguyên tắc xác định hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc, hành vi vi phạm hành chính đang thực hiện để tính thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong quản lý giá áp dụng theo quy định của Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Cùng với đó căn cứ khoản 1 Điều 6 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 được sửa đổi bởi điểm a khoản 4 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020 quy định:
Thời hiệu xử lý vi phạm hành chính
1. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính được quy định như sau:
a) Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 01 năm, trừ các trường hợp sau đây:
Vi phạm hành chính về kế toán; hóa đơn; phí, lệ phí; kinh doanh bảo hiểm; quản lý giá; chứng khoán; sở hữu trí tuệ; xây dựng; thủy sản; lâm nghiệp; điều tra, quy hoạch, thăm dò, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên nước; hoạt động dầu khí và hoạt động khoáng sản khác; bảo vệ môi trường; năng lượng nguyên tử; quản lý, phát triển nhà và công sở; đất đai; đê điều; báo chí; xuất bản; sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh hàng hóa; sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả; quản lý lao động ngoài nước thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 02 năm.
Vi phạm hành chính về thuế thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về quản lý thuế;
...
Như vậy, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực quản lý giá đối với doanh nghiệp sử dụng Quỹ bình ổn giá không đúng quy định của pháp luật là 02 năm.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mẫu báo cáo thành tích công đoàn 2024 dành cho tập thể công đoàn cơ sở đối với Chuyên đề Giỏi việc nước đảm việc nhà 2024?
- Pháp điển là gì? Bộ pháp điển là gì? phapdien moj Hướng dẫn sử dụng Bộ pháp điển cụ thể thế nào?
- Mẫu tóm tắt thành tích tập thể công đoàn cơ sở đối với Chuyên đề Văn hóa thể thao 2024? Tải mẫu tóm tắt thành tích tập thể công đoàn cơ sở ở đâu?
- Thông tư 27/2024 về tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu, mẫu hồ sơ đấu thầu chọn nhà đầu tư dự án đầu tư công trình năng lượng?
- 'Phông bạt từ thiện' là gì? Sửa chữa, làm giả bill chuyển khoản nhưng không gây thiệt hại có vi phạm pháp luật?