Đồ án quy hoạch xây dựng vùng bao gồm những nội dung gì? Chi phí lập đồ án quy hoạch xây dựng vùng bao gồm những khoản nào?
Đồ án quy hoạch xây dựng vùng bao gồm những nội dung gì?
Quy hoạch xây dựng được giải thích theo khoản 30 Điều 3 Luật Xây dựng 2014 (được sửa đổi bởi điểm b khoản 18 Điều 28 Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch 2018) quy định như sau:
Quy hoạch xây dựng là việc tổ chức không gian của đô thị, nông thôn và khu chức năng; tổ chức hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; tạo lập môi trường thích hợp cho người dân sống tại các vùng lãnh thổ, bảo đảm kết hợp hài hòa giữa lợi ích quốc gia với lợi ích cộng đồng, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Quy hoạch xây dựng được thể hiện thông qua đồ án quy hoạch xây dựng gồm sơ đồ, bản vẽ, mô hình và thuyết minh.
Hiện nay, đồ án quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, quy hoạch xây dựng vùng huyện bao gồm những nội dung được quy định theo Điều 4 Thông tư 04/2022/TT-BXD (Có hiệu lực từ 01/01/2023) như sau:
Nội dung hồ sơ đồ án quy hoạch huyện
1. Thành phần bản vẽ bao gồm:
a) Sơ đồ vị trí và liên hệ vùng: Vị trí, ranh giới của vùng lập quy hoạch; các mối quan hệ về tự nhiên, kinh tế - xã hội và môi trường trong quy hoạch tỉnh có ảnh hưởng tới vùng lập quy hoạch. Thể hiện trên nền bản đồ phương án quy hoạch hệ thống đô thị, nông thôn trong quy hoạch tỉnh theo tỷ lệ thích hợp.
b) Bản đồ hiện trạng vùng: Điều kiện tự nhiên, hiện trạng phân bố dân cư và sử dụng đất vùng lập quy hoạch; hiện trạng hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật cấp quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh và cấp huyện trên địa bàn theo quy định tại Phụ lục II của Thông tư này. Bản vẽ thể hiện trên nền bản đồ địa hình tỷ lệ 1/10.000 hoặc 1/25.000.
c) Bản đồ phân vùng quản lý phát triển: Xác định các phân vùng để quản lý; bản vẽ thể hiện trên nền bản đồ địa hình tỷ lệ 1/10.000 hoặc 1/25.000.
d) Bản đồ định hướng phát triển không gian vùng: Xác định không gian phát triển đô thị, khu dân cư nông thôn; khu chức năng cấp quốc gia, cấp tỉnh và cấp huyện theo quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành; khu vực an ninh quốc phòng; khu vực phát triển trung tâm: hành chính, thương mại - dịch vụ, văn hóa, thể dục thể thao, nghiên cứu, đào tạo, y tế từ cấp huyện trở lên; vị trí trung tâm cụm xã, trung tâm xã; khu vực phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh và cơ sở kinh tế - kỹ thuật khác theo các giai đoạn quy hoạch (theo quy định tại Phụ lục II của Thông tư này). Bản vẽ thể hiện trên nền bản đồ địa hình tỷ lệ 1/10.000 hoặc 1/25.000
đ) Bản đồ định hướng hạ tầng kỹ thuật vùng: Xác định mạng lưới, vị trí, quy mô các công trình hạ tầng kỹ thuật cấp quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh và cấp huyện theo từng chuyên ngành gồm chuẩn bị kỹ thuật, giao thông (đến cấp đường liên xã), hệ thống điện, cấp nước, cung cấp năng lượng, thoát nước và xử lý nước thải, quản lý chất thải rắn, nghĩa trang và hạ tầng viễn thông thụ động. Bản vẽ thể hiện trên nền sơ đồ định hướng phát triển không gian vùng kết hợp bản đồ địa hình tỷ lệ 1/10.000 hoặc 1/25.000.
2. Thuyết minh bao gồm các nội dung:
a) Lý do và sự cần thiết lập quy hoạch huyện; các căn cứ lập quy hoạch; vị trí, quy mô, phạm vi lập quy hoạch; quan điểm và mục tiêu phát triển của vùng.
b) Phân tích, đánh giá điều kiện tự nhiên, hiện trạng kinh tế - xã hội vùng; hiện trạng phân bố đô thị và điểm dân cư nông thôn, sự biến động về dân số trong vùng lập quy hoạch; hiện trạng sử dụng và quản lý đất đai; hiện trạng hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật cấp quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh và cấp huyện; hiện trạng tài nguyên và môi trường; hiện trạng các chương trình, dự án đầu tư phát triển đối với vùng lập quy hoạch; đánh giá công tác quản lý thực hiện các quy hoạch, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Đối với quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, thuyết minh bổ sung thêm nội dung: Đánh giá việc phối hợp, liên kết phát triển giữa các huyện trong vùng; nêu hiệu quả, bất cập trong triển khai việc liên kết phát triển đối với công tác quản lý thực hiện quy hoạch làm cơ sở đề xuất các giải pháp trong đồ án quy hoạch.
c) Xác định động lực và tiềm năng phát triển của vùng; tác động của hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật cấp quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh đối với vùng lập quy hoạch.
d) Dự báo phát triển kinh tế, dân số, lao động, tỷ lệ đô thị hóa, nhu cầu sử dụng đất, bảo vệ môi trường; các rủi ro về biến động, thảm họa thiên nhiên, ...
đ) Tổ chức phân vùng và yêu cầu quản lý, phát triển theo các phân vùng.
e) Định hướng phát triển không gian: Vị trí, quy mô và phương hướng tổ chức khu vực phát triển đô thị, dân cư nông thôn; khu chức năng cấp quốc gia, cấp tỉnh và cấp huyện theo quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và quy hoạch ngành; khu vực an ninh quốc phòng; khu vực phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh và cơ sở kinh tế - kỹ thuật khác. Tổ chức phân bổ hệ thống trung tâm: Hành chính, thương mại - dịch vụ, văn hóa, thể dục thể thao, nghiên cứu, đào tạo, y tế từ cấp huyện trở lên; trung tâm cụm xã, trung tâm xã. Xác định các quy hoạch chung đô thị; quy hoạch chung xây dựng, quy hoạch phân khu xây dựng khu chức năng; quy hoạch chung xây dựng xã cần lập theo các giai đoạn phát triển.
g) Định hướng phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật vùng về chuẩn bị kỹ thuật, giao thông, hệ thống điện, cấp nước, cung cấp năng lượng, thoát nước và xử lý nước thải, quản lý chất thải, nghĩa trang và hạ tầng viễn thông thụ động.
h) Xác định danh mục các chương trình, dự án ưu tiên đầu tư về cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và bảo vệ môi trường; các dự án cần được nêu rõ quy mô đầu tư xây dựng, dự báo nhu cầu vốn và kiến nghị nguồn vốn, thời điểm thực hiện.
i) Đề xuất giải pháp thực hiện quy hoạch sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đối với vùng có phạm vi bao gồm nhiều đơn vị hành chính cấp huyện, cần kiến nghị mô hình, cơ chế quản lý và liên kết phát triển vùng liên huyện.
k) Đề xuất các giải pháp về bảo vệ môi trường trong vùng.
3. Quy định quản lý theo quy hoạch huyện: Nội dung theo quy định tại Điều 9 Nghị định số 44/2015/NĐ-CP và phải có các sơ đồ kèm theo.
4. Dự thảo Tờ trình và dự thảo Quyết định phê duyệt đồ án quy hoạch.
5. Phụ lục kèm theo thuyết minh (các giải trình, giải thích, luận cứ bổ sung cho thuyết minh; bản vẽ minh họa; các số liệu tính toán); đính kèm các văn bản pháp lý liên quan.
Trước đây, đồ án quy hoạch xây dựng vùng bao gồm những nội dung được quy định theo Điều 4 Thông tư 12/2016/TT-BXD (Hết hiệu lực từ 01/01/2023) như sau:
(1) Thành phần bản vẽ bao gồm:
+ Sơ đồ vị trí và liên hệ vùng: Vị trí, ranh giới của vùng, mối quan hệ về tự nhiên, kinh tế - xã hội và môi trường có ảnh hưởng tới vùng quy hoạch. Thể hiện trên nền bản đồ địa hình theo tỷ lệ thích hợp.
+ Các sơ đồ hiện trạng vùng: Điều kiện tự nhiên; hiện trạng phân bố dân cư và sử dụng đất; hiện trạng hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật và môi trường cấp vùng. Thể hiện trên nền bản đồ địa hình tỷ lệ 1/100.000 hoặc 1/250.000 đối với vùng liên tỉnh và tỷ lệ 1/25.000 hoặc 1/50.000 đối với các vùng khác.
+ Các sơ đồ về phân vùng và định hướng phát triển không gian vùng: Xác định các vùng phát triển, bảo tồn, hạn chế phát triển, vùng cấm phát triển; tổ chức hệ thống các đô thị, các khu vực dân cư nông thôn; phân bố, xác định quy mô các không gian phát triển công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp; các vùng nghỉ ngơi du lịch, khai thác, bảo vệ thiên nhiên, tôn tạo, các vùng di tích lịch sử văn hóa và các chức năng khác, phân bố cơ sở kinh tế - kỹ thuật cấp vùng. Thể hiện trên nền bản đồ địa hình tỷ lệ 1/100.000 hoặc 1/250.000 đối với vùng liên tỉnh và tỷ lệ 1/25.000 hoặc 1/50.000 đối với các vùng khác.
+ Các sơ đồ định hướng hạ tầng kỹ thuật cấp vùng: Giao thông, cao độ nền, thoát nước mặt, cung cấp năng lượng, viễn thông, cấp nước, quản lý chất thải và nghĩa trang. Thể hiện trên nền bản đồ địa hình tỷ lệ 1/100.000 hoặc 1/250.000 đối với vùng liên tỉnh và tỷ lệ 1/25.000 hoặc 1/50.000 đối với các vùng khác.
+ Các bản vẽ về đánh giá môi trường chiến lược. Thể hiện trên nền bản đồ địa hình theo tỷ lệ thích hợp.
(2) Thuyết minh nhiệm vụ quy hoạch xây dựng vùng:
+ Lý do và sự cần thiết lập quy hoạch xây dựng vùng; các căn cứ lập quy hoạch; quan Điểm và Mục tiêu phát triển của vùng.
+ Phân tích, đánh giá Điều kiện tự nhiên, thực trạng kinh tế - xã hội vùng; hiện trạng phân bố đô thị và nông thôn, sự biến động về dân số trong vùng lập quy hoạch; hiện trạng sử dụng và quản lý đất đai; hiện trạng hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật vùng; hiện trạng tài nguyên và môi trường vùng; hiện trạng các chương trình, dự án đầu tư phát triển đối với vùng lập quy hoạch; đánh giá công tác quản lý thực hiện các quy hoạch, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Đối với các vùng liên tỉnh, liên huyện, vùng dọc tuyến đường cao tốc, hành lang kinh tế liên tỉnh: Đánh giá việc phối hợp, liên kết phát triển giữa các tỉnh, các huyện trong vùng; nêu rõ hiệu quả, bất cập trong triển khai việc liên kết phát triển đối với công tác quản lý thực hiện quy hoạch, làm cơ sở đề xuất các giải pháp trong đồ án quy hoạch.
Các nội dung trên yêu cầu trình bày mạch lạc, ngắn gọn, đủ ý, rõ ràng và phải kèm theo các sơ đồ, bảng biểu minh họa.
+ Xác định động lực và tiềm năng phát triển của vùng.
+ Dự báo về kinh tế - xã hội, dân số, lao động, tỷ lệ đô thị hóa, sử dụng đất, môi trường; các rủi ro về biến động, thảm họa thiên nhiên, …
+ Định hướng phát triển không gian theo Mục tiêu và tính chất phát triển vùng. Nội dung cụ thể bao gồm: Phân vùng phát triển đô thị, công nghiệp, khu kinh tế, du lịch, hạ tầng xã hội, bảo tồn (cảnh quan thiên nhiên và di sản văn hóa lịch sử), nông thôn, sử dụng đất.
+ Định hướng phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật cấp vùng về giao thông, cao độ nền và thoát nước mặt, cung cấp năng lượng, viễn thông, cấp nước, quản lý chất thải và nghĩa trang.
+ Xác định danh Mục các chương trình, dự án ưu tiên đầu tư về cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và bảo vệ môi trường; các dự án cần được nêu rõ quy mô đầu tư xây dựng, dự báo nhu cầu vốn và kiến nghị nguồn vốn thực hiện.
+ Đề xuất giải pháp thực hiện quy hoạch sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đối với vùng có phạm vi bao gồm nhiều đơn vị hành chính cấp tỉnh, cần kiến nghị mô hình, cơ chế quản lý và liên kết phát triển vùng liên tỉnh.
+ Đánh giá môi trường chiến lược: Nội dung theo quy định tại mục g khoản 1 Điều 8 Nghị định 44/2015/NĐ-CP.
Thuyết minh đồ án phải có bảng biểu thống kê, phụ lục tính toán, hình ảnh minh họa và hệ thống sơ đồ, bản vẽ thu nhỏ khổ A3 với ký hiệu và ghi chú rõ ràng, được sắp xếp kèm theo nội dung cho từng phần của thuyết minh.
(3) Quy định quản lý theo quy hoạch xây dựng vùng: Nội dung theo quy định tại Điều 9 Nghị định 44/2015/NĐ-CP và phải có các sơ đồ kèm theo.
(4) Dự thảo Tờ trình và dự thảo Quyết định phê duyệt đồ án quy hoạch.
(5) Phụ lục kèm theo thuyết minh (các giải trình, giải thích, luận cứ bổ sung cho thuyết minh; bản vẽ minh họa; các số liệu tính toán). Phụ lục đính kèm các văn bản pháp lý liên quan.
Đồ án quy hoạch xây dựng vùng bao gồm những nội dung gì? (Hình từ Internet)
Thời gian đồ án quy hoạch xây dựng vùng được phê duyệt trong bao lâu?
Theo khoản 1 Điều 26 Nghị định 44/2015/NĐ-CP (được sửa đổi bởi khoản 8 Điều 2 Nghị định 72/2019/NĐ-CP) quy định như sau:
Thời gian thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng
1. Đối với quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, vùng huyện, thời gian thẩm định nhiệm vụ quy hoạch không quá 20 ngày, thời gian phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch không quá 15 ngày; thời gian thẩm định đồ án quy hoạch không quá 25 ngày, thời gian phê duyệt đồ án quy hoạch không quá 20 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định.
…
Theo đó, thời gian đồ án quy hoạch xây dựng vùng được phê duyệt không quá 20 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đồ án quy hoạch xây dựng vùng hợp lệ theo quy định của pháp luật.
Chi phí lập đồ án quy hoạch xây dựng vùng bao gồm những khoản nào?
Theo khoản 2 Điều 5 Thông tư 20/2019/TT-BXD quy định chi phí lập đồ án quy hoạch bao gồm các chi phí sau:
+ Chi phí cho những người tham gia thực hiện lập đồ án;
+ Các chi phí khác, trong đó:
- Chi phí mua tài liệu, số liệu, bản đồ, văn phòng phẩm, phần mềm quy hoạch (nếu có),
- Chi phí khấu hao thiết bị, chi phí đi lại, chi phí lưu trú, chi phí hội nghị, hội thảo và các khoản chi phí khác (nếu có).
Ngoài ra, theo khoản 3 Điều 5 Thông tư 20/2019/TT-BXD quy định chi phí lập đồ án quy hoạch xây dựng vùng được quy định nêu trên chưa bao gồm chi phí để thực hiện các công việc sau:
+ Lập nhiệm vụ quy hoạch.
+ Khảo sát xây dựng phục vụ lập đồ án quy hoạch.
+ Mua hoặc lập các bản đồ địa hình phục vụ lập đồ án quy hoạch (nếu có).
Lưu ý: Chi phí lập đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện, vùng liên huyện được xác định trên cơ sở quy mô diện tích, mật độ dân số của vùng quy hoạch và định mức chi phí tại Bảng số 1 - Phụ lục số 1 ban hành kèm theo Thông tư 20/2019/TT-BXD.
Theo đó, chi phí lập đồ án quy hoạch xây dựng vùng được xác định theo những khoản chi phí được quy định nêu trên.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mẫu trích biên bản họp chi bộ hàng tháng năm 2025 mới nhất? Nội dung trích biên bản cuộc họp chi bộ thế nào?
- Viết đoạn văn về hiện tượng sống ảo của giới trẻ ngày nay? Bài văn về hiện tượng sống ảo của giới trẻ ngày nay hay nhất?
- Bệnh Alzheimer là gì? Nguyên nhân gây ra bệnh Alzheimer? Triệu chứng lâm sàng của bệnh Alzheimer là gì?
- Trường đào tạo bồi dưỡng là gì? Trường đào tạo bồi dưỡng của cơ quan nhà nước thực hiện nhiệm vụ gì?
- Mẫu biên bản làm rõ hồ sơ dự thầu mới nhất là mẫu nào? Tải về Mẫu biên bản làm rõ hồ sơ dự thầu mới nhất ở đâu?