Điều kiện để hợp đồng mua bán ô tô có hiệu lực là gì? Đăng ký sang tên ô tô cần làm những thủ tục nào? Không sang tên có bị phạt hay không?
Điều kiện có hiệu lực của hợp đồng mua bán ô tô?
Điều kiện có hiệu lực của hợp đồng mua bán ô tô? (Hình từ Internet)
Tải về mẫu hợp đồng mua bán xe ô tô mới nhất 2023: Tại Đây
Căn cứ theo Điều 430 Bộ luật Dân sự 2015 định nghĩa hợp đồng mua bán tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên bán chuyển quyền sở hữu tài sản cho bên mua và bên mua trả tiền cho bên bán.
Căn cứ theo khoản 2 Điều 106 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:
Quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản là động sản không phải đăng ký, trừ trường hợp pháp luật về đăng ký tài sản có quy định khác.
Tài sản trong hợp đồng mua bán là xe ô tô (phương tiện giao thông cơ giới đường bộ theo quy định tại Điều 1 Thông tư 58/2020/TT-BCA là tài sản phải đăng ký quyền sở hữu.
Ngoài ra, căn cứ theo khoản 2 Điều 8 Thông tư 58/2020/TT-BCA quy định giấy tờ chuyển quyền sở hữu xe bao gồm các giấy tờ sau đây:
2. Giấy tờ chuyển quyền sở hữu xe, gồm một trong các giấy tờ sau đây:
a) Hóa đơn, chứng từ tài chính (biên lai, phiếu thu) hoặc giấy tờ mua bán, cho, tặng xe (quyết định, hợp đồng, văn bản thừa kế) theo quy định của pháp luật;
b) Giấy bán, cho, tặng xe của cá nhân có xác nhận công chứng hoặc chứng thực hoặc xác nhận của cơ quan, tổ chức, đơn vị đang công tác đối với lực lượng vũ trang và người nước ngoài làm việc trong cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế mà đăng ký xe theo địa chỉ của cơ quan, tổ chức, đơn vị công tác;
Như vậy, theo quy định của Thông tư 58/2020/TT-BCA thì hợp đồng mua bán của cá nhân bắt buộc công chứng, chứng thực.
Theo hướng dẫn của Công văn 3956/BTP-HTQTCT 2014 về việc chứng thực chữ ký trong giấy bán xe cá nhân và xe chuyên dùng quy định:
+ Đối với xe chuyên dùng: Giấy bán, cho, tặng xe được chứng thực bởi Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú của người bán, cho, tặng xe.
+ Đối với xe cá nhân: người dân lựa chọn công chứng giấy bán, cho, tặng xe tại các tổ chức hành nghề công chứng hoặc chứng thực chữ ký theo quy định của pháp luật về chứng thực. Trường hợp chứng thực chữ ký, quá trình thẩm quyền, trình tự thủ tục cấp chứng thực chữ ký trên Giấy bán, cho, tặng xe được tiến hành như xe chuyên dùng nêu trên.
Ngoài ra, căn cứ theo khoản 1 Điều 22 Nghị định 21/2021/NĐ-CP quy định hiệu lực của hợp đồng bảo đảm (bao gồm hợp đồng mua bán tài sản có bảo lưu quyền sở hữu theo khoản 5 Điều 3 Nghị định 21/2021/NĐ-CP) quy định:
Hiệu lực của hợp đồng bảo đảm
1. Hợp đồng bảo đảm được công chứng, chứng thực theo quy định của Bộ luật Dân sự, luật khác liên quan hoặc theo yêu cầu thì có hiệu lực từ thời điểm được công chứng, chứng thực.
Như vậy, hợp đồng mua bán xe ô tô chỉ có hiệu lực từ thời điểm được công chứng hoặc chứng thực bởi các các cơ quan có thẩm quyền và khi người mua đăng ký xe tại cơ quan đăng ký xe.
Đăng ký sang tên ô tô cùng tỉnh cần thủ tục gì?
Bước 1: Tiến hành khai báo và nộp giấy đăng ký xe, biển số xe
Theo điểm b khoản 3 Điều 6 và điểm a khoản 2 Điều 10 Thông tư 58/2020/TT-BCA quy định:
Trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày làm giấy từ chuyển quyền sở hữu xe (mua bán, tặng cho, thừa kế,...) cho người khác, chủ xe trực tiếp hoặc ủy quyền cho cá nhân, tổ chức dịch vụ khai báo và nộp giấy chứng nhận đăng ký, biển số xe cho cơ quan đã cấp đăng ký xe.
Cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ đăng ký xe thực hiện thu hồi đăng ký, biển số xe trên hệ thống đăng ký xe, cấp giấy chứng nhận thu hồi đăng ký xe và cấp biển số tạm thời;
Bước 2: Người mua nộp lệ phí trước bạ
Sau khi hai bên đã công chứng hợp đồng mua bán xe ô tô thì người mua đem bộ hồ sơ đến Chi cục Thuế nơi người mua cư trú để đóng lệ phí trước bạ (theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Thông tư 13/2022/TT-BTC hướng dẫn khoản 5 Điều 8 Nghị định 10/2022/NĐ-CP) bao gồm:
+ Phiếu khai phí trước bạ xe;
+ Hợp đồng mua bán xe ô tô;
+ Giấy tờ tùy thân của người mua;
+ Hồ sơ gốc của xe ô tô (Đăng ký xe, đăng kiểm xe, bảo hiểm xe,…);
Bước 3: Cá nhân mua bán xe liên hệ với cơ quan đăng ký xe nơi cư trú và nộp hồ sơ đăng ký sang tên xe máy theo quy định tại Điều 7; khoản 2, khoản 3 Điều 8 và Điều 9 Thông tư 58/2020/TT-BCA như sau:
+ Giấy khai đăng ký xe ô tô:
Căn theo Điều 7 Thông tư 58/2020/TT-BCA (được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 3 Thông tư 15/2022/TT-BCA) quy định:
- Trường hợp đến trực tiếp cơ quan đăng ký xe làm thủ tục đăng ký, cá nhân kê khai các thông tin vào Giấy khai đăng ký xe (theo mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư 58/2020/TT-BCA);
- Trường hợp thực hiện trên Cổng Dịch vụ công Bộ Công an hoặc Cổng Dịch vụ công quốc gia: Cá nhân đăng nhập Cổng Dịch vụ công kê khai các thông tin vào Giấy khai đăng ký xe điện tử (theo mẫu số 01A/58) và nhận mã số thứ tự, lịch hẹn giải quyết hồ sơ qua địa chỉ thư điện tử hoặc qua tin nhắn điện thoại để làm thủ tục đăng ký xe tại cơ quan đăng ký xe.
+ Giấy tờ chuyển quyền sở hữu xe (theo khoản 3 Điều 8 Thông tư 58/2020/TT-BCA)
+ Giấy tờ lệ phí trước bạ theo quy định: Biên lai hoặc Giấy nộp tiền vào ngân sách nhà nước hoặc giấy ủy nhiệm chi qua ngân hàng nộp lệ phí trước bạ hoặc giấy tờ nộp lệ phí trước bạ khác theo quy định của pháp luật hoặc giấy thông tin dữ liệu nộp lệ phí trước bạ được in từ hệ thống đăng ký quản lý xe (ghi đầy đủ nhãn hiệu, số loại, loại xe, số máy, số khung của xe), trừ trường hợp xe được miễn lệ phí trước bạ thì phải có tờ khai lệ phí trước bạ có xác nhận của cơ quan thuế (theo khoản 3 Điều 8 Thông tư 58/2020/TT-BCA);
+ Giấy tờ của người mua và người bán: Xuất trình Giấy tờ tùy thân hoặc Sổ hộ khẩu (theo khoản 1 Điều 9 Thông tư 58/2020/TT-BCA). Ngoài ra, theo khoản 5 Điều 9 Thông tư 58/2020/TT-BCA quy định nếu ủy quyền cho người khác đến giải quyết các thủ tục đăng ký xe thì người được ủy quyền cần xuất trình Giấy tờ tùy thân (còn giá trị sử dụng).
Bước 3: Người mua nộp hồ sơ đăng ký sang tên xe ô tô
Người mua xe ô tô nộp 01 bộ hồ sơ đăng ký sang tên xe ô tô tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả Trụ sở Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc các điểm đăng ký xe của Phòng.
Bước 4: Người mua nhận giấy hẹn trả Giấy chứng nhận đăng ký xe. Trong thời gian không quá 2 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan đăng ký xe cấp đổi giấy chứng nhận đăng ký xe.
Không đăng ký sang tên xe ô tô có bị phạt hay không?
Căn cứ theo khoản 4 Điều 6 Thông tư 58/2020/TT-BCA quy định thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày làm giấy tờ chuyển quyền sở hữu xe thì tổ chức, cá nhân mua xe phải đến cơ quan đăng ký xe làm thủ tục cấp đăng ký, biển số.
Căn cứ theo điểm l khoản 7 Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định về việc xử phạt và mức xử phạt đối với hành vi không sang tên, đổi chủ xe ô tô như sau:
+ Phạt tiền từ 2 triệu đồng đồng đến 4 triệu đồng đối với cá nhân là chủ sở hữu mới;
+ Phạt từ 4 triệu đồng đồng đến 8 triệu đồng đồng đối với tổ chức là chủ sở hữu mới.
Bên cạnh đó theo quy định tại điểm h khoản 15 Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, ngoài việc bị phạt tiền, cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm nêu trên còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là buộc phải làm thủ tục đăng ký xe, đăng ký sang tên, đổi lại, thu hồi Giấy đăng ký xe, biển số xe, Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định (trừ trường hợp bị tịch thu phương tiện).
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13929:2024 về Bê tông - Phương pháp thử tăng tốc Cacbonat hóa thế nào?
- Mức ưu đãi trong lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất? Quy định về việc quản lý nguồn thu lựa chọn nhà đầu tư?
- Không chấp hành quyết định thanh tra, kiểm tra trong quản lý giá từ ngày 12/7/2024 bị xử phạt bao nhiêu tiền?
- Tổ chức, cá nhân liên quan đến phương tiện vận tải xuất cảnh trong việc phòng chống buôn lậu có nghĩa vụ gì?
- Có được áp dụng hình thức kỷ luật tước danh hiệu Công an nhân dân đối với cán bộ sử dụng chất gây nghiện trái phép không?