Điều kiện để doanh nghiệp kinh doanh đường sắt được nhận hỗ trợ trong việc thực hiện nhiệm vụ an sinh xã hội là gì?
Doanh nghiệp kinh doanh đường sắt với các hình thức nào?
Theo khoản 1 Điều 49 Luật Đường sắt 2017 quy định về các hình thức kinh doanh đường sắt bao gồm:
Kinh doanh đường sắt bao gồm kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt, kinh doanh vận tải đường sắt, kinh doanh đường sắt đô thị.
Theo đó, tại khoản 20, khoản 21 và khoản 22 Điều 3 Luật Đường sắt 2017 định nghĩa về ba hình thức này như sau:
- Kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt là việc thực hiện một, một số hoặc toàn bộ hoạt động đầu tư, sử dụng, bán, cho thuê, chuyển nhượng quyền khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt để phục vụ hoạt động vận tải đường sắt và các dịch vụ thương mại khác nhằm mục đích sinh lợi.
- Kinh doanh vận tải đường sắt là việc thực hiện vận chuyển hành khách, hành lý và hàng hóa bằng đường sắt nhằm mục đích sinh lợi.
- Kinh doanh đường sắt đô thị là việc thực hiện một, một số hoặc toàn bộ các công đoạn từ đầu tư đến vận chuyển hành khách trong đô thị nhằm mục đích sinh lợi.
Doanh nghiệp kinh doanh đường sắt với các hình thức nào?
Trường hợp nào doanh nghiệp được nhận hỗ trợ trong việc thực hiện nhiệm vụ an sinh xã hội?
Theo Điều 43 Nghị định 65/2018/NĐ-CP quy định về đối tượng được nhận hỗ trợ trong việc thực hiện nhiệm vụ an sinh xã hội bao gồm:
- Doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt.
- Doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt.
Theo đó để hai đối tượng trên được nhận hỗ trợ trong việc thực hiện nhiệm vụ an sinh xã hội cần phải thuộc các trường hợp theo quy định tại Điều 44 Nghị định 65/2018/NĐ-CP như sau:
- Đối với doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt: Được hỗ trợ chi phí vận tải trong các trường hợp vận tải phục vụ an sinh xã hội.
- Đối với doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt: Được hỗ trợ phí, giá sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt phần trực tiếp liên quan đến chạy tàu để tổ chức chạy tàu phục vụ nhiệm vụ an sinh xã hội.
Quy trình, thủ tục thực hiện hỗ trợ được quy định như thế nào?
Theo Điều 47 Nghị định 65/2018/NĐ-CP quy định về quy trình, thủ tục hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ an sinh xã hội như sau:
- Thủ tục phê duyệt kế hoạch chạy tàu an sinh xã hội:
+ Trước ngày 30 tháng 9 hằng năm, doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt xây dựng dự kiến kế hoạch chạy tàu an sinh xã hội của năm tiếp theo gửi Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có đường sắt đi qua và doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt. Nội dung kế hoạch chạy tàu an sinh xã hội được quy định tại Khoản 2 Điều này;
+ Trên cơ sở kế hoạch dự kiến của doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có đường sắt đi qua có ý kiến bằng văn bản gửi về Bộ Giao thông vận tải, doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt và doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt trước ngày 15 tháng 11 hằng năm để tổng hợp;
+ Bộ Giao thông vận tải chủ trì thẩm định, phê duyệt và giao kế hoạch chạy tàu an sinh xã hội cho doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt xong trước ngày 15 tháng 12 hằng năm.
- Nội dung kế hoạch chạy tàu an sinh xã hội, gồm:
+ Số lượng đội tàu và thành phần của các đoàn tàu an sinh xã hội;
+ Dự toán doanh thu, chi phí, chênh lệch thu - chi của từng mác tàu an sinh xã hội hằng năm;
+ Tổng hợp chênh lệch thu, chi theo phương án chạy tàu an sinh xã hội của doanh nghiệp kinh doanh vận tải hằng năm.
- Thực hiện kế hoạch chạy tàu an sinh xã hội:
+ Doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt tổ chức thực hiện trên cơ sở kế hoạch chạy tàu an sinh xã hội đã được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt;
Trường hợp có sự thay đổi về kế hoạch chạy tàu an sinh xã hội đã được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt, doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt trình Bộ Giao thông vận tải điều chỉnh kế hoạch trước khi thực hiện;
+ Hằng quý, doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt có trách nhiệm thống kê, báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ chạy tàu an sinh xã hội theo kế hoạch được giao gửi Bộ Giao thông vận tải.
- Thanh, quyết toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ an sinh xã hội:
+ Doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt có trách nhiệm lập báo cáo quyết toán các khoản chi phí thực hiện cho từng nhiệm vụ an sinh xã hội gửi Bộ Giao thông vận tải. Bộ Giao thông vận tải thẩm định báo cáo quyết toán các khoản chi phí thực hiện vận tải phục vụ nhiệm vụ an sinh xã hội của doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt và có văn bản gửi Bộ Tài chính để Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước khi quyết định chi hỗ trợ cho doanh nghiệp;
Về quy trình, hồ sơ thanh quyết toán, thủ tục hỗ trợ giá thực hiện nhiệm vụ an sinh xã hội do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn chi tiết, cụ thể quy định tại Điều 5 và Điều 6 Thông tư 49/2019/TT-BGTVT như sau:
* Hồ sơ thanh quyết toán chi phí hỗ trợ giá cho doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt trong trường hợp thực hiện vận tải phục vụ nhiệm vụ an sinh xã hội:
- Quyết định giao kế hoạch thực hiện nhiệm vụ an sinh xã hội của Bộ Giao thông vận tải;
- Báo cáo quyết toán chi phí thực hiện do doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt lập.
- Thuyết minh hồ sơ quyết toán;
- Biểu tổng hợp quyết toán hỗ trợ giá theo từng chuyến tàu theo Mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư này;
- Biểu tổng hợp quyết toán doanh thu theo từng chuyến tàu theo Mẫu số 02 ban hành kèm theo Thông tư này;
- Biểu tổng hợp quyết toán chi phí theo từng chuyến tàu Mẫu số 03 ban hành kèm theo Thông tư này;
- Bản sao các chứng từ, tài liệu liên quan.
* Quy trình thanh quyết toán kinh phí hỗ trợ giá thực hiện vận tải phục vụ nhiệm vụ an sinh xã hội:
- Trong thời gian 30 ngày kể từ ngày kết thúc quý, doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt nộp 01 bộ hồ sơ thanh quyết toán chi phí thực hiện vận tải phục vụ nhiệm vụ an sinh xã hội theo quy định tại Điều 5 Thông tư này gửi về Cục Đường sắt Việt Nam.
Hồ sơ gửi về Cục Đường sắt Việt Nam bằng hình thức gửi trực tiếp qua đường công văn hoặc gửi qua hệ thống bưu chính.
Trường hợp hồ sơ thanh quyết toán chi phí thực hiện vận tải phục vụ nhiệm vụ an sinh xã hội chưa đủ theo quy định thì trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ, Cục Đường sắt Việt Nam có văn bản yêu cầu đơn vị bổ sung hồ sơ theo quy định.
- Cục Đường sắt Việt Nam tổ chức kiểm tra xét duyệt quyết toán chi phí thực hiện vận tải phục vụ nhiệm vụ an sinh xã hội của doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt và báo cáo Bộ Giao thông vận tải kết quả xét duyệt trong thời gian 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
- Sau khi nhận được báo cáo kết quả xét duyệt quyết toán của Cục Đường sắt Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải thẩm định báo cáo quyết toán các khoản kinh phí thực hiện vận tải phục vụ nhiệm vụ an sinh xã hội của doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt, có văn bản gửi Bộ Tài chính theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 47 Nghị định 65/2018/NĐ-CP.
- Căn cứ ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính thông báo cho Bộ Giao thông vận tải về quyết định chi hỗ trợ giá cho doanh nghiệp.
- Việc bố trí nguồn vốn ngân sách và thanh toán kinh phí hỗ trợ giá thực hiện vận tải phục vụ nhiệm vụ an sinh xã hội cho doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt được thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính và quy định của pháp luật.
Như vậy, kinh doanh đường sắt bao gồm kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt, kinh doanh vận tải đường sắt, kinh doanh đường sắt đô thị. Trong đó, đối tượng được nhận hỗ trợ trong việc thực hiện phục vụ nhiệm vụ an sinh xã hội là doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt và doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt nếu thuộc vào trường hợp được nhận hỗ trợ. Theo đó, doanh nghiệp được nhận hỗ trợ thực hiện quy trình, thủ tục hỗ trợ theo quy định của pháp luật.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mẫu Kinh nghiệm thực hiện dự án của nhà đầu tư thuộc E HSMST dự án PPP theo Thông tư 15 mới nhất?
- Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nhà báo Việt Nam có nhiệm kỳ bao lâu? Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nhà báo biểu quyết bằng hình thức nào?
- Xúi giục, đe dọa người khác phá thai bị xử lý như thế nào? Pháp luật có cấm phá thai hay không?
- Năm cá nhân số 3 năm 2025 có ý nghĩa gì? Cách tính năm cá nhân 2025 theo thần số học chi tiết?
- Xe khách chở quá số lượng người vào dịp Tết Âm lịch từ năm 2025 sẽ bị xử phạt bao nhiêu? Có bị trừ điểm giấy phép lái xe?