Điều độ viên miền là ai? Điều độ viên miền chịu trách nhiệm pháp lý khi thực hiện những hành vi nào?
Điều độ viên miền là ai?
Điều độ viên miền được giải thích theo khoản 10 Điều 3 Thông tư 22/2017/TT-BCT cụ thể:
Điều độ viên miền là người trực tiếp chỉ huy điều độ hệ thống điện miền theo phân cấp điều độ theo Quy trình Điều độ hệ thống điện quốc gia do Bộ Công Thương ban hành.
Điều độ viên miền (Hình từ Internet)
Nhiệm vụ chính, quyền hạn của Điều độ viên miền là gì?
Nhiệm vụ chính, quyền hạn của Điều độ viên miền quy định ở khoản 1, khoản 2 Điều 96 Thông tư 40/2014/TT-BCT cụ thể:
- Nhiệm vụ chính của Điều độ viên miền:
a) Chấp hành sự chỉ huy vận hành của Điều độ viên quốc gia;
b) Chỉ huy điều độ hệ thống điện miền nhằm mục đích cung cấp điện an toàn, tin cậy, đảm bảo chất lượng điện năng và kinh tế trong điều kiện vận hành thực tế của hệ thống điện miền;
c) Thực hiện phương thức đã được duyệt;
d) Chỉ huy việc điều khiển nguồn điện thuộc quyền điều khiển trong hệ thống điện miền;
đ) Chỉ huy việc thao tác trên lưới điện thuộc quyền điều khiển;
e) Chỉ huy việc điều khiển điện áp hệ thống điện miền thuộc quyền điều khiển;
g) Chỉ huy thực hiện điều khiển phụ tải hệ thống điện miền;
h) Chỉ huy điều khiển tần số, điện áp hệ thống điện miền (hoặc một phần hệ thống điện miền) trong trường hợp hệ thống điện miền (hoặc một phần hệ thống điện miền) tách khỏi hệ thống điện quốc gia;
i) Chỉ huy xử lý sự cố và hiện tượng bất thường, nhanh chóng khôi phục tình trạng làm việc bình thường của hệ thống điện miền, hạn chế đến mức thấp nhất thời gian ngừng cung cấp điện;
k) Thông báo cho Điều độ viên phân phối tỉnh mọi thay đổi chế độ huy động nguồn hoặc lưới điện thuộc quyền điều khiển của Cấp điều độ miền làm thay đổi chế độ vận hành bình thường của hệ thống điện phân phối;
l) Khi xảy ra sự cố lớn trong hệ thống điện miền, Điều độ viên miền phải kịp thời báo cáo cho Điều độ viên quốc gia, lãnh đạo Cấp điều độ miền;
m) Tham gia phân tích sự cố lớn trong hệ thống điện miền và đề xuất các biện pháp phòng ngừa;
n) Các nhiệm vụ khác do Cấp điều độ miền quy định.
- Quyền hạn của Điều độ viên miền:
a) Chỉ huy điều độ và kiểm tra việc thực hiện lệnh điều độ của nhân viên vận hành cấp dưới;
b) Cho phép tiến hành thao tác trên thiết bị thuộc quyền điều khiển của Cấp điều độ miền, thay đổi sơ đồ kết dây theo những đăng ký đã được duyệt, thay đổi sơ đồ kết dây phù hợp với tình hình thực tế;
c) Đưa thiết bị ra sửa chữa ngoài kế hoạch trong phạm vi ca trực của mình và phải chịu trách nhiệm về việc đảm bảo an toàn cung cấp điện và an toàn của hệ thống điện miền;
d) Thay đổi biểu đồ phụ tải của các đơn vị đã được duyệt, đề nghị với Điều độ viên quốc gia để thay đổi biểu đồ phát công suất của nhà máy điện trong hệ thống điện miền phù hợp với tình hình thực tế vận hành trong phạm vi ca trực của mình;
đ) Trong trường hợp sự cố, Điều độ viên miền được quyền điều khiển công suất phát các nhà máy điện trong miền không thuộc quyền điều khiển để khắc phục sự cố, sau đó phải báo ngay Điều độ viên quốc gia;
e) Xin ý kiến lãnh đạo Cấp điều độ miền hoặc Điều độ viên quốc gia để xử lý những vấn đề không thuộc thẩm quyền hoặc không đủ khả năng giải quyết;
g) Kiến nghị với lãnh đạo Cấp điều độ miền hoặc Điều độ viên quốc gia thay đổi phương thức vận hành nếu hệ thống điện miền có sự cố hoặc khi nhận thấy phương thức vận hành hiện tại chưa hợp lý.
Điều độ viên miền chịu trách nhiệm pháp lý khi thực hiện những hành vi nào?
Điều độ viên miền chịu trách nhiệm pháp lý quy định ở khoản 3 Điều 96 Thông tư 40/2014/TT-BCT cụ thể:
Điều độ viên miền chịu trách nhiệm pháp lý khi thực hiện những hành vi sau đây:
- Ra lệnh điều độ không đúng và không kịp thời trong những điều kiện làm việc bình thường cũng như trong trường hợp sự cố;
- Gây ra sự cố chủ quan trong ca trực của mình;
- Vi phạm những quy trình, quy phạm, điều lệnh vận hành và kỷ luật lao động;
- Chỉ huy xử lý sự cố sai quy trình dẫn đến mở rộng phạm vi sự cố;
- Chỉ huy vận hành hệ thống điện miền sai chế độ quy định mà không có lý do chính đáng;
- Chỉ huy thao tác sai dẫn đến khả năng xảy ra sự cố;
- Không thực hiện đầy đủ phương thức ngày đã được duyệt khi không có lý do chính đáng và chưa được lãnh đạo Cấp điều độ miền chấp nhận.
Thời gian đào tạo Điều độ viên miền trong bao lâu?
Thời gian đào tạo Điều độ viên miền quy định ở khoản 2 Điều 122 Thông tư 40/2014/TT-BCT như sau:
Quy định về đào tạo mới Điều độ viên miền
1. Người được đào tạo để trở thành Điều độ viên miền phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định tại Quy trình Kiểm tra và cấp chứng nhận vận hành cho các chức danh tham gia trực tiếp công tác điều độ, vận hành hệ thống điện quốc gia do Cục Điều tiết điện lực ban hành và các điều kiện khác do Cấp điều độ miền quy định.
2. Thời gian đào tạo Điều độ viên miền ít nhất 18 tháng.
3. Trước khi được công nhận chức danh Điều độ viên miền, người được đào tạo phải qua kiểm tra, sát hạch theo quy định tại Khoản 3 Điều 115 Thông tư này.
Như vậy, thời gian đào tạo Điều độ viên miền ít nhất 18 tháng.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Số câu hỏi, nội dung và tiêu chuẩn đạt sát hạch chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng của cá nhân là bao nhiêu câu?
- Có được hoãn thi hành án tử hình khi người bị kết án tử hình khai báo những tình tiết mới về tội phạm không?
- Mẫu Kế hoạch giải quyết tố cáo đảng viên của chi bộ? Chi bộ có nhiệm vụ giải quyết tố cáo đối với đảng viên nào?
- Công ty tư vấn lập hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công, dự toán của công trình có được tham gia đấu thầu gói thầu tư vấn giám sát của công trình đó không?
- Chứng minh nhân dân là gì? Thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư có bao gồm số chứng minh nhân dân không?