Dịch vụ công trực tuyến về môi trường ở địa phương do cơ quan nào xây dựng? Nguyên tắc cung cấp dịch vụ công trực tuyến về môi trường?
Dịch vụ công trực tuyến về môi trường ở địa phương do cơ quan nào xây dựng?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 116 Luật Bảo vệ môi trường 2020 như sau:
Dịch vụ công trực tuyến về môi trường
1. Dịch vụ công trực tuyến về môi trường gồm dịch vụ hành chính công về môi trường, dịch vụ cung cấp thông tin về môi trường và dịch vụ công khác về môi trường theo quy định của pháp luật.
2. Việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến về môi trường được quy định như sau:
a) Cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cung cấp dịch vụ công trực tuyến về môi trường theo quy định của Chính phủ bảo đảm kết nối, liên thông, thuận tiện, đơn giản, an toàn cho cơ quan, tổ chức, cá nhân và phục vụ công tác quản lý nhà nước về môi trường;
b) Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm xây dựng, tổ chức, hướng dẫn triển khai dịch vụ công trực tuyến về môi trường, bảo đảm tính đồng bộ, kết nối, liên thông theo quy định của pháp luật.
Như vậy, căn cứ theo quy định trên thì dịch vụ công trực tuyến về môi trường ở địa phương do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng, tổ chức, hướng dẫn triển khai.
Lưu ý: Tại Điều 166 Nghị định 08/2022/NĐ-CP có quy định về trách nhiệm cung cấp dịch vụ công trực tuyến về môi trường như sau:
- Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức xây dựng, thực hiện việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến đối với thủ tục hành chính về môi trường ở trung ương và thủ tục hành chính thực hiện theo giải pháp cung cấp tập trung theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ; phối hợp với Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ xác lập yêu cầu và thực hiện kết nối, liên thông.
- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức xây dựng, thực hiện việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến đối với thủ tục hành chính về môi trường ở địa phương, trừ thủ tục hành chính thực hiện theo giải pháp cung cấp tập trung nêu trên, bảo đảm tính đồng bộ, kết nối, liên thông với hệ thống cung cấp dịch vụ công trực tuyến về môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Dịch vụ công trực tuyến về môi trường ở địa phương do cơ quan nào xây dựng? Nguyên tắc cung cấp dịch vụ công trực tuyến về môi trường? (Hình từ Internet)
Nguyên tắc cung cấp dịch vụ công trực tuyến về môi trường ở địa phương là gì?
Nguyên tắc cung cấp dịch vụ công trực tuyến về môi trường được quy định tại Điều 165 Nghị định 08/2022/NĐ-CP bao gồm những nguyên tắc sau:
(1) Cơ quan nhà nước có trách nhiệm xây dựng, cung cấp, thực hiện các dịch vụ công trực tuyến về môi trường theo quy định tại Nghị định 08/2022/NĐ-CP và kế hoạch, lộ trình của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, bảo đảm sự kết nối, liên thông, tích hợp giữa Cổng thông tin một cửa quốc gia và Cổng dịch vụ công quốc gia.
Khuyến khích các tổ chức, cá nhân thực hiện các dịch vụ công về môi trường theo hình thức trực tuyến.
(2) Các dịch vụ công trực tuyến về môi trường liên quan đến hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh tuân thủ các quy định về thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, các dịch vụ công trực tuyến khác phải tuân thủ quy định về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.
(3) Trường hợp trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính bằng văn bản giấy, cơ quan giải quyết thủ tục hành chính phải số hóa kết quả để lưu trữ tại hệ thống thông tin một cửa điện tử theo quy định và liên thông với Cổng dịch vụ công của cơ quan cấp trên.
Trường hợp trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính dưới dạng điện tử, nếu tổ chức, cá nhân yêu cầu trả kết quả bằng văn bản giấy thì cơ quan giải quyết thủ tục hành chính thực hiện chuyển đổi kết quả ra văn bản giấy theo quy định của Chính phủ về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.
07 nguyên tắc bảo vệ môi trường theo quy định?
07 nguyên tắc bảo vệ môi trường được quy định tại Điều 4 Luật Bảo vệ môi trường 2020 cụ thể như sau:
(1) Bảo vệ môi trường là quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của mọi cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân.
(2) Bảo vệ môi trường là điều kiện, nền tảng, yếu tố trung tâm, tiên quyết cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Hoạt động bảo vệ môi trường phải gắn kết với phát triển kinh tế, quản lý tài nguyên và được xem xét, đánh giá trong quá trình thực hiện các hoạt động phát triển.
(3) Bảo vệ môi trường gắn kết hài hòa với an sinh xã hội, quyền trẻ em, bình đẳng giới, bảo đảm quyền mọi người được sống trong môi trường trong lành.
(4) Hoạt động bảo vệ môi trường phải được tiến hành thường xuyên, công khai, minh bạch; ưu tiên dự báo, phòng ngừa ô nhiễm, sự cố, suy thoái môi trường, quản lý rủi ro về môi trường, giảm thiểu phát sinh chất thải, tăng cường tái sử dụng, tái chế chất thải để khai thác giá trị tài nguyên của chất thải.
(5) Bảo vệ môi trường phải phù hợp với quy luật, đặc điểm tự nhiên, văn hóa, lịch sử, cơ chế thị trường, trình độ phát triển kinh tế - xã hội; thúc đẩy phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
(6) Cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân được hưởng lợi từ môi trường có nghĩa vụ đóng góp tài chính cho hoạt động bảo vệ môi trường; gây ô nhiễm, sự cố và suy thoái môi trường phải chi trả, bồi thường thiệt hại, khắc phục, xử lý và chịu trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.
(7) Hoạt động bảo vệ môi trường bảo đảm không gây phương hại chủ quyền, an ninh và lợi ích quốc gia, gắn liền với bảo vệ môi trường khu vực và toàn cầu.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Quyền đại diện không được xác định với giao dịch dân sự cụ thể thì thời hạn đại diện là bao lâu?
- Tốt nghiệp trung học phổ thông có được tham dự kỳ thi sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản?
- Cơ sở y tế có được lưu giữ chất thải y tế trong khuôn viên cơ sở y tế theo quy định của pháp luật hiện nay hay không?
- Quỹ Hỗ trợ đầu tư là gì? Chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Quỹ Hỗ trợ đầu tư quy định như thế nào?
- Phạm vi hoạt động của tổ chức kiểm định xây dựng hạng 2 như thế nào? Chứng chỉ năng lực của tổ chức kiểm định xây dựng hạng 2 bị thu hồi khi nào?