Để được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, hộ kinh doanh sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù cần điều kiện gì? Lãi suất cho vay thế nào?
- Để được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, hộ kinh doanh sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù cần điều kiện gì?
- Lãi suất cho hộ kinh doanh sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù vay Ngân hàng Chính sách xã hội là bao nhiêu?
- Mức vốn cho vay tối đa đối với một người tại hộ kinh doanh có sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù là bao nhiêu?
- Phương thức cho vay đối với hộ kinh doanh có sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội thế nào?
Để được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, hộ kinh doanh sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù cần điều kiện gì?
Theo khoản 1 Điều 79 Nghị định 01/2021/NĐ-CP có quy định thì hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc các thành viên hộ gia đình đăng ký thành lập và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh của hộ.
Cơ sở sản xuất kinh doanh bao gồm doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh có sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù thuộc đối tượng vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Quyết định 22/2023/QĐ-TTg.
Tại khoản 2 Điều 3 Quyết định 22/2023/QĐ-TTg quy định điều kiện vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội đối với hộ kinh doanh có sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù như sau:
- Được thành lập và hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật;
- Sử dụng tối thiểu 10% tổng số lao động là người chấp hành xong án phạt tù đáp ứng các điều kiện sau:
+ Có nhu cầu vay vốn; có tên trong danh sách người chấp hành xong án phạt tù về cư trú tại địa phương, chấp hành tốt các quy định của pháp luật, không tham gia các tệ nạn xã hội, do Công an cấp xã lập và được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận. Thời gian kể từ khi chấp hành xong án phạt tù đến thời điểm vay vốn tối đa là 05 năm;
Và ký hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật về lao động;
- Có phương án vay vốn và được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thực hiện phương án xác nhận theo Mẫu số 02 kèm theo Quyết định 22/2023/QĐ-TTg.
Đồng thời, hộ kinh doanh có sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù phải thuộc trường hợp không còn dư nợ tại Ngân hàng Chính sách xã hội đối với các chương trình tín dụng khác có cùng mục đích sử dụng vốn vay để đào tạo nghề và sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm theo quy định của pháp luật.
Hộ kinh doanh có sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội (Hình từ Internet)
Lãi suất cho hộ kinh doanh sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù vay Ngân hàng Chính sách xã hội là bao nhiêu?
Lãi suất cho vay được quy định tại Điều 9 Quyết định 22/2023/QĐ-TTg như sau:
- Lãi suất cho vay bằng lãi suất cho vay đối với hộ nghèo quy định theo từng thời kỳ.
- Lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất cho vay.
Mức vốn cho vay tối đa đối với một người tại hộ kinh doanh có sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù là bao nhiêu?
Mức vốn cho vay được quy định tại Điều 6 Quyết định 22/2023/QĐ-TTg như sau:
Mức vốn cho vay
1. Đối với vay vốn để đào tạo nghề
Mức vốn cho vay tối đa là 04 triệu đồng/tháng/người chấp hành xong án phạt tù.
2. Đối với vay vốn để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm
a) Người chấp hành xong án phạt tù: Mức vốn cho vay tối đa là 100 triệu đồng/người chấp hành xong án phạt tù;
b) Cơ sở sản xuất kinh doanh: Mức vốn cho vay tối đa là 02 tỷ đồng/dự án và không quá 100 triệu đồng/người lao động tại cơ sở sản xuất kinh doanh.
Như vậy, đối với vay vốn để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, mức vốn cho vay tối đa đối với hộ kinh doanh có sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù là 02 tỷ đồng/dự án và không quá 100 triệu đồng/người lao động tại hộ kinh doanh.
Phương thức cho vay đối với hộ kinh doanh có sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội thế nào?
Phương thức cho vay đối với hộ kinh doanh có sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội được quy định tại khoản 2 Điều 4 Quyết định 22/2023/QĐ-TTg như sau:
Phương thức cho vay
1. Đối với người chấp hành xong án phạt tù
a) Thực hiện phương thức cho vay thông qua hộ gia đình. Đại diện hộ gia đình của người chấp hành xong án phạt tù là người đứng tên vay vốn và giao dịch với Ngân hàng Chính sách xã hội. Trường hợp trong hộ gia đình không còn thành viên nào từ đủ 18 tuổi trở lên hoặc thành viên còn lại không còn sức lao động, không có đủ năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật thì người chấp hành xong án phạt tù trực tiếp đứng tên vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội;
b) Ngân hàng Chính sách xã hội nơi cho vay thực hiện cho vay theo phương thức ủy thác cho các tổ chức chính trị - xã hội.
2. Đối với cơ sở sản xuất kinh doanh
Ngân hàng Chính sách xã hội nơi cho vay thực hiện cho vay trực tiếp.
Theo đó, đối với hộ kinh doanh có sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù, Ngân hàng Chính sách xã hội nơi cho vay thực hiện cho vay trực tiếp.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Chủ đầu tư chịu trách nhiệm quản lý chi phí đầu tư xây dựng ở giai đoạn nào? Sơ bộ tổng mức đầu tư xây dựng được ước tính ra sao?
- Bộ luật Tố tụng dân sự mới nhất hiện nay quy định những gì? Nhiệm vụ của Bộ luật Tố tụng dân sự?
- Phân loại, điều kiện khai thác, sử dụng tàu bay không người lái, phương tiện bay khác từ 1/7/2025 ra sao?
- Mức đầu tư để trường mầm non tư thục hoạt động giáo dục ít nhất là bao nhiêu? Hồ sơ cho phép trường mầm non hoạt động giáo dục?
- Cơ quan nào quyết định thành lập trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập? Thủ tục thành lập trung tâm?