Để được tiếp nhận vào viên chức không giữ chức vụ quản lý cần đáp ứng điều kiện gì từ năm 2024?
Để được tiếp nhận vào viên chức không giữ chức vụ quản lý cần đáp ứng điều kiện gì từ năm 2024?
Ngày 12 tháng 3 năm 2024, Bộ Nội vụ đã có Quyết định 168/QĐ-BNV 2024 công bố thủ tục hành chính quy định tại Nghị định 85/2023/NĐ-CP ngày 07 tháng 12 năm 2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 115/2020/NĐ-CP ngày 25 tháng 9 năm 2020 về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức.
Theo đó, tiểu mục 10 Mục III Quyết định 168/QĐ-BNV 2024 nêu rõ yêu cầu, điều kiện để được tiếp nhận vào viên chức không giữ chức vụ quản lý như sau:
- Người có đủ 05 năm công tác trở lên đang làm công việc chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với công việc ở vị trí việc làm dự kiến tiếp nhận tại cơ quan, tổ chức, đơn vị được thành lập theo quy định của pháp luật.
+ Thời gian công tác quy định tại điểm này là thời gian làm chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với công việc ở vị trí việc làm dự kiến tiếp nhận theo đúng quy định của pháp luật, có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tính thời gian tập sự theo quy định tại Điều 21 Nghị định 115/2020/NĐ-CP.
+ Trường hợp thời gian tập sự, thử việc tại công việc đang làm theo quy định của pháp luật ít hơn thời gian tập sự của công việc được tiếp nhận quy định tại khoản 2 Điều 21 Nghị định 115/2020/NĐ-CP thì thời gian chênh lệch ít hơn này được tính vào thời gian tập sự.
+ Trường hợp có thời gian công tác không liên tục mà chưa nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần thì được cộng dồn.
- Cán bộ, công chức cấp xã đang làm công việc phù hợp với công việc ở vị trí việc làm dự kiến tiếp nhận.
- Người học theo chế độ cử tuyển theo quy định của pháp luật, sau khi tốt nghiệp về công tác tại địa phương nơi cử đi học.
Cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng hoặc được phân cấp thẩm quyền tuyển dụng căn cứ vào đặc thù của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình có thể quy định tiêu chuẩn, điều kiện cao hơn đối với các trường hợp tiếp nhận quy định tại khoản này.
Theo đó, người đang làm công việc chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với công việc ở vị trí việc làm dự kiến tiếp nhận, cán bộ, công chức cấp xã, người học theo chế độ cử tuyển phải đáp ứng các yêu cầu, điều kiện tương ứng để được tiếp nhận vào viên chức không giữ chức vụ quản lý tại các cơ quan có thẩm quyền thực hiện tuyển dụng.
Để được tiếp nhận vào viên chức không giữ chức vụ quản lý cần đáp ứng điều kiện gì từ năm 2024? (Hình từ Internet)
Thủ tục tiếp nhận vào viên chức không giữ chức vụ quản lý được thực hiện theo trình tự thế nào?
Căn cứ tại tiểu mục 1 Mục III Quyết định 168/QĐ-BNV 2024 thì Thủ tục tiếp nhận vào viên chức sẽ được đổi tên thành Thủ tục tiếp nhận vào viên chức không giữ chức vụ quản lý và có trình tự thực hiện như sau:
Bước 1. Người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng thành lập Hội đồng kiểm tra, sát hạch.
Bước 2. Hội đồng kiểm tra, sát hạch kiểm tra về các điều kiện, tiêu chuẩn, văn bằng, chứng chỉ của người được đề nghị tiếp nhận theo yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển.
Bước 3. Tổ chức sát hạch về trình độ hiểu biết chung và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của người được đề nghị tiếp nhận. Hội đồng kiểm tra, sát hạch phải báo cáo người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng thống nhất về hình thức và nội dung sát hạch trước khi thực hiện.
Bước 4. Người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng quyết định theo thẩm quyền.
Bước 5. Ký kết Hợp đồng làm việc.
Theo đó, Cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng sẽ thực hiện trình tự các bước trên để tiếp nhận viên chức không giữ chức vụ quản lý.
Thời gian tập sự đối với viên chức là bao lâu?
Căn cứ khoản 2 Điều 21 Nghị định 115/2020/NĐ-CP quy định thời gian tập sự như sau:
- 12 tháng đối với trường hợp tuyển dụng vào chức danh nghề nghiệp có yêu cầu tiêu chuẩn trình độ đào tạo đại học.
Riêng đối với chức danh nghề nghiệp bác sĩ là 09 tháng;
- 09 tháng đối với trường hợp tuyển dụng vào chức danh nghề nghiệp có yêu cầu tiêu chuẩn trình độ đào tạo cao đẳng;
- 06 tháng đối với trường hợp tuyển dụng vào chức danh nghề nghiệp có yêu cầu tiêu chuẩn trình độ đào tạo trung cấp.
- Thời gian nghỉ sinh con theo chế độ bảo hiểm xã hội, thời gian nghỉ ốm đau từ 14 ngày trở lên, thời gian nghỉ không hưởng lương, thời gian bị tạm giam, tạm giữ, tạm đình chỉ công tác theo quy định của pháp luật không được tính vào thời gian tập sự.
Trường hợp người tập sự nghỉ ốm đau hoặc có lý do chính đáng dưới 14 ngày mà được người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập nơi người được tuyển dụng vào viên chức đang thực hiện chế độ tập sự đồng ý thì thời gian này được tính vào thời gian tập sự.
Theo đó, thời hạn tập sự đối với viên chức là 6 tháng, 9 tháng, 12 tháng tùy thuộc vào yêu cầu tiêu chuẩn trình độ đào tạo, không tính thời gian nghỉ sinh con theo chế độ bảo hiểm xã hội, thời gian nghỉ ốm đau từ 14 ngày trở lên, thời gian nghỉ không hưởng lương, thời gian bị tạm giam, tạm giữ, tạm đình chỉ công tác theo quy định của pháp luật, nghỉ không có lý do chính đáng dưới 14 ngày.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Người thuê nhà ở công vụ có được đề nghị đơn vị quản lý vận hành nhà ở sửa chữa kịp thời hư hỏng của nhà ở công vụ không?
- Giám đốc quản lý dự án hạng 2 của Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng một dự án phải đáp ứng điều kiện năng lực như thế nào?
- Tổ chức, cá nhân không niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ trong kinh doanh bị xử phạt bao nhiêu tiền từ 12/7/2024?
- Dấu dưới hình thức chữ ký số có phải là dấu của doanh nghiệp? Làm giả con dấu của doanh nghiệp bị phạt bao nhiêu tiền?
- Chủ hàng hóa quá cảnh có phải nộp lệ phí hải quan và các loại phí khác cho hàng hóa quá cảnh của mình không?