Dầu hỏa nhập khẩu từ nước ngoài về có chịu thuế bảo vệ môi trường hay không? Nếu có thì tính thuế bảo vệ môi trường với dầu hỏa nhập khẩu thế nào?
Dầu hỏa nhập khẩu từ nước ngoài về có chịu thuế bảo vệ môi trường hay không?
Về đối tượng chịu thuế quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật Thuế bảo vệ môi trường 2010 như sau:
"Điều 3. Đối tượng chịu thuế
1. Xăng, dầu, mỡ nhờn, bao gồm:
a) Xăng, trừ etanol;
b) Nhiên liệu bay;
c) Dầu diezel;
d) Dầu hỏa;
đ) Dầu mazut;
e) Dầu nhờn;
g) Mỡ nhờn."
Như vậy thì dầu hỏa là đối tượng chịu thuế của thuế bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên tại tại khoản 1 Điều 2 Nghị định 67/2011/NĐ-CP có nội dung hướng dẫn như sau:
"Điều 2. Đối tượng chịu thuế
Đối tượng chịu thuế thực hiện theo quy định tại Điều 3 của Luật Thuế bảo vệ môi trường.
1. Đối với xăng, dầu, mỡ nhờn quy định tại Khoản 1 Điều 3 của Luật Thuế bảo vệ môi trường là các loại xăng, dầu, mỡ nhờn gốc hóa thạch. Đối với nhiên liệu hỗn hợp chứa nhiên liệu sinh học và xăng, dầu, mỡ nhờn gốc hóa thạch, chỉ tính thu thuế bảo vệ môi trường đối với phần xăng, dầu, mỡ nhờn gốc hóa thạch."
Như vậy nếu dầu hỏa anh/chị nhập về là dầu hỏa có gốc hóa thạch thì mới là đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó thì người phải nộp thuế được quy định tại Điều 5 Luật Thuế bảo vệ môi trường 2010 như sau:
"Điều 5. Người nộp thuế
1. Người nộp thuế bảo vệ môi trường là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sản xuất, nhập khẩu hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế quy định tại Điều 3 của Luật này.
2. Người nộp thuế bảo vệ môi trường trong một số trường hợp cụ thể được quy định như sau:
a) Trường hợp ủy thác nhập khẩu hàng hóa thì người nhận ủy thác nhập khẩu là người nộp thuế;
b) Trường hợp tổ chức, hộ gia đình, cá nhân làm đầu mối thu mua than khai thác nhỏ, lẻ mà không xuất trình được chứng từ chứng minh hàng hóa đã được nộp thuế bảo vệ môi trường thì tổ chức, hộ gia đình, cá nhân làm đầu mối thu mua là người nộp thuế."
Như vậy, dầu hỏa được nhập khẩu từ nước ngoài về có nguồn gốc hóa thạch sẽ thuộc diện chịu thuế bảo vệ môi trường và người nhập khẩu sẽ phải nộp thuế anh/chị nhé.
Dầu hỏa nhập khẩu từ nước ngoài về có chịu thuế bảo vệ môi trường hay không? (Hình từ Internet)
Thuế bảo vệ môi trường đối với hàng hóa là dầu hỏa nhập khẩu được tính như thế nào?
Tại Điều 4 Thông tư 152/2011/TT-BTC quy định công thức tính thuế bảo vệ môi trường như sau:
Thuế bảo vệ môi trường phải nộp được tính theo công thức sau:
Thuế bảo vệ môi trường phải nộp = Số lượng đơn vị hàng hoá tính thuế x Mức thuế tuyệt đối trên một đơn vị hàng hoá
Trong đó:
- Số lượng hàng hóa tính thuế đối với hàng nhập khẩu được hướng dẫn tại điểm 1.2 khoản 1 Điều 5 Thông tư 152/2011/TT-BTC như sau:
+ Đối với hàng hóa nhập khẩu, số lượng hàng hóa tính thuế là số lượng hàng hóa nhập khẩu.
+ Đối với trường hợp số lượng hàng hoá chịu thuế bảo vệ môi trường xuất, bán và nhập khẩu tính bằng đơn vị đo lường khác đơn vị quy định tính thuế tại biểu mức thuế Bảo vệ môi trường do Uỷ ban thường vụ Quốc hội ban hành thì phải qui đổi ra đơn vị đo lường quy định tại biểu mức thuế Bảo vệ môi trường để tính thuế.
- Mức thuế tuyệt đối trên một đơn vị hàng hoá theo hướng dẫn tại khoản 2 Điều 5 Thông tư 152/2011/TT-BTC (Được sửa đổi bởi Điều 1 Thông tư 106/2018/TT-BTC) thì:
+ Mức thuế tuyệt đối làm căn cứ tính thuế bảo vệ môi trường đối với từng hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường là mức thuế được quy định tại Biểu mức thuế bảo vệ môi trường ban hành kèm theo Nghị quyết 579/2018/UBTVQH14.
+ Theo đó mức thuế tuyệt đối đối với dầu hỏa nhập khẩu là 1.000đ/lít.
Tuy nhiên, từ ngày 01 tháng 4 năm 2022 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2022 thì mức thuế bảo vệ môi trường đối với dầu hỏa nhập khẩu là 300đ/lít (Điều 1 và Điều 2 Nghị quyết 18/2022/UBTVQH15).
Thời điểm tính thuế bảo vệ môi trường đối với dầu hỏa nhập khẩu là khi nào?
Về thời điểm tính thuế đối với dầu hỏa nhập khẩu được quy định tại Điều 6 Thông tư 152/2011/TT-BTC như sau:
"Điều 6. Thời điểm tính thuế
1. Đối với hàng hóa sản xuất bán ra, trao đổi, tặng cho, khuyến mại, quảng cáo, thời điểm tính thuế là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa.
2. Đối với hàng hóa sản xuất đưa vào tiêu dùng nội bộ, thời điểm tính thuế là thời điểm đưa hàng hóa vào sử dụng.
3. Đối với hàng hóa nhập khẩu, thời điểm tính thuế là thời điểm đăng ký tờ khai hải quan, trừ xăng dầu nhập khẩu để bán quy định tại khoản 4 điều này.
4. Đối với xăng, dầu sản xuất hoặc nhập khẩu để bán, thời điểm tính thuế là thời điểm doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng, dầu bán ra."
Như vậy đối với dầu hỏa nhập khẩu không dùng để bán thì thời điểm tính thuế là khi đăng ký tờ khai hải quan.
Còn đối với trường hợp nhập khẩu dầu hỏa để bán thì thời điểm tính thuế là thời điểm doanh nghiệp đầu mối kinh doanh dầu hỏa đó bán ra.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Ngoại giao Việt Nam là gì? Tiêu chuẩn xét tặng đối với cá nhân công tác trong ngành Ngoại giao là gì?
- Tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở ngành Kiểm sát nhân dân là gì? Thẩm quyền quyết định tặng danh hiệu?
- Tổ chức chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại cần đáp ứng những điều kiện nào?
- Nội dung đánh giá hồ sơ dự thầu đối với dự án đầu tư có sử dụng đất theo phương thức 1 giai đoạn 1 túi hồ sơ gồm những gì?
- Nội dung kiểm tra hoạt động đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất gồm những gì?