Đăng kiểm viên đường sắt có bao nhiêu hạng và có những nhiệm vụ nào theo quy định của pháp luật?
Đăng kiểm viên đường sắt có bao nhiêu hạng theo quy định?
Căn cứ tại khoản 2 Điều 3 Thông tư 19/2018/TT-BGTVT thì đăng kiểm viên đường sắt gồm 02 hạng, như sau:
- Đăng kiểm viên đường sắt;
- Đăng kiểm viên đường sắt bậc cao.
Trong đó, đăng kiểm viên đường sắt là người có đủ tiêu chuẩn theo quy định tại Thông tư 19/2018/TT-BGTVT, được công nhận là Đăng kiểm viên đường sắt để thực hiện hoạt động đăng kiểm phương tiện giao thông đường sắt và đánh giá chứng nhận hệ thống quản lý an toàn vận hành đường sắt đô thị theo quy định pháp luật.
Đăng kiểm viên đường sắt có những nhiệm vụ nào theo quy định pháp luật?
Theo quy định tại Điều 5 Thông tư 19/2018/TT-BGTVT quy định về nhiệm vụ của Đăng kiểm viên đường sắt như sau:
(i) Đối với Đăng kiểm viên đường sắt
- Thẩm định hồ sơ thiết kế hoán cải các loại phương tiện giao thông đường sắt;
- Tham gia thẩm định hồ sơ an toàn hệ thống đường sắt đô thị;
- Kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với linh kiện, tổng thành, phương tiện giao thông đường sắt;
- Lập hồ sơ đăng kiểm cho các đối tượng nêu tại điểm a, điểm b, điểm c khoản 1 Điều 5 Thông tư 19/2018/TT-BGTVT;
- Tính các loại giá và lệ phí đăng kiểm;
- Hướng dẫn thực hành cho học viên đã hoàn thành lớp tập huấn nghiệp vụ đăng kiểm phương tiện giao thông đường sắt;
- Tham gia tập huấn cập nhật, bổ sung về chuyên môn nghiệp vụ dành cho Đăng kiểm viên đường sắt;
- Tham mưu cho lãnh đạo đơn vị về những vấn đề chuyên môn, nghiệp vụ khi có yêu cầu.
(ii) Đối với Đăng kiểm viên đường sắt bậc cao
Đăng kiểm viên đường sắt bậc cao thực hiện các nhiệm vụ của Đăng kiểm viên đường sắt theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Thông tư 19/2018/TT-BGTVT, ngoài ra còn thực hiện những nhiệm vụ sau:
- Chủ trì hoặc tham gia nghiên cứu đề tài khoa học, tham mưu xây dựng, bổ sung, sửa đổi tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, văn bản quy phạm pháp luật;
- Thẩm định hồ sơ thiết kế mới các loại phương tiện giao thông đường sắt;
- Chủ trì thẩm định hồ sơ an toàn hệ thống đường sắt đô thị và đánh giá chứng nhận hệ thống quản lý an toàn vận hành đường sắt đô thị;
- Phúc tra kết quả kiểm tra của Đăng kiểm viên đường sắt, tham mưu cho lãnh đạo đơn vị về những vấn đề chuyên môn, nghiệp vụ khi có yêu cầu;
- Hướng dẫn, kiểm tra nghiệp vụ và đánh giá năng lực Đăng kiểm viên đường sắt;
- Tham gia tập huấn cập nhật, bổ sung về chuyên môn nghiệp vụ dành cho Đăng kiểm viên đường sắt bậc cao;
- Tham gia phân tích, xác định nguyên nhân sự cố tai nạn giao thông đường sắt khi có yêu cầu
Tổ chức thực hiện việc đăng kiểm phương tiện giao thông đường sắt có thuộc nội dung quản lý nhà nước về hoạt động đường sắt không?
Căn cứ tại Điều 83 Luật Đường sắt 2017 được sửa đổi bởi khoản 6 Điều 3 Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch 2018 thì nội dung quản lý nhà nước về hoạt động đường sắt được quy định như sau:
- Xây dựng, tổ chức thực hiện quy hoạch mạng lưới đường sắt, quy hoạch tuyến đường sắt, ga đường sắt và quy hoạch khác có liên quan theo quy định của pháp luật về quy hoạch; xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch và chính sách phát triển đường sắt.
- Xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, định mức kinh tế - kỹ thuật chuyên ngành đường sắt.
- Phổ biến, giáo dục pháp luật về đường sắt.
- Quản lý việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt; công bố đóng, mở ga, tuyến đường sắt.
- Quản lý vốn đầu tư công đầu tư trong lĩnh vực đường sắt; quản lý công tác bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt.
- Quản lý hoạt động vận tải đường sắt và hoạt động điều hành giao thông vận tải đường sắt.
- Quản lý việc tổ chức bảo đảm an ninh, an toàn cho hoạt động đường sắt; tổ chức quản lý và bảo đảm an ninh, an toàn cho các đoàn tàu thực hiện nhiệm vụ đặc biệt.
- Quản lý hoạt động phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và điều tra sự cố, tai nạn giao thông đường sắt.
- Cấp, cấp lại, công nhận, thu hồi, xóa chứng chỉ, giấy phép, giấy chứng nhận liên quan đến hoạt động đường sắt.
- Tổ chức thực hiện việc đăng ký, đăng kiểm phương tiện giao thông đường sắt.
- Quản lý hoạt động khoa học và công nghệ; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trong hoạt động đường sắt.
- Hợp tác quốc tế trong hoạt động đường sắt.
- Quản lý giá, phí và lệ phí trong hoạt động đường sắt.
- Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động đường sắt.
Theo đó, nội dung quản lý nhà nước về hoạt động đường sắt bao gồm nội dung tổ chức thực hiện việc đăng kiểm phương tiện giao thông đường sắt.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Đào tạo thạc sĩ ở nước ngoài nhưng hình thức học trực tuyến thì có được công nhận để sử dụng chứng chỉ tại Việt Nam?
- Mẫu biên bản định giá tài sản góp vốn thành lập doanh nghiệp? Tải về file word mẫu biên bản định giá?
- Kinh phí cho hoạt động quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể lấy từ đâu?
- Hướng dẫn ghi Phiếu lấy ý kiến đồng nghiệp trong tổ chuyên môn của giáo viên mần non cuối năm mới nhất?
- Xung đột pháp luật là gì? Nguyên tắc áp dụng pháp luật khi có xung đột pháp luật trong hoạt động hàng hải?