Đại hội thành viên của quỹ tín dụng nhân dân được quy định như thế nào về hoạt động và thành viên trong đại hội?
Thông báo triệu tập Đại hội thành viên của quỹ tín dụng nhân dân
Điều 33 Thông tư 04/2015/TT-NHNN quy định về việc triệu tập Đại hội thành viên như sau:
Việc triệu tập Đại hội thành viên phải được thực hiện bằng văn bản và phải được gửi đến tất cả thành viên hoặc đại biểu thành viên chậm nhất 07 ngày làm việc trước ngày khai mạc Đại hội thành viên nếu Điều lệ quỹ tín dụng nhân dân không quy định thời hạn. Giấy triệu tập Đại hội thành viên phải nêu rõ thời gian, địa điểm, nội dung, chương trình họp và gửi kèm các tài liệu liên quan.
Quy định chung về Đại hội thành viên của quỹ tín dụng nhân dân
Căn cứ quy định tại Điều 34 Thông tư 04/2015/TT-NHN, Đại hội thành viên của quỹ tín dụng nhân dân được quy định cụ thể về hoạt động như sau:
(1) Thực hiện theo quy định tại Điều 80 Luật Các tổ chức tín dụng 2010
(2) Đại hội thành viên phải họp mỗi năm một lần trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày kết thúc năm tài chính, do Hội đồng quản trị triệu tập.
(3) Đại hội thành viên bất thường họp trong các trường hợp sau đây:
a) Hội đồng quản trị triệu tập nếu xét thấy cần thiết vì lợi ích của quỹ tín dụng nhân dân;
b) Chủ tịch Hội đồng quản trị triệu tập theo quy định tại khoản 2 Điều 19 Thông tư này;
c) Trưởng Ban kiểm soát, kiểm soát viên chuyên trách triệu tập theo quy định tại khoản 6 Điều 84 Luật các tổ chức tín dụng;
d) Ít nhất một phần ba tổng số thành viên quỹ tín dụng nhân dân cùng có văn bản yêu cầu triệu tập Đại hội thành viên.
Trường hợp tổ chức Đại hội thành viên bất thường theo yêu cầu của ít nhất một phần ba tổng số thành viên quỹ tín dụng nhân dân, Hội đồng quản trị phải tiến hành họp Đại hội thành viên bất thường trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu. Quá thời hạn nêu trên, nhóm thành viên cùng có văn bản yêu cầu triệu tập Đại hội thành viên bất thường có văn bản đề nghị Ngân hàng Nhà nước chi nhánh yêu cầu quỹ tín dụng nhân dân tiến hành Đại hội thành viên bất thường;
đ) Ngân hàng Nhà nước chi nhánh yêu cầu triệu tập trong trường hợp xảy ra sự kiện ảnh hưởng đến an toàn hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân;
e) Các trường hợp khác theo quy định tại Điều lệ quỹ tín dụng nhân dân.
Đại hội thành viên của quỹ tín dụng nhân dân
Quy định về số lượng thành viên và biểu quyết trong Đại hội thành viên
Điều 35 Thông tư 04/2015/TT-NHNN, được bổ sung bởi khoản 18 Điều 2 Thông tư 21/2019/TT-NHNN quy định về số lượng thành viên và biểu quyết trong Đại hội thành viên cụ thể như sau:
(1) Đại hội thành viên quỹ tín dụng nhân dân có thể tổ chức dưới hình thức Đại hội toàn thể thành viên hoặc Đại hội đại biểu thành viên (gọi chung là Đại hội thành viên). Đại hội toàn thể thành viên hoặc Đại hội đại biểu thành viên có nhiệm vụ và quyền hạn như nhau.
(2) Quỹ tín dụng nhân dân có trên 100 thành viên có thể tổ chức Đại hội đại biểu thành viên.
(3) Tiêu chuẩn đại biểu và trình tự, thủ tục bầu đại biểu tham dự đại hội đại biểu thành viên do Điều lệ quỹ tín dụng nhân dân quy định. Việc bầu đại biểu thành viên tham dự Đại hội thành viên phải dựa trên nguyên tắc dân chủ, bình đẳng giữa các thành viên. Đại biểu thành viên được bầu không được ủy quyền cho người khác tham dự Đại hội.
(4) Số lượng đại biểu bầu tham dự đại hội đại biểu thành viên do Điều lệ quỹ tín dụng nhân dân quy định nhưng phải đảm bảo:
a) Không được ít hơn 30% tổng số thành viên đối với quỹ tín dụng nhân dân có từ trên 100 đến 300 thành viên;
b) Không được ít hơn 20% tổng số thành viên đối với quỹ tín dụng nhân dân có từ trên 300 đến 1.000 thành viên;
c) Không được ít hơn 200 đại biểu đối với quỹ tín dụng nhân dân có từ trên 1.000 thành viên.
(5) Đại hội thành viên được coi là hợp lệ khi có ít nhất ba phần tư tổng số thành viên hoặc đại biểu thành viên dự họp:
(6) Trường hợp số lượng thành viên, đại biểu thành viên tham dự không đủ theo quy định tại khoản 5 Điều này thì Hội đồng quản trị hoặc Ban kiểm soát (đối với trường hợp tổ chức Đại hội thành viên bất thường theo triệu tập của Ban kiểm soát) phải tạm hoãn Đại hội thành viên và triệu tập lại trong vòng 30 ngày kể từ ngày tạm hoãn Đại hội thành viên (đối với Đại hội thành viên thường niên, thời hạn tạm hoãn và triệu tập lại không được vượt quá thời hạn tổ chức Đại hội thành viên quy định tại khoản 2 Điều 34 Thông tư này).
(7) Đại hội thành viên bất thường của quỹ tín dụng nhân dân được kiểm soát đặc biệt:
a) Trường hợp số lượng thành viên, đại biểu thành viên tham dự không đủ theo quy định tại khoản 5 Điều này thì phải tạm hoãn Đại hội thành viên và triệu tập lại trong vòng 30 ngày kể từ ngày tạm hoãn Đại hội thành viên lần thứ nhất. Đại hội thành viên lần thứ hai được tiến hành khi có ít nhất một phần hai tổng số thành viên hoặc đại biểu thành viên dự họp;
b) Trường hợp số lượng thành viên, đại biểu thành viên tham dự Đại hội thành viên lần thứ hai không đủ theo quy định tại điểm a Khoản này thì phải tạm hoãn và triệu tập lại trong vòng 20 ngày kể từ ngày tạm hoãn Đại hội thành viên lần thứ hai. Trong trường hợp này, Đại hội thành viên được tiến hành không phụ thuộc vào số lượng thành viên hoặc đại biểu thành viên dự họp
(8) Việc quyết định sửa đổi, bổ sung Điều lệ, chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, giải thể, phá sản quỹ tín dụng nhân dân chỉ được thông qua tại Đại hội thành viên khi có ít nhất ba phần tư tổng số thành viên hoặc đại biểu thành viên có mặt tại Đại hội thành viên biểu quyết tán thành.
(9) Các quyết định về những vấn đề khác chỉ được thông qua tại Đại hội thành viên khi có trên một phần hai tổng số thành viên hoặc đại biểu thành viên có mặt tại Đại hội thành viên biểu quyết tán thành.
(10) Mỗi thành viên hoặc đại biểu dự họp Đại hội thành viên có một phiếu biểu quyết. Phiếu biểu quyết có giá trị ngang nhau, không phụ thuộc vào số vốn góp hay chức vụ của thành viên hoặc đại biểu thành viên.
Như vậy, pháp luật hiện hành về các tổ chức tín dụng nói chung và về quỹ tín dụng nhân dân nói riêng đã có những quy định cụ thể về Đại hội thành viên của quỹ tín dụng nhân dân thông qua các vấn đề về triệu tập, hoạt động và biểu quyết.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Người nước ngoài được sở hữu bao nhiêu nhà ở tại Việt Nam? Người nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam tối đa bao nhiêu năm?
- Công dân được tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở khi từ đủ 18 tuổi đến đủ 70 tuổi đúng không?
- Phải nộp tờ khai hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu trước ngày hàng hóa đến cửa khẩu trong vòng bao nhiêu ngày?
- Chức năng của công tác xã hội là gì? Công tác xã hội có góp phần thúc đẩy công bằng xã hội hay không?
- Khi xảy ra tai nạn trong phạm vi giới hạn trách nhiệm bảo hiểm thì doanh nghiệp bảo hiểm có phải bồi thường thiệt hại không?