Theo pháp luật hình sự, trường hợp đã được xóa án tích mà nay phạm tội mới thì có bị coi là tái phạm hay không?
Trộm bao nhiêu tiền thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo pháp luật hình sự?
Theo khoản 1 Điều 173 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi Khoản 34 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định như sau:
“1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 174, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;
đ) Tài sản là di vật, cổ vật.”
Như vậy, trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng trở lên hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây: bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội theo quy định tại Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; Tài sản là di vật, cổ vật thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trộm cắp tài sản.
Đã được xóa án tích mà nay phạm tội mới thì có bị coi là tái phạm hay không?
Khi nào người phạm tội sẽ được xóa án tích?
Người bị kết án được xóa án được pháp luật hình sự ghi nhận và quy định tại Điều 69 Bộ luật Hình sự 2015 như sau:
“Điều 69. Xóa án tích
1. Người bị kết án được xóa án tích theo quy định tại các điều từ Điều 70 đến Điều 73 của Bộ luật này.
Người được xóa án tích coi như chưa bị kết án.
2. Người bị kết án do lỗi vô ý về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng và người được miễn hình phạt không bị coi là có án tích.”
Căn cứ vào quy định trên thì xóa án tích áp dụng cho người bị kết án theo các trường hợp sau:
- Theo quy định tại Điều 70 Bộ luật Hình sự 2015 quy định như sau:
“Điều 70. Đương nhiên được xóa án tích
1. Đương nhiên được xóa án tích được áp dụng đối với người bị kết án không phải về các tội quy định tại Chương XIII và Chương XXVI của Bộ luật này khi họ đã chấp hành xong hình phạt chính, thời gian thử thách án treo hoặc hết thời hiệu thi hành bản án và đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.
2. Người bị kết án đương nhiên được xóa án tích, nếu từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách án treo, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án và không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn sau đây:
a) 01 năm trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, phạt tù nhưng được hưởng án treo;
b) 02 năm trong trong trường hợp bị phạt tù đến 05 năm;
c) 03 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 05 năm đến 15 năm;
d) 05 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 15 năm, tù chung thân hoặc tử hình nhưng đã được giảm án.
Trường hợp người bị kết án đang chấp hành hình phạt bổ sung là quản chế, cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, tước một số quyền công dân mà thời hạn phải chấp hành dài hơn thời hạn quy định tại các điểm a, b và c khoản này thì thời hạn đương nhiên được xóa án tích sẽ hết vào thời điểm người đó chấp hành xong hình phạt bổ sung.
3. Người bị kết án đương nhiên được xóa án tích, nếu từ khi hết thời hiệu thi hành bản án, người đó không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này.
4. Cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp có trách nhiệm cập nhật thông tin về tình hình án tích của người bị kết án và khi có yêu cầu thì cấp phiếu lý lịch tư pháp xác nhận không có án tích, nếu có đủ điều kiện quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều này.”
Đương nhiên được xóa án tích được áp dụng đối với người bị kết án không phải về các tội xâm phạm về an ninh quốc và các tội phá hoại hòa bình, chống phá loài người và tội phạm chiến tranh theo quy định của Pháp luật hình sự. Sau khi đã chấp hành xong hình phạt chính, thời gian thử thách án treo hoặc hết thời hiệu thi hành bản án và đáp ứng các điều kiện theo quy định thì đương nhiên sẽ được xóa án tích.
- Theo quy định tại Điều 71 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi Khoản 10 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định như sau:
“Điều 71. Xóa án tích theo quyết định của Tòa án
1. Xóa án tích theo quyết định của Tòa án được áp dụng đối với người bị kết án về một trong các tội quy định tại Chương XIII và Chương XXVI của Bộ luật này. Tòa án quyết định việc xóa án tích đối với người bị kết án căn cứ vào tính chất của tội phạm đã thực hiện, thái độ chấp hành pháp luật, thái độ lao động của người bị kết án và các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Người bị kết án được Tòa án quyết định việc xóa án tích, nếu từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách án treo, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án và không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn sau đây:
a) 01 năm trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ, phạt tù nhưng được hưởng án treo;
b) 03 năm trong trường hợp bị phạt tù đến 05 năm;
c) 05 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 05 năm đến 15 năm;
d) 07 năm trong trường hợp bị phạt tù trên 15 năm, tù chung thân hoặc tử hình nhưng đã được giảm án.
Trường hợp người bị kết án đang chấp hành hình phạt bổ sung là quản chế, cấm cư trú, tước một số quyền công dân mà thời hạn phải chấp hành dài hơn thời hạn quy định tại điểm a, điểm b khoản này thì Tòa án quyết định việc xóa án tích từ khi người đó chấp hành xong hình phạt bổ sung.
3. Người bị Tòa án bác đơn xin xóa án tích lần đầu, thì sau 01 năm kể từ ngày bị Tòa án bác đơn mới được xin xóa án tích; nếu bị bác đơn lần thứ hai trở đi, thì sau 02 năm kể từ ngày bị Tòa án bác đơn mới được xin xóa án tích.”
Xóa án tích theo quyết định của Tòa án được áp dụng đối với người bị kết án về một trong các tội xâm phạm về an ninh quốc và và các tội phá hoại hòa bình, chống phá loài người và tội phạm chiến tranh theo quy định của Pháp luật hình. Tòa án quyết định việc xóa án tích đối với người bị kết án căn cứ vào tính chất của tội phạm đã thực hiện, thái độ chấp
hành pháp luật, thái độ lao động của người bị kết án và các điều kiện theo quy định.
- Theo quy định tại Điều 72 Bộ luật Hình sự 2015 với nội dung:
“Điều 72. Xóa án tích trong trường hợp đặc biệt
Trong trường hợp người bị kết án có những biểu hiện tiến bộ rõ rệt và đã lập công, được cơ quan, tổ chức nơi người đó công tác hoặc chính quyền địa phương nơi người đó cư trú đề nghị, thì Tòa án quyết định việc xóa án tích nếu người đó đã bảo đảm được ít nhất một phần ba thời hạn quy định tại khoản 2 Điều 70 và khoản 2 Điều 71 của Bộ luật này.”
Xóa án tích trong trường hợp đặc biệt là việc người bị kết án có những biểu hiện tiến bộ rõ rệt và đã lập công, được cơ quan, tổ chức nơi người đó công tác hoặc chính quyền địa phương nơi người đó cư trú đề nghị, thì Tòa án quyết định việc xóa án tích nếu người đó đã bảo đảm được ít nhất một phần ba thời hạn theo quy định quy định. Những người được xóa án tích trong những trường hợp đã nêu thì sẽ coi như chưa bị kết án. Ngoài ra, người bị kết án do lỗi vô ý về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng và người được miễn hình phạt không bị coi là có án tích.
Đã được xóa án tích mà nay phạm tội mới thì có bị coi là tái phạm hay không?
Căn cứ theo Điều 53 Bộ luật Hình sự 2015 thì tái phạm, tái phạm nguy hiểm được hiểu như sau:
- Tái phạm là trường hợp đã bị kết án, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý hoặc thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do vô ý.
- Tái phạm nguy hiểm là trường hợp đã bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý; Hoặc đã tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý.
Như vậy, với những phân tích trên đây thì trường hợp phạm tội đã được xóa án tích và phạm tội mới theo quy định của pháp luật hình sự thì không thuộc vào trường hợp tái phạm. Vì tái phạm là trường hợp đã bị kết án, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý hoặc thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do vô ý chính vì vậy trong trường hợp đã được xóa án tích mà phạm tội mới thì không được xem là tái phạm.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục có những nội dung nào? Được áp dụng với những đối tượng nào?
- 5+ đoạn văn thể hiện cảm xúc bài thơ thuộc chủ điểm thế giới tuổi thơ hay, chọn lọc lớp 5?
- Hộ gia đình, cộng đồng dân cư vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai thì xử phạt như đối với cá nhân hay tổ chức vi phạm?
- Thông tư 29/2024 về lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất từ ngày 12/12/2024 của BTNMT thế nào?
- Bộ luật Dân sự mới nhất hiện nay quy định những gì? Áp dụng pháp luật đối với giao dịch dân sự xác lập trước ngày Bộ luật Dân sự hiện hành có hiệu lực?